Câu chuyện từ những Kỹ sư Xây dựng dân dụng và công trình

(TT. Thông tin – Văn Lang, 17/8/2015)  – Ngành học hôm nay sẽ là nghề nghiệp tương lai của mỗi người. Chính vì sự quan trọng mà thí sinh và phụ huynh đều đắn đo cân nhắc kỹ trước khi đặt bút viết hồ sơ. Hãy lắng nghe câu chuyện của những chàng kỹ sư và các bạn sinh viên ngành Xây dựng để hiểu hơn về ngành nghề mà các bạn đã chọn.

Học Xây dựng – “không chỉ để xây nhà, mà là xây tổ ấm!”

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá thú vị với một số cựu sinh viên khóa 14, khóa 15, khóa 16 ngành Xây dựng Văn Lang – tốt nghiệp trong thời điểm mà các bạn nói vui rằng các bạn thuộc “thế hệ hứng tâm bão” vì khi ấy thị trường bất động sản đóng băng. Nhưng cuộc trao đổi ngắn với các bạn khiến chúng tôi thấy vui, có một cái lạc quan hơn về ngành xây dựng.

DH van lang cau chuyen tu nhung ky su xay dung 01Nguyễn Tiến Dũng, CSV khóa 14, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, mức lương gấp 4 lần so với mức lương của nhiều kỹ sư Xây dựng làm việc tại Việt Nam.

 

Trương Văn Chương: Có lẽ Xây dựng đã chọn em, như một cái “nghiệp” nhưng em nguyện theo nó suốt đời. Em trân trọng cái nghề của mình, không ngừng trau dồi để hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp. Trương Văn Chương là CSV khóa 14, hiện đang làm việc cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – Dự án Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar, vị trí: tư vấn giám sát , mức lương 16 triệu/ tháng.

Nguyễn Tiến Dũng: Em vào Văn Lang do bạn bè đã học giới thiệu. Lúc học, em thấy Xây dựng là một ngành rất thú vị, nhưng cần có sự đam mê và tinh thần trách nhiệm. Em làm việc ở Nhật được hơn một năm rồi. Làm việc với sự chuyên nghiệp và nghiêm túc như tính cách Nhật Bản, đôi lúc em cũng cảm thấy “chạnh lòng” về “chuyện rút ruột” công trình của ta – dù đó chỉ là bộ phận nhỏ, nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”. Em tự hào mình là sinh viên Văn Lang. Kiến thức học ở Văn Lang đáp ứng được 50% công việc hiện tại của em, mặc dù công việc của em thật sự chuyên về xây dựng. Phần còn lại, nghề và thực tế công  việc sẽ dạy thêm cho mình.

Trần Hoàng Nguyên: Với những người “nhanh chán” thì Xây dựng sẽ là lựa chọn lý tưởng. Thật sự, Xây dựng là một ngành học thú vị, vì chúng ta liên tục tiếp xúc với những cái mới. Chúng em hay nói đùa: đó là nghề tàn phá nhan sắc vì làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nắng mưa, nguy hiểm luôn rình rập nếu thiếu sự cẩn trọng. Áp lực công việc, áp lực tiến độ lớn và liên tục nên nếu không có niềm đam mê thì sẽ  thật sự cảm thấy đuối sức và bỏ dở giữa chừng. Mỗi ngày tiếp xúc với những thứ xù xì, thô ráp nào là xi măng, sắt, nhưng đó không phải là sự rời rạc, mà là cả một thế giới nghệ thuật. Những kết cấu, chi tiết đặc thù, công tác hoàn thiện cần sự tỉ mỉ và tính toán kỹ lưỡng và cả tính nghệ thuật để làm đẹp cho công trình.

Nguyễn Việt Anh: Xây dựng là nghề không chỉ xây nhà – mà là một nghề xây tổ ấm”, ai đó đã viết như thế, có vẻ thi vị hóa quá về ngành Xây dựng. Nhưng em hoàn toàn đồng cảm. Sau mỗi công trình, thành quả nhìn thấy là những ngôi nhà, ấy là tâm huyết, tình cảm và tình anh em bạn hữu đã cùng nhau “chiến đấu” ngày đêm. Thấy hạnh phúc biết bao khi hình dung ra niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới mà mình vừa hoàn thành. Ngành Xây dựng của Văn Lang không khác biệt nhiều. Nhưng SV Văn Lang có lợi thế hơn ở kỹ năng chuyên môn và chúng em được “thơm lây” nhờ thương hiệu Văn Lang đã được khẳng định. Nhiều quản lý, nhiều kỹ sư thành công từ mái trường Văn Lang. Em là cựu sinh viên khóa 16, hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Quản lý DSPCons Việt Nam, thuộc DSPCons Management Australia. Ở đây có các  vị trí dành cho dân Xây dựng bọn em: Tư vấn giám sát, kỹ sư quản lí khối lượng, Quản lý theo dõi các hồ sơ, mức lương: 6-15 triệu đồng/tháng.  

DH van lang cau chuyen tu nhung ky su xay dung 02Đêm hội Kiến – Xây, một hoạt động đặc trưng của sinh viên Kiến trúc Xây dựng Văn Lang

Lê Trọng Hiếu: Người kỹ sư xây dựng cảm thấy hạnh phúc và vui sướng khi thấy những “đứa con” – những công trình mà mình vun vén, tạo dựng được hiện diện trong cuộc đời này. Những công trình mới, những tổ ấm mới, làm giàu đẹp quê hương, đất nước. Để đạt được điều đó, mỗi người không chỉ học kiến thức chuyên ngành mà còn phải rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, mà ông bà ta thường bảo là cái “tâm” với nghề. Xây dựng là một nghề vinh quang, nhưng cũng cần sự khổ luyện.

Ngành Xây dựng: không lo “ế”

Nguyễn Việt Anh: Nếu ai hỏi: học ngành này lương cao không? Em không dám khẳng định vì nó còn tùy thuộc vào năng lực của mỗi người. Nhưng nếu hỏi: ngành này có tương lai hay không? “CÓ” – em hoàn toàn tự tin với câu trả lời của mình. Những ai đang lưỡng lự khi chọn ngành, hãy mạnh dạn học, mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình và biến nó thành hiện thực. Cơ hội thành công của ngành xây dựng rất lớn, bạn không sợ “ế” đâu.

DH van lang cau chuyen tu nhung ky su xay dung 03Nguyên (cầm bằng) và người thân trong Lễ tốt nghiệp.
Nguyên là CSV khóa 15, công việc hiện tại QAQC (quản lý chất lượng công trình) tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình.

 

Lê Trọng Hiếu: Say mê – tinh thần cầu tiến là hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong cả việc học và làm. Học – không quá khó, không khô, nhưng khổ thì có chút chút, không chỉ có kiến thức sách vở, mà cần kiến thức cuộc sống và phải “update” liên tục. Đã chọn theo nghề này phải chấp nhận vất vả, thức đêm thức hôm, cần thường xuyên trau dồi kiến thức, ngoại ngữ. Nhưng cái khổ sẽ đem lại giá trị. Bạn sẽ không bị lo sợ “ế”, không lo thất nghiệp. Lương bổng của kỹ sư khởi đầu có thể không cao, thậm chí một kỹ sư vừa ra trường có khi chỉ ngang tầm công nhân. Tuy nhiên nếu bạn có năng lực, có trách nhiệm và có tinh thần cống hiến thì công ty sẽ biết đến và có chính sách đãi ngộ bạn thỏa đáng.

Tân kỹ sư Xây dựng có nhiều đất để “dụng võ” với nhiều lựa chọn công việc: Thiết kế nhà dân dụng BTCT, Thiết kế kết cấu thép, Dự toán xây dựng, Quản lí dự án, Giám sát công trường. Đối với sinh viên mới tốt nghiệp thì tùy theo vị trí công việc đảm nhiệm mà mức lương dao động từ: 5-7 triệu/tháng, các bạn chịu khó “cày thêm”, thì mức thu nhập cũng vô chừng. Bất kì ngành nghề nào muốn thành công cũng phải bỏ công sức, xây dựng cũng không ngoại lệ. Muốn thiết kế giỏi bạn phải ngồi 8 giờ/ ngày trước máy tính, tìm hiểu tiêu chuẩn, qui phạm thiết kế không ngừng nâng cấp kiến thức chuyên môn, còn để trở thành người chỉ huy trưởng giỏi bạn phải dầm mưa, đội nắng hàng giờ liền sao cho công trình kịp tiến độ và an toàn cho người lao động.

Trương Văn Chương: Xây dựng đang có dấu hiệu “hồi phục”. Riêng trong công ty em đang làm, số lượng công trình trúng thầu cũng nhiều hơn trước. Nhưng em nghĩ, chọn ngành không nên chỉ nhìn vào thực tại mà cần nhìn xa hơn bởi ngành nghề sẽ theo ta suốt cuộc đời, có yêu thì mới gắn bó, sống chết với nó được. Từ việc yêu, sẽ hiểu được quy luật phát triển của nó: rằng sẽ có lúc nó lâm vào khủng hoảng, có cao trào ắt có thoái trào. Người làm xây dựng lúc việc nhiều thì lương cao, có lúc nằm nhà chờ công trình là chuyện bình thường.

 

Em đặt niềm tin lớn vào Văn Lang

Bên cạnh các bạn cựu sinh viên, những chia sẻ của các bạn sinh viên năm nhất – cách đây một năm, các bạn cũng đã không ít trăn trở, do dự khi đặt bút chọn ngành. Nhưng các bạn đã quyết định chọn vì niềm đam mê lớn về ngành học và một niềm tin mãnh liệt vào cơ hội ở tương lai.

Nguyễn Thị Yến Nhi, sinh viên năm nhất ngành Xây dựng. Với 20.5 điểm, Nhi có thể chọn học một ngành khác hợp với con gái, “em chọn Xây dựng vì đam mê. Ba mẹ không muốn con gái học Xây dựng vì nghe nói “nó khô khan, làm việc thì vất vả”. Em nghĩ, những cái đó, là người ta đã nói quá lên thôi. Em xác định đã học ngành này từ rất lâu rồi, nên ba mẹ cũng tôn trọng quyết định của em. Gia gia đình không có ai làm xây dựng, và cũng chưa có ai học Văn Lang. Em chọn Xây dựng, chọn Văn Lang, nghĩa là em đã suy nghĩ rất kĩ và đặt niềm tin rất lớn vào Văn Lang.

Chọn Xây dựng vì nó sẽ giúp em biến ước mơ thành hiện thực, từ ước mơ về việc xây dựng tổ ấm của cho nhiều người, biến những giấc mơ thành sự thật. Tuy mới năm nhất, nhưng mỗi lần tưởng tượng ra cảnh tượng: từ một mảnh đất trống, những kĩ sư chúng em sát cánh cùng nhau hết ngày này qua ngày kia, tháng này qua tháng kia vắt hết năng lực mà hoàn thành công trình để rồi kết quả nó sừng sững trước mắt. Đó là vinh quang của nghề.

Đỗ Văn Tương là sinh viên năm nhất ngành Xây dựng, nổi bật bởi  thành tích “khủng” nhất từ trước đến giờ: kết quả học tập xếp loại xuất sắc, đó là một thành tích xưa nay hiếm của dân Xây dựng. Tương được nhận học bổng 100%. Hỏi chuyện, Tương chỉ cười: vì em thích. Tương kể: Em chọn NV1 vào Văn Lang khi đã tìm hiểu kỹ về trường qua internet và các anh chị đi trước. Em chọn vì thích, đã học nó bằng cả đam mê vì em tin sẽ thành công.

Ngành xây dựng hiện nay có nhiều “điều tiếng”. Nhưng em tin, thế hệ chúng em có thể thay đổi được những định kiến đó bằng việc làm của mình. Đất nước đang phát triển, các ngành kỹ thuật nói chung và ngành xây dựng nói riêng sẽ nhận được nhiều ưu tiên phát triển nên sinh viên xây dựng học tập và rèn luyện tốt sẽ có việc làm, nên có hội cho bọn em là rất lớn. Góp phần mình để xây dựng được những công trình để đời là một trong những lý do e chọn nghành xây dựng, đó là những điều tuyệt vời đối với một kỹ sư.

DH van lang cau chuyen tu nhung ky su xay dung 04Tương và bạn trong Ngày tốt nghiệp.
Thành tích học tập của Tương: Điểm TBCHT học kỳ I: 9.10, ĐRL: 80; điểm TBCHT HKII: 9.08.

 

Biết ơn vì những điều chăm sóc nhỏ đã nhận về, nên sẵn lòng chia sẻ với thế hệ đàn em…

Nguyễn Thị Yến Nhi: Nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất cho bọn em học tập, có nhiều chính sách hỗ trợ người học. Phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực là những phần học bổng có giá trị. Thầy cô luôn tận tình giải đáp tường tận những thắc mắc, các anh chị khóa trên truyền đạt kinh nghiệm, truyền lửa và tinh thần anh em một nhà, xóa tan khoảng cách giữa tiền bối – hậu bối… Văn Lang quả thật là một ngôi nhà!

Em ấn tượng tất cả về Văn Lang ngày mới đến. Em tự hào vì là một thành viên của đại gia đình Văn Lang. Em thích nhất buổi lễ Tốt nghiệp của trường, mọi thứ chu toàn và hoàn hảo.

Trần Văn Sung: Văn Lang là nơi em chọn, cũng là sự lựa chọn của em gái em, và có thể em trai em trong năm nay.  Văn Lang khiến em nở mặt với bạn bè vì sự thân thiện khi bạn em qua trường chơi. Văn Lang minh bạch, không chỉ trong học phí mà cả những khoản tiền, dù rất nhỏ, như việc không phải đóng phí thi lại lần 2, hoàn trả lại sinh viên, dù chỉ một vài ngàn đồng, thủ tục hành chính vô cùng nhanh gọn. Học ở Văn Lang, em chưa bao giờ bị mất đồ, nếu chẳng may rơi ví, cũng được trả lại nhanh chóng, không có chút mập mờ. Nhỏ nhỏ thôi, nhưng em thấy vô cùng tin tưởng. Văn Lang hay ở chỗ, anh em ruột học chung một trường được giảm học phí. Anh chị ra trường rồi, em vào học cũng vẫn được luôn. Ra trường rồi, có thể làm gì cho trường, em thấy rất vui, rất muốn có dịp về lại trường.

Trương Văn Chương: Em ấn tượng về trường mình nhất là đã tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn học được tại trường, không phải nghĩ giữa chừng vì học phí. Em muốn thay đổi đầu tiên là hình ảnh về trường ít quá, không có trang web tiếng Anh để bạn bè nước ngoài biết tới. Em mong trường Văn Lang luôn phát triển.

Trần Hoàng Nguyên: Em may mắn vào Văn Lang dù điểm của em bằng đúng điểm sàn. Trường Văn Lang trong ký ức của em thật sự rất năng động trong công tác đoàn và ngoại khóa, điều này giúp ích rất nhiều cho sinh viên sau này khi ra đi làm. Ít bạn nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm mà sau này khi ra trường mới nhận thấy là mình thiếu, khi đó thì đã thua người ta rồi nên sẽ giảm đi sức cạnh tranh trên thương trường, mà như vậy gọi là thua trong cuộc chiến.

Lê Trọng Hiếu: Văn Lang giống như một đại gia đình vậy, là mái nhà của bọn em trong những năm tháng xa quê, Ban Giám hiệu, thầy cô nhiệt tình, gần gũi là điều em ấn tượng nhất.

Đỗ Văn Tương: Văn Lang để lại ấn tượng đầu tiên của em là thầy cô nhiệt tình, hướng dẫn kỹ phương pháp học đại học để sinh viên vượt qua cảm giác bỡ ngỡ trong những ngày đầu. Ngoài thời gian trên lớp, thầy cô luôn dành thời gian cho sinh viên gặp trực tiếp hỏi bài, hoặc gởi câu hỏi qua mail, các bạn sẽ ấn tượng vì nhận được mail trả lời rất nhanh. Sinh viên Văn Lang có môi trường sinh hoạt và rèn luyện với hoạt động của các câu lạc bộ, nhiều sân chơi để các bạn tham gia, sẽ khó để quên những đêm hội Kiến – Xây rực lửa, mọi người cháy hết mình.

NguyễnTiến Dũng: Văn Lang trong em là: thầy cô chu đáo và tôn trọng sinh viên chứ không tỏ thái độ như đâu đó trường khác. Xa quê rồi, em vẫn thấy ấm áp khi nghĩ lại. Các chương trình kĩ năng mềm đa dạng, các anh chị khoá trên nhiệt tình giúp đỡ những thắc mắc của tân sinh viên – đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm. Em cảm ơn Văn Lang nhiều. Những điều em nói, có thể hơi chối tai, nhưng nó xuất phát từ tấm lòng với người con làm việc xa quê, sống và làm việc tại một đất nước phát triển như Nhật Bản – nơi lòng tự trọng của mỗi người rất được coi trọng. Em cầu chúc cho Trường Văn Lang mãi phát triển bền vững.

Đôi lời nhắn gửi các bạn tân sinh viên tương lai

DH van lang cau chuyen tu nhung ky su xay dung 05Bạn Nghi cùng với mẹ đến nộp hồ sơ xét tuyển NV1 vào ngành Xây dựng của Văn Lang.
(Ảnh chụp sáng 15/8/2015)

 

Trần Hoàng Nguyên: nếu thật sự hứng thú với ngành hãy mạnh dạn lên. Quyết tâm làm đến cùng thì bố mẹ mình hiểu và tôn trọng con đường mình chọn. Trước đây, không phải bố mẹ em đồng ý 100% đâu, nhưng mình thể hiện được sự đam mê với nghề thì không có bố mẹ nào ngăn cản cả.

Nguyễn Việt Anh: Vinh quang của một kỹ sư xây dựng đối với xã hội trước hết là nhìn những tòa nhà mà có một phần công sức của mình trong ấy đứng sừng sững khi hoàn thành. Vinh quang của một kỹ sư xây dựng với gia đình và bản thân (theo em) thể hiện qua sự hài lòng, hãnh diện của gia đình và một phần qua thu nhập của cá nhân. Bất cứ ngành gì cũng có những đặc điểm nghề nghiệp riêng, không nhất thiết là “đen đúa, xấu xí…”, ngành xây dựng cũng có thể ngồi văn phòng, có thể làm thiết kế, quản lý khối lượng, chất lượng. Hãy mạnh dạn học nếu sinh viên ấy thích. Có lẽ cũng vì vậy, mà em gái đã noi theo anh, cương quyết chọn học cho bằng được ngành xây dựng như anh trai.

Đỗ Văn Tương: Học xây dựng khá là khó. Nhưng các bạn yên tâm, nhà trường và thầy cô luôn hỗ trợ sinh viên hết mình, và đặc biệt những anh chị đi trước là những người gần gũi, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ mình nhiều nhất. Các bạn chỉ cần xác định mục tiêu học tập, chăm chỉ là học tốt. Học Xây dựng không hề khô, vì Kiến trúc – Xây dựng, là một trong những khoa sôi động nhất trường Văn Lang, mình rất tự hào.

Hai thế hệ CSV – SV Văn Lang gắn kết với nhau bởi niềm đam mê và tự hào về ngành nghề mình đang học. Cuộc trò chuyện ngắn với các bạn CSV và sinh viên năm nhất ngành Xây dựng cho ta thêm những góc nhìn về ngành học, về công việc, và cơ hội việc làm, để hiện thực hóa ước mơ “Xây những ngôi nhà cao, cao mãi”.


Nguyễn Liên tổng hợp

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan