Con gái đam mê ngành Xây dựng

(TT. Thông tin – Văn Lang, 18/1/2013) – Xây dựng được xem là ngành “kén” nữ giới. Việc xác định chọn Xây dựng làm ngành học, từ đó định hướng nghề nghiệp tương lai với giới nữ đó là chuyện không hề đơn giản. Hơn cả sự yêu thích, phụ nữ chọn ngành Xây dựng cần có sự đam mê thật sự. Bởi chỉ có đam mê, họ mới vượt qua tất cả khó khăn và sẵn sàng sống với “nghề” trong mọi hoàn cảnh. Chưa trải nghiệm nhiều  thực tế cuộc sống của một nữ kỹ sư Xây dựng nhưng với những gì thể hiện trong 4 năm rưỡi học tập, Trần Thị Huyền Trân – cô sinh viên K14 ngành Kỹ thuật công trình xây dựng, khoa Kiến trúc Xây dựng, trường ĐH Văn Lang đã cho chúng ta cảm nhận được điều ấy.

 

Thành tích học tập xủa Trân rất tốt. Điểm trung bình chung học tập qua các kỳ đều trên 8.0. Bởi vậy hầu như kỳ nào, Trân cũng đều nhận học bổng của trường. Sau 4,5 năm học, cho những ngày phấn đấu, nỗ lực không ngừng, Trân đạt danh hiệu sinh viên Giỏi với điểm tổng kết toàn khóa học 8.03 – một kết quả thật không dễ đạt được với sinh viên ngành Xây dựng.

Trong đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp (ĐATN) vừa qua (6/1/2013) của 129 sinh viên K14 ngành Kỹ thuật công trình Xây dựng (ngành Xây dựng), khoa Kiến trúc – Xây dựng, Ký túc xá sinh viên ĐHQG – đồ án tốt nghiệp do sinh viên Trần Thị Huyền Trân thực hiện là đề tài duy nhất được xếp loại Giỏi. Số điểm 8.4 trong những buổi bảo vệ đồ án như vậy của ngành Xây dựng không nhiều. Huyền Trân đồng thời cũng là sinh viên có thành tích học tập đáng nể của ngành Xây dựng với điểm tổng kết toàn khóa học 8.03. Với Trân – người nữ kỹ sư xây dựng tương lai, một trong 7 bạn nữ ít ỏi của K14 (7/159), đó là thành tích rất đáng được ghi nhận. Từ thành công nhìn lại, chúng ta cùng chia sẻ với Huyền Trân đôi điều trong cuộc trò chuyện nhỏ.

 

Ngành Xây dựng được xem là nghề của nam giới, Trân chọn học ngành Xây dựng có lý do đặc biệt nào không?

Trần Thị Huyền Trân: Từ nhỏ, mình hay theo ông ngoại ghé chơi nơi những căn biệt thự đang xây dựng (ông mình quen mấy chú thầu nhà trong đó). Nhìn những ngôi nhà vừa đẹp vừa vững vàng, mình cảm thấy rất thích. Mình tự hỏi: Người ta đã xây chúng như thế nào nhỉ? Sự tò mò khơi gợi niềm yêu thích, mình “yêu” ngành xây dựng từ đó và quyết định sẽ chọn nó làm nghề nghiệp tương lai.

Trước quyết định chọn ngành của Trân, gia đình và bạn bè đã phản ứng như thế nào?

TTHT: Gia đình mình hoàn toàn đồng ý nhưng bạn bè và thầy cô thì phản đối. Cả ba mẹ của các bạn mình cũng khuyên mình không nên thi vào Xây dựng. Mọi người bảo ngành này khổ và không hợp với con gái. 

Và Trân từng có ý định chuyển ngành học?

TTHT: Thật sự mình đã lung lay và mình đã đổi ý dù cảm thấy không thật sự.. thích đổi. Năm 12, mình nộp đơn ngành Công nghệ thực phẩm (ĐH Công nghiệp Tp. HCM) và ngành Bảo quản nông sản (ĐH Nông lâm Tp. HCM). Song niềm đam mê nghề nghiệp trở về, thôi thúc mình từ một sự gặp gỡ tình cờ. Mình và dì sau đó có đón xe vào thành phố nộp đơn ngành Xây dựng (ĐH Bách khoa Tp. HCM) nhưng thời hạn nộp hồ sơ dự thi đã hết. Tuy vậy, mình không từ bỏ. Và mình đến với khoa Kiến trúc – Xây dựng, trường ĐH Văn Lang từ đấy.

Học Xây dựng, với nữ chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn?

TTHT: Theo mình khó khăn lớn nhất của nữ khi theo học ngành này là vấn đề về sức khỏe. Dân Xây dựng thường phải thức khuya nhiều để hoàn thành các bài tập và đồ án nếu như không muốn trễ tiến độ. Có những lúc mình phải thức trắng ba, bốn đêm liền nên rất… đuối. Sức khỏe vì thế suy giảm rõ rệt.

Tuy nhiên trong suốt quá trình học tập, mình cũng như các bạn nữ luôn được các thầy cô trong Khoa khuyến khích, động viên nên vững tin hơn rất nhiều. Các bạn nam trong lớp cũng nhiệt tình giúp đỡ nữ tụi mình. Song mình và các bạn và phải luôn tự thân vận động là chính. Bởi chỉ có sự cố gắng và nỗ lực mới giúp bản thân mỗi chúng ta vượt qua tất cả.

“Trân có tố chất thông minh, có tinh thần cố gắng trong học tập. Tôi cảm nhận được sự đam mê ngành học thật sự trong Trân.” (KS. Huỳnh Thanh Điệp – Phó trưởng khoa Kiến trúc – Xây dựng)

Và đam mê đã giúp Trân vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và hoàn thành ĐATN?

TTHT: Những lúc mệt mỏi với hàng đống bài tập, mình muốn bỏ hết cho xong. Nhưng rồi, ước mơ về căn nhà của mẹ và ước muốn trở thành một kĩ sư xây dựng đã không cho phép mình buông xuôi. Mình tự động viên mình đứng lên, tiếp tục cầm sách, tiếp tục với những đêm “trắng” cùng đồ án.Và đam mê đã giúp Trân vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và hoàn thành ĐATN?

Còn trong khi thực hiện đồ án tốt nghiệp, không may mình bị bệnh. Bác sĩ khuyên mình không nên quá lao tâm nên mình buộc phải hạn chế thời gian làm việc. Bên cạnh lý do sức khỏe, mình còn vướng bận một số việc của gia đình nên bị trễ tiến độ 4 tuần so với các bạn. Mặt khác, phần mền Etabs bị lỗi, mình buộc phải dựng lại mô hình. Mất 8 lần tải lại nên thời gian mình bị “ngốn” không ít. Do đó, về sau mình phải chạy đồ án rất cực. Nhưng bằng sự cố gắng và nỗ lực, mình đã hoàn thành tất cả tốt nhất trong khả năng có thể. Xét về tổng thể, đồ án đạt yêu cầu trong thiết kế nhưng mình thật sự rất tiếc vì một số dự định trong phần tính toán ban đầu bị bỏ lỡ.


Ngoài những giờ học trên lớp, Trân có tham gia các khóa học bổ trợ kiến thức chuyên ngành nào khác?

TTHT: Mình từng tham gia hai khóa học về Giám sát thi công xây dựng công trình và Lập dự toán tại Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị Doanh nghiệp (Leadman Sri). Tại đây, mình được các thầy truyền đạt lại rất nhiều bài học thực tế giá trị cần có của một kỹ sư xây dựng như kinh nghiệm giải quyết công việc, cách xử lý khi có sự cố công trình, cách quản lý các công đoạn trong thi công,… Cùng với những kiến thức chuyên ngành đã được tích lũy từ nhà trường, từ thực tập, những kiến thức bổ trợ này giúp mình tự tin hơn về năng lực chuyên môn khi ra trường tìm việc làm. Cũng chính tại lớp học này, qua lời gợi ý của thầy Phạm Sanh – giảng viên Leadman Sri, mình và đề tài đồ án KTX sinh viên ĐHQG đã “gặp” nhau.

Xuất phát từ tâm lý chủ quan: khi cần mới học nên dù có biết đến những khóa học nhưng các bạn trong ngành biết thường ít tham gia. Trân nghĩ, sự trang bị đó là cần thiết trước khi mỗi kỹ sư tương lai thực sự bước vào con đường sự nghiệp của riêng mình.

 

ĐATN “KTX sinh viên ĐHQG” của SV Trần Thị Huyền Trân được Th.S Nguyễn Quốc Thông – giảng viên hướng dẫn đánh giá cao về thái độ làm việc; khối lượng đồ án thực hiện được và sự vững vàng về kiến thức chuyên môn. ThS. Lê Tuấn Khoa – người phản biện và Hội đồng giám khảo (Hội đồng 5) đánh giá cao độ mức hoàn thiện đồ án, tính phong phú trong tính toán, thể hiện thuyết minh, thể hiện bản vẽ… Sự tự tin trong phần thuyết trình cũng là yếu tố góp phần vào sự thành công của Trân trong buổi bảo vệ.


Trân có thể chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm trong quá trình làm việc với đồ án tốt nghiệp?

TTHT: Chọn đề tài và xác định phạm vi đề tài, đó là vấn đề đầu tiên theo mình các bạn cần lưu tâm khi bắt đầu thực hiện đồ án.

Thứ hai: Sẽ rất mệt mỏi và căng thẳng nếu mọi thứ vẫn còn ngổn ngang khi thời hạn nộp bài và trình bày sắp đến gần. Do đó trong khoảng thời gian 3 tháng rưỡi thực hiện, các bạn cần phân bổ thời gian hợp lý. Nên làm việc với đề tài một cách đều đặn, tránh tình trạng dồn bài. Thực tế cho thấy, phần lớn những sai sót trong tính toán thường rất dễ mắc phải vào thời điểm này.  

Thứ ba: Giảng viên hướng dẫn vừa là một người thầy vừa là một “người bạn” đồng hành quan trọng với mỗi sinh viên trong suốt quá trình thực hiện. Những chỉ dẫn gợi mở hướng đi, những nhận xét, góp ý giúp các bạn kịp thời sửa chữa những lỗi sai… Bởi vậy, chúng ta nên tận dụng tất cả các buổi làm việc với người hướng dẫn để đồ án được hoàn thiện hơn. 

Cuối cùng: Nhằm tránh rơi vào “lỗ hổng” kiến thức, chúng ta hãy tập trung ôn tập những gì đã được học. Các bạn không nên quá “tham” khi nghiên cứu cái mới hay thiết kế những công trình có kết cấu lạ khi mà những kiến thức cơ bản còn mơ hồ. Mình chỉ khuyến khích các bạn nghiên cứu thêm khi các bạn đã chắc chắn nắm vững các kiến thức cơ bản và sử dụng chúng nhuần nhuyễn.

Những kiến thức và kinh nghiệm học hỏi được từ đợt thực tập có hỗ trợ Trân trong việc thực hiện đồ án?

TTHT: Trân bắt đầu thực tập từ hè năm 3 tại công trình Airport Plaza (Quận Tân Bình). Năm 4, mình tiếp tục học hỏi kinh nghiệm tại công trình Dimond Island (Quận 2). Mình còn tham gia thực tập tại cơ sở 2 trường mình nữa. Đồ án tốt nghiệp thuộc về thiết kế thi công còn thực tập thuộc về thi công công trình. Khoảng cách giữa bài học thực tế và bài học lý thuyết còn khá xa nên mình chưa áp dụng được. Tuy nhiên, đó sẽ là hành trang cần thiết, hỗ trợ đắc lực cho Trân khi trực tiếp tiếp xúc với công việc của một kỹ sư xây dựng trong thời gian tới.

Trân muốn xâm nhập thực tế để hiểu về công việc của ngành nhiều hơn không chỉ qua sách vở; muốn tìm hiểu người ta đã xây dựng những công trình như thế nào để khi ra trường không phải lóng ngóng và bỡ ngỡ. Luôn tìm tòi, luôn học hỏi, mình thích điều đó.

Theo Trân, những tố chất nào cần thiết cho một kỹ sư xây dựng?

Sáng tạo để đổi mới; học hỏi để tiếp thu kinh nghiệm, để nâng cao tay nghề chuyên môn; trung thực, tận tình và đề cao đạo đức nghề nghiệp… đó là những phẩm chất mình nghĩ một người kỹ sư xây dựng cần có. Và hơn thế, người kỹ sư cần có sự đam mê ngành nghề thật sự. Cốt lõi của mọi sự cố gắng và thành công chính là ở đấy.


Dự định nghề nghiệp của Trân trong thời gian tới?

TTHT: Trân có một “tham vọng” là được đi tu nghiệp ở nước ngoài nếu có điều kiện. Bởi đó là cơ hội lớn nhất để Trân có thể mở mang kiến thức và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Tương lai gần, Trân sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học vấn, hoàn thành chương trình thạc sĩ, chắc chắn là vậy (cười). Hiện tại thì vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận mình vào công tác. Mình cũng lo lắng về vấn đề này. Nhưng dù khó khăn đến đâu, mình vẫn “sống” với Xây dựng. Mình đam mê xây dựng!

Cảm ơn Huyền Trân về cuộc trò chuyện. Chúc Trân sớm tìm được công việc như ý và thành công trong sự nghiệp phía trước. Chúc những ước mơ của Trân sẽ sớm thành sự thật. Mãi lấp lánh để tỏa sáng Trân nhé!

DH van lang con gai dam me nganh xay dung 01@Họ tên: Trần Thị Huyền Trân
@Năm sinh: 1990
@Quê quán: Ninh Thuận
@Sở thích: nghe nhạc, du lịch, đọc sách
@Phương châm sống: Hãy là chính mình!
@Câu nói tâm đắc: “If you want to shine tomorrow, you have to sparkle today”

Cảm nhận về Khoa, về Trường: Ngày trước, khi mới vào học, mình khá mặc cảm với mọi người, đặc biệt là bạn bè cũ. Mình buồn lắm và thường im lặng khi ai đó hỏi về. Nhưng, tâm trạng ấy trôi mau sau những ngày được học tập dưới ngôi trường Văn Lang trong gia đình Kiến – Xây. Mình vui và tự hào về điều đó. Mình nghĩ học trường nào không quan trọng, quan trọng chính ở sự cố gắng và nỗ lực hết mình trong học tập và rèn luyện tốt nhất trong khả năng có thể.

Chia sẻ những ước mơ: Không riêng ngành Xây dựng trường mình, thực tế các trường khác cũng vậy: nặng về lý thuyết mà thiếu thực tế. Vì thế, nếu được mình mong rằng Khoa nên tổ chức nhiều chuyến đi thực tế tại công trường thi công cho sinh viên từ năm hai trở đi, một mặt giúp các bạn có cơ hội tiếp cận thực tế, mắt khác hình dung được công việc của ngành nghề trong tương lai.

”Mình thấy thực tế cuộc sống hiện tại thật trái khoáy khi người nghèo phải luôn sống trong tình trạng không nhà cửa hoặc trong những khu trọ chật hẹp, cũ kỹ mà vẫn bị các chủ trọ ép giá; trong khi các tòa nhà cao ốc cứ mọc lên san sát mà không mấy ai mua. Vì thế mình ước được chung tay xây dựng những chung cư giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp, cả sinh viên nữa, tất nhiên vẫn đảm bảo về mặt kỹ thuật và độ an toàn (đề tài ĐATN và mình tuy “gặp” nhau tình cờ nhưng lại rất trùng hợp). Và trên hết, từ thuở bé mình luôn ao ước được tự tay thiết kế, tự tay xây cho mẹ một ngôi nhà khang trang”.

Thu Hiền 

 

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan