(TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 01/9/2015) – Một tuần nữa, thời hạn của đợt 1 xét tuyển NVBS sẽ kết thúc. Đăng ký xét tuyển cùng lúc vào 3 trường với tối đa 4 ngành/trường – Đây là chính sách tuyển sinh mang lại nhiều cơ hội trúng tuyển NVBS hơn cho thí sinh trong việc chọn ngành, chọn trường lần thứ hai. Đối với các trường, tình trạng thí sinh ảo là điều đáng lo. Còn đối với thí sinh, từ bây giờ, các bạn nên chuẩn bị cho mối bận tâm rất gần: lựa chọn như thế nào khi may mắn trúng tuyển NVBS ở cả 3 trường?
Trong bất kỳ bài toán tuyển sinh nào, chúng ta cũng phải ưu tiên cho dữ liệu ngành nghề. Nước đi đầu tiên trên bàn cờ này cũng vậy. Hãy lựa chọn con đường của chính mình chắc chắn hơn bằng cách đặt ra những câu hỏi thực tế hơn về ngành học. Không đơn giản là “Mình có thích ngành học này không?” mà phải cụ thể hóa “Tại sao mình chọn học ngành này? Liệu tính cách, sở trường của mình có phù hợp với yêu cầu phẩm chất, kỹ năng của ngành học không? Tốt nghiệp ngành học này mình sẽ làm việc ở vị trí nào?…”.
Khi bạn có thể mô tả chắc chắn về những gì mình sẽ học, sẽ làm và cảm thấy mình có khả năng học tốt, làm tốt thì sự phân vân về ngành nghề sẽ không còn nữa. Bạn sẽ không phải cân nhắc nhiều nếu chỉ có một trong số ba trường bạn trúng tuyển là đúng ngành mà bạn mong muốn. Nhưng nếu cả 3 mũi tên bạn bắn đi đều đến đích cuối cùng là ngành học bạn mong muốn ở 3 trường khác nhau; hãy xem xét dữ liệu tiếp theo để giải bài toán này: thông tin về trường.
Với mỗi ngành đào tạo, Văn Lang đều cho bạn những gợi ý cụ thể về cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.
Ở bậc Đại học, lựa chọn của bạn về trường lớp cần mang tính thực tế và dựa trên sự hiểu biết lý trí nhiều hơn. Tại sao cả ba trường đều đào tạo ngành học đó mà bạn lại chọn trường này, không phải hai trường còn lại? Tự trả lờimột số câu hỏi sau, bạn sẽ có thêm cơ sở để quyết định môi trường mà mình sẽ phát triển trong thời gian tới:
Chương trình đào tạo ngành học này ở ba trường khác nhau như thế nào? – Sự khác biệt, nổi bật của chương trình đào tạo sẽ tạo nên ưu thế cạnh tranh cho bạn sau khi ra trường. Liên ngành hay tích hợp ngành nghề, chương trình đào tạo chú trọng thực hành kỹ năng nghề nghiệp là xu hướng thường thấy hiện nay để sinh viên tốt nghiệp dễ tìm việc, đa năng hơn.
Mục đích đào tạo ngành học ở trường nào phù hợp với phương hướng nghề nghiệp mong muốn của bạn trong tương lai? – Tuy tên ngành học là giống nhau nhưng ngoài một phần khối lượng giảng dạy theo chương trình khung do Bộ GD & ĐT quy định, mỗi trường lại thiết kế phần khối lượng đào tạo còn lại theo những định hướng nghề nghiệp khác nhau trong lĩnh vực đó, đáp ứng yêu cầu những phân khúc thị trường lao động khác nhau trong cùng một lĩnh vực. Lĩnh vực học tập chỉ thực sự giúp bạn chiếm một vị trí trên thị trường nhân lực khi trường bạn theo học có khả năng cung cấp cho bạn kiến thức, kỹ năng và giáo dục bạn thái độ học tập, phát triển mà xã hội cần.
Bạn đã có thông tin công khai về cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, kết quả khảo sát việc làm của các trường mà bạn quan tâm chưa? Bạn có thể biết thông tin về chất lượng đào tạo của trường thông qua mạng lưới cựu sinh viên của trường, thông qua đánh giá của doanh nghiệp không? – Bạn cần biết trên thực tế môi trường học tập, sinh hoạt mà bạn sẽ được thụ hưởng trong những năm tới? Đây là những yếu tố có thể quan sát từ những kênh khác nhau: hình ảnh ngôi trường do chính trường đó vẽ ra, hình ảnh ngôi trường trong mắt những thành viên của ngôi trường đó, hình ảnh ngôi trường thông qua uy tín được xã hội ghi nhận.
Chính những yếu tố này là cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo mà bạn sẽ được tiếp nhận. Chăm chỉ học tập, nỗ lực làm việc là yếu tố quyết định cho sự thành công của bạn; dù vậy, môi trường học tập, rèn luyện là điều kiện để thúc đẩy bạn tích lũy kiến thức, phát triển kỹ năng và qua đó tập trung tạo nên ưu thế cạnh tranh, giúp bạn hoàn thành mục tiêu học tập, sớm đáp ứng yêu cầu thị trường, tìm được việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Quyết định lựa chọn ngành nghề, trường học khi đăng ký xét tuyển đại học là cơ sở ảnh hưởng đến giá trị giáo dục mà bạn nhận được sau này. Hãy cân nhắc kỹ càng vì đây không chỉ là sự đầu tư của cá nhân bạn mà còn là sự đầu tư của gia đình bạn cho tương lai.
Minh An