(TT. Thông tin – Văn Lang, 12/4/2016) – Chiều 11/4/2016, khoa Kế toán – Kiểm toán tổ chức buổi hội thảo “Sinh viên khoa Kế toán – Kiểm toán hội nhập và phát triển cùng chương trình đào tạo ACCA” cho sinh viên năm nhất, tại Hội trường C001, Cơ sở 2 của Trường – 233A Phan Văn Trị, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
Đó là những số liệu cho ta thấy bức tranh chung về đào tạo và tuyển dụng ngành Kế toán; cho thấy cả cơ hội và thách thức, cạnh tranh của những người làm giáo dục, những sinh viên theo học ngành Kế toán và những người tuyển dụng lao động.
Số liệu khảo sát việc làm một vài năm trở lại đây cho thấy tình hình việc làm của sinh viên ngành Kế toán Văn Lang khá khả quan so với mặt bằng chung; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của Trường luôn đạt trên 90% (năm 2015, tỷ lệ này là 95%). Kết quả trên phần nào cho thấy định hướng chương trình đào tạo của khoa Kế toán – Kiểm toán là đúng đắn, hiệu quả: kết hợp giữa kiến thức học thuật và kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Tuy nhiên, với tư duy vận động và phát triển, khoa Kế toán – Kiểm toán nhận thức rằng đứng lại cũng tức là thụt lùi. Vì vậy, tiếp nối việc triển khai hợp tác đào tạo và cấp Chứng chỉ Kế toán quốc tế với Phòng Thương mại & Công nghiệp London – LCCI, từ năm 2016, khoa Kế toán – Kiểm toán triển khai chương trình hợp tác đào tạo với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc – ACCA. Đây là chọn lựa chiến lược để tiến về phía trước. Khoa Kế toán – Kiểm toán mong muốn rằng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và cơ hội để sinh viên tiếp cận, sở hữu chứng chỉ, bằng cấp nghề nghiệp quốc tế sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho sinh viên trên thị trường nhân lực trong và ngoài nước. Nếu muốn đi du lịch, bạn cần có passport. Nếu muốn hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế, bạn cần đạt được các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, hoặc trải qua chương trình đào tạo được quốc tế công nhận.
Đó là mục tiêu của khoa Kế toán – Kiểm toán Trường ĐH Văn Lang, qua chia sẻ của TS. Nguyễn Cửu Đỉnh – Trưởng khoa. Hầu hết những người học và làm nghề Kế toán tiếp cận với ACCA bên ngoài giảng đường đại học, thông qua các trung tâm đào tạo độc lập, với mức chi phí tương đối cao. Với thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH Văn Lang và ACCA, bắt đầu từ khóa 21 (nhập học năm 2015), các bạn được đào tạo 3 môn học của ACCA ngay trong chương trình chính khóa vào học kỳ 5, 6, 7 là: Kế toán trong kinh doanh (Accountancy in Business), Kế toán quản trị (Management Accounting), Kế toán tài chính (Financial Accounting). Sinh viên không phải đóng thêm bất cứ khoản phí nào khác ngoài học phí. Nếu ôn thi 3 môn này ở trung tâm đào tạo bên ngoài, chi phí có thể hơn 15.000.000 đồng. Toàn bộ tài liệu học tập bằng tiếng Anh. Giảng viên giảng dạy 80% bằng tiếng Việt và 20% bằng tiếng Anh. Đó là nỗ lực của Văn Lang, và sự hỗ trợ nhiệt tình của ACCA, để các bạn có thể bước đi trên con đường ngắn hơn, tiết kiệm hơn cả thời gian lẫn tài chính.
Nếu TOEFL, IELTS là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế – phương tiện ngôn ngữ để giao tiếp thì ACCA là chứng chỉ nghề Kế toán quốc tế – thang đo để hội nhập thị trường lao động thế giới.
ảnh: Chị Lê Thị Hồng Len – Trưởng đại diện ACCA Vietnam
ACCA Vietnam
– Năm bắt đầu hoạt động: 2002
– Học viên: 7.800
– Hội viên: 800
– Đối tác doanh nghiệp: 40
ACCA – Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc
– Thành lập: 1904
– Hội viên: 178.000
– Học viên: 455.000
– Đối tác doanh nghiệp: 8.500.
– Trung tâm thi: 450
Sau khi hoàn thành 3 môn học này trong chương trình, sinh viên có thể kiểm tra năng lực thông bài thi trắc nghiệm kết thúc môn. Nếu điểm thi khả quan, sinh viên có thể đăng ký thi 3 môn này trong kỳ thi quốc tế do ACCA tổ chức, hình thức thi trắc nghiệm trên máy, với lệ phí thi khoảng 72 bảng Anh/môn để lấy bằng Diploma in Accounting and Business. Trên cơ sở đó, các bạn có thể theo đuổi tiếp các chứng chỉ cao hơn của ACCA như Certified Accounting Technician (CAT, thi thêm 3 môn Foundations in Audit, Foundations in Financial Management, Foundations in Taxation và cần 1 năm kinh nghiệm); Advanced Diploma in Accounting anh Business (thi thêm 6 môn: Corporate and Business Law, Performace Management, Taxation, Financial Reporting, Audit and Assurance, Financial Management); ACCA Professional Level (thi thêm 5 môn trong đó 3 môn bắt buộc là Governance – Risk and Ethics, Corpatate Reporting, Business Analysis, 2 môn trong số 4 môn tự chọn là Advanced Financial Management, Advanced Performance Management, Advanced Taxation, Advanced Audit and Assurance và cần 3 năm kinh nghiệm).
Trong những năm gần đây, nhiều sinh viên theo học lĩnh vực kinh tế lo ngại về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Không hẳn là do nhu cầu nhân lực của thị trường bão hòa mà do đầu ra của đào tạo chưa gặp gỡ đầu vào của nhà tuyển dụng. Yêu cầu quan trọng của các ngành kinh tế là năng lực hành nghề; vì vậy, việc lồng ghép vào chương trình kiến thức và kỹ năng do các hiệp hội nghề nghiệp đề xuất là cần thiết. Đưa các môn học ACCA vào chương trình đào tạo chính khóa ngành Kế toán của Trường ĐH Văn Lang là cách để sinh viên tạo lập thói quen tự “cập nhật” thường xuyên yêu cầu thực tế của thị trường. Tiếp nhận chương trình đào tạo này một cách chủ động, có lộ trình phát triển là cách để sinh viên “nâng cấp” mình trong công việc sau này. Nền tảng đã được xây dựng, và hành trình để lấy được “passport” trong lĩnh vực Kế toán đang được bắt đầu.
Minh An
Ảnh: Văn Chương