(TT. Thông tin – Văn Lang, 31/8/2016) – Ngày 26/8/2016, Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Văn Lang tổ chức hội thảo “Cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy ngành Ngôn ngữ Anh” tại phòng 203A, Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Hội thảo do TS. Phan Thế Hưng – Trưởng khoa Ngoại ngữ – chủ trì; với sự tham gia của hầu hết giảng viên cơ hữu Khoa Ngoại ngữ và đại diện các khoa khác trong Trường. Đây là một trong những hoạt động chuẩn bị cho năm học mới của Khoa Ngoại ngữ với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới. Các giảng viên trong Khoa đã thực sự tham gia vào “diễn đàn” với nhiều tham luận, ý kiến trao đổi về tình hình thực tế, chia sẻ về kinh nghiệm chuyên môn.
Có 18 tham luận được gửi đến Hội thảo từ giảng viên, nhóm giảng viên của Trường và có 9 tham luận trong số đó được trình bày trực tiếp tại Hội thảo; nội dung tập trung vào các vấn đề: phương pháp giảng dạy kỹ năng nghe – đọc – nói – viết, kỹ năng vận dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ, biên dịch, phiên dịch,…
Trong bài tham luận mở đầu hội thảo – “Teaching and learning foreign languages integrated into the 21st century skills”, TS. Phan Thế Hưng đã phác thảo bức tranh giảng dạy ngoại ngữ trong thế kỷ 21. Bài tham luận so sánh về phương pháp giảng dạy, về vai trò của người học và người dạy giữa quá khứ và hiện tại; nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ nói chung và ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng: giúp người dạy và người học tương tác tốt hơn, qua đó cải thiện khả năng giảng dạy ngôn ngữ trong thời đại mới.
Bài tham luận “Flipping the classroom for interpretation courses at tertiary level” của ThS. Phạm Thị Thuỳ Trang giới thiệu về phương pháp giảng dạy mới: “lớp học đảo ngược” (Flipped Classroom) – mô hình ngược so với lớp học truyền thống, nhấn mạnh đến tính cá nhân, giảm thời gian tiếp thu bị động, tăng thời gian đào sâu suy nghĩ, tăng khả năng làm việc nhóm và học tập tích cực. Mô hình này đang dần được đưa vào sử dụng tại các trường đại học lớn ở hầu hết các chuyên ngành. Diễn giả cũng chỉ ra rằng nếu muốn áp dụng phương pháp này thì cần những nghiên cứu sâu hơn nữa, và việc áp dụng vào giảng dạy trong các phân môn khác nhau: Ngữ học dạy tiếng, Biên phiên dịch, Phương pháp giảng dạy, cũng cần hết sức linh hoạt.
Bài thuyết trình của các giảng viên trẻ khác như: ThS. Trương Thị Như Ngọc, ThS. Vương Trần Gia Nhơn… cũng nhận được những ý kiến đóng góp khá tích cực từ các thầy cô có nhiều kinh nghiệm tại hội thảo. Những góp ý này sẽ giúp các bạn tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện mình hơn, để có những bài giảng sinh động hơn, nâng cao chất lượng dạy và học cho sinh viên Văn Lang.
Tham dự buổi hội thảo có đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm của Khoa.
Biên dịch, biên dịch, tiếng Anh chuyên ngành cũng là một nội dung quan trọng của Hội thảo. Trong tham luận “Translation and interpretation – Branches of study”, ThS. Đỗ Phú Anh đã đề cập sơ lược về lịch sử dịch thuật và cho rằng: Dịch thuật, bao gồm biên dịch và phiên dịch, là một ngành học thuật chưa thực sự được đánh giá đúng về tầm quan trọng.
Về kỹ năng biên – phiên dịch, Thầy Tôn Thất Lan – một giảng viên nhiều kinh nghiệm, đồng thời là dịch giả uy tín – lưu ý: người dịch cần chú ý đến những khác biệt và giống nhau giữa hai ngôn ngữ (Việt và Anh) như cấu trúc, mẫu câu, cách sử dụng giới từ và liên từ, cách xưng hô, cách dùng thuộc từ, mệnh đề liên hệ, cách ngôn, thành ngữ trong quá trình dịch thuật để dịch đúng và hay bởi dịch thuật là diễn đạt lại ý trong bản gốc, chứ không dịch từng từ.
Hội thảo lần này cũng là diễn đàn để các giảng viên trong Khoa chia sẻ những kết quả và kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tại Văn Lang những năm qua. Các diễn giả tham gia ý kiến ở khía cạnh này có ThS. Huỳnh Lê Phượng Cơ, ThS. Ngô Thị Cẩm Thuỳ, ThS. Vũ Nguyễn Minh Thy, ThS. Trần Nguyễn Thanh Thanh, ThS. Nguyễn Huy Cường.
Sau nhiều năm đứng lớp, cộng với kết quả từ công trình nghiên cứu khoa học “Một số giải pháp khắc phục những khó khăn trong kỹ thuật nghe của sinh viên năm nhất và năm hai của khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Văn Lang”, ThS. Huỳnh Lê Phượng Cơ cho rằng: kỹ năng nghe tiếng Anh là một trở ngại đối với sinh viên. Từ thực tế đó, báo cáo viên đã đề xuất các giải pháp cụ thể để rèn luyện kỹ năng nghe cho sinh viên cũng như đưa ra những đề nghị trong việc dạy kỹ năng nghe hiểu trong nhà trường.
ThS. Ngô Thị Cẩm Thuỳ qua thực tế giảng dạy nhận thấy sinh viên thường có xu hướng sử dụng internet nhiều giờ trong ngày, vì thế giảng viên có thể tận dụng mạng xã hội facebook hay một số website (TED Talks, BBC…) để giúp sinh viên bổ sung kiến thức chung và rèn luyện khả năng tư duy logic. Bài tham luận cũng chỉ ra một số một số giải pháp cụ thể giúp sinh viên sử dụng internet hiệu quả hơn trong việc cải thiện kỹ năng nói trước công chúng.
ThS. Huỳnh Lê Phượng Cơ chia sẻ câu chuyện về sự tiến bộ của một học viên đã cải thiện khả năng nghe sau khi áp dụng các kỹ thuật trong các bài giảng của mình.
ThS. Ngô Thị Cẩm Thùy trình bày bài tham luận: “Một số giải pháp giúp sinh viên sử dụng internet hiệu quả hơn trong việc cải thiện kỹ năng nói trước công chúng”.
ThS. Vũ Nguyễn Minh Thy đã chia sẻ bài nghiên cứu “Khảo sát kết quả dạy và học tiếng Trung không chuyên bằng công nghệ thông tin của sinh viên khoa Ngoại ngữ”. Bài báo nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc giảng dạy tiếng Hoa sẽ được cải thiện đáng kể, giúp cho việc dạy và học tiếng Hoa dễ dàng hơn, người học cũng cảm thấy thú vị hơn, giúp sinh viên nâng cao điểm số, ngoài ra SV có thể tự trang bị cho mình kiến thức về văn hoá, xã hội.
ThS. Trần Nguyễn Thanh Thanh, ThS. Nguyễn Huy Cường trình bày tham luận “Một số kỹ thuật giảng dạy mới cải thiện kỹ năng phát âm tiếng Anh tại phòng máy Multimedia”. Bài báo cáo đã chỉ ra: những rào cản khiến sinh viên phát âm chưa tốt, các giảng viên đứng lớp đã tìm ra các “kỹ thuật” để sinh viên khắc phục và những tiến bộ bước đầu qua việc so sánh kết quả của giữa hai học kỳ. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 5 kỹ thuật mới sẽ được áp dụng cho học kỳ mới cho khoá 22, nhập học năm 2016.
Hội thảo hè 2016 là diễn đàn học thuật để các thế hệ giảng viên có thể trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của mình. Đây sẽ là tiền đề cho những hội thảo năm sau, cũng là cơ sở để Khoa Ngoại ngữ cải tiến chương trình cũng như phương pháp giảng dạy ngành Ngôn ngữ Anh, chuẩn bị cho năm học mới.
Thanh Minh
(Ảnh: Nguyễn Linh)