(TT. Thông tin – Văn Lang, 12/4/2012) – Chiều 12/4/2013, Tổ giảng dạy Multimedia, Khoa Ngoại ngữ, trường ĐH Văn Lang tổ chức cuộc họp sơ kết, tập trung đánh giá việc triển khai phương pháp Blended Learning cho môn Phonetics tại phòng đa phương tiện – 604A, Khoa Ngoại ngữ, Trụ sở trường.
Cuộc họp có sự tham gia của TS. Nguyễn Dũng – Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Đắc Tâm – Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Ngoại ngữ, ThS. Bùi Thế Bảo – Trưởng phòng Quản lý Nhân lực, ThS. Võ Văn Tuấn – Trưởng phòng Đào tạo, ThS. Lê Viết Thắng – Trưởng phòng Đối ngoại cùng các cán bộ phòng ban khác và giảng viên của khoa.
Theo báo cáo của Khoa Ngoại ngữ, chương trình đào tạo của Khoa hiện vẫn còn một số tồn tại, chưa thực sự hợp lí về thời lượng và nội dung môn học. Với định hướng rõ ràng về hai chuyên ngành đào tạo: Tiếng Anh Thương mại và Giảng dạy Tiếng Anh, chương trình cần được xây dựng một cách cơ bản và nền tảng hơn. Điều này thể hiện qua việc chú trọng về luyện phát âm cùng lúc với luyện các kĩ năng nghe – nói – đọc – viết ngay từ các học kì đầu của khóa học. Hơn nữa, đa số sinh viên của trường từ các tỉnh về học nên không có nhiều điều kiện học tốt ngoại ngữ, cần được bổ trợ thường xuyên bằng các phương tiện hiện đại và phương pháp dạy – học tiên tiến.
Căn cứ vào đề án cải tiến và đổi mới Khoa Ngoại ngữ để nâng cao chất lượng đào tạo, phòng đa phương tiện đã ra đời như một giải pháp công nghệ hữu ích cho việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ của giảng viên và sinh viên của khoa, cụ thể là việc áp dụng thí điểm phương pháp học tập Bended Learning (học tập tích hợp) trong phòng đa phương tiện cho môn Phonetics (Ngữ âm học). Sau hơn một học kì áp dụng phương pháp học mới, dựa trên nền tảng công nghệ mới, việc học môn Phonetics của sinh viên đã có những biến chuyển tích cực.
Blended learning là phương pháp kết hợp giữa hướng dẫn trên lớp truyền thống với việc học tập qua thiết bị hiện đại trong môi trường kĩ thuật số, tạo nên trải nghiệm học tập hiệu quả hơn, kết quả thu được tốt hơn. Các giờ học trên lớp và cấu trúc chương trình vì thế cũng linh hoạt hơn, tăng tính trực quan sinh động trong giảng dạy và học tập. Sinh viên có thể tiếp cận với nhiều nguồn hướng dẫn, đánh giá và các công cụ kiểm tra giúp điều chỉnh tốc độ và cách học của họ. Lợi ích mang lại từ phương pháp học này còn thể hiện ở chỗ tạo công cụ tự học cho người học, giúp người có thể học mọi lúc, mọi nơi; thúc đẩy người học tham gia forum học thuật. Việc đánh giá của giảng viên vì thế cũng diễn ra khách quan và tiết kiệm thời gian.
TS. Nguyễn Dũng – Hiệu trưởng – trao đổi các vấn đề liên quan đến việc sử dụng phòng đa phương tiện trong công tác giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên khoa Ngoại ngữ
TS. Nguyễn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường – trao đổi một số vấn đề xoay quanh mục đích, phương thức và hiệu quả đầu tư dịch vụ trong giáo dục. Thầy cũng đề cập những hạn chế cần khắc phục trong quy trình đánh giá chất lượng dạy – học thông qua việc khảo sát chất lượng, phương pháp dạy – học tại phòng đa phương tiện. Từ đó, định hướng phương thức đầu tư hiệu quả, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, TS. Nguyễn Đắc Tâm – Trưởng Khoa Ngoại ngữ khẳng định những phát triển tích cực trong việc dạy và học của khoa từ khi phòng đa phương tiện đi vào hoạt động chính thức. Thầy cũng cho biết Khoa sẽ tiếp thu những ý kiến trao đổi, đóng góp từ phía nhà trường để cụ thể hoá thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển các phương pháp dạy – học ngày một tốt hơn, khai thác tối đa tiềm năng hoạt động của phòng đa phương tiện, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng thực sự của ngành tiếng Anh theo các định hướng của Khoa.
Hoàng Thanh