Từ tháng 5/2020, Trường Đại học Văn Lang mở tuyển sinh ngành Marketing và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh. Hướng đi này, cùng những đổi mới về chương trình đào tạo của ngành Marketing và ngành Kinh doanh thương mại được xem là bước chuyển mình của Khoa Thương mại Văn Lang, tăng cường năng lực cạnh tranh cho người học, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới.
Ngành “hot” Marketing tuyển sinh khóa đầu tiên
Marketing là ngành học mới của Khoa Kinh doanh Thương mại Trường Đại học Văn Lang, mặc dù được tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2020, nhưng đây đã là chuyên ngành quen thuộc từ lâu của sinh viên ngành Kinh doanh Thương mại. Với xu hướng phát triển của xã hội và vị thế của ngành Marketing trong nền kinh tế hiện đại, chuyên ngành Marketing vừa được Khoa Kinh doanh Thương mại nâng lên thành ngành học độc lập.
TS. Ngô Quang Trung – Trưởng Khoa Kinh doanh Thương mại Trường ĐH Văn Lang chia sẻ: “Từ năm 1997, Trường Đại học Văn Lang đã mở ngành Kinh doanh Thương mại; lúc đó, Marketing là một chuyên ngành hẹp của ngành Kinh doanh Thương mại. Với bề dày kinh nghiệm đào tạo, cộng với việc cập nhật, thay đổi chương trình, năng lực đội ngũ giảng viên cho phép, tại sao Marketing chỉ đứng ở góc độ là một chuyên ngành mà không phải là một ngành? Một khi đã là ngành học độc lập, sinh viên sẽ có nhiều lợi thế hơn khi bằng cấp của các bạn là bằng cử nhân ngành Marketing. Với những cơ sở thuyết phục, Khoa Kinh doanh Thương mại quyết định nâng Marketing từ chuyên ngành lên thành ngành từ khóa 26“.
Như vậy, đến nay, Khoa Kinh doanh Thương mại Trường Đại học Văn Lang đã có các ngành và chuyên ngành bậc đại học như sau:
1/ Ngành Kinh doanh Thương mại, gồm 03 chuyên ngành: Kinh doanh Quốc tế, Thương mại Điện tử, Logistics.
2/ Ngành Marketing, gồm 02 chuyên ngành: Digital Marketing, Quản trị Sự kiện.
Có thể nói, các ngành và chuyên ngành theo định hướng đào tạo hiện nay của Khoa Kinh doanh Thương mại Văn Lang đều đang rất “hot” trên thị trường và thu hút đông đảo sinh viên, thí sinh quan tâm. Ngoài việc mở ngành mới là Marketing thì với ngành Kinh doanh Thương mại, Khoa cũng bổ sung chuyên ngành Thương mại điện tử (E-commerce), đáp ứng xu thế phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thương mại hiện nay. Tất cả những thay đổi này đáp ứng kỳ vọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi không ngừng.
—> Xem thông tin chi tiết về ngành Marketing
—> Xem thông tin chi tiết về ngành Kinh doanh Thương mại
Dự kiến, trong tháng 6/2020, Khoa Kinh doanh Thương mại tiếp tục tách chuyên ngành Logistics để phát triển thành ngành Logistics và quản trị chuỗi cung ứng – một lĩnh vực được dự báo sẽ phát triển thần tốc sau thời kỳ Covid-19.
Sinh viên K26 Khoa Kinh doanh Thương mại – những lợi thế mới
Từ khóa 26, sinh viên Khoa Kinh doanh Thương mại Trường Đại học Văn Lang có lợi thế khi chương trình đào tạo được thiết kế rút ngắn còn 3,5 năm. Theo đó, Nhà trường tận dụng thời gian hè và điều chỉnh trình tự triển khai chương trình đào tạo để sau 2 năm, sinh viên có đủ kiến thức nền tảng cơ sở và kiến thức chuyên ngành để tham gia thực tập kéo dài 3 tháng tại doanh nghiệp trong thời gian hè năm 2. Sau đó, sinh viên tiếp tục hoàn thành khối kiến thức còn lại tại trường và hoàn thành chương trình sau 7 học kỳ chính.
Để phát triển đồng bộ các khóa sinh viên, Khoa Kinh doanh Thương mại sẽ tăng cường các hoạt động học tập thiết thực hơn cho sinh viên các khóa trước vẫn đang học theo chương trình trước đây.
Với sự mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, các ngành của Khoa Kinh doanh Thương mại Văn Lang hiện có 3 chương trình đào tạo: Chương trình Đào tạo tiêu Chuẩn, Chương trình Đào tạo Đặc biệt và Chương trình Tiên tiến, phù hợp với định hướng đa dạng hóa các trải nghiệm giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Sinh viên được tự do lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp với định hướng phát triển của bản thân.
Ngoài kiến thức chuyên ngành, chương trình đào tạo mới của Khoa Kinh doanh Thương mại tăng cường phát triển kỹ mềm cho sinh viên, như kỹ năng Tư duy phản biện, kỹ năng Học tập suốt đời,.. Để tăng vị thế của sinh viên Văn Lang trên thị trường lao động, chương trình học được lồng ghép các môn tiếng Anh chuyên ngành và các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh do giảng viên nước ngoài phụ trách.
TS. Ngô Quang Trung – Trưởng Khoa Kinh doanh Thương mại Trường Đại học Văn Lang chia sẻ thêm: “Để sinh viên có thể tiếp cận những kiến thức, kỹ năng mềm phát triển bản thân và hội nhập thị trường lao động hiện tại, Khoa tổ chức các công tác quốc tế hóa, hợp tác quốc tế. Trong đó, sinh viên có thể tham gia các Field-Trip nước ngoài để trải nghiệm, học hỏi kỹ năng và được quy đổi thành những môn học kỹ năng trong chương trình học tại trường. Ngoài ra, Khoa còn tổ chức những chuyến thực tập, kiến tập tại nước ngoài (internship) dành cho sinh viên theo chương trình trao đổi sinh viên của khoa và các đối tác”. Đây là những hoạt động mới mà sinh viên ngành Kinh doanh Thương mại và ngành Marketing từ khóa 26 sẽ được thụ hưởng.
Một cơ sở vững vàng cho chặng đường mới của Khoa Kinh doanh Thương mại Văn Lang đó là tháng 4/2020, Khoa Kinh doanh Thương mại Trường Đại học Văn Lang chính thức được công nhận trở thành thành viên của ACBSP (Accreditation Council for Business Schools and Programs – Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ), đánh dấu bước ngoặt về chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định Mỹ. Đối với các chương trình đào tạo về kinh doanh, ACBSP là tiêu chuẩn kiểm định được các đại học hàng đầu thế giới hướng, được xem là tiêu chuẩn vàng của các chương trình quản trị kinh doanh thế giới. Tham gia ACBSP là một bước tiến quan trọng để Khoa Kinh doanh Thương mại Văn Lang phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng quốc tế, đào tạo sinh viên theo chuẩn mực đào tạo kinh doanh của thế giới. |
—————
Xem lại chương trình livestream “Nhà Lạc” số 10 của Trường Đại học Văn Lang, chủ đề “Ngành Marketing không ngừng hot” để tìm hiểu thêm về những định hướng đào tạo mới của Khoa Kinh doanh Thương mại Trường Đại học Văn Lang.
Chi Nhân