Cử nhân ngành Kỹ thuật Phần mềm: Vững vàng khởi nghiệp

(TT. Thông tin – Văn Lang, 28/7/2014) – Theo số liệu thống kê từ kết quả khảo sát việc làm sinh viên tại thời điểm tốt nghiệp do khoa Công nghệ Thông tin cung cấp, tính đến 25/7/2014, trong số 51 cử nhân ngành Kỹ thuật Phần mềm được vinh danh trên thảm đỏ Lễ Tốt nghiệp tháng 7/2014 vừa qua, có 13 bạn đã tìm được việc làm, và bắt đầu những ngày làm việc đầu tiên trước thời điểm tốt nghiệp.

Sau gần 1 tháng tính từ ngày bảo vệ Capstone Project, gặp lại các bạn sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm trong ngày lễ trọng đại của cuộc đời – Lễ Tốt nghiệp, với áo cử nhân, với bảng điểm thắt nơ đỏ, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ CMU, cùng những nụ cười thật tươi bên gia đình, bạn bè, thầy cô… tôi thấy lòng mình len lỏi niềm vui thật lạ. Có lẽ vì qua 2 ngày xem các bạn báo cáo kết quả thực hiện dự án và phản biện trước Hội đồng, cùng các công ty, doanh nghiệp đến dự, tôi hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả, những nỗ lực, cố gắng của mỗi người trong hành trình đi đến đích ngày hôm nay. Càng vui hơn khi được biết, trước thời điểm tốt nghiệp, một số bạn đã tìm được việc làm với mức thu nhập tương đối ổn định. Điều thú vị là qua những câu chuyện chia sẻ cùng các bạn, tôi cảm nhận được sự háo hức, say mê trong mỗi người với công việc mới, đặc biệt là niềm tự hào và sự hài lòng của các bạn sau 4 năm học tập dưới ngôi trường ĐH Văn Lang.

Trong hai ngày 19 và 20/7/2014, trường ĐH Văn Lang tổ chức Lễ Tốt nghiệp cho hơn 2035 tân cử nhân, tân kỹ sư, tân kiến trúc sư các ngành đào tạo của trường. 51 cử nhân ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình ĐH Carnegie Mellon đã được vinh danh trong buổi Lễ chiều 20/7/2014.

 
DH van lang cu nhan phan mem vung vang khoi nghiep 01TS. Nguyễn Dũng – Hiệu trưởng, ThS. Bùi Quốc Nam – Phó Giám đốc Dự án CMU trao quà tặng và bảng điểm cho thủ khoa ngành Kỹ thuật Phần mềm – Nguyễn Hứa Hoàng Long.
Trong 51 tân khoa ngành Kỹ thuật Phần mềm khóa 16, Hồ Phúc Nguyên là một trong số ít sinh viên bắt tay ngay vào công việc. Hiện tại, Nguyên đã đi làm được 1 tháng, tại Công ty CSC Việt Nam trong vai trò một chuyên viên lập trình Java Fresher. Trò chuyện với Nguyên, tôi chợt nhớ đến Phạm Quang Vũ – cựu sinh viên khóa 14 ngành Kỹ thuật Phần mềm. Bởi con đường 2 bạn đến với CSC có những điểm tương đồng, mà cầu nối chính là chuyến tham quan thực tế tại CSC Việt Nam: “Năm 3, em có cơ hội tham gia chương trình “CSC Vietnam Office Tour”. Qua chuyến đi và những gì tìm hiểu được, em rất ấn tượng môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp của CSC. Từ đó, em khao khát có cơ hội làm việc ở đây. Cuối tháng 5 vừa rồi, CSC tổ chức chương trình đào tạo dành cho sinh viên năm cuối hoặc mới tốt nghiệp. Lúc này, tuy đang trong giai đoạn chạy nước rút nhưng thời gian thực hiện Capstone Project cũng sắp kết thúc rồi nên em gửi CV tham gia. Và thật may mắn, em đã trúng tuyển”.

DH van lang cu nhan phan mem vung vang khoi nghiep 02Hồ Phúc Nguyên (hàng dưới, thứ nhất từ trái sang) cùng các tân khoa ngành Kỹ thuật Phần mềm trong Lễ Tốt nghiệp tại trường ĐH Văn Lang, 20/7/2014. 
Là sinh viên mới ra trường, lần đầu bắt tay vào công việc, Nguyên gặp những thuận lợi và khó khăn nào?

Môi trường làm việc tại CSC và môi trường học tập tại Văn Lang, với em, không quá nhiều khác biệt. Chính khoảng cách gần đó đã giúp em có 1 khởi đầu tự tin và thuận lợi. Ví dụ: Bạn phải làm việc theo nhóm và công việc được phân công rõ ràng cho mỗi người, nếu có khó khăn, mọi người có thể giúp đỡ bạn; Công việc đều có deadline để hoàn thành, và bạn phải báo cáo tình trạng và tiến độ mỗi ngày; Đọc tài liệu tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh khi trao đổi… Những điều đó, ở Văn Lang em đều được học và hành, đặc biệt trong thời gian thực hiện Capstone Project.

Khó khăn lớn nhất em gặp phải là việc tiếp cận với các kỹ thuật và công nghệ mới. Song với một background tốt được trang bị từ những kiến thức, kỹ năng đã học giúp em nhanh chóng nắm bắt vấn đề, sớm bắt kịp tiến độ dự án trong phần việc được giao. Trở ngại này, khi làm dự án tốt nghiệp, em đã từng gặp và xử lý được, nên cũng đỡ lo.

Sẽ có nhiều vai trò khác nhau cho bạn chọn khi tham gia Capstone Project bởi vì đây là dự án thực. Trong dự án vừa rồi, em làm trưởng kỹ thuật cho giai đoạn phát triển (Implementation phase). Từ khi bắt đầu dự án, em cũng như các bạn trong nhóm xác định đây là cơ hội để có thể tổng hợp tất cả kiến thức mình học trong suốt 4 năm, từ đó có thể tích lũy và áp dụng cho các dự án khác. Quan trọng hơn, là định hình cho mình một công việc mà mình theo đuổi sau khi ra trường.

Mỗi dự án có khoảng 30 tuần thực hiện. Để đạt được kết quả tốt nhất, nhóm trước hết phải biết xác định quy trình phát triển sao cho phù hợp tiềm năng của nhóm, cũng như mong đợi của khách hàng, từ đó, có kế hoạch triển khai và phân chia công việc hợp lý cho từng thành viên… Mặc dù đã lường trước những rủi ro, nhưng vì đây là lần đầu nhóm bắt tay vào thực hiện 1 dự án thực, nhiều khó khăn nảy sinh, nên trở ngại là điều khó tránh khỏi. Trong đó, vấn đề kỹ thuật và việc lấy yêu cầu từ khách hàng là 2 vấn đề lớn nhất.

Khách hàng (Phòng Kế hoạch và Quản lý Nhân lực trường ĐH Văn Lang) yêu cầu nhóm phát triển dự án “Quản lý đánh gia hiệu quả công việc, lý lịch khoa học” dựa trên nền tảng ASP. NET MVC 4 – công cụ mà em chưa bao giờ thực hiện trước đây. Ban đầu, bản thân em và các bạn khá bỡ ngỡ nhưng nhờ kiến thức nền tảng về lập trình, được sự định hướng của mentor, cùng cách tiếp cận ngôn ngữ mới một cách có hệ thống, sau 1 thời gian tìm hiểu, em và các thành viên về cơ bản đã sử dụng tốt ASP. NET MVC 4, và khá thành thạo khi xong Capstone Project. Có thể nói, thách thức từ ASP. NET MVC 4 như một bệ phóng về nhận thức, giúp chúng em hiểu rằng, trong lĩnh vực công nghệ, mọi cái mới đều có thể học được, nếu mình đủ kiên trì. Trường học dạy chúng ta rất nhiều, nhưng nó không đủ thời gian hay sức lực để dạy chúng ta biết tất cả, mà quan trọng là thái độ làm việc và kỹ năng tự học. Chỉ có tự học, trong công việc bạn mới không bị thụt lùi và nhờ đó giúp mình giỏi hơn qua thời gian.

Ngoài ra, cách làm việc trong nhóm cũng để lại cho em nhiều bài học “nhớ đời”. Bởi, trong suốt 30 tuần làm việc cùng nhau, không 1 nhóm nào giữ được sự “bình yên” từ đầu đến cuối. Bất đồng là lẽ tất nhiên. Bởi vậy, các thành viên trong nhóm cần trao đổi và chia sẻ chân thành. Trong đó, leader của nhóm phải biết lắng nghe, và tìm cách gắn kết sự khác biệt. Đạt được sự đồng thuận và thấu hiểu, bạn sẽ tạo được một không gian làm việc thoải mái, với hiệu suất công việc cao nhất.

 

Capstone Project là dự án tốt nghiệp, được sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm, đào tạo theo chương trình Carnegie Mellon University (CMU) thực hiện vào năm cuối trong thời gian hai học kỳ. Dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các tổ chức, các đơn vị xã hội; và được triển khai trên những yêu cầu cụ thể do khách hàng đặt ra. Capstone Project là cơ hội để các bạn có những trải nghiệm quý báu về việc học, cũng như công việc của một kỹ sư phần mềm tương lai. Ngày 26,27/6/2014, tại Hội trường 203A, Cơ sở 1 trường ĐH Văn Lang – 45 Nguyễn Khắc Nhu, Q.1, Tp.HCM, 52 sinh viên khóa 16 ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình ĐH Carnegie Mellon (CMU) – Hoa Kỳ đã bảo vệ thành công 10 dự án tốt nghiệp. 18 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm cũng đến tham dự Ngày Capstone Project của sinh viên.

Chia sẻ của Nguyên đồng thời là suy nghĩ của các sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm khác mà tôi có dịp trao đổi. Ngụy Như Huy Sơn là một trường hợp như thế. Các kiến thức về lập trình, thuật toán, ngôn ngữ lập trình, code cùng những kinh nghiệm rút ra được trong quá trình chạy Capstone Project đã giúp Sơn có một khởi đầu khá suôn sẻ ở vị trí tương tự tại Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Vương Thành: developer.

DH van lang cu nhan phan mem vung vang khoi nghiep 03So với một số ngành học khác trong trường, học phí ngành Kỹ thuật Phần mềm khá cao. Với gia đình Sơn, khoản tiền đó 4 năm qua, không là con số dễ chịu. Cũng như các bạn, Sơn rất muốn được đi đây đó xả stress khi kết thúc Capstone Project, nhưng “nếu đi chơi phải xin tiền ba mẹ, em thấy khó xử lắm. Giờ ba mẹ cũng đã cao tuổi, lại đang bệnh trong người nữa” nên thôi. Với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng, Sơn giờ đã tự lo được khoản chi phí cho bản thân, để “mỗi khi gọi điện về nhà, em không chỉ nói “Mẹ ơi, tuần sau mẹ gửi tiền cho con nha”. Trong niềm xúc động, Sơn chia sẻ “Ngày tốt nghiệp, thật hạnh phúc vì ba mẹ đã bên cạnh mình, vì mình cuối cùng đã làm được điều ba mẹ mong muốn…”.

Ngoài Sơn, trong số những bạn cùng khóa đã đi làm, developer còn là công việc của Trần Công Bằng tại 3psolutions. Yêu cầu công việc ở mỗi nơi một khác, nhưng điều giống nhau ở họ là dù ở môi trường nào, những sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm đều nhận thấy tính thực tế của chương trình đào tạo tại Văn Lang. Chính điều đó giúp họ khởi nghiệp vững vàng.

Bằng kể: “Qua 1 tháng đi làm, em thấy, 90% công việc hiện tại y chang lúc em làm Capstone Project. Khác cái là em phải làm việc cả ngày từ sáng tới chiều, trong không khí làm việc không dễ thở như Văn Lang thôi ! Em nói vui vậy chứ không hẳn mọi thứ đều thuận lợi hết đâu chị. Trong quá trình làm việc, em cũng gặp vài khó khăn, liên quan nhiều đến ngôn ngữ lập trình, ASP.NET chẳng hạn. Nhưng nhìn chung, trở ngại đó không quá lớn, và việc học ngôn ngữ mới với sinh viên Kỹ thuật Phần mềm, hoàn toàn nằm trong khả năng có thể. Đây cũng chính là điều em cảm thấy thú vị nhất về chương trình đào tạo của trường mình: dạy về cách học hơn là tập trung vào kiến thức. Nhờ vậy mà khi cấp trên yêu cầu mình viết phần mềm theo một ngôn ngữ nào đó, mình luôn trong tâm thế sẵn sàng. Chỉ cần chịu khó tìm hiểu, mình sẽ làm được”. Mức thu nhập hằng tháng của Bằng hiện nay là 5 triệu đồng. Trong tương lai, Bằng mơ ước được thử sức qua những vị trí khác nhau của kỹ sư phần mềm, và hy vọng với vốn kinh nghiệm chắc tay, nguồn vốn tích lũy được, Bằng có thể tự mình mở một công ty riêng.

 

DH van lang cu nhan phan mem vung vang khoi nghiep 05ThS. Bùi Quốc Nam (thứ nhất từ trái sang) trao chứng chỉ môn học cho Trần Công Bằng (thứ hai từ trái sang) và các sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm do ĐH Carnegie Mellon cấp trong Lễ Tốt nghiệp 207/2014.

 
Cùng với Hồ Phúc Nguyên, Ngụy Như Huy Sơn, Trần Công Bằng, Khấu Thành Đạo cũng là một trong số ít sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm tìm được việc làm trước thời điểm tốt nghiệp.

 

DH van lang cu nhan phan mem vung vang khoi nghiep 06

Khấu Thành Đạo (ngoài cùng bên phải) và bạn bè cùng khoa Công nghệ Thông tin. trong Lễ Tốt nghiệp, 20/7/2014

Có thể nói, trong số các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, Công ty Global CyberSoft được xem là một ông chủ khó tính. Vì vậy, việc vượt qua 3 vòng sơ tuyển khắt khe của Global CyberSoft và rất nhiều đối thủ khác để giành tấm vé vào môi trường này với Thành Đạo là một thành tựu đáng tự hào. Hiện, Đạo đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ theo yêu cầu của GCS, tham gia 1 khóa training của công ty và tự nâng cao kiến thức về lập trình, đặc biệt là ngôn ngữ Java trước khi chính thức bắt đầu công việc của 1 Java Developer trong tháng 8/2014.


Tuy chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng yếu tố nào đã giúp Đạo ghi điểm với nhà tuyển dụng khó tính Global CyberSoft?

Em nghĩ sự am hiểu quy trình phát triển phần mềm, khả năng sử dụng tiếng Anh, kỹ năng mềm và những kinh nghiệm học tập được qua 6 tháng thực hiện Capstone Project là những yếu tố giúp em ghi điểm với Global CyberSoft. Bên cạnh đó, không thể không kể đến uy tín và năng lực làm việc các anh chị cựu sinh viên Văn Lang qua quá trình làm việc ở đây đã chứng minh.


Qua khóa training của công ty, theo Đạo những kiến thức và kỹ năng được học có sát với đòi hỏi của công việc thực tế?

Kiến thức và kỹ năng được học ở ĐH Văn Lang rất sát với đòi hỏi các doanh nghiệp phần mềm yêu cầu. Mặc dù chưa có sự trải nghiệm qua công việc thực tế, nhưng từ những gì được học qua quá trình training, em đã thấy được sợi dây nối kết giữa học và làm. Đó là cách người kỹ sư phần mềm tạo ra những giải pháp có chi phí phải chăng cho các bài toán thực tế bằng cách áp dụng kiến thức về công nghệ và kinh doanh để xây dựng hệ thống phần mềm có chất lượng, phục vụ khách hàng.

Một điều nữa về chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Phần mềm theo chuẩn ĐH Carnegie Mellon ở ĐH Văn Lang theo em đã làm được rất tốt là tất cả sinh viên sau khi ra trường đều có khả năng giao tiếp và đọc hiểu tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh. Đây là điều kiện tiên quyết để sinh viên tìm việc và làm việc thuận lợi.


Có thể nói, Capstone Project là môn học có tính kết nối cao với thực tế, và rất hữu ích đối với sinh viên. Suy nghĩ của Đạo về vấn đề này?

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Phần mềm theo chuẩn CMU của Văn Lang chú trọng đến tính thực tế. Vì vậy, sau mỗi môn học, sinh viên được yêu cầu thực hiện một đồ án nhỏ. Mục đích ôn lại kiến thức đã học và ghi nhớ điều đã học qua hành. “Pha” cuối cùng của “quy trình” đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật Phần mềm là Capstone Project. Ngoài kiến thức, Capstone Project còn khuyến khích khả năng suy nghĩ, sáng tạo và giải quyết vấn đề của sinh viên, đồng thời hướng đến việc hoàn thiện và phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian… Sau 6 tháng thực hiện Capstone Project, em rút ra rất nhiều bài học bổ ích cho mình, từ cách thực hiện 1 dự án phần mềm như lấy yêu cầu, phân tích, thiết kế sao cho tốt, đến cách giao tiếp, trao đổi với khách hàng và bảo vệ đồ án trước Hội đồng, doanh nghiệp tham dự. 6 tháng đó, với em có thể nói, tương đương 1 năm kinh nghiệm.

————–

4 năm trước, khi chọn ngành, bạn từng băn khoăn “ngành này học gì và sau này làm gì, tìm việc có dễ không”. Hôm nay, những thắc mắc đó, không ai khác, bản thân các bạn đã có thể trả lời, bằng sự trải nghiệm.

Phần đông trong số các bạn đến với Văn Lang bằng tấm vé nguyện vọng 2. So với sinh viên các trường tốp trên, điểm đầu vào của các bạn có phần thua kém. Nhưng đó không phải là “rào cản vĩnh viễn cho sự vươn lên”. Cùng quá trình phấn đấu của mỗi người, trường Văn Lang đã cung cấp môi trường có điều kiện đủ tốt để các bạn gia tăng giá trị của bản thân mình. Văn Lang vui mừng vì những cố gắng, nỗ lực của tập thể cho công tác đào tạo, qua từng ngày, nay đã thành tựu. Càng tự hào hơn khi các bạn – những tân khoa vừa mới được vinh danh trong Lễ Tốt nghiệp vừa qua trước đó đã được thị trường lao động chấp nhận và vững vàng, tự tin trên chặng đường mới của hành trình khởi nghiệp.

Chương trình Kỹ thuật Phần mềm (Software Engineering, SE) được Carnegie Mellon University (CMU, Mỹ) chuyển giao đào tạo tại trường ĐH Văn Lang từ năm 2008. Sau khi kết thúc môn học và đạt điều kiện yêu cầu, CMU cấp Chứng chỉ mônhọc cho sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm và Quản trị Hệ thống Thông tin. Đến nay, đã có 1.986 Chứng chỉ môn học được CMU cấp cho sinh viên trường ĐH Văn Lang. Với danh tiếng của CMU, các Chứng chỉ này có giá trị lớn khi SV bước vào thị trường lao động toàn cầu. Theo kết quả khảo sát tháng 7/2013, 92% SV khóa 14 (2008 – 2012) có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp. Kết quả khảo sát tháng 3/2014 cho thấy 91.8% SV khóa 15 (2009 – 2013) có việc làm sau 9 tháng tốt nghiệp. Thực lực làm việc của SV đã chứng minh chất lượng đào tạo ngành SE theo chương trình CMU tại Văn Lang.

 

Xuân Phương

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan