Phan Rang không chỉ có Tháp Chàm

(TT. Thông tin – Văn Lang, 17/01/2015) – Vào học kỳ 3, sinh viên ngành Quan hệ Công chúng Trường ĐH Văn Lang học chuyên đề “Các thể loại báo chí”. Đối với nhiều SV, thành quả của môn học này là những tác phẩm báo chí đầu tay – cuộc chạm ngõ giúp SV cảm nhận thực tế nghề nghiệp.

TT. Thông tin giới thiệu một số phóng sự mà SV Quan hệ Công chúng (PR) đã thực hiện trong học kỳ vừa qua. Phóng sự sau đây của Nguyễn Đình Thức, sinh viên ngành Quan hệ Công chúng.

Mùa hè 2014, tôi đặt chân đến một thành phố lạ mà người ta nói là “nắng như Phan, gió như Rang”. Nghe là biết thời tiết ở đây khắc nghiệt như thế nào. Nhưng có một sự lạ: dù nắng chói chang oi bức thế, song hình như bà mẹ thiên nhiên muốn bù đắp cho Phan Rang những tặng phẩm khác để thiên nhiên nơi đây có sức hấp dẫn riêng.

Biển và núi 

DH van lang phan rang khong chi co thap cham 01Nếu bạn nghĩ Phan Rang chỉ có Tháp Chàm (di tích nổi tiếng của văn hóa Chăm), thì bạn lầm. Phan Rang còn có một bãi biển đẹp trong xanh còn hoang sơ, và có ngọn núi gọi là “Núi Chúa” kỳ vĩ, đầy “chất phượt”.

Núi Chúa, bây giờ là trung tâm của Vườn quốc gia Phan Rang. Tên gọi của những ngọn núi ở đây có vẻ giản đơn: núi Chúa Anh ở giữa và 3 núi Chúa Em xung quanh. Đỉnh cao nhất Chúa Anh cách mặt biển 1.039,72 m. Nhiệt độ nơi đây thường thấp hơn nhiệt độ ở bãi biển khoảng trên dưới 20 độ.

Chúng tôi trèo lên núi theo những con đường mòn. Tại đây, thật ngạc nhiên là giữa nơi nóng nực nhất Việt Nam lại có nhiều dạng cây rừng. Dưới thấp là cây rừng nhiệt đới chịu khô hạn. Lên cao thì có rừng lá kim với các loại cây kim giao, hoàng đàn, thanh tùng, thông tre…, và rất nhiều lan rừng.

Ngày lên rừng, xế chiều chúng tôi xuống biển. Biển cũng là quà tặng của bà mẹ thiên nhiên muốn bù lại cho xứ sở nắng nóng này. Lặn xuống nước, sẽ thấy những bãi san hô. Hình thù kỳ lạ của bãi biển này được tạo thành bởi san hô. Có lẽ vì thế mà đi dọc quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, chỉ nơi đây tôi mới thấy người ta bày bán la liệt những “giò” san hô ngay lề đường. Biển ở đây ấm áp, bãi cát trải dài chứ không quanh co, gấp khúc; nguồn tôm cá dồi dào, chắc vậy nên mọc lên nhiều “lò” nước mắm.

DH van lang phan rang khong chi co thap cham 02Phan Rang với biển và núi – đó là sự hùng vĩ bao quanh và chiếm một mảng lớn trên bản đồ của thành phố này. Nếu đi xe hơi hay “phượt” trên xe máy, sẽ thấy biển và núi nơi đây thật kỳ vĩ. Nhất là khi bạn phải giảm tốc độ xe để qua những đoạn đường quanh co, hay “lượn” theo những con dốc vòng vèo ấn tượng. Đôi lúc bạn có thể dừng xe để bắt lấy một góc chụp ảnh nghệ thuật. Ngoài dãy núi Chúa, chúng tôi còn đi quanh vài ngọn đồi ven quốc lộ. Nhìn xa “rừng” có màu xanh xanh, lại gần thì chao, rừng mà sao toàn là xương rồng. Ở những ngọn đồi thấp, nơi khí hậu nắng nóng quanh năm, chỉ có loài cây này tồn tại dẻo dai, bền bỉ. Cứ như là con người của vùng đất này vậy.
Ảnh: Đình Thức – SV năm 2 ngành PR và chuyến đi thực tế Phan Rang – Ninh Thuận.


Trở về làng nghề truyền thống

Giữa thiên nhiên nắng nóng và gió mạnh này, là Tháp Chàm, là những làng nghề truyền thống lâu đời vẫn tồn tại.

DH van lang phan rang khong chi co thap cham 03Tháp Chàm là một kiến trúc độc đáo của người Chăm ở Ninh Thuận. Hiện nay, tỉnh còn ba tháp cổ, là tháp Pôklông Garai, tháp Hòa Lai, tháp Pôrômê được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Các ngọn tháp nơi đây vẫn là điều bí ẩn đối với kiến trúc đương đại. Khi chúng tôi đến tháp Pôklông Garai, quang cảnh xung quanh tháp trầm mặc, yên ả, không tấp nập như những tháp chàm ở Nha Trang, Phan Thiết. Hỏi chuyện thì biết hôm nay là ngày bình thường ít người tham quan lắm, nhưng tới lễ thì đông. Không khí những ngày lễ, ngày hội của người Chăm được ghi lại bằng hình ảnh, trưng bày trong khu triển lãm bên trong tháp. Có thể từ đây mà mơ màng hình dung về một thời cổ xưa ngập tràn không khí lễ hội của đất nước Chăm pa.
Ảnh Tháp Pôklong Garai và khu bảo tồn văn hoá Chăm dưới chân Tháp.

Rời Tháp Chàm, chúng tôi đến làng gốm Bầu Trúc, cách thị xã Phan Rang 10km về hướng Nam, một làng nghề tiêu biểu và lâu đời của người Chăm. Đây là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, chỉ có hơn 400 hộ sinh sống, trong đó 85% dân làng sống bằng nghề làm gốm. Tôi may mắn gặp được một nghệ nhân trẻ của làng, được nghe anh nói về quá trình hình thành và phát triển của nghề gốm. Điều đặc biệt của nghề gốm này là tất cả đều làm từ đất sét tự nhiên, các công đoạn nặn, tạo kiểu dáng, vẽ hoa văn đến màu sắc làm bằng tay và dụng cụ thô sơ. Trong  gian phòng đơn giản chỉ có một góc để đất sét và một bàn xoay nhỏ để thợ làm nghề. Chỉ có các “bàn tay vàng” đã làm ra bao đồ gốm tinh xảo. Ở đó tôi cũng tự tay làm thử một bình gốm, thử tạo hình gốm trên bàn xoay, và trang trí chiếc bình với những mảnh vỏ sò, đầu nắp bút bi… Không đẹp lắm, chắc chắn rồi, nhưng tôi rất vui vì lần đầu tiên được học nghề.

Khi rời xưởng gốm, một cơn mưa giữa mùa hè ập xuống, làm tan đi cái oi bức của vùng đất. Trên con lộ thẳng tắp, một chiếc tàu lửa Bắc Nam vùn vụt băng qua. Giữa vùng ruộng rộng lớn đang yên ả, một con tàu với những hồi còi hú dài lập tức làm bức tranh vùng quê như bừng lên khí sắc mới…

Bánh căn Phan Rang                       

DH van lang phan rang khong chi co thap cham 04Khí hậu được ban tặng cho Phan Rang là một thử thách với con người. Nóng buổi sáng. Oi bức buổi trưa. Buổi tối cũng không hết nóng. Không một chút gió nên biển lặng, không nghe được tiếng sóng rì rào. Dường như không gian chỉ còn tiếng ve kêu inh ỏi. Chúng tôi đến gian hàng bánh căn, một món ăn đặc sản của vùng đất. Món bánh căn hơi giống bánh bèo ở các tỉnh miền Trung. Tại sao gọi là bánh căn? Nếu dựa vào hình dáng của nó phải gọi là bánh căng mới đúng, vì khi bánh chín trông cứ căng phồng lên. Bánh ăn thấy dẻo và thơm. Thêm một ít mực, thịt hay tép quyện với một ít nước mắm đặc biệt, tạo nên hương vị khó quên.

Hàng bánh căn bình dân đơn giản với hai chiếc bàn dài, vài chiếc ghế gỗ. Ấn tượng nhất là hai lò đổ bánh căn, mỗi lò khoảng 9 khuôn bánh với nét đắp tay, màu gốm thoáng nhìn có thể nhận ra được làm nên từ làng gốm Bàu Trúc. Cái hay là dù bánh căn hiện diện khắp các tỉnh thành, kể cả ở thành phố Hồ Chí Minh (với quán bánh căn 38 nổi tiếng đặt ở quận Phú Nhuận), nhưng nếu không được nướng chín trong những lò bằng gốm của làng này thì không thể có được hương thơm, độ nở, cái cháy sém đặc trưng rất Phan Rang.

 ***

Tạm biệt thành phố Tháp Chàm. Nhưng dư âm còn đọng trong lòng tôi. Tôi thực sự ấn tượng với tháp Chàm và biết bao điều nơi đây. Biển và núi là thiên tạo. Còn tháp Chàm và làng Gốm? Chỉ từ đất sét mà con người nơi đây tạo ra biết bao kiệt tác. Họ cần mẫn và tài hoa. Họ xuống biển bắt tôm bắt cá để chế ra thương hiệu mắm Phan Rang. Họ siêng năng trên những vạt ruộng, mảnh vườn để chế ra những món ăn dân giã mà đậm đà, ý nhị, mang hồn cốt xứ xở. 

Ngày cuối, trước khi tạm biệt Phan Rang, chúng tôi đi ngang những vườn táo, vườn nho. Màu xanh vườn ở đây cũng mỏng mảnh nhạt nhòa hơn những nơi khác vì khí hậu khắc nghiệt. Nhưng nhìn những người nông dân đang cặm cụi làm việc ngước lên cười với chúng tôi đó, họ quả là những người “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” để phủ xanh mảnh đất dư nắng thừa gió này.

Nguyễn Đình Thức
Năm 2, ngành Quan hệ Công chúng

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan