Vừa qua, sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp (Thiết kế Sản phẩm) Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang đã có dịp được học tập và trải nghiệm tại xưởng gốm Song Tiến (Đồng Nai), tạo nên những đồ án sản phẩm gốm độc đáo, chất lượng.
Với định hướng đào tạo mang tính ứng dụng cao, các sản phẩm thiết kế của sinh viên Văn Lang luôn chú trọng đáp ứng yêu cầu về tính năng và thẩm mỹ. Đồ án thiết kế sản phẩm Gốm của sinh viên K24-TKSP ngành Thiết kế sản phẩm (Thiết kế công nghiệp) Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang dưới sự hướng dẫn của ThS. Thái Long Quân cùng những hỗ trợ từ nghệ nhân tại xưởng gốm Song Tiến, đã được triển khai và gặt hái nhiều sản phẩm chất lượng.
1/ Bộ hũ nến SINGULARITY – Vũ Phan Hoài Nhi
Singularity là đồ án bộ đèn xông tinh dầu được thiết kế theo phong cách tối giản hiện đại từ kiểu dáng, họa tiết đến cách lựa chọn màu sắc, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người dùng và phù hợp với nhiều không gian sống. Các đèn xông được thiết kế hoạt động dựa trên nguyên lý sử dụng nhiệt để đốt tinh dầu, khuếch tán mùi hương, mang lại bầu không khí trong lành, thư giãn và tinh khiết.
Về màu sắc, bộ sử dụng 3 màu men chính: Màu trắng mang đến cảm giác tinh khiết, giản dị; Màu xanh dương kết hợp với phần họa tiết cho thấy nét sáng tạo, trẻ trung và sự bình an; Phương án men chảy được sử dụng vừa thể hiện sự độc đáo, ấn tượng, vừa mang vẻ huyền bí, sâu lắng. Sản phẩm bộ hũ nến Singularity được thiết kế thêm bộ phận tay cầm giúp giảm sự truyền nhiệt đến tay người cầm khi nến đang được đốt. Bên cạnh đó, phần tay cầm được chạm khắc hoạ tiết trên bề mặt giúp ánh sáng có thể xuyên qua và tạo những vệt sáng chiếu lên bàn, lên tường hay hoà vào không gian.
2/ Bộ hũ gia vị SPICES – Phạm Khánh Nghi
Lấy cảm hứng từ bữa cơm gia đình truyền thống của người Việt, bộ hũ gốm đựng gia vị Spices nâng niu những hạt gia vị như cách mẹ yêu thương gia đình, nêm nếm tròn vị từng món ăn ngon. Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ và ý nghĩa tinh thần, hũ đựng bằng gốm còn giúp bảo vệ sức khỏe và hạn chế lượng rác nhựa thải ra môi trường, khắc phục nhiều hạn chế mà hũ nhựa thường dùng ngày nay mắc phải.
Bộ hũ gia vị Spices được làm bằng gốm trang trí hoa văn Trung Á, tạo điểm nhấn bởi những đường nét uốn lượn và màu sắc sặc sỡ. Khánh Nghi cho biết, trong hơn 2 tháng thực hiện, mỗi ngày trên con xe chạy từ Sài Gòn đến Đồng Nai, bạn không ngừng nghĩ về đồ án. Quãng thời gian làm đồ án với Khánh Nghi không chỉ là những trải nghiệm học tập bổ ích mà còn là những kỷ niệm khó quên khi nhận được nhiều lời động viên, sự tận tình và chân thành chỉ bảo của thầy cô hướng dẫn, của các cô chú tại xưởng gốm suốt quá trình rót gốm, phơi gốm, chọn men hay học lấy kỹ thuật tự pha màu men, quét gốm và nhiều điều khác để tạo nên thành phẩm cuối cùng. “Chỉ cần cố gắng, tập trung và nỗ lực thì những thứ chúng ta tưởng chừng không thể làm được cũng hóa dễ dàng.” – Khánh Nghi nói.
3/ Bộ cắm nến AURORA DIFFUSER – Huỳnh Thu Quyên
Đồ án bộ cắm nến Aurora Diffuser lấy cảm hứng từ sự tối giản, kết hợp cùng đặc trưng của dòng sản phẩm sẽ mang đến cảm giác thư giãn cho người sử dụng khi để hương thơm tinh dầu nhẹ nhàng lan tỏa trong không khí. Thu Quyên kết hợp những màu sắc nhẹ nhàng, tinh giản như trắng, xanh, màu men chảy để làm bật lên tinh thần, nét giản dị, sự yên bình muốn truyền tải qua tác phẩm. Mặc dù còn nhiều thiếu sót trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, nhưng Thu Quyên cho biết bản thân rất vui khi được học hỏi nhiều điều bổ ích từ các nghệ nhân ở xưởng gốm và có thêm nhiều kỉ niệm đẹp cùng bạn bè trong quá trình học tập tại Văn Lang.
4/ Bộ đèn lấy cảm hứng từ nhà rông Tây Nguyên – Thu Hà
Đèn là loại thiết bị được sử dụng phổ biến ở mọi nhà. Tùy theo nhu cầu sử dụng và hoàn cảnh của từng hộ gia đình mà có nhiều loại đèn đa dạng về chất liệu và hình dáng. Trong khi đó, nhà rông được xem như một nét kiến trúc độc đáo của buôn làng Tây Nguyên, là “trái tim” của mỗi ngôi làng. Lấy cảm hứng sáng tạo từ nhà rông Tây Nguyên, bộ đèn của sinh viên Thu Hà không chỉ đạt yêu cầu về công năng cơ bản của một bộ đèn chiếu sáng không gian mà còn cho thấy tính thẩm mỹ cao của sản phẩm khi thể hiện bằng 4 màu men chủ đạo: men cát trắng, men xanh ngọc sủi bọt, men bóng nâu đất, men xanh đồng có gợn.
5/ Ống đũa TRÚC – Lưu Bảo Ngọc
Ống đũa là vật dụng hữu ích trong việc lưu trữ những vật dụng nhà bếp như dao, muỗng, nĩa,… Ống đũa giúp giữ mọi thứ thật gọn gàng và cải thiện hiệu quả của việc nấu ăn, bày bàn ăn, giúp không gian bếp gọn gàng. Tuy chỉ là một vật dụng đơn giản, ống đũa lại sở hữu khá nhiều kiểu thiết kế, kích thước và đa dạng trong chất liệu từ thép không gỉ, nhựa, cho đến gốm.
Đồ án ống đũa Trúc của Bảo Ngọc lấy hình tượng rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Hình ảnh ống trúc vừa xinh xắn, vừa thân thiết khơi gợi cảm giác gần gũi như bữa cơm của mẹ. Thân trúc thẳng, màu xanh lá nhạt khi đưa vào trong thiết kế cũng tạo nên cảm giác thiên nhiên, tươi mới. Bên cạnh sản phẩm chính là ống đũa, bộ đồ án còn có thêm hai chậu cây nhỏ nhằm trang trí cho không gian bếp.
————————-
Đối với các bạn sinh viên K24-TKSP ngành Thiết kế Sản phẩm (Thiết kế Công nghiệp) Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang, 2 tháng trải nghiệm từ giai đoạn lên ý tưởng đến quá trình tự tay nhào nặn sản phẩm đã đem đến cho em nhiều bài học và kỉ niệm khó quên. Sinh viên Thu Hà chia sẻ, mọi người phải trải qua rất nhiều khó khăn như công đoạn khắc và khoét họa tiết chưa thành thục, cao lanh vỡ, quét men không đều màu, thậm chí làm vỡ mẫu… Tuy nhiên, vượt lên tất cả, những bài học mà Thu Hà cùng các bạn nhận được là vô giá. Tháng ngày học tập và làm việc tại xưởng đã tôi luyện cho các bạn sự tỉ mỉ và tính cẩn thận trong công việc, những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để phát triển cho công việc tương lai. Hơn thế nữa, những gói mì bẻ nửa, hộp cơm của mẹ là của chung, chiếc mền cùng đắp… càng là những hình ảnh đi sâu lòng mỗi bạn sinh viên ngành Thiết kế Sản phẩm khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang, để mỗi con người nơi đây lại càng thêm yêu nhau hơn, yêu trường lớp hơn và cảm nhận rõ hơn tình yêu của mình đối với vẻ đẹp của nghề truyền thống dân tộc.
Trong năm học vừa qua, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang đã thực hiện ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị giáo dục đào tạo uy tín trong và ngoài nước, tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên Khoa Mỹ thuật và Thiết kế nói chung và ngành Thiết kế Công nghiệp nói riêng được trải nghiệm thực tế tại các đơn vị sản xuất, làng nghề thủ công, bồi đắp thêm kiến thức và kỹ năng chuyên môn để hoàn thiện sản phẩm cách tối ưu nhất.
Xem thêm Trường Đại học Văn Lang và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai ký thỏa thuận hợp tác.
Uyên Nguyễn