(TT. Thông tin – Văn Lang, 23/3/2016) – Sáng 18/3/2016, Khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường tổ chức buổi gặp mặt, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa cựu sinh viên với sinh viên năm ba, năm tư, chủ đề “Nhận thức của tân kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường với công việc trong tương lai”, tại phòng 203A, Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Chọn lựa công việc như nhìn ngắm một bức tranh
Đó là lời ví von của chị Nguyễn Nữ Như Quỳnh, tốt nghiệp năm 2000, hiện là Giám đốc Công ty Tư vấn kỹ thuật TMDV Kỷ Nguyên. Thị trường nhân lực cho thấy, với văn bằng Kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, các bạn có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí khác nhau như tư vấn, thiết kế, thi công, vận hành, chuyên viên nghiên cứu, chuyên viên thẩm định dự án, … Hãy soi chiếu vào từng mảng công việc ấy để thấy mình thích và phù hợp với vị trí nào. Nhưng nếu xem tranh mà chỉ nhìn vào chi tiết thì sẽ không nhận ra được vẻ đẹp tổng thể. Do đó, sau khi nhìn chi tiết, hãy lùi một bước để xem toàn bộ bức tranh, để đoán định mình đang đứng đâu và sẽ bước tiếp như thế nào.

Lâm Tuấn Phú, tốt nghiệp năm 2011, Giám đốc kinh doanh
Công ty TNHH xử lý chất thải công nghiệp và tư vấn môi trường Văn Lang
Tư vấn thiết kế bao gồm những công việc cụ thể như: lấy yêu cầu; khảo sát, thu thập thông tin (mặt bằng, công suất, thành phần chất thải, quy trình sản xuất, nguồn xả đầu ra,…); phân tích dữ liệu; tính toán, thiết kế kiến trúc; dự toán, báo giá; thiết kế chi tiết thi công (có khi tập bản vẽ gồm 500 – 1000 tờ A2, A3); phác thảo được tiến độ thi công và quá trình vận hành. Các bạn được học về vẽ kỹ thuật, vẽ họa hình. Đây là những kiến thức cần thiết để phục vụ cho công việc tư vấn thiết kế, nó đáp ứng 60% – 70% yêu cầu đặt ra. Muốn làm tốt mảng việc này, bạn cần rèn luyện nhiều hơn nữa kỹ năng vẽ, tư duy tính toán và cách sử dụng các phần mềm thiết kế.
Tôn Thất Minh Nhật, tốt nghiệp năm 2001, Phó Giám đốc
Công ty TNHH công nghệ môi trường & quản lý chất lượng Cẩm Tâm
Tư vấn môi trường là công việc mang tính chất “trung gian” giữa nhà đầu tư với cơ quan Nhà nước. Vì vậy, làm ở vị trí tư vấn môi trường, các bạn sẽ chịu áp lực từ cả chủ đầu tư lẫn các cơ quan Nhà nước. Công việc này sẽ bắt đầu khi chủ đầu tư manh nha phát triển, hay đang xây dựng, vận hành một dự án. Trong vô số công việc chuẩn bị để thành lập dự án thì có việc đánh giá tác động môi trường ĐTM. Đây là điều kiện để dự án được cấp phép xây dựng. Trong quá trình xây dựng dự án, tư vấn môi trường là người làm báo cáo giám sát, báo cáo vận hành thử nghiệm, báo cáo hoàn thành các thủ tục môi trường cho chủ đầu tư. Khi đi vào hoạt động, tư vấn môi trường sẽ đảm nhận báo cáo giám sát định kỳ, báo cáo tình hình quản lý chất thải gây hại cho công trình. Môn học ĐTM trong chương trình đào tạo sẽ giúp bạn làm được công việc này. Ngoài ra, các bạn phải capaj nhật các văn bản pháp luật hiện hành, hiểu biết về công nghệ để tư vấn cho chủ đầu tư giải pháp tối ưu cho những phát sinh môi trường liên quan đến dự án. Điều quan trọng đối với người làm tư vấn môi trường là tinh thần trách nhiệm: vừa phải đánh giá đúng luật, vừa phải đảm bảo quyền lợi cho chủ đầu tư.
Phạm Thị Tuyết Nhung, tốt nghiệp năm 2009,
Trưởng phòng Tư vấn, Trung tâm CN & QL Môi trường ETM

Đặng Thị Huyền Châu, tốt nghiệp năm 2011,
tốt nghiệp Thạc sĩ Môi trường ở Đức
Thẩm định dự án là vị trí mà bạn có thể hướng đến khi mong muốn tìm kiếm một công việc trong cơ quan Nhà nước. Để trở thành chuyên viên tại Sở Tài nguyên Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, anh chị đã thi công chức và trúng tuyển. Các bạn sẽ mất thời gian khoảng 6 tháng để chuẩn bị hồ sơ, nộp, ôn thi và thi công chức. Sau khi trúng tuyển, các bạn sẽ có 6 tháng tập sự, 1 năm hợp đồng lao động sau đó mới được ký hợp đồng làm việc không thời hạn. Khác với suy nghĩ của nhiều người, công việc ở Sở không hề nhẹ nhàng. Ở vị trí chuyên viên thẩm định dự án, anh chị phải đi công tác ở ngoài rất nhiều, có lúc 1 tuần đến 4 ngày đi thực trạng. Các bạn sẽ thấy kiến thức học được hầu hết đều được sử dụng vào công việc này. Vì vậy, các bạn hãy từ bỏ suy nghĩ học đủ điểm cho qua, hãy học với tinh thần học để làm. Khi mới vào, anh chị được giao cho một chồng văn bản pháp luật, ngồi đọc dự án và thẩm định thử. Những người làm trái ngành có thể mất 2 – 3 tháng mới được giao thẩm định dự án còn những người tốt nghiệp đúng chuyên ngành như mình thì chỉ cần 2 tuần là được giao việc chính thức. Các bạn sẽ phải xem xét, đối chiếu để nhận định quy trình công nghệ trình bày trên văn bản và bản vẽ (về mạng lưới cấp nước, mạng lưới thoát nước, hệ thống nước trong nhà, công nghệ xử lý nước thải,…), bản vẽ và thực tế công trình…
Nguyễn Thị Hồng Ngọc, tốt nghiệp năm 2014, chuyên viên
Phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường Tp. HCM
Đoàn Quang Minh, tốt nghiệp năm 2013, chuyên viên
Quỹ Bảo vệ Môi trường Tp. HCM
Nhân viên kinh doanh có lẽ là ngã rẽ nghề nghiệp ít ai nghĩ đến khi theo học Môi trường. Chị đã chọn làm sale cho Công ty TNHH Kỹ thuật Thương mại Nam Hưng Phú, chuyên về thiết bị vi sinh môi trường, vừa sử dụng được kiến thức ngành học vừa thỏa mãn sở thích cá nhân. Mọi người có thể nghĩ vị trí này trái với ngành được đào tạo. Nhưng đối với chị thì không hẳn vậy. Tuy công việc là về thương mại nhưng điều kiện tiên quyết để ứng tuyển vào là bạn phải có văn bằng kỹ sư môi trường. Phải có kiến thức về vi sinh môi trường, xử lý nước thải mới có thể bán được sản phẩm. Người làm sale không chỉ là người giới thiệu sản phẩm mà trước tiên, cần là người tư vấn. Gặp khách hàng, đi công trình, tìm hiểu và đoán biết họ đang gặp vấn đề môi trường nào, có thể sử dụng giải pháp nào thì sau đó mới giới thiệu sản phẩm phù hợp và thuyết phục khách hàng mua. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các bạn cần rèn luyện thêm một số kỹ năng mềm như giao tiếp, làm báo cáo bằng word và excel nếu muốn thử sức với công việc này.
Trần Thị Huyền Trang, tốt nghiệp năm 2015, freelancer
Làm việc là “trả phí” đào tạo cho nhà tuyển dụng
Trong buổi gặp mặt, một số cựu sinh viên đã đi làm hơn chục năm, số ít khác thì mới đi làm từ 6 tháng đến 2, 3 năm. Dù vậy, trải nghiệm làm việc đã cho họ những cảm nhận khá giống nhau và có phần “lạ” với suy nghĩ của các bạn sinh viên.
Kinh nghiệm làm việc phải được tích lũy từ thời sinh viên. Không ít bạn tốt nghiệp và cảm thấy khó khăn khi tìm việc vì yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp về số năm kinh nghiệm. Theo tư vấn của các anh chị, ngay từ năm 3, khi đã học một số môn chuyên ngành, các bạn có thể chuẩn bị một đôi giày, một áo phát quang, một nón bảo hộ và liên hệ với các anh chị cựu sinh viên. Các bạn sẽ được tạo điều kiện để “lăn lê” ở các công trình khác nhau. Các bạn cũng có thể xin theo Thầy Cô thực hiện các dự án; Thầy Cô “kêu đâu” thì “đánh đó”. Làm và học cùng các anh chị, các Thầy Cô, các bạn sẽ được hướng dẫn những điều nhỏ nhất như cách nói chuyện, viết lách, trình bày, sắp xếp dữ liệu, làm báo cáo, phân tích mẫu, quan sát mặt bằng, khảo sát thực trạng,… Đi nhiều, làm nhiều, các bạn sẽ dần giỏi lên. Khi tốt nghiệp, các bạn có thể chắc chắn mình đã có 1 – 2 năm kinh nghiệm.
Thái độ là yếu tố các bạn còn thiếu chứ không phải kiến thức, kỹ năng. Một số bạn khi nộp hồ sơ ứng tuyển khá tự tin với bảng CV đẹp; nghĩ rằng bằng cấp như vậy thì mình phải yêu cầu mức lương tương xứng; chưa có thái độ khiêm tốn. Riêng trong lĩnh vực môi trường thì không. Lĩnh vực này cần nhiều kinh nghiệm thực tế. Do đó, các bạn cần ý thức rằng đi làm cũng là đi học, lương chưa cao vì các bạn cũng cần trả phí đào tạo cho doanh nghiệp. Một khi các bạn tích lũy đủ kinh nghiệm, cứng tay về kỹ thuật thì doanh nghiệp tự tìm cách “giữ” bạn làm việc cho mình bằng cách trả lương tương xứng. Và nếu đủ năng lực, các bạn sẽ được quyền lựa chọn vị trí công việc, chỗ làm chứ không hẳn chỉ là có việc làm. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy nhiều bạn khi mới đi làm sợ làm sai, sợ bị đánh giá năng lực vì vậy mà ngại nhận việc khó, ngại nhận lỗi và nhường việc cho người khác làm. Có làm mới biết, mới hiểu và người quản lý luôn ý thức đào tạo các bạn nên sẽ không “bắt lỗi” mà phủ định hoàn toàn khả năng của các bạn. Các bạn cũng cần có thái độ “chấp nhận” công việc. Khi đi làm, các bạn sẽ cảm nhận rõ ràng mình “khác người”: gắn với những bộ quần áo bảo hộ lao động nhiều hơn là quần áo thanh lịch; mang găng tay, đeo khẩu trang, mùi chất thải bám thường xuyên nên trang điểm cũng chẳng để ai nhìn, nước hoa cũng không lấn nổi mùi đặc trưng; sẵn sàng nhặt rác, lấy nước thải ở các bãi tập kết chất thải như săn tìm vàng;…
Tại buổi trao đổi, các anh chị cựu sinh viên chia sẻ với nhau niềm vui chung, và cũng là động lực cho đàn em phấn đấu, là dù làm việc ở mảng nào, ở địa phương nào cũng gặp nhiều “người quen” – là cựu sinh viên Môi trường Văn Lang.
Minh An