Công nghệ Kỹ thuật Môi trường – tiềm năng và cơ hội

 (TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 31/8/2013) – Cùng với quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật môi trường ngày càng cao. Cơ hội việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành học này, do vậy khá rộng mở. Song hiện nay, nhiều thí sinh chọn ngành môi trường vẫn còn đắn đo, thắc mắc về ngành, về hướng đào tạo và việc làm sau khi tốt nghiệp. Những câu chuyện của cựu sinh viên khoa CN&QL Môi trường sẽ giúp các bạn có hình dung cụ thể hơn về tương lai.

DH van lang cong nghe moi truong tiem nang va co hoi 01Trần Tư Dinh Cựu sinh viên khóa 12 (2006 – 2010), ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường. Hiện làm việc tại Công ty TNHH Goshu Kohsan, Nhật Bản. Công ty chuyên lắp đặt các hệ thống xử lý nước cấp (DI, E-DI…) và nước thải (nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, nước thải chứa kim loại nặng…).
(Ảnh chụp Đoàn SV Văn Lang thăm viếng Đền Hùng tại Lăng Bác, năm 2009. Chị Trần Tư Dinh đứng hàng trên, thứ 2 từ phải sang.)


Công việc hiện tại của chị tại Goshu Kohsan là gì?

Tìm việc làm có khó không chị? Môi trường làm việc hiện tại có tốt không? ại Goshu Kohsan, chị làm trong nhóm Cost-Estimate (Ước tinh chi phí) của phòng dự án. Nhóm này chuyên nhận thông tin từ phòng sale, trên cơ sở đó tính toán thiết kế, đưa ra công nghệ xử lý và báo giá hệ thống xử lý nước thải hay nước cấp cho khách hàng. Sau khi hệ thống được lắp đặt, bên nhóm chị sẽ kiêm luôn mảng chạy thử hệ thống cho đến khi hệ thống vận hành ổn định và cuối cùng là bàn giao. Ngoài ra, chị còn làm việc trong phòng thí nghiệm của công ty, với vai trò phụ trách chính: vận hành quá trình kết tụ keo bông và phân tích mẫu nước, đưa ra các thông số ban đầu cho thiết kế, cũng như kiểm tra liều lượng hóa chất cho hệ thống xử lý thực tế.


Tìm việc làm có khó không chị? Môi trường làm việc hiện tại có tốt không? 

Sau 1 năm làm việc ở Trung tâm CENTEMA của Khoa, mảng nghiên cứu, chị có ý định chuyển công tác. Cùng lúc đó, bên Goshu có đợt tuyển nhân viên mới. Bạn chị làm ở đây nên biết và kêu chị nộp đơn. Chị dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn và làm việc ở Goshu, tính đến nay đã được 2 năm rồi. Hiện tại, ngoài chị còn có 2 anh chị cũng tốt nghiệp ngành CN Kỹ thuật Môi trường, trường ĐH Văn Lang đang làm việc tại Goshu: một cùng khóa với chị (anh Trần Ngọc Toàn) và một là đàn em K13 (bạn Nguyễn Kim Thoa).

Goshu là một môi trường làm việc tốt, năng động, cơ hội phát triển nghề nghiệp cao, thu nhập cũng khá ổn. Với những gì đã và đang trải qua tại Goshu trong 2 năm qua, chị nghĩ chị sẽ gắn bó lâu dài với nơi đây. Nếu muốn bồi dưỡng kiến thức về môi trường thì Goshu là một trong những nơi lý tưởng nhất mà chị cảm nhận được đến thời điểm hiện tại. Có thể nói, với chị hay với bất kỳ một kỹ sư nào, Goshu vừa là một thách thức vừa là một cơ hội.

Nhìn chung, chị và bạn bè cùng khoá không gặp nhiều khó khăn khi tìm việc sau ra trường (kể cả các bạn có học lực trung bình). Một mặt, do nhu cầu lao động ngành môi trường của xã hội thời điểm đó khá cao; mặt khác, chương trình đào tạo của khoa Công ngệ và Quản lý Môi trường Văn Lang thiên về hướng ứng dụng, nên sinh viên thường đáp ứng tốt các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trong quá trình làm việc, việc học hỏi cái mới cũng nhanh, nhạy hơn.

Hiện tại, các thành viên khóa K12M đều đã có công việc ổn định. Mức thu nhập cũng được cải thiện đáng kể so với thời gian đầu đi làm, bình quân khoảng 7 – 10 triệu (như chị nè, lúc ra trường, lương khởi điểm chị có 3.5 triệu thôi, giờ thì đã dư dả hơn với số lương cũ đó gấp 3 lần ).


Theo chị, những kiến thức, kỹ năng được học ở Văn Lang có giá trị thế nào với công việc?

Có thể nói, kiến thức các thầy cô trong Khoa truyền đạt thực sự là hành trang tốt nhất cho mỗi chúng ta khởi nghiệp. Bởi nền tảng kiến thức được trang bị trong 4 năm học tại Văn Lang hoàn toàn được áp dụng vào thực tiễn. Và công việc thực chất là sự phát triển những mô hình thu nhỏ từ môi trường đại học. Cụ thể nhé:

 ► Về công nghệ: Ở Khoa, ở trường đầy đủ các mô hình: bể hiếu khí, cột lắng, UASB,… đủ điều kiện để sinh viên vừa học vừa hành, nhờ đó nắm vững hơn những lý thuyết được học trước đó.

 ► Về thiết kế: Tùy vào từng vấn đề liên quan đến ngành học, Khoa chủ động tổ chức các buổi tham quan thực tế tại nhà máy, hay khuyến khích sinh viên lập các mô hình pilot chạy thử, qua đó làm tiền đề cho dữ liệu thiết kế trong công việc sau này.


Lời khuyên dành cho các tân sinh viên khóa mới?

Yêu ngành nghề, đó là yếu tố quan trọng. Đăng ký vào ngành CNKTMT, với một số bạn có thể không là lựa chọn ưu tiên. Do đó, các bạn cần đặt câu hỏi rằng mình có thật sự thích ngành học này không. Bởi quyết định chọn ngành hôm nay đồng nghĩa với quyết định chọn nghề – cái nghề bạn sẽ sống và gắn bó dài lâu với nó sau này. Cũng đừng lo lắng lắm, bởi chỉ có thể thật sự yêu nếu mình hiểu biết về nghề. Mình tin tình yêu nghề nghiệp sẽ đến khi các bạn tham gia học, thực hành, thí nghiệm ở Khoa CNQL Môi trường Văn Lang, bởi ở đó có những thầy cô thực sự yêu mến, say mê nghiên cứu và truyền tình yêu ấy cho sinh viên đã chọn ngành học này. 

Chỉ có sự say mê ngành nghề mới thực sự đem lại sự thích thú, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn gặp phải, và ý thức sâu, rộng hơn về sự đào luyện tri thức. Các bạn đồng thời cần có sự cần cù, chăm chỉ và tinh thần cố gắng để đạt đến thành công.

Công nghệ Kỹ thuật Môi trường là ngành học về các kỹ thuật và công nghệ ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải; các giải pháp quản lý, góp phần bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển bền vững.
Trong 4 năm học, sinh viên được trang bị những kiến thức chuyên sâu về: (1) các quá trình biến đổi hóa học, vật lý và sinh học của chất ô nhiễm, sự lan truyền của chúng trong môi trường; (2) quy trình công nghệ và thiết kế hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống quản lý chất thải, hệ thống xử lý khí thải, công nghệ xử lý đất ô nhiễm và sản xuất sạch hơn; (3) kiến thức về quản lý chất lượng môi trường, chính sách môi trường, phân tích hệ thống, quản lý môi trường đô thị và công nghiệp, đánh giá tác động môi trường và biến đổi khí hậu…, đồng thời được rèn luyện phương pháp làm việc khoa học, phân tích và giải quyết vấn đề thực tiễn một cách linh hoạt.

 

DH van lang cong nghe moi truong tiem nang va co hoi 02
Nguyễn Quang Thạch

Cựu sinh viên khóa 6 (2000 – 2004)
Hiện tại là Phó phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam

 

Con đường nào đã dẫn anh đến với ngành môi trường?

Cách đây 13 năm, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường với xã hội vẫn là một ngành học mới mẻ, nhất là với các học sinh ở tỉnh như mình. Con đường đến với ngành thời điểm đó, vì vậy với anh không là lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, kết quả thi vào khối ngành kinh tế và ngành Công nghệ thông tin không như mong muốn đã đưa anh đến với Môi trường, như một cơ duyên. Và cơ duyên đó, với anh hoàn toàn là một lựa chọn đúng đắn, nhất là ngay sau lần đầu gặp gỡ các thầy cô trong Khoa.


Nhận xét của anh về khoảng cách đào tạo của khoa Môi trường – Văn Lang với thực tế công việc ?

Có thể khẳng định rằng, chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường của trường ta khá sát với thực tế. Sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhờ vậy không mất nhiều thời gian tìm việc; công việc phụ trách cũng phù hợp với chuyên môn.

Ví dụ: Với chuyên ngành Công nghệ môi trường, các bạn được học các kiến thức về xử lý nước cấp, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn…; và công việc tương lai cũng thiên những hoạt động liên quan, tại các phòng thiết kế, phòng dự án của công ty chuyên về môi trường, hay các trạm xử lý nước cấp, nước thải, chất thải rắn… của một doanh nghiệp nào đó.

Với chuyên ngành Quản lý môi trường, Đánh giá tác động môi trường, Kinh tế môi trường,… là những môn các bạn sẽ được học. Tốt nghiệp chuyên ngành này, các bạn có thể làm việc trong phòng môi trường và an ninh lao động của tất cả các đơn vị sản xuất trong các khu công nghiệp.


Vậy chắc anh không vấp phải nhiều khó khăn khi tìm việc? 

Cũng như phần lớn các sinh viên khác, sau khi ra trường, khó khăn lớn nhất anh gặp phải khi tìm việc là yêu cầu về kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhờ những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian học tập tại trường và làm việc tại Trung tâm CENTEMA – Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ và Quản lý Môi trường của Khoa, so với các bạn anh hơn chút ưu thế . Với anh, CENTEMA được xem như một công ty thu nhỏ, nơi sinh viên Khoa có cơ hội vận dụng và phát huy khả năng của mình.

Khó khăn khi tìm việc là điều tất yếu, nhưng đó không hẳn là vấn đề. Quan trọng là việc các bạn nắm vững lý thuyết, thành thạo thực hành và “sở hữu” một số kỹ năng mềm cần thiết… Đó sẽ là những hành trang quan trọng, giúp các có bạn một có khởi đầu thuận lợi hơn. Các bạn cố gắng trang bị chúng ngay từ những ngày đầu theo học tại trường nhé.


Hiện tại, sinh viên tốt nghiệp ngành Môi trường có dễ tìm việc không?

Các vấn đề về môi trường, với Việt Nam và thế giới ngày nay vẫn là bài toán nan giải. Do đó, trong tương lai xa và gần, việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Môi trường, theo anh là khá nhiều. Song điều quan trọng là các bạn có đáp ứng được yêu cầu công việc do nhà tuyển dụng đưa ra hay không thôi.   

Đặc trưng của khối ngành kỹ thuật – công nghệ nói chung, ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường nói riêng là học phải đi đôi với hành. Vì vậy, để hiểu vững lý thuyết, các bạn không nên bỏ qua các giờ học trong phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, các bạn cần chú ý trau dồi Anh văn chuyên ngành thật tốt để có thể tiếp cận nhiều hơn với nguồn tri thức công nghệ đang thay đổi và phát triển từng ngày. Công cụ này đồng thời là chìa khóa, sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều khi tìm việc, nhất là các công ty nước ngoài.

Ngoài kiến thức, việc cố gắng tận dụng hết khả năng và cơ hội có thể để phát triển bản thân trong những năm tháng bạn còn ngồi trên giảng đường trong suốt quá trình học tập và rèn luyện là điều cần thiết. Kỹ năng mềm là một ví dụ. Ở Văn Lang, Nhà trường luôn tạo điều kiện để các bạn hoàn thiện mình, thông qua các sân chơi học thuật, các hoạt động văn hóa – thể dục thể thao hay các CLB – Đội – Nhóm khác… 

Cuối cùng, mình muốn nhắn gửi các bạn tân sinh viên rằng, học đại học rất khác thời học phổ thông. Bởi lẽ lớp học ở đây không chỉ là giảng đường, mà hơn thế, chính từ những “môi trường” như thế.

 

Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ và Quản lý Môi trường (CENTEMA), được thành lập năm 1995. Hoạt động chính của Trung tâm: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực cấp thoát nước, chất thải rắn, khí thải và quản lý môi trường; thực hiện công tác tư vấn, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập bản cam kết bảo vệ môi trường, giám sát chất lượng môi trường cũng như thiết kế các hệ thống xử lý ô nhiễm. Trung tâm là đầu mối thực hiện nhiều đề án quốc tế (với Hà Lan, Đức, Thái Lan, Thụy Điển…) nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và sinh viên.

 

DH van lang cong nghe moi truong tiem nang va co hoi 03

Vũ Thùy Linh 
Cựu sinh viên khóa 4 (1998 – 2002), ngành Công nghệ Kỹ thuật môi trường.
Hiện là Phó Chánh văn phòng – Văn phòng Biến đổi khí hậu Thành phố.

 

Sau 10 năm tốt nghiệp, chị có thể chia sẻ đôi điều về công việc hiện tại của mình?

Mười năm tuy chưa phải là dài, nhưng với chị khoảng thời gian đó rất ý nghĩa. Tốt nghiệp năm 2002, chị lần lượt trở thành nhân viên môi trường tại Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Trung tâm GIS – Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ). Năm 2005, chị sang Anh tiếp tục học cao học ngành Quản lý Môi trường từ một suất học bổng của Tp.HCM. Một năm sau, chị được Thành ủy phân công công tác tại Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường. Hơn 6 năm gắn bó và phấn đấu, hiện chị là Phó Chánh văn phòng – Văn phòng Biến đổi khí hậu Thành phố.


Những kiến thức và kỹ năng thời đại học có ý nghĩa thế nào trong 10 năm ấy?

Theo chị, kiến thức được học tại trường không chỉ là công cụ hỗ trợ cho công việc, mà là nền tảng quan trọng giúp chúng ta nâng cao trình độ ở những bậc học tiếp theo, ngay khi chị theo học chương trình thạc sỹ tại nước Anh. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, việc vận dụng thành thạo các kỹ năng mềm sẽ là cánh cửa mở ra cho chúng ta nhiều hơn các cơ hội việc làm. Nhất là năng lực ngoại ngữ và tin học – những công cụ cần cho người lập nghiệp trong thời đại công nghệ số và giao lưu rộng mở như hiện nay.

Là người hoạt động trong nghề, trong vai trò một cán bộ quản lý môi trường, chị nghĩ, mặc dù được phân thành 2 chuyên ngành: Công nghệ Môi trường và Quản lý Môi trường nhưng các bạn nên nắm vững chìa khóa tri thức của cả hai bên. Mối quan hệ cộng hưởng này sẽ giúp chúng ta có những dự đoán và hoạch định đúng đắn hơn trong các chính sách vì môi trường.


Chị có điều gì nhắn nhủ với các bạn sinh viên sắp sửa bước vào ngành?

Khắc phục các vấn đề về môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của nó đã và đang trở thành những nhiệm vụ quan trọng của xã hội ngày nay, Tp. HCM cũng không là ngoại lệ. Do đó, phải khẳng định rằng, thị trường lao động vẫn đang và sẽ rất cần nguồn nhân lực môi trường, nhất là lao động có trình độ cao. Vì vậy, sinh viên theo học ngành môi trường không nên quá lo lắng về việc làm. Điều quan trọng là bạn chuẩn bị hành trang khởi nghiệp vững vàng như thế nào trong 4 năm đại học.

Công nghệ và Quản lý Môi trường là một thế mạnh của Trường ĐH Văn Lang, với 100% giảng viên cơ hữu nhận học vị tiến sĩ và thạc sĩ chuyên ngành ở nước ngoài (Hà Lan, Pháp, Úc, Thái Lan). Đây cũng là ngành học đầu tiên của trường được Bộ GD & ĐT cho phép đào tạo bậc cao học, bắt đầu từ năm 2012. Trong các năm gần đây, những đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường đạt được nhiều giải thưởng giá trị. Đội ngũ giảng viên của Khoa thường xuyên triển khai những đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có tính ứng dụng cao và có những đóng góp thiết thực, nổi bật cho ngành Môi trường của khu vực Tp. HCM và các tỉnh phụ cận. Trường Văn Lang đã bước sang tuổi 18, 15 thế hệ sinh viên Văn Lang nối tiếp nhau tham gia vào thị trường lao động cả nước. Bằng chính khả năng của mình, họ đã và đang cùng nhau góp phần nâng cao uy tín của Nhà trường, củng cố hơn niềm tin của xã hội về chất lượng đào tạo. Sự thành công của nhiều các cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư tốt nghiệp từ trường ĐH Văn Lang hôm nay là minh chứng cụ thể nhất và sống động nhất.


Thu Hiền (tổng hợp)

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan