Workshop ngành Kiến trúc Hành trình đi tìm “Giấc mơ Phú Xuân”

(TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 26/5/2015) – Dự án Phú Xuân Community Co-Design là dự án phát triển cộng đồng do Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore khởi xướng từ tháng 9/2014. Thông qua chuỗi workshop, các thành viên dự án sẽ thăm dò nhu cầu người dân và thiết kế, xây dựng các công trình công cộng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, Tp. HCM. Sinh viên ngành Kiến trúc, trường Đại học Văn Lang đã theo dự án từ những ngày đầu. Với các bạn, mỗi đợt workshop là một lần cảm nhận rằng những gì mình làm sẽ tác động đến rất nhiều cuộc đời.


______
  Tôi đã không tin vào dự án này cho đến khi hòa mình cùng bọn trẻ con nơi đây, hiểu rằng chúng thật sự cần một sân chơi để thỏa sức sáng tạo, thỏa sức nô đùa nhảy nhót. Tôi đã gần như không tin vào mắt mình khi tấm banner hoàn thành, cũng là lúc niềm tin của tôi càng được nhân lên. Tin rằng chúng tôi sẽ làm một sân chơi, hay chỉ đơn giản là tổ chức các trò chơi cho trẻ em. Và đó là lúc mà giữa tôi và các em có một sợi dây nối kết vô hình: “anh ở lại chơi với em đi”, tôi vẫn nhớ câu nói của một bé nói với tôi vào buổi workshop cuối cùng. Câu nói khiến tôi càng nỗ lực hơn cho công việc và dự án này. Tôi đã biết Phú Xuân như thế đó…

—————————————–

Nghe đến dự án Phú Xuân Community Co-Design do Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) cộng tác thực hiện với một số trường ĐH khác, trong đó có Văn Lang đã khá lâu, nhưng tôi chưa thực sự tự tin vào kỹ năng mềm của mình lại ngại giao tiếp nên không có ý định tham gia vào chương trình. Đến cuối tháng 4 năm nay, khi worshop đã qua 2 mùa và đến giai đoạn thứ 3, tôi mới có cơ hội tiếp xúc nhiều với chương trình và quyết định bỏ qua mọi rào cản, thử sức mình trong dự án.

Khoảng thời gian đầu khá bỡ ngỡ, đó cũng là điều hiển nhiên với một đứa chen ngang vào như tôi. Nhưng may mắn là sự rụt rè, mông lung giai đoạn đầu cũng vơi đi khi tôi tham gia vào buổi gặp mặt các thành viên cũ và mới của Văn Lang trong dự án. Mục đích cốt yếu ngày hôm ấy là rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ, để mọi người có thể trao đổi thông tin với các bạn Singapore. Mọi người tham gia khá năng nổ và có cả các mini game tranh tài giữa các nhóm, khiến chúng tôi bỏ qua được sự e dè của buổi ban đầu. Nhưng tất nhiên, ngoại ngữ thì đâu chỉ một sớm một chiều là có thể rành mạch lưu loát. Cái mà chúng tôi nhận được vào cuối buổi họp mặt đúng hơn là sợi dây gắn kết gữa mọi người với nhau, chúng tôi cởi mở với nhau hơn trước khi đến với phần quan trọng của dự án kỳ này.


Ngày đầu tiên – (Thứ 7, 2/5/2015)

DH van lang giac mo phu xuan 01“Nắng đổ xuống đầu chúng tôi… Các sinh viên tham gia workshop khảo sát khu đất sẽ xây dựng công trình sinh hoạt cộng đồng, ngày 02/5/2015

Chúng tôi đón tiếp đoàn sinh viên đến từ SUTD ngay tại khu đất thuộc xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Sau màn chào hỏi và giới thiệu bản thân, mọi người phân chia công việc theo nhóm và tiến hành ngay. Nhiệm vụ ngày hôm nay là khảo sát khu đất và bước đầu mời gọi người dân tham gia vào những buổi workshop kế tiếp. Rào cản ngôn ngữ, kỹ năng mềm nhiều thiếu sót khiến chúng tôi không thể diễn đạt ý kiến và phương án của mình một cách rành mạch. Tôi cảm thấy rất buồn. 

Rồi bất đồng quan điểm nảy sinh vì chúng tôi chưa hiểu cách làm việc của nhau. Ai cũng nhiệt tình nhưng khi đưa công việc ra thì không can đảm nhận. Có những giây phút tôi mệt mỏi và chán nản. Nắng đổ xuống đầu chúng tôi, nóng như thiêu. Mọi người đều thấm mệt. Cuối cùng thì phương án sơ bộ cũng định hình, những gì còn vướng mắc phải tạm gác lại.

Chiều hôm đó, ngay tại hội trường 203A cơ sở 1 ĐH Văn Lang, các bạn từ STUD thuyết trình về tinh thần và những giai đoạn đã qua của dự án. Buổi thuyết trình vinh dự có sự tham gia của 3 professor đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Tiếc là tôi và một số bạn được phân công chuẩn bị đồ ăn cho mọi người nên phải ra ngoài trước. Nhưng không sao, thật tuyệt khi thấy mọi người đều rất thích thú và lạ lẫm trước những món ăn Việt Nam (đặc biệt là món rau câu tự làm của các bạn nữ team VLU – Duyên, Kiều và Anh). Một ngày nhiều cảm xúc khiến tôi không thể nào quên. Quả là một khởi đầu tốt đẹp.


Ngày thứ 2 (Chủ nhật, 3/5/2015)

Đúng như lịch hẹn, mọi người đã có mặt từ sớm để chuẩn bị. Đội STUD đang có cuộc thảo luận nóng cho hoạt động của ngày hôm nay, mỗi người đều bận rộn với công việc được giao. Khung bạt, sạp nghỉ bắt đầu được dựng lên, bàn ghế cũng chuẩn bị sẵn sàng để buổi chiều đón tiếp người dân. Các banner, tờ bướm do Kim, Phát của đội VLU thiết kế cũng được treo lên ngay ngắn.

 Thầy Keng Hua và cô Judy, những giảng viên đến từ  SUTD tập trung mọi người lại để phân chia công việc cụ thể:

  • Một đội sẽ tập trung tại khu vực đón tiếp (trước trường tiểu học Lê Văn Hưu) để hoàn thành nốt cơ sở vật chất, đảm bảo rằng người dân sẽ cảm thấy thoải mái nhất.
  • Một đội sẽ chia làm 4 nhóm nhỏ hơn, phát các tờ rơi và thư mời, đến tìm hiểu và tiếp cận người dân vùng lân cận, cùng mời họ đến tham gia buổi workshop hôm nay và các buổi tiếp theo.
  • Một đội chịu trách nhiệm đứng trước khu đất, dẫn khách vào tận nơi tổ chức workshop.

DH van lang giac mo phu xuan 02Nhóm tiếp xúc người dân có các thành viên của STUD, Đại học Bách Khoa và 2 đại diện của Văn Lang là Tín và tôi. Tôi hết sức hào hứng vì vốn muốn học hỏi thêm kinh nghiệm giao tiếp. Với ưu thế về ngoại ngữ, tôi có nhiệm vụ ghi chép các cuộc phỏng vấn người dân, lập tức phiên dịch lại cho các bạn STUD để họ có thể hiểu được; đồng thời quay phim, ghi chú v.v… đảm bảo không bỏ sót bất kì thông tin nào vì chúng rất quí giá. Chúng tôi tiếp cận người dân để tìm hiểu về họ, xin ý kiến về cả phần thiết kế cho công trình tại khu đất, quan trọng nhất là mời họ đến tham gia thảo luận tại workshop cho bằng được.

Ảnh: Ước mơ của tôi cho Phú Xuân là… Học sinh trường tiểu học Lê Văn Hưu, xã Phú Xuân, Nhà Bè, Tp. HCM và bảng ghi những dòng ước muốn của em trong Triển lãm tháng 9/2014 của Dự án  Nguồn ảnh: Facebook Celebrating the Phú Xuân Spirit.

Mọi người rất hào hứng, nhanh chóng đến từng nhà và tiếp xúc với nhiều đối tượng: già trẻ có, lớn bé có, từ sinh viên đại học cho đến cả những bé còn học tiểu học. Tìm hiểu, bám sát người dân thật kỹ là việc hết sức quan trọng vì thiết kế dựa trên điều kiện cuộc sống của họ, với mục đích sau cùng là dành cho họ sử dụng. Tôi đặc biệt nhớ một căn hộ trong hẻm số 27. Chủ nhà tiếp chúng tôi rất xởi lởi, nhiệt tình đóng góp rất nhiều đề xuất thú vị cho dự án, tất cả đều tập trung tới môi trường sống hiện tại: thiếu khu đi bộ để người dân thư giãn sau giờ làm việc, thiếu chỗ vui chơi lẫn học tập và rèn luyện sức khỏe cho trẻ em, thiếu những hàng ghế đá rợp bóng cây để các phụ huynh vừa chăm con, chia sẻ kinh nghiệm sống hay đơn giản chỉ là tán gẫu với nhau… Cô chú còn mời nước và nướng bánh tráng cho chúng tôi ăn. Các sinh viên Singapore và giáo sư Tom (MIT) đặc biệt thích thú với món ăn này, họ gọi nó là “Vietnamese pizza”.

Đúng 11h, các nhóm khảo sát tập trung tại trường tiểu học Lê Văn Hưu. Mọi người chuẩn bị những hình vẽ khu đất và thật nhiều hình ảnh không gian vui chơi để buổi chiều khảo sát người dân. Tầm 2h chiều như thư mời đã ghi, bà con cô bác đến góp ý kiến rất đông. Chiều hôm đó khá bận rộn, người thì đưa ảnh không gian vui chơi cho bà con lựa chọn, người thì phác thảo khung thiết kế lên bản vẽ khu đất. Một đội hậu cần do Kiều, Yên đảm trách bày trò chơi cho các em nhỏ để bố mẹ các em có thể tập trung thảo luận. Buổi làm việc diễn ra với tần suất cao, ai cũng có vai trò cụ thể, chỉ cần lơ là đôi chút sẽ bỏ sót những thông tin quí giá. Riêng tôi làm việc hơi thiếu khoa học, lúc thì chào hỏi, lúc thì ghi chép, khi thì phiên dịch… Tự nhủ phải chấn chỉnh lại cách làm việc thôi!

Ngày làm việc thứ 2 kết thúc, thầy Keng Hua thông báo ngày hôm nay đã thành công. Mọi người sẽ nghỉ ngơi một buổi sáng và sẽ tiếp tục đến khu đất vào buổi chiều ngày hôm sau.


Ngày thứ ba (Thứ 2, 4/5/2015)

Buổi trưa, chúng tôi được hướng dẫn cách truyền đạt với người dân để họ cảm thấy an tâm và bám sát nhu cầu của họ nhất. “Linh động” là từ khóa tôi được nghe rất nhiều lần. Chúng tôi chia nhóm làm việc với nhau, cùng tổng hợp và dịch những thông tin có được, sau đó phân loại cho hợp lý và đảm bảo người dân sẽ đến với workshop ngày hôm sau – triển lãm các mô hình thiết kế dựa trên những ý tưởng đã được chắt lọc – tiếp tục thu nhận ý kiến phản hồi. Tôi chung nhóm với Shanele, một sinh viên Singapore. Chúng tôi không có nhiều điểm chung về điều kiện sống, học tập và làm việc, nhưng đều cùng giấc mơ xây dựng Phú Xuân – một công trình cộng đồng thực sự ý nghĩa cho các em nhỏ nơi này.


Ngày thứ 4 (Thứ 3, 5/5/2015)

DH van lang giac mo phu xuan 03Sinh viên tham gia Dự án cùng các em nhỏ ở Phú Xuân vẽ banner tuyên truyền

Một ngày khá vui và năng động khi chúng tôi lại được chia thành 3 đội để làm 3 mô hình khác nhau dựa trên những ý tưởng thu thập được. Công việc thú vị, mọi người hoạt động đoàn kết và sôi nổi. Vì đã có những dữ liệu chung nên mọi người không bất đồng ý kiến như ngày đầu. Từng nhóm lên thuyết trình về tác phẩm thiết kế của mình cho người dân. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc giờ tan trường ngày hôm ấy, các em học sinh ùa khỏi trường, em đi bộ, em thì gồng mình trên chiếc xe đạp. Tôi và Khoa bắt chuyện với những đứa trẻ đang đợi cha mẹ tới đón, rủ rê chúng tới xem các mô trình triển lãm. Thậm chí lôi kéo cả cô bán hàng nước, hàng xiên que kế trường: “Cô ơi, tụi nhỏ có mua nước mua đồ, cô chỉ cho tụi nó qua chỗ workshop của bên con chơi luôn nha cô, nhiều mô hình đẹp lắm.”

Chúng tôi nhận được rất nhiều góp ý, cả những tràng vỗ tay đồng tình, hay những nhận xét rất sâu sát như: “thiếu nhà vệ sinh”, “sang quá, không phù hợp với người dân ở đây”, “cái này có vẻ bình dân hơn nè”… Sau một ngày làm việc vất vả, thấy được sự hào hứng của mọi người, thấy thành quả của mình được đón nhận, chúng tôi vô cùng tự hào. Tôi hy vọng những dự án cộng đồng nâng cao ý thức và cải thiện môi trường sống của người dân sẽ được triển khai nhiều hơn nữa, đặt biệt là ở những nơi còn mới và cơ sở vật chất còn hạn chế như Phú Xuân.


Ngày thứ 5 (Thứ 4, 6/5/2015) 

Ngày hôm nay chúng tôi không làm việc với người dân nữa. Chúng tôi tập trung tại trường Bách Khoa. Những khảo sát từ buổi đầu tiên đến những thông tin thu thập trong những ngày gần đây đều được thảo luận, chọn ra những điều cốt lõi nhất. Những ý kiến khảo sát của người dân được tập hợp, quy thành sơ đồ, số liệu rõ ràng để lọc ra những nhu cầu cần thiết nhất của người dân. Cách làm việc bài bản này, lần đầu tiên tôi được tiếp cận. Tôi thấy thật đáng tiếc vì đã không mạnh dạn tham gia những mùa workshop trước, bỏ lỡ biết bao kiến thức thú vị.

Tổng kết dữ liệu xong, chúng tôi chuẩn bị công việc cho giai đoạn sau. Công việc được phân chia rõ ràng vào 5 nhóm: nhóm quản lý dự án, nhóm design, nhóm xin kinh phí, nhóm truyền thông và nhóm hậu cần. Chúng tôi rất háo hức mong chờ giai đoạn này – giai đoạn thành hiện thực của “Giấc mơ Phú Xuân”.

Sau khi mọi việc được sắp xếp đâu vào đấy, chúng tôi dành thời gian cho một buổi tiệc nho nhỏ, như một lời chúc mừng cho những ngày workshop thành công, một lời chúc mừng cho những người bạn đã thay đổi, trưởng thành hơn sau những ngày làm việc căng thẳng.

DH van lang giac mo phu xuan 04Tham gia Dự án là các Sinh viên đến từ trường ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore, trường ĐH Văn Lang, trường ĐH Bách khoa Tp. HCM, trường ĐH Giao thông Vận tải Tp. HCM. Các Giáo sư của ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore, Viện Công nghệ Massachusetts cố vấn cho chương trình.


Khi đặt câu hỏi “mọi người cảm thấy gì qua đợt workshop vừa rồi” có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng điều chung nhất mà ai cũng phải thốt lên là “mệt”! Thì đúng rồi, ngày nào cũng phơi mình dưới cái nắng chang chang, cũng cật lực làm việc thì làm sao không mệt cho được. Mệt nhưng ai cũng thu về được thật nhiều bài học kinh nghiệm: cách làm việc nhóm hiệu quả, cách lên kế hoạch làm việc, có cảm hứng để học tiếng Anh chăm hơn, cải thiện được kĩ năng giao tiếp để tự tin nói chuyện với mọi người… Và điều quý giá nhất là cái nhìn mới về cộng đồng cũng như công việc thiết kế cộng đồng, tạm xa những bài học khô khan và cuốn mình vào một công việc có ích thực sự.

Tôi cũng đã tham gia vài hoạt động giúp đỡ cộng đồng trong dịp Mùa Hè Xanh, nhưng chỉ dừng lại ở mức cải thiện phần nào môi trường hay mỹ quan của khu vực, các dự án này chỉ mang tính chất tạm thời. Tôi từng suy nghĩ, chúng ta có thể tập trung vào việc nâng cao ý thức người dân, khiến họ tự nhận thức và tự bảo vệ, giữ gìn môi trường nơi họ sống; hơn là đến, xây dựng rồi ra đi. Hy vọng chúng tôi sẽ thành công trong dự án này, để Phú Xuân 5 năm, 10 năm sau sẽ thay hình đổi dạng, ngày một phát triển hơn từ công sức của chính người dân nơi đây.

Trong nhiều cảm xúc sau workshop có cảm giác tiếc nuối, tiếc vì đến giờ mới có cơ hội tham gia một dự án như thế này, phần vì quá ngại ngần thụ động, phần vì chưa có nhiều dự án như thế để mọi người đều có cơ hội tham gia. Tổng kết lại những gì đã làm, ai cũng nhận ra mình thiếu sót nhiều thứ, rụt rè trong giao tiếp, thiếu kỹ năng mềm, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, còn ỉ lại vào người khác… Nhưng tôi biết các bạn có thừa lòng nhiệt tình và sẽ luôn năng nổ. Tôi háo hức gặp lại mọi người ở Workshop tháng 9 này… Hy vọng sẽ có thêm nhiều dự án nữa, để nhiều người khác cũng có những trải nghiệm thú vị như tôi vừa trải qua.

Hồ Trần Thanh Hữu
Hồ Thị Mỹ Duyên
Sinh viên khoa Kiến trúc Xây dựng
 
– trường ĐH Văn Lang

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan