(P.TS&TT – Văn Lang, 29/9/2019) –
Chương trình tư vấn gồm 2 chuyên đề: “Định vị bản thân, truyền cảm hứng và đạo đức nghề nghiệp” (phiên buổi sáng) và “Nâng cao Kỹ năng giao tiếp, phỏng vấn và viết hồ sơ tuyển dụng” (phiên buổi chiều). Đây là một trong những hoạt động tiếp theo của Đề án ứng tuyển Dự án AUF 2018 của Trường Đại học Văn Lang mang tên “Tăng cường sự “tương tác đa chiều chuyên nghiệp” thông qua đối thoại Trường Đại học Văn Lang – các doanh nghiệp”, nhằm xây dựng một mô hình đối thoại mới “tương tác” với các đối tác (có yếu tố nước ngoài); “đa chiều” trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, tự nhiên, xã hội; “chuyên nghiệp” trước đòi hỏi của thị trường lao động và đem lại hiệu quả cao; kỳ vọng giúp sinh viên cải thiện nội lực bản thân, điều chỉnh và bổ sung kỹ năng cần thiết trong quá trình đào tạo.
Tham dự chuyên đề tư vấn hướng nghiệp trong buổi sáng, PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, phát biểu khai mạc: “Chương trình này là hoạt động kế tiếp, dựa trên kết quả của Hội thảo “Đối thoại doanh nghiệp – tương tác đa chiều chuyên nghiệp” mà Trường Đại học Văn Lang tổ chức ngày 27/8/2019, trong đó đưa ra một số vấn đề cần triển khai sớm để hỗ trợ sinh viên. Nhà trường luôn mong muốn sinh viên tự tin tìm được việc làm đúng với chuyện ngành sau khi ra trường. Hơn thế nữa, các bạn có thể tìm được việc làm mà mình yêu thích với mức lương cao; các bạn có thể tự tin khẳng định mình là người mà các nhà tuyển dụng tìm đến chứ không cần phải đi xin việc. Đó là cả một quá trình nỗ lực rất lớn. Chính vì vậy, Trường Văn Lang mong muốn bằng kiến thức, chia sẻ và hướng dẫn của người đi trước, của thầy cô và những chuyên gia, các bạn có thể đẩy nhanh hành trình của mình. Hãy thử và sai, hãy trải nghiệm để cuối cùng đúc kết con đường mà mình sẽ đi”.
Chuyên đề “Định vị bản thân, truyền cảm hứng và đạo đức nghề nghiệp”
Với chuyên đề này, sinh viên Văn Lang được gặp các diễn giả: bà Lê Thị Hồng Ánh – Giám đốc Nhân sự Công ty Novartis Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Nga – Giám đốc Đào tạo Công ty TNHH Công nghiệp Leanwares, trong đó bà Lê Thị Hồng Ánh là cựu sinh viên khóa 1 Trường Đại học Văn Lang. Hơn 50 sinh viên đã tham dự buổi tập huấn, các bạn đến từ nhiều khoa và các khóa khác nhau, có bạn chỉ vừa là sinh viên năm nhất nhưng cũng có bạn là sinh viên năm 3,năm 4 của Khoa Du lịch, Khoa Kỹ thuật, Khoa Xây dựng, Khoa Kiến trúc, Khoa Quan hệ Công chúng Truyền thông và Nghệ thuật, Khoa Tài chính Ngân hàng, Khoa Kế toán, Khoa Kinh doanh Thương mại, Khoa Công nghệ Thông tin,…
Câu hỏi của diễn giả khiến các bạn sinh viên nhìn lại bản thân và đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau, có bạn nói rằng: định vị bản thân là biết rõ bản thân có điểm mạnh, điểm yếu gì để mình có thể sử dụng nó cho công việc tương lai; hay một bạn nữ năm 2 Khoa Quản trị Kinh doanh thì nói rằng: Định vị bản thân là xác định mình muốn làm gì trong tương lai và mình có thích hợp với điều đó không…
Cùng thảo luận, diễn giả và sinh viên đi đến thông nhất: định vị bản thân là tạo thương hiệu cá nhân của chính bạn, cho người khác thấy giá trị của bạn bằng cách tạo sự khác biệt. Đó cũng là cách mà bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, khiến nhà tuyển dụng chú ý và từ đó, giúp bạn có cơ hội việc làm tốt hơn.
Diễn giả thứ hai, bà Nguyễn Thanh Nga – Giám đốc Đào tạo Công ty TNHH Công nghiệp Leanwares – lại chia sẻ với sinh viên Trường Đại học Văn Lang về những bài học thất bại. Thành công nào cũng có thất bại, chính những bài học từ thất bại mới khiến bạn mạnh mẽ, trưởng thành hơn. Với diễn giả Nguyễn Thanh Nga, thất bại là điều mà bà quá quen thuộc, đã tôi luyện bản thân thành con người hôm nay. Như những người bạn với nhau, bà nói về những ngày thất nghiệp khi vừa ra trường, về lý do thất nghiệp, quá trình đi tìm lại lý tưởng – định vị lại bản thân,…
Nói về Đạo đức nghề nghiệp, diễn giả Nguyễn Thanh Nga nhận định: “Ai cũng có ước mơ và khi ước mơ đó thành hiện thực, cảm giác rất “đã”, rất sung sướng. Nhưng khi đứng trên đỉnh ước mơ, các bạn cần sáng suốt và tỉnh táo để ước mơ ấy không bị biến chất, bị tha hóa.”
Cách đặt vấn đề làm các bạn sinh viên băn khoăn, trăn trở: Làm thế nào vẫn giữ được ước mơ của mình mà không bị tha hóa? – “Hãy tận hưởng hết mình trong hiện tại, sống hết mình cho ước mơ cho ngày hôm nay, hạnh phúc trong từng giây phút mà bạn trải qua – thế là đủ.” – đó là câu trả lời của diễn giả.
Tập huấn nâng cao kỹ năng phỏng vấn và viết hồ sơ ứng tuyển
Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, những cử chỉ và hành động nào là nên và không nên làm, ví như bạn có thể than vãn, buồn phiền với bạn bè nhưng không nên kể lể câu chuyện ấy với đồng nghiệp hoặc sếp của mình… Bằng kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài và các công ty đa quốc gia, bà Trương An đã có những lời khuyên rất hữu ích cho sinh viên về kỹ năng giao tiếp trong môi trường làm việc.
Những câu chuyện trải nghiệm thực tế của diễn giả làm cho buổi tập huấn sinh động và chân thật. Bà Trương An còn hướng dẫn khá chi tiết cách để sinh viên Văn Lang viết CV hấp dẫn nhà tuyển dụng. Bà nhấn mạnh: không nên nói dối trong CV, hãy chân thật và thẳng thắn, trang bị kỹ năng mềm, tự tin và tạo thương hiệu cá nhân trước nhà tuyển dụng.
Trước khi kết thúc chương trình, bà Trương An cởi mở: “Các bạn cần xác định bản thân muốn gì và thay đổi tư duy. Trong thời buổi 4.0 này, các công việc chân tay sẽ bị đào thải. Nếu các bạn không biết bản thân muốn gì, không có sự hiểu biết về công việc mình muốn làm, khả năng của mình ở đâu, bản thân mình cần học thêm gì thì các bạn không có việc làm vững chắc. Hãy làm một bài tập về cuộc đời mình, hãy tự hỏi tôi là ai? Tôi muốn gì? Trong bao lâu tôi sẽ đạt điều mong muốn. Đi du học cũng vậy: đi du học để làm gì? Hãy xài tiền một cách thông minh. Xin đừng vật vờ và sống như những Zombie, hãy có kế hoạch cho cuộc đời mình”.
Chia sẻ sau buổi tham gia chương trình, bạn Nguyễn Việt Anh – năm tư Khoa Kiến trúc (ảnh bên, thứ 3 từ phải sang) tâm sự: “Em được nghe chia sẻ về sự thành công. Sự thành công không nhất thiết là về tiền bạc, danh tiếng, mà đôi khi chỉ cần hạnh phúc trong gia đình hoặc hài lòng với kiến thức mà mình học được. Em biết cách định vị bản thân, cách tự vấn chính mình muốn gì, đang ở vị trí nào và nên làm gì để đạt được ước mơ trong mục tiêu của mình. Nhờ các diễn giả và thầy cô mà em biết thêm cách giao tiếp trong môi trường công việc, làm thế nào gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, cách đối xử giữa đồng nghiệp với nhau,… Em cám ơn nhà trường đã tổ chức một buổi học bổ ích và thú vị cho chúng em”.
Giai đoạn 3 của Đề án “Tăng cường sự tương tác đa chiều chuyên nghiệp” thông qua đối thoại Trường Đại học Văn Lang – các doanh nghiệp” do Trường Đại học Văn Lang chủ trì với sự bảo trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF sẽ sớm diễn ra trong tháng 11/2019 với trọng tâm là Hội chợ việc làm doanh nghiệp cho sinh viên.
Ngân Trần
Ảnh: Lee Minh Phương