(TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 27/6/2016) – Lễ Tốt nghiệp tháng 6/2016 ghi nhận sự trưởng thành sau 4 năm học tập, rèn luyện của tân khoa; tri ân sự chăm sóc của gia đình; nhìn lại kết quả đào tạo của Nhà trường. Dưới đây là chia sẻ của bạn Lê Đức Anh Thư – thủ khoa ngành Kinh doanh Thương mại – trong buổi Lễ Tốt nghiệp sáng 25/6/2016; lời cảm ơn chân thành, sâu sắc gửi đến gia đình các tân khoa.
Vào một ngày trọng đại như hôm nay, em xin phép xếp lại bài ca về trường lớp, thầy cô, bạn bè để nói lên lòng biết ơn đối với những bậc cha mẹ đã lặng lẽ hy sinh suốt bao năm để hôm nay được hân hoan trong niềm vui của con mình. Em muốn kể về ba mẹ mình và em tin rằng, các bạn cũng sẽ nhớ lại hình ảnh ba mẹ của mỗi người. Vì dù cách thể hiện khác nhau nhưng tình thương yêu của ba mẹ dành cho con luôn bao la như vậy.
Lê Đức Anh Thư rạng rỡ giữa vòng tay yêu thương của ba mẹ trong ngày tốt nghiệp, sáng 25/6/2016.
Tài chính của gia đình em không mấy dư dả. Cuộc sống hiện tại có khấm khá là nhờ ba mẹ chắt chiu dành dụm từng ngày. Bữa ăn có thể thiếu món, đồ dùng trong gia đình có thể ít đi, nhưng những việc liên quan đến quá trình học tập hay sinh hoạt của em thì không thiếu hụt bất cứ thứ gì. Em lớn lên trong sự yêu thương vô bờ nên vô lo, vô nghĩ. Còn ba mẹ ngày một già đi và ốm hơn. Dù cuộc sống không sung túc, gia đình em vẫn hạnh phúc. Những tưởng mọi thứ cứ êm đềm qua đi như thế, nhưng vào năm em học lớp 12, công ty ba gặp biến cố, ba mất việc, áp lực về tài chính càng lớn hơn khi em sắp vào đại học. Chính vì điều này mà kế hoạch cho cuộc sống sinh viên của em có chút thay đổi. Thay vì tìm một nhà trọ gần trường, em đăng ký vào ở ký túc xá để tiết kiệm chi phí. Quãng thời gian gắn bó với ký túc khiến cho cuộc sống sinh viên của em thêm tròn trịa và đẹp đẽ. Những con người xa quê gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Có cãi vã, có gây gổ, có cả giận hờn nhưng rồi tất cả lại quan tama, yêu thương nhau. Tình hình tài chính khó khăn là thế mà ba mẹ vẫn lạc quan, dặn em đừng lo lắng gì cả.
Tìm một việc làm mới thật khó cho người đã ngoài 50 như ba. Chắc ba không biết rằng, trong những ngày ba rong ruổi trên khắp đường phố để tìm việc, con đã vô tình bắt gặp ba giữa trưa nắng gắt. Rồi ba cũng tìm được việc. Việc vất vả. Việc đòi hỏi phải dốc hết sức lực. Ngày nào ba về áo cũng đẫm mồ hôi, bụi đen kín mặt, áo ba ám đầy dầu cơ khí, loang lổ vết dơ. Con vẫn nhớ những tuần đầu ba xuống sức thế nào, khói bụi và thời tiết oi ả đã hành ba ra sao. Mẹ xót xa khuyên ba nghỉ nhưng ba vẫn nhất quyết đi làm. Tám tiếng một ngày vẫn chưa đủ, ba còn tăng ca. Suốt nhiều năm tháng, ba cần mẫn với công việc, tiết kiệm cho gia đình. Việc mới chưa quen thì ba tìm tòi, tự học hỏi lấy. Sáng sáng ba lại mở những câu đàm thoại tiếng Anh lên nghe khiến con thức giấc, nhưng rồi con cũng tự thấy vui tai đến lạ lùng. Ở ba là ý chí học tập không ngừng. Ba đã âm thầm dạy con theo cách đó.
Mẹ em cũng đã ngoài 50, ngày ngày vẫn cặm cụi với máy may. Mẹ muốn đứa con gái duy nhất tránh thói ỷ lại thường thấy ở những đứa con một nên mẹ tập cho con biết làm tất cả ngay khi còn nhỏ, nhưng phần nặng nhọc mẹ vẫn gánh một mình. Mẹ thường xoa tay con, sợ con có vết chai sạn. Mẹ nhắc con mang dép riêng trong nhà để không bị nứt nẻ giống mẹ. Mẹ tự ti vì những vết tàn nhang trên gương mặt mình, nhưng mẹ biết không, chính đôi bàn tay, đôi bàn chân không hoàn hảo ấy khiến con càng thêm yêu và tự hào. Những đốm tàn nhang càng đẹp hơn vì nó là minh chứng cho một thời tuổi trẻ cơ cực nhưng vẫn lạc quan và phấn đấu của mẹ. Tuổi thanh xuân của mẹ vùi trong khó khăn nhưng luôn mọc lên những mầm xanh yêu đời và hy vọng. Mẹ can trường vượt qua những lần bệnh tái phát. Với con, mẹ nhỏ bé nhưng kiên cường, độc lập và mạnh mẽ hơn bất cứ ai. Những tháng hàng nhiều, mẹ loay hoay hàng đêm. Lưng mẹ mỏi, tay mẹ đau, tai mẹ nghe không rõ, những điều đó khiến con thật ghét cái nghề của mẹ. Nhưng làm sao đây khi chính cái nghề ấy tạo điều kiện để mẹ nuôi con lớn khôn? Mẹ chỉ con cách sống yêu thương và chan hòa, cách đi qua giông bão bằng lòng tin yêu cuộc sống.
Con thích tham gia các hoạt động câu lạc bộ, Đoàn Hội. Nhiều lúc phong trào đòi hỏi con phải chạy cả ngày và trở về khi đêm đã khuya. Mẹ xót và lo lắng nhưng không ngăn cản. Mẹ luôn tin tưởng và tôn trọng sự lựa chọn của con. Vì mẹ biết có những kỹ năng con sẽ không hoàn thiện được nếu chỉ mãi vùi đầu học, mẹ hiểu rằng con cần những hoạt động ngoại khóa để va chạm và trưởng thành. Từ đây, con học được cách tổ chức, làm việc với mọi người và quản lý thời gian để cân bằng mọi thứ.
Câu chuyện của Anh Thư khiến nhiều tân khoa cùng có mặt trong Hội trường sáng 25/6/2016 xúc động. Mẹ của bạn cũng không cầm được nước mắt.
Em không thể kể hết về ba mẹ mình chỉ bằng một câu chuyện. Nhưng em tin chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để các bạn ở đây đồng cảm với những hy sinh lặng thầm của ba mẹ. Trong cuộc vui của mình, con thường ít nghĩ về ba mẹ; nhưng trong niềm vui của ba mẹ, chắc chắn sẽ có sự hiện diện của con. Và chiếc áo cử nhân hôm nay là món quà con muốn dành tặng ba mẹ từ lòng biết ơn vô hạn. Ngàn lời cảm ơn chẳng thể nào đủ cho những điều ba mẹ đã dành cho con. Em cũng xin đại diện tất cả các bạn tân khoa gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến bậc sinh thành, những người đã âm thầm hy sinh một đời đằng sau vinh quang của chúng con.
Em xin kính chúc sức khỏe Quý thầy cô, Quý phụ huynh cùng toàn thể các bạn tân cử nhân. Chúc các bạn tự tin vững bước trên con đường của riêng mình.
Lê Đức Anh Thư