(P. Tuyển sinh & Truyền thông – Văn Lang, 20/2/2019) – Khai bút đầu năm, TS. Hồ Quốc Hùng – Phó Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang vừa có bài nghiên cứu “Chương trình Văn bậc đại học trong xu thế đổi mới và hội nhập” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 01/2019.
Bài viết bàn về thực trạng của việc dạy học Văn ở bậc đại học và một số hướng mở cho quá trình xây dựng chương trình ở cấp học này. Từ những khảo sát các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng của một số nước tiêu biểu trên thế giới, TS. Hồ Quốc Hùng đề xuất cơ cấu lại chương trình văn học theo định hướng ứng dụng và giới thiệu chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng do Trường Đại học Văn Lang tiên phong khởi xướng.
Ngành Văn học ứng dụng của Trường Đại học Văn Lang tuyển sinh từ năm 2017, chủ trương đổi mới bản chất của việc dạy và học Văn ở bậc đại học, chọn định hướng ứng dụng để làm mới hoàn toàn chương trình đào tạo. Sau 2 khóa tuyển sinh, chương trình đang dần định hình vững chắc hơn và xúc tiến nhiều hoạt động thiết thực cho sinh viên hướng đến nghề nghiệp rộng mở.
Website Trường ĐH Văn Lang đăng tải lại toàn văn bài báo khoa học của TS. Hồ Quốc Hùng
Chương trình Văn bậc đại học trong xu thế đổi mới và hội nhập
1. Chương trình đào tạo văn học bậc đại học ở nước ta trên xu thế hội nhập sẽ đi về đâu khi người học ngày càng xa lánh và khi tình trạng mất cân đối giữa các ngành nghề đang là thách thức cho nền giáo dục. Đấy là trăn trở để người viết nêu ra vài vấn đề dưới đây mong được trao đổi.
Một sự thật đáng để cho các nhà khoa học quan tâm đến giáo dục phải suy nghĩ là suốt mấy thập niên qua, chương trình văn học ở phổ thông trung học tất bật, xoay xở đổi mới, đến nỗi chương trình cũ chưa kịp đánh giá đã phải lao vào đổi mới chương trình khác, thì bậc đại học dường như vẫn lặng lẽ, có chăng chỉ cập nhật một số lý thuyết mới tránh lạc hậu mà thực chất vẫn theo hướng hàn lâm; và trong lúc ở phổ thông đang tìm cách giúp học sinh có xu hướng học văn, định hướng khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp với bao kì vọng tìm kiếm việc làm thì đào tạo đại học chẳng những chưa chú trọng cải tiến chương trình mà vẫn đều đặn sản xuất ra hàng ngàn cử nhân văn chương, trong đó không ít bị thất nghiệp do bất cập về kế hoạch nhân lực lao động và yêu cầu thực tế ngành nghề của xã hội. Vòng luẩn quẩn này vẫn chưa có hồi kết. Mọi tội lỗi trút lên đầu hệ thống Giáo dục – Đào tạo. Sở dĩ có tình trạng lệch pha này vì hệ phổ thông trực tiếp dẫn dắt học sinh định hướng khởi nghiệp mà đích đến phần lớn là giảng đường Đại học với hàng trăm ngành nghề, dĩ nhiên có cả văn học. Nhưng học xong, đi đâu, làm gì vẫn là một ẩn số thường trông chờ vào nỗ lực của cá nhân người học và may mắn của số phận. Chính hệ thống đào tạo các cấp học chưa đồng bộ từ nhận thức đến thực tiễn nên khoảng cách giữa ngành văn bậc đại học so với nhu cầu công việc ngày càng rộng. Ở đây chưa bàn đến những bất cập của hệ thống giáo dục mà chỉ xét về mặt khoa học thì ngay cả việc thay đổi chương trình cũng không thể trông chờ các nhà khoa học mà cần có sự vận hành cả hệ thống quản lý xã hội để điều tiết cơ cấu ngành nghề đào tạo một cách hợp lí hơn. Những đòi hỏi đó là thách thức không nhỏ cho các nhà “kiến tạo” chương trình. Trong xu thế ấy, mỗi ngành học, đặc biệt với văn học phải tìm một triết lý, một con đường phù hợp nhất, mang tính khả thi hoặc ít ra cũng mở được một hướng đi lâu dài nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp Phổ thông bước vào ngưỡng đại học. Nhận thức này mang tính thời đại đang diễn ra ở các nước phát triển và trở thành thách thức đối với phần còn lại của thế giới.
Từ thập niên 60,70 của thể kỉ XX, giáo dục ở Đức, Mỹ, Nhật, Pháp và nhiều nước phát triển khác đã đẩy mạnh các ngành học theo khuynh hướng ứng dụng bên cạnh truyền thống hàn lâm, mang lại nhiều thành quả đáng để cho những người xây dựng chương trình tham khảo. Vì vậy bên cạnh ngành văn, không ít ngành khoa học cơ bản ở trường đại học vốn ngự trị hàng thế kỉ trên giảng đường được xem là chuẩn mực đã chú trọng gắn kết với cơ sở sản xuất, tạo thành chuỗi cung ứng cho thị trường lao động chất xám khá hiệu quả thúc đẩy khoa học kĩ thuật làm cho kinh tế phát triển như đã thấy. Những thuật ngữ mới về ngành học gắn với ứng dụng cho thấy xu hướng đó: toán ứng dụng; vật lí ứng dụng; văn hóa ứng dụng; tâm lí ứng dụng rồi văn học ứng dụng… Đấy là sự chuyển mình tất yếu của chương trình giảng dạy ở cấp đại học ở các nước phát triển trong xu thế cách mạng khoa học kĩ thuật ở thời đại hiện nay.
2. Trong xu thế ấy, Văn học nên xây dựng chương trình như thế nào và bắt đầu từ đâu. Khái niệm Văn học ứng dụng (Lettres Appliquées / Applied Literature) đã xuất hiện trong một số chương trình đào tạo ở cấp học Phổ thông lẫn Đại học của một số nước Âu, Mỹ từ nhiều thập niên trước. Tùy theo trình độ phát triển xã hội, cơ cấu kinh tế ngành nghề, chương trình Văn học của các nước có thể khác nhau (1) . Tuy nhiên, có thể thấy nét bao quát của các chương trình Văn Học ứng dụng đều dựa trên nền tảng tri thức Văn học nhằm nâng cao nhận thức về con người, về cuộc sống, khả năng dự báo, tham gia định hướng khởi nghiệp cho người học với những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, đồng thời tạo nội lực, sử dụng kiến thức như một công cụ, hình thành các kĩ năng đọc, viết, hiểu để tham gia vào các hoạt động có liên quan đến nhiều ngành nghề. Về mặt này, giáo dục bậc phổ thông ở nước ta thay đổi nhận thức sớm và chương trình Văn được khởi động theo tinh thần khai phóng rất đáng tham khảo.
Chương trình văn học phổ thông đòi hỏi học sinh chủ động nhận thức tác phẩm trên cơ sở năng lực bản thân. Sự hóa thân vào nhân vật theo cách hiểu riêng và thực hành bằng nhiều hình thức biểu đạt là một trong những phương pháp giúp cho học sinh tham gia trải nghiệm bổ ích. Việc dạy, học tác phẩm như vậy đã vượt ra khỏi khuôn khổ giáo dục truyền thống ở chỗ người học không chỉ ngồi tưởng tượng hay thấm nhuần những giáo huấn của người dạy, dẫn đến lối học thụ động. Ngay cả việc vận dụng thủ pháp nghệ thuật xây dựng tác phẩm, người học cũng được hướng dẫn mô phỏng để tạo ra một sản phẩm riêng cho mình, giúp cho học sinh thay vì chỉ hưởng thụ và tụng ca chuyển sang chủ thể sáng tạo. Rõ ràng đào tạo theo hướng khai phóng này, học sinh không còn thụ động, rập khuôn biến lối học văn thành dàn “đồng ca”, tạo nên lối sống duy ý chí, mất cá tính sáng tạo mà dần chuyển sang tham gia vào quá trình hình thành tri thức và tính cách công dân cho bản thân. Có thể sẽ còn nhiều điều chỉnh và nỗ lực từ nhiều phía mới hy vọng hình thành thói quen được. Bởi vì, từ học thụ động sang chủ động, đòi hỏi nhiều kĩ năng mới hy vọng thay đổi tập quán ỷ lại, dựa dẫm hằn sâu trong vô thức từ ngàn đời của dân ta, ảnh hưởng đến học đường một cách sâu đậm. Cần phải thấy thêm rằng, lối học thụ động tất sẽ dẫn đến hành vi đạo văn, gây nhức nhối trong xã hội hiện đã trở thành thảm họa, cản trở bước tiến hội nhập của đất nước. Tiếc thay, tinh thần khai phóng trong chương trình Văn học ở nhà trường mới dừng bước loay hoay thể nghiệm ở bậc Phổ thông, còn ứng dụng vào bậc học cao hơn trực tiếp tác động vào việc chọn nghề khởi nghiệp cho người học trong tương lai vẫn còn bỏ ngõ.
Ở bậc Đại học, hơn nửa thế kỉ nay, xét về mặt nghề nghiệp, ngành Văn trong hệ thống đào tạo ở nước ta vẫn chỉ luẩn quẩn quanh chương trình đào tạo của các trường Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Sư phạm các cấp hoặc các cơ sở đào tạo báo chí. Ở đấy, Văn học được xem là đối tượng khảo sát như một loại hình nhận thức thế giới, khám phá các quy luật sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Mặt khác, nó còn được xem là phương tiện rèn luyện đạo đức, xúc cảm, chủ yếu hướng đến tình cảm yêu nước, yêu chế độ, hoặc gợi lên tình thương, lòng trắc ẩn cho người học. Mô hình này vốn thừa hưởng thành tựu của các nền giáo dục Đại học chủ yếu ở Châu Âu đã định hình từ hàng thế kỉ trước. Việc đào sâu vào bản chất đối tượng bằng các khuynh hướng, trào lưu, phương pháp… giúp người học tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, để hiểu thêm thế giới vi diệu của văn chương qua lăng kính, tài năng nhà văn mọi thời đại, thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau.Truyền thống học Văn theo xu hướng hàn lâm này vẫn được duy trì cho đến nay ở mọi nền giáo dục Đại học trên thế giới. Xét trên góc độ khác, truyền thống này đã thâm nhập vào đời sống xã hội, thậm chí ít nhiều tác động đến cả phương thức quản lý nhà nước và ngược lại. Cho nên không lạ khi trình độ văn minh, truyền thống lịch sử văn hóa của mỗi dân tộc thường tác động sâu sắc vào việc định hình, định tính cho mỗi nền Văn học và góp phần tổ chức xã hội. Chẳng hạn lịch sử Trung Hoa do cơ cấu xã hội mang tính cát cứ nên sau bao nhiêu biến động từ thời cổ đại, đến đời Chu người ta đã chú trọng giáo dục thi ca, lễ nghĩa nên đã đưa xã hội đi vào ổn định. Truyền thống này còn nối dài hàng thế kỷ tiếp theo dẫn đến tình trạng giáo dục văn chương trở thành thước đo, chuẩn mực để tạo thành tầng lớp trí thức mà triết lý của nó hướng đến đề cao vai trò cai trị thiên hạ của bậc quân tử. Triết lý ấy theo chân Khổng giáo, ngày nay mơ sắp xếp lại trật tự thế giới. Về thực chất đấy là một nền giáo dục lấy văn, trong đó bao gồm cả nhận thức vũ trụ làm mưa làm gió trong không gian văn hóa Trung Hoa khó có thể khai phóng để hòa đồng với nhân loại. Trong lúc đó, tinh thần nhân văn ở phương Tây xuất hiện từ thời Phục Hưng đã đưa vào giáo dục nhiều tác phẩm mẫu mực khi đề cập đến thân phận con người và góp phần vào sự hình thành các tư tưởng dân chủ, đề cao vai trò cá nhân tiến tới hình thành xã hội văn minh, tiến bộ. Vì vậy, một nhà nước nếu chú trọng đức trị, nhân trị được lấy từ văn chương có giá trị bền vững sẽ tạo ra sự lành mạnh cho xã hội. Ngày nay, nhiều nước phát triển vẫn chú trọng mối quan hệ biện chứng giữa quản lý xã hội và giáo dục đã xem văn chương như một lĩnh vực tri thức quan trọng, làm nền tảng cho việc hình thành nhân cách của công dân và tiến tới hoàn thiện kĩ năng tham gia vào quá trình vận động ấy.
3. Thực ra, ngành Văn ở bậc Đại học của ta từ lâu xét cho cùng đã đi vào hướng ứng dụng. Có thể xem nghiên cứu hàn lâm về Văn học là một dạng ứng dụng nhằm tạo ra những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp; dạy Văn ở các hệ sư phạm là ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục; Báo chí là ứng dụng Văn vào lĩnh vực truyền thông. Phạm vi ứng dụng ấy cho đến nay vẫn xem như mặc định cho giới hạn nghề nghiệp của môn Văn học trong cơ cấu ngành nghề giáo dục bậc Đại học. Quan niệm ấy, vô hình chung tạo ra giới hạn cứng, đã tước đi quyền năng của Văn học trong vô số cơ hội khởi nghiệp của sinh viên. Nói cách khác đấy là hạn chế về sự hiểu biết về vai trò của Văn học đối với cuộc sống nên đã tự bó hẹp trong phạm vi ngành nghề trên. Từ đấy, việc đào tạo ngành Văn cung vượt cầu là điều khó tránh khỏi. Theo nhiều thống kê không chính thức, hiện nay sinh viên Văn Sư phạm sau khi tốt nghiệp làm việc đúng nghề đào tạo chỉ đạt từ 50- 65%. Số còn lại tìm đường khởi nghiệp ở lĩnh vực khác. Điều đó dẫn đến tình trạng mất cân đối khi phân ban ở phổ thông trong nhiều năm qua (2) . Có điều lạ là tuy trái nghề đào tạo nhưng khi rẽ sang hướng khác không ít người thành công trong một số lĩnh vực mới, dù phải làm lại từ đầu. Nó cho thấy, rất khách quan, khả năng thích nghi vươn dài sang các nghề nghiệp khác trên nền tảng tri thức Văn học của sinh viên là một thực tế đáng phải suy nghĩ. Rõ ràng đào tạo Văn ở bậc Đại học đã ngộ ra rằng phải thay đổi mới hy vọng tồn tại. Vì vậy mà hiện nay, một số trường Đại học vẫn tìm giải pháp tình thế bằng cách bổ sung thêm môn học mới hoặc cơ cấu lại chương trình cũ để duy trì sự tồn tại cho ngành Văn. Tuy nhiên hướng đi ấy không mang tính cơ bản. Vì vậy xây dựng lại chương trình trên nguyên tắc và cơ sở khoa học nào là điều đáng phải bàn.
4. Cần phải cơ cấu lại chương trình văn học theo hướng ứng dụng, đấy là con đường đúng đắn và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Như đã nói, nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới sau hàng thế kỉ tôn thờ Văn học như thánh đường đã phải ngộ ra rằng, hóa ra văn chương vô cùng thiết thực nếu không nói nó được xem là nhân tố quan trọng góp phần vào việc kiến tạo và diễn đạt tư tưởng trên nhiều lĩnh vực xã hội. Văn học có quyền năng giúp cho người học nhận thức toàn diện các lĩnh vực liên quan đến đời sống và định hướng công việc với mục đích phục vụ con người, tạo nên những kĩ năng cần thiết có hiệu quả nhất. Cho dù cuộc cách mạng Khoa học kĩ thuật hiện nay đang thách thức vai trò con người trong vận hành kinh tế, xã hội, khi mà trí khôn nhân tạo dần thay thế thì (nó) vẫn không thể chia sẻ cảm xúc, quan tâm đến suy nghĩ về con người để tạo thành tính năng riêng cho mình, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo. Thực tế đó khiến cho các nhà Khoa học ngày nay phải điều chỉnh cách định giá năng lực con người từ chỉ số IQ sang EQ, nhằm đề cao khả năng điều tiết cảm xúc, chia sẻ với cộng đồng (3). Một nền kinh tế tiên tiến, một xã hội văn minh được cấu thành trên cơ sở khoa học kĩ thuật phát triển và những con người biết quan tâm đến đồng loại sẽ tạo ra sản phẩm hữu ích, làm cho cuộc sống trở nên lành mạnh. Giá trị nhân văn này phải bắt đầu từ giáo dục trong nhà trường. Cho nên cần phải khẳng định lại dù cơ cấu chương trình Văn học theo hướng nào thì cốt lõi của nó vẫn là tri thức văn chương sẽ giúp con người đến với con người, từ cảm thông đến chia sẻ và cao hơn là trách nhiệm. Và cũng chính Văn học giúp con người biểu đạt tư tưởng, hướng đến hành vi tích cực tạo động lực to lớn cho xã hội.
Đến đây có thể nói, một chương trình Văn học được xây dựng khoa học, gần gũi với cuộc sống giúp cho con người trở nên hữu ích hơn. Tất nhiên để chuyển hóa từ tri thức Văn chương thành nhân cách công dân và kỹ năng sống phải là một quá trình. Quá trình đó vừa cụ thể, vừa mơ hồ. Do đó nó đòi hỏi chương trình phải được lượng hóa, quy trình hóa tri thức để người học sử dụng như một công cụ tham gia vào việc mưu sinh, xây dựng xã hội. Như đã nói, mỗi chương trình tùy thuộc vào mục đích cụ thể để cơ cấu môn học phù hợp. Chẳng hạn, một số chương trình văn học ứng dụng của Đức (4) , Mỹ (5) xây dựng thành các khối module kiến thức để có thể lắp ghép theo những mục tiêu đào tạo cụ thể phù hợp với các đối tượng khác nhau. Hoặc chương trình Văn học ứng dụng qua khảo sát ở một trường Đại học ở Pháp cho thấy riêng phần Văn, người ta đề cập đến những vấn đề lí luận, như Văn học so sánh, chủ nghĩa hậu hiện đại, lịch sử nghệ thuật, quan hệ các loại hình nghệ thuật với Văn học, theo hướng tích hợp liên ngành rất cao. Đối với ngôn ngữ người ta chú trọng phân tích, thực hành diễn ngôn, soạn thảo các loại văn bản, chú ý đến đặc điểm các nền văn hóa và đưa các phương tiện truyền thông, báo chí, hình ảnh… vào (6) cũng theo hướng tích hợp trên. Trong lúc đó, có chương trình Văn học ứng dụng của một số cơ sở đào tạo của Mỹ lại chỉ tập trung chú trọng kĩ năng viết (7) . Nói chung các chương trình khá đa dạng tùy theo đặc điểm lịch sử văn hóa của mỗi nền giáo dục và những định hướng nghề nghiệp và xa hơn là cơ cấu kinh tế của mỗi dân tộc. Như vậy điều dễ thấy là hướng tích hợp, liên ngành giữa các bộ môn trong cơ cấu chương trình theo ý đồ khoa học khá rõ (8).
5. Rõ ràng, tiến tới xây dựng một chương trình như vậy cần phải rà soát lại các vấn đề thuộc bản chất đối tượng cũng như mối quan hệ trực tiếp, gián tiếp của nó đến các lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội khác. Từ lâu, ta quen nếp nghĩ đến với Văn học là đi tìm cảm xúc, đồng cảm với thân phận con người qua hình tượng nghệ thuật, cao hơn là tìm tư tưởng của tác giả và các thủ pháp nghệ thuật biểu đạt của họ. Nói cách khác, chú trọng đọc và hiểu văn bản là mục tiêu chính. Nhưng nếu xét dưới nhiều góc độ khác của văn học thì sẽ thấy tác phẩm Văn học còn là một tổng hợp các tri thức, kỹ năng để xử lý vô cùng bổ ích cho người học. Nếu bố trí hợp lí các môn học sẽ tạo ra tương tác trong nhận thức, thì mỗi tác phẩm ngoài những giá trị về tư tưởng, đạo lý, nghệ thuật ngôn từ còn cho thấy vô vàn kinh nghiệm sống, các tình huống, cách ứng xử, kỹ năng thuyết phục để chuyển tải đến độc giả những thông điệp nào đó mà nhà văn muốn hướng tới. Hãy xem lại Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cách ta hàng bao thế kỉ. Nếu xưa nay ta chú ý đến áng hùng văn ấy như một di sản về tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của cha ông để lại thì nay còn thấy cách khuyên răn, lời lẽ với tướng sĩ đầy sức thuyết phục chứa đựng hạt nhân khoa học về tính logic, biện chứng. Hơn thế, mỗi luận điểm, luận cứ, luận chứng của tác giả còn được xây dựng trên nền tảng truyền thống văn hóa, mà trong đó tâm lí công thần, tâm lí hưởng thụ… dẫn đến sự tha hóa, rất đặc trưng cho tư duy tiểu nông của người Việt. Nếu so sánh cấu trúc cách lập luận này với logic của những văn bản có nội dung tương tự ở các nền văn học khác sẽ thấy sự khác biệt tinh tế rất bổ ích cho rèn luyện kỹ năng diễn đạt cho người học. Sự thực đấy là khoa học về kĩ năng đàm phán, thuyết phục theo kiểu tư duy người Việt chứ không dừng lại nghệ thuật của áng hùng văn, ý nghĩa chính trị, xã hội chung chung nữa. Nghĩa là phải có những tri thức, công cụ hỗ trợ khoa học thì mới có cách tiếp cận hợp lí. Như vậy theo hướng ứng dụng, người học không còn gò bó, câu nệ vào quy trình và những nguyên tắc khám phá tác phẩm theo truyền thống của học đường mà còn có thể khai thác các thao tác, kĩ năng hữu ích khác nữa. Theo hướng ứng dụng này, người dạy và học buộc phải thoát ly tính hàn lâm, đi sâu vào hướng tích hợp, liên ngành để hình thành các kĩ năng phù hợp với thực tế hơn, khiến cho nó phủ rộng tầm tri thức văn học vào hoạt động trên nhiều mặt cuộc sống. Nhờ vậy, sứ mệnh của Văn học có thể vươn xa, mở rộng sang các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội, văn học nghệ thuật… Nói cách khác, hơn lúc nào hết, từ góc độVăn học ứng dụng, sự tích hợp liên ngành trong xử lý văn bản sẽ giúp ta nhận thức về các hiện tượng Văn học một cách đa chiều hơn. Từ đó, văn học có thể vươn tới nhiều lĩnh vực so với trước đây tưởng xa lạ.Vì vậy không lạ khi nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới dành hẳn một chương trình Văn với thời lượng không hề nhỏ. Để tạo nền tảng tri thức nhân văn và các kĩ năng cần thiết, người ta còn đưa môn Văn (bắt buộc) vào học chương trình đại cương với thời lượng có khi lên đến 10 tín chỉ, tương đương 1/4 chương trình chuyên ngành Văn học. Chương trình này đòi hỏi sinh viên đọc hiểu tác phẩm, rèn luyện kĩ năng tự đánh giá, tự nhận thức, kĩ năng trình bày khoa học một vấn đề, kĩ năng phản biện, tranh luận, đàm phán… trước khi vào chuyên ngành khoa học kĩ thuật. Có lẽ vì thế mà nhiều trường đại học tiên tiến khi nhận sinh viên vào bất cứ ngành nào, người ta rất chú trọng các bài text kiểm tra năng lực tự đánh giá bản thân, cách diễn đạt tư duy, khuynh hướng chọn nghề nghiệp và cảm xúc đối với công việc. Điều đó cho thấy để bước vào giảng đường đại học, việc đầu tiên sinh viên cần thể hiện là kĩ năng viết. Kĩ năng này đòi hỏi người viết xác định đối tượng đối thoại và ý định thuyết phục bằng sự hiểu biết công việc. Như vậy để có thể thực hiện một bài viết đã phải cần đến biết bao kĩ năng. Ngoài hiểu biết công việc, người viết cần am hiểu tâm lý xã hội, phong cách các loại văn bản, các tình huống xử lý, kĩ năng thương thuyết, kĩ năng đối thoại… Những kĩ năng này sẽ được hoàn thiện và rèn luyện qua tri thức văn học được cơ cấu một cách khoa học trong chương trình. Ý thức được tầm hoạt động của Văn học như vậy nên Đại học Pháp dành cho chương trình Văn học ứng dụng khoảng 2/3; số ít chương trình còn lại đi theo hướng hàn lâm. Nghĩa là người ta vẫn dạy Văn theo hướng hàn lâm (như Đại học Tổng hợp của ta trước đây); còn lại các cơ sở đào tạo khác đều theo hướng ứng dụng. Để đạt được những mục tiêu này, không thể ngày một ngày hai có được mà đòi hỏi nghiên cứu sâu các mối liên hệ của các ngành nghề trong xã hội với Văn học để xác lập các tiêu chí khoa học cho việc xây dựng chương trình. Các nguyên tắc đó, theo chúng tôi cần bám sát mục tiêu:
- Rèn luyện mĩ cảm, cảm thụ cái đẹp về con người, về cuộc sống thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau.
- Có khả năng đồng cảm, hòa hợp với cộng đồng, sống có trách nhiệm. Tính xã hội của con người là một thuộc tính vô cùng quan trọng. Nhờ đó, con người thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn và có nhu cầu dâng hiến. Lòng trắc ẩn và sự cảm thông giúp con người sống cao cả hơn và có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng. Đấy chính là nền tảng hình thành tinh thần nhân văn.
- Rèn luyện khả năng ý thức về bản thân và khả năng vận dụng tri thức văn chương vào các lĩnh vực hoạt động xã hội.
- Rèn luyện các kĩ năng giao tiếp và tương tác trong các tình huống khác nhau, đặc biệt chú trọng tính logic trong thuyết phục, tranh luận, đàm phán thông qua làm việc nhóm, phản biện thông qua văn bản.
- Rèn luyện kĩ năng viết, bao gồm viết kế hoạch, chiến lược, báo cáo tổng kết, công văn hành chính, viết báo cáo khoa học…
Đi theo định hướng trên, ngoài chương trình Văn truyền thống, dĩ nhiên sẽ có cách tiếp cận phù hợp cho từng nền văn học, giai đoạn, tác giả và tác phẩm, sẽ trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết giúp người học Văn trở nên linh hoạt, sáng tạo để từ đó có nhiều lựa chọn nghề nghiệp phù hợp đúng theo năng lực, sở trường của bản thân.
Theo đó, chương trình Văn có thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài khoảng 2 năm (4 học kì) bao gồm Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài. Có thể trong chương trình Văn cần tích hợp các kiến thức lí luận Văn học và ngay cả phần ngôn ngữ cũng đan xen lí luận, tâm lí, phương pháp luận, tư duy khoa học, dạy học ngay trong một khung kiến thức cho từng học kì… Đối với mỗi chương trình hẹp, cần phải xây dựng các tiêu chuẩn, nguyên tắc cụ thể riêng thể hiện tính liên kết với hệ thống đủ để có thể vận dụng lí luận vào thực tiễn; nhờ đó có thể phát huy sự sáng tạo của người dạy trong thiết kế, lựa chọn tác phẩm. Chẳng hạn không nhất thiết cơ cấu chương trình theo lộ trình Văn học sử mà nên chú trọng các tác phẩm tinh hoa và tác phẩm đang được xã hội quan tâm trong bối cảnh cuộc sống hiện tại; Văn học sau 1975, nên mạnh dạn đưa nhiều tác phẩm đương đại vì nó phản ánh đời sống thực tại và nhất là cách tiếp cận cuộc sống, dễ tìm tiếng nói đồng cảm hơn với thế hệ trẻ. Phần còn lại trong 2 năm đi vào kiến thức ngành nghề và thực hành vận dụng kiến thức Văn vào các lĩnh vực khác.
Một hướng xây dựng chương trình khác, phân ra các loại kĩ năng để rèn luyện cho người học. Hướng rèn luyện kỹ năng có thể theo từng chuyên đề, trong đó cần sự hỗ trợ của các môn Văn học, Ngôn ngữ học, Lí luận văn học… Thực ra mỗi hướng cơ cấu chương trình trên hoàn toàn dựa vào đối tượng học tập và năng lực cơ sở đào tạo. Khi tạo được chương trình uyển chuyển như vậy, có thể trong tương lai tiến tới phổ cập mang tính bắt buộc đối với các ngành nghề khoa học kỹ thuật. Mỗi một ngành sẽ có một cách liên kết cụ thể với Văn học mang tính ứng dụng phù hợp. Từ đấy có thể tìm thấy nhiều mối quan hệ mở để giải quyết các vấn đề thuộc năng lực như: tư duy phê phán và việc đọc, sự kết nối giữa nghe và nói, đưa ra những phương hướng nói và viết, kỹ năng nghe cao cấp… Những kỹ năng như vậy có thể thích ứng với bất cứ lĩnh vực hoạt động khoa học kỹ thuật hay khoa học xã hội nào.
6.Tất nhiên một vấn đề khác đặt ra là khi dạy Văn theo hướng ứng dụng, người dạy đòi hỏi phải thoát khỏi thói quen hàn lâm đã có hàng chục năm nay. Đây là một thách thức không nhỏ. Ở đấy quyền lực tuyệt đối về tự do học thuật được tôn trọng. Dĩ nhiên, trên thực tế ta chưa tận dụng được quyền năng này. Điều đáng lo ngại là người dạy dường như chỉ tập trung vào chất lượng học tập qua sách vở mà ít quan tâm đến việc sau khi tốt nghiệp, sinh viên làm được gì. Nói cho đúng là giảng viên ít quan tâm hoặc rất mơ hồ về trách nhiệm đối với xã hội về sản phẩm của mình tạo ra. Sự khép kín của học đường tạo nên khoảng cách kiến thức được dạy với thực tiễn đáng lo ngại như đã thấy. Vì vậy chính lực lượng này trước hết phải tự thay đổi cách nhận thức và phương pháp giảng dạy phù hợp với mục tiêu, cơ cấu chương trình đề ra.
Ngày nay, những thách thức phát triển khoa học kỹ thuật và vận động của hệ thống kinh tế trên thế giới trở thành áp lực thực sự đối với giảng viên. Nó đòi hỏi những quy chuẩn khác với truyền thống (9) . Có lẽ đến lúc phải nghiêm túc xem lại vấn đề này một cách căn cơ và đề ra những giải pháp mang tính khả thi hơn. Nhìn xa hơn, để có đội ngũ đáp ứng giảng dạy chương trình Văn như vậy cần đào tạo hoặc bổ túc thêm nhiều kiến thức và kỹ năng khác nữa. Đã đến lúc phải nhìn thẳng sự thật, nếu không quyết liệt cải tiến, điều chỉnh chương trình theo hướng thích nghi cao, tất yếu sẽ bị xã hội đào thải chứ không chỉ dừng lại ở sự thờ ơ của người học như lâu nay. Sự chần chừ, chậm trễ của các nhà khoa học cộng với thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của hệ thống quản lý nhà nước chỉ góp phần làm chậm bước tiến của giáo dục đại học và tụt hậu so với thế giới là điều khó tránh khỏi.
7. Từ nhận thức trên, vừa qua Trường Đại học Văn Lang đã mạnh dạn khởi động xây dựng chương trình Văn theo hướng ứng dụng. Để thực hiện sứ mệnh trên cần nhiều đóng góp về tài, trí của các nhà khoa học. Hãy còn quá sớm để đánh giá về chương trình Văn học ứng dụng ở giai đoạn khởi nghiệp này. Song hy vọng từ khởi động mang tính đột phá ấy, một mô hình Văn học ứng dụng sẽ dần hình thành và tìm được vị trí xứng đáng trong cơ cấu, góp phần thúc đẩy sự hình thành một chương trình văn học mang tính phổ dụng cho mọi ngành ở bậc đại học nói chung đáp ứng nhu cầu đào tạo lực lượng chất xám có ích cho xã hội trong xu thế hội nhập hiện nay.
TS. Hồ Quốc Hùng
Phó trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn – Trưởng ngành Văn học ứng dụng.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
(1) Ngay trong một nước, xu hướng thiết kế chương trình Văn học ứng dụng cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Chẳng hạn ở Pháp, chúng ta có thể chia thành 3 xu hướng: xu hướng giữ khung chương trình cũ và thêm các môn học mang tính ứng dụng bên cạnh các môn học mang tính hàn lâm; xu hướng thiết kế nâng dần cấp độ theo các đơn vị giảng dạy xuyên suốt trong 6 học kỳ dựa theo khung các kỹ năng; xu hướng hiện đại chú trọng tính toàn cầu, đa văn hóa, đa ngôn ngữ dành cho sinh viên quốc tế.
(2) Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2010 chỉ có 5,2% thí sinh nộp đơn vào khối C. Tại Tp.HCM, ngay từ năm thứ 2 triển khai chương trình phân ban, ban KHXH-NV bị xóa sổ trong chương trình do quá ít học sinh đăng kí.
– Theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2005-2007 có 6,4% học sinh chọn ban KHXH-NV trên cả nước và giảm dần đến năm 2008-2009 tuột xuống còn 2%.
(3) Bài:
Ngọc Hiền, Công Nhật (2017), “ Có khoảng trống trí tuệ cảm xúc”, Tuổi trẻ, ngày 28/6/2017.
Nguyễn Hưng (2017), “Argentina: Thêm môn giáo dục cảm xúc vào chương trình học”, Tuổi trẻ, ngày 09/6/2017).
Phúc Duy (2017), “ Mỹ đào tạo giao tiếp cho cảnh sát trẻ”, Thanh niên, ra ngày 17/6/2017.
(4) Chương trình đào tạo Văn học ứng dụng, Đại học Dormun, Đức, người chuyển ngữ : Frank Gerke và Bùi Khởi Giang.
(5) Chương trình đào tạo Văn học ứng dụng và làm văn, Sở giáo dục bang Georgia, Atlanta, 1999, người chuyển ngữ: Đoàn Thị Thu Vân.
(6) Chương trình đào tạo cử nhân ngành Văn học ứng dụng (Lettres appliquées) của Đại học Nîmes. Ở Pháp, tính ứng dụng trong xây dựng chương trình không chỉ thể hiện ở bậc cử nhân mà còn cả ở bậc Thạc sĩ. Việc phân định rõ ràng và thực hiện hai chương trình đào tạo khác nhau theo hai hướng: hướng nghiên cứu (recherche) và hướng thực hành nghề nghiệp (professionnel) ở bậc Cao học từ rất sớm cho thấy Pháp quan tâm vấn đề này. Người chuyển ngữ : Nguyễn Quốc Thắng.
(7) Chương trình Văn học ứng dụng (Applied literature) của Sở giáo dục Georgia dành cho các cấp học (từ phổ thông đến sau đại học). Tính ứng dụng của chương trình này còn được thể hiện trong việc đề xuất các hoạt động và tài liệu cụ thể. Đặc biệt, chương trình còn thiết lập các buổi có sự tham gia của diễn giả, khách mời để phát triển chủ đề ứng dụng từ các môn học. Việc đề nghị các phương pháp đánh giá trong chương trình này cũng chú trọng tính ứng dụng.
(8) Chẳng hạn, trong chương trình đào tạo Văn học ứng dụng của Đại học Nîmes, những môn học như Văn chương và di sản Anglo Saxon (Littérature et patrimoine Anglophones), Nghệ thuật Châu Mỹ La-tinh (L’Art en Amérique Latine) nói rõ ý hướng mở rộng trí thức theo hướng ứng dụng. Đặc biệt, việc đặt ra mối quan hệ giữa văn học với điện ảnh, văn học với triết học, văn học với luật pháp, văn học với âm nhạc thông qua các môn học có tính lý thuyết cũng như việc khái quát các mối quan hệ này thông qua các môn học về thực tiễn văn học – nghệ thuật là phương pháp có tính triết lý trong đào tạo văn học ứng dụng.
(9) Philip G. Altbach (2006), ‘‘Những thực tế đầy khó khăn; Đội ngũ giáo chức Đại học đối diện với một thế kỉ mới”, Giáo dục Đại học Hoa Kì, Nhà xuất bản Giáo dục.