(TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 18/01/2017) – Sáng 15/01/2017, nhóm cựu Sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Văn Lang, đã ra mắt sách popup Sài Gòn phố với đông đảo độc giả và những người quan tâm đến lịch sử, văn hóa, đời sống của thành phố này. Lễ ra mắt tổ chức tại văn phòng Thông tấn xã Việt Nam, 116 Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Tháng 11/2016, Công ty Cổ phần Comicola khởi động dự án crowdfunding (gây quỹ cộng đồng) cho cuốn sách pop-up Sài Gòn phố, với chi phí dự kiến là 150.000.000 đồng. Chỉ sau ngày đầu tiên, Sài Gòn phố đã nhận được 30% số tiền cần chi trả từ đóng góp của cộng đồng. Đến ngày 07/01/2017, tổng số quỹ đóng góp lên đến hơn 400.000.000 đồng, vượt xa kỳ vọng của Comicola lẫn nhóm tác giả. 800 quyển sách đầu tiên đang trong thời gian hoàn thiện để chuyển đến những khách hàng đặt sách trong đợt tháng 11/2016.
Không nhiều khách hàng biết rằng cuốn sách pop-up Sài Gòn phố mà họ đang háo hức chờ đợi vốn là sản phẩm từ đồ án môn học của nhóm Sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Văn Lang. Từ đồ án môn học khi các bạn là Sinh viên năm 2 – năm 2014 – đến quyển sách trọn vẹn dáng hình, được xuất bản và đến tay người đọc khi các bạn đã tốt nghiệp ra trường – năm 2017, là một quãng đường dài, với đủ cung bậc cảm xúc.
Trong buổi ra mắt sách, nhóm phụ trách dự án và nhóm tác giả dành nhiều thời gian để giải thích lý do Tại sao họ lại thực hiện sách pop-up Sài Gòn phố. Cùng với hứng thú từ những người hoạt động văn hóa, người yêu sách; những trăn trở của nhóm phụ trách dự án và nhóm tác giả trong quá trình làm sách khiến mọi người nhận thấy rằng ý nghĩa của Sài Gòn phố không chỉ giới hạn trong một cuốn sách, nó còn là câu chuyện về niềm đam mê, về sự kiên trì, về ngành xuất bản, về quá trình đào tạo.
Sách pop-up đầu tiên của Việt Nam
Nhóm Nextstep – tác giả sách pop-up Sài Gòn phố, gồm Nguyễn Vũ Tuấn Phát, Phạm Thị Bích Thảo, Nguyễn Thị Thanh Trúc, Đặng Hoài Vũ, Đặng Quang Minh – là cựu Sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Văn Lang, khóa 2012 – 2016. Năm 2014, khi đang học năm thứ 2, Tuấn Phát, Bích Thảo, Thanh Trúc và Hoài Vũ cùng nhau thực hiện chung đồ án môn học Bìa sách – minh họa, tạp chí. Chọn thể loại pop-up và đề tài Sài Gòn, nhóm đạt điểm 9 – điểm cao nhất trong các đồ án môn học cùng đợt. Sang năm 2015, nhóm mang đồ án của mình đến giải Hoa Sen – cuộc thi thiết kế quà tặng & trang trí mỹ nghệ – sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho Tp. Hồ Chí Minh và đạt giải Khuyến khích. Từ một đồ án trong chương trình đào tạo của một đơn vị giáo dục, Sài Gòn phố bước ra không gian rộng hơn trong thị trường thiết kế và được truyền thông, công chúng quan tâm. Nhiều doanh nghiệp tiếp xúc với nhóm, đề nghị đặt hàng với số lượng vài trăm bản. Và câu chuyện đã lớn lên dần từ đó.
Với những sản phẩm văn hóa, tìm được đầu ra là một vấn đề lớn. Bản demo của Sài Gòn phố do chính nhóm Nextstep gia công, gây hứng thú cho công chúng, có nơi chủ động đặt hàng – dường như đã giải quyết được phần nan giải nhất. Nhưng suốt trong hai năm, Sài Gòn phố chưa thể thành hình. Sách pop-up – một thể loại sách phổ biến trên thế giới – khá thu hút người đọc, với phần hình ảnh nổi, thông tin ngắn gọn, lại chưa từng được xuất bản ở Việt Nam. Có nghĩa là tất cả các khâu để Sài Gòn phố đến được tay độc giả, như in ấn, xin giấy phép phát hành… đều chưa có tiền lệ. Nhiều nhà in từ chối vì không biết cách gia công. Nơi nhận làm thì ra giá hàng triệu đồng mỗi quyển. Nhóm bạn đành bỏ cuộc sau nhiều tháng trời tìm kiếm đơn vị sản xuất bất thành. Bích Thảo kể: “Có thời gian đến nửa năm, nhóm gần như tan rã. Dù hoạt động hết công suất, cả nhóm chỉ làm được 1 quyển mỗi ngày. Tự tay làm mấy trăm quyển cho khách hàng là không thể”. Ngay cả khi nhóm tác giả đã kết nối và được Comicola hỗ trợ về truyền thông, vận hành dự án làm sách, Sài Gòn phố cũng chưa thể đi vào công đoạn sản xuất, vì các nhà in lại tiếp tục… từ chối: trong thời điểm các đơn đặt hàng in lịch đang tới tấp đến kèm theo lợi nhuận cao, sản xuất đơn giản, thì việc nhận in một quyển sách có nhiều công đoạn phải làm thủ công và sử dụng kỹ thuật mới chẳng khác nào một chuyến phiêu lưu.
Sau những nỗ lực tìm kiếm của nhóm phụ trách dự án, và có lẽ cũng là một cái duyên, Sài Gòn phố được một cơ sở in có tuổi đời rất trẻ nhận sản xuất. Từng chi tiết giấy bé xíu được in, cắt hàng loạt, rồi chuyển sang cho những công nhân khéo léo nhất dán vào đúng vị trí, với độ chính xác từng milimet, đảm bảo cho cuốn sách được gấp lại gọn gàng và mở ra thẳng thớm mà không bị vướng, rách giấy. Tuấn Phát chia sẻ: “Tận mắt nhìn thấy những phần nhỏ của cuốn sách đang hoàn thiện trong nhà in, đúng là điều tụi em không thể tưởng tượng được”.
Trăn trở từ đồ án môn học
Nếu nhìn lại điểm bắt đầu của cuốn sách, khoảng thời gian chờ đợi vài năm đó có thể coi là may mắn, vì không nhiều đồ án Sinh viên được hiện thực hóa thành sản phẩm thương mại. Nói về bước khởi động của dự án, họa sĩ Phan Vũ Linh – Phó Viện trưởng Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam – thể hiện nỗi trăn trở của một Giảng viên đã đồng hành với đồ án Sinh viên trong mấy chục năm giảng dạy của mình: “Đồ án, nhất là đồ án tốt nghiệp, là nơi các bạn trẻ dồn tất cả sức lực, tâm huyết và kỳ vọng của mình. Không gian đại học cho phép các bạn tự do sáng tạo và bỏ qua những khuôn phép có sẵn – điều các bạn khó có thể làm được ở nơi khác; chính vì thế, có những đồ án Sinh viên rất xuất sắc. Đáng tiếc là sau khi bảo vệ đồ án, hoặc dài lâu hơn là triển lãm đồ án, sản phẩm của các bạn chỉ được lưu giữ trong kho, trở thành tác phẩm “độc bản” một cách bất đắc dĩ, sẽ không ai và không bao giờ thấy nữa.”. Riêng với Nextstep, các bạn đã mất hai tháng trời ròng rã đi thực địa các thắng cảnh để phác thảo, đặt mua những cuốn pop-up từ nước ngoài về tham khảo, thu thập thông tin kiến trúc và kỹ thuật gấp giấy trên internet… Chính vì thế, khi được học trò của mình là Đặng Quang Minh – bạn cùng lớp của nhóm Nextstep – ngỏ lời xin giúp đỡ, họa sĩ Phan Vũ Linh đã liên hệ với Comicola nhờ hỗ trợ, mở đầu cho quá trình hiện thực hóa mong muốn đưa Sài Gòn phố đến tay bạn đọc.
Trong chương trình đào tạo các ngành thiết kế của khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Văn Lang, ở mỗi học kỳ, Khoa đều tổ chức các đợt triển lãm đồ án Sinh viên, có khi ngay tại Trường, có khi tại không gian Hội Mỹ thuật, Bảo tàng Thành phố. Trường và khoa đều khuyến khích, hỗ trợ Sinh viên đưa sản phẩm tham dự các cuộc thi trong và ngoài nước. Đó là cách để Sinh viên khẳng định bản thân, đi xa hơn nhờ sự sáng tạo của mình; để thiết kế của Sinh viên đến với công chúng đông đảo, ngoài đường biên giảng đường. Sau những đợt triển lãm hay các cuộc thi, đã có những đồ án được quan tâm, được mua bản quyền và trở thành sản phẩm thương mại, như các đồ án lịch hay đồ án thiết kế logo… Nhưng số lượng đó vẫn là ít so với lượng đồ án Sinh viên thực hiện mỗi năm. Có nhiều lý do dẫn đến hiện trạng đó. Riêng ở câu chuyện của Sài Gòn phố, có thể thấy rõ rằng để năng lượng sáng tạo trẻ không bị bỏ phí, cần sự tin tưởng vào khả năng của người trẻ của nhà đầu tư, đơn vị sản xuất và đơn vị phát hành; quan trọng hơn, cần đam mê, tâm huyết với ngành nghề, với đứa con tinh thần của các bạn.
Sự quan tâm của công chúng đối với Sài Gòn phố không chỉ là cuốn sách hữu hình mà họ đã đặt, sắp nhận về; đó còn là niềm mong đợi về một sản phẩm văn hóa có sức lan tỏa với đông đảo bạn bè ngoài nước. Nhiều người đặt câu hỏi rằng Nextstep có làm thêm dự án sách pop-up nào khác không? Các bạn có định mở rộng không gian kiến trúc trong sách sang những thành phố khác của Việt Nam không? Câu trả lời của nhóm tác giả tiếp tục mang đến sự háo hức: dự án tiếp theo sẽ là về Hà Nội; trên bản demo bìa sách được công bố trong buổi ra mắt, mọi người đã nhìn thấy Lăng Hồ Chủ tịch, Văn miếu Quốc tử giám… Sau Tết Đinh Dậu, dự án sẽ khởi động. Sẽ có thêm nhiều kỳ vọng nữa đối với Nextstep; Sài Gòn, Hà Nội… sẽ được gói ghém sinh động làm một món quà trong các cuộc đón tiếp đối tác nước ngoài – như mong muốn của các độc giả trong buổi ra mắt sách ngày 15/01/2017 vừa qua.
Câu chuyện của Sài Gòn phố có nhiều gập ghềnh, nhiều cung bậc, đối với nhóm tác giả là một trải nghiệm lớn khi các bạn vừa rời ghế nhà trường và làm nghề thực sự. Còn với Sinh viên, đó là sự tiếp sức để các bạn dám nghĩ, dám làm, dám đưa những điều mình học đi xa hơn. Văn Lang chúc mừng Sài Gòn phố! Chúc các bạn trẻ có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo và trải nghiệm.
Bảo Linh
{loadmodule mod_related_items,Xem thêm}