Doanh nghiệp đánh giá các Dự án do sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm CMU – Văn Lang thực hiện

(TT. Thông tin – Văn Lang, 11/8/2012) – Trong tháng 5/2012, có 10 đại diện doanh nghiệp Công nghệ Phần mềm của Tp. HCM đã nhận lời mời dự một sinh hoạt khá đặc biệt tại trường ĐH Văn Lang: nghe trình bày và đánh giá các Đồ án tốt nghiệp do sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm đào tạo theo chương trình CMU tại Trường ĐH Văn Lang thực hiện.

Có 5 dự án được trình bày trong ngày Capstone Project, 25/5/2012: Dự án Online Store, Dự án Eco System, Dự án E-Health, Dự án Accounting System và Dự án Human Resource Management.

Điểm đặc biệt của các đồ án tốt nghiệp này là thời gian thực hiện kéo dài gần 2 học kỳ và các đề tài phải xuất phát từ thực tế. Những đặc điểm đó là do quy định của Chương tình đào tạo Kỹ thuật phần mềm của Carnegie Mellon University (CMU), Hoa Kỳ, mà trường ĐH Văn Lang đã mua và triển khai đào tạo từ năm 2008. Để phân biệt với Đồ án tốt nghiệp thông thường của các chương trình đào tạo CNTT khác, trường ĐH Văn Lang đã giữ nguyên tên gọi của CMU, mà không dịch – Capstone Project, trong bài viết này được viết tắt là CP. Tổng thời gian thực hiện CP là 30 tuần, buổi Hội thảo được tổ chức vào tuần thứ 24 của các CP, khi mà các nhóm đang ở giai đoạn hoàn thiện sản phẩm.

CP là một nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo của ngành này, được sắp xếp ở năm thứ tư. Mỗi CP được thực hiện trong khoảng 7 tháng, bởi một nhóm 8 sinh viên. Quy trình thực hiện dự án từ khâu lấy yêu cầu của khách hàng, chọn giải pháp, phân tích thiết kế hệ thống, lập trình, kiểm thử, trình bày… đều thực hiện theo những quy chuẩn bắt buộc của chương trình và phương pháp đào tạo được chuyển giao từ CMU – trường ĐH xếp hạng số 1 Hoa Kỳ về lĩnh vực Khoa học máy tính. Các báo cáo của quá trình thực hiện và quản lý CP cũng theo hệ thống chuẩn bắt buộc. Các thông số về thời gian, lượng giá công việc từng giai đoạn, độ trễ của tiến trình thực hiện… chi tiết, tỉ mỉ và có thể kiểm chứng. Mỗi một CP được trình bày trong khoảng 30 phút và thêm chừng đó thời gian cho các doanh nghiệp trao đổi, đặt câu hỏi và nghe nhóm trả lời. Khối lượng công việc thực của CP lên tới gần một ngàn trang tài liệu in, báo cáo, file sản phẩm và các khảo sát liên quan khác. Một phần trong hệ thống tài liệu của CP được in ra và trình bày tại khu vực ngoài phòng Hội thảo, để các doanh nghiệp có thể xem xét tường tận quá trình làm việc và năng lực, hiệu quả của từng cá nhân cũng như khả năng quản lý và tinh thần phối hợp làm việc của từng nhóm.

Từng câu chuyện trao đổi về từng CP sẽ được viết lại, để cung cấp thêm hiểu biết cho những bạn đam mê ngành Công nghệ thông tin – Kỹ thuật Phần mềm, và cũng để những người thực hiện CP có dịp lắng nghe lại một lần nữa, ngẫm nghĩ kỹ hơn về những bài học vô giá, kể cả thành công và những thiếu sót, mà CP mang lại cho mình. Đây là lần đầu tiên nhóm sinh viên mang sản phẩm trình bày, và cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp hợp tác với nhà trường trong một sinh hoạt học thuật mang tính chuyên nghiệp cao và khá mới mẻ của ngành Kỹ thuật phần mềm CMU – Văn Lang. Những trao đổi sau đây được ghi lại qua phần ghi âm trực tiếp buổi trao đổi. Nhiều ý kiến thẳng thắn, nhiều đòi hỏi cao được đặt ra, vì thế những thông tin này càng quý giá hơn đối với cả hai: phía nhà trường và phía doanh nghiệp.

Kỳ 1: Doanh nghiệp Online Store Project

Mentor: Nguyễn Hải Hùng
Member:
1. Hồ Anh Dũng
2. Nguyễn Văn Dương
3. Nguyễn Sĩ Hiền
4. Hà Hồng Phượng
5. Nguyễn Thị Cẩm Tú
6. Nguyễn Khắc Bảo
7. Lượng Đức Thiện
8. Trương Ngọc Việt

Dự án thực hiện theo đơn đặt hàng của công ty Anh Quân.

Online Store xây dựng quy trình quản lý hàng hóa, gian hàng và dịch vụ trên Internet. Người mua thăm các gian hàng và xem thông tin sản phẩm trên Internet do người quản lý gian hàng và website cung cấp. Chương trình được xây dựng theo công nghệ Web Application, gồm các tính năng chính:
– Quản lý gian hàng.
– Quản lý sản phẩm của toàn bộ website và từng gian hàng.
– Quản lý thông tin rao vặt.
– Quản trị thông tin người dùng và người quản trị gian hàng.

Sau phần trình bày tóm tắt, ngắn gọn của các thành viên trong nhóm thực hiện CP là phần trao đổi, đánh giá, đặt câu hỏi… của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và nhóm sinh viên trao đổi trực tiếp trong sự theo dõi của người nghe, gồm sinh viên, cán bộ giảng viên nhà trường và một số phóng viên báo chí chuyên ngành quan tâm dến chương trình.

image001

Ông Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc Marketing, Công ty Phần mềm Lạc Việt (Ông N. H. Nam – Lạc Việt): Đề tài này rất quan trọng vì đi theo khuynh hướng ngành bán lẻ, hiện nay đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, bài trình bày của các bạn sơ hở quá nhiều. Các bạn có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị phần trình bày này?
Nhóm sinh viên: 1 tuần.

Ông N. H. Nam – Lạc Việt: Bạn có thừa nhận trong project management (quản lý Dự án) có lỗ hổng, là chưa tổ chức tốt việc trình bày với khách hàng? Các bạn chưa đi đến cái chung, chưa thống nhất với nhau. Vision (tầm nhìn) cho website của các bạn rất hay, phần “mở” rất tốt nhưng phần “kết” lại không được như vậy. Các báo cáo của phần coding (lập trình), testing (kiểm thử) đi đến từng chi tiết, một thành viên mất bao nhiêu thời gian cho từng phần tương ứng, các bạn làm kỹ phần này là rất tốt, có kỹ thuật, chuyên nghiệp. Tuy nhiên cái outcome của Dự án thì không được như đã đặt vấn đề. VD: theo vision của Dự án, các bạn dựng một website với quá nhiều sản phẩm. Tại sao các bạn không chọn một sản phẩm, như một mặt hàng điện thoại với rất nhiều thương hiệu như: Nokia, Samsung … sẽ vừa sức các bạn hơn? Các bạn đưa shop quá lớn, vượt quá sức các bạn. Khi nhìn vào website này người ta sẽ hỏi: website này dành cho đối tượng nào? Nhìn vào phần phân tích thì các bạn không đi sâu vào đối tượng nào cả. Điểm khen ở đây là các bạn đã hết sức mình cho dự án, tính được một người dành bao nhiêu giờ cho Dự án. Câu hỏi của tôi: Thông điệp chính các bạn mong muốn chuyển đến người nghe hôm nay là gì?

Nhóm sinh viên: Hôm nay nhóm em muốn trình bày toàn bộ quá trình làm việc và phần việc đã thực hiện của Dự án. Về phía người dùng, nhu cầu của họ là lên website xem các sản phẩm, thực hiện mua bán thông qua trả tiền trực tuyến và cuối cùng nhà phân phối sẽ giao sản phẩm tận nhà khách hàng. Tuy nhiên trong Dự án này, chúng em chỉ thực hiện phần khách hàng có thể vào website xem sản phẩm, biết địa chỉ mua, các phần còn lại chưa làm được.

Ông N. H. Nam – Lạc Việt: Các bạn giải quyết được bao nhiêu phần trăm khối lượng công việc của Dự án?

Nhóm sinh viên: Phần đã thực hiện này giải quyết được khoảng 30% khối lượng yêu cầu của toàn bộ Dự án. Khách hàng có thể tìm kiếm, xem được mặt hàng và thấy được địa chỉ cần mua, còn các vấn đề khác như thanh toán trực tuyến hay giao hàng đến tận nơi thì chưa.

Ông N. H. Nam – Lạc Việt: Mình muốn cập nhật với các bạn: ngành này đang khá phát triển ở thị trường Việt Nam, các phần mềm quản lí bán lẻ hiện nay được Metro hay các chuỗi siêu thị quan tâm lắm, họ muốn một cái solution (giải pháp) để họ sử dụng được ngay, đồng thời có thể tích hợp với nhiều hoạt động khác của doanh nghiệp, VD: Thuế… Nếu các bạn tiếp tục nâng cấp, hãy trình bày website của mình thành Metro store, hoặc cố gắng chuyển hết website của mình thành Metro store, có thể cập nhật hoặc tham khảo thêm trang web của Samsung Việt Nam… 

image003

Ông Ngô Văn Toàn – Phó Chủ tịch, Phụ trách đào tạo, Công ty Global Cybersoft (Ông N. V. Toàn – Global Cybersoft): Dự án này chắc là chương trình làm thử, còn ở giai đoạn đầu, nhưng đã là một giải pháp thương mại điện tử, sao anh không thấy nhóm bàn luận về kiểm định performance, performance test và security test? Đây là 2 vấn đề cực kỳ quan trọng đối với một chương trình online. Thêm nữa, thiết bị cầm tay hiện khá phổ biến, các bạn có làm community test để nó tương thích với tất cả các thiết bị cầm tay? 3 loại test này sao nhóm không nói tới?

Ông Võ Tấn Quân – Giám đốc, Công ty Phần mềm Anh Quân (Ông V. T. Quân – Anh Quân): Đây không phải nhận xét mà là góp ý cho nhà trường, để định hướng hay xây dựng môi trường đào tạo tốt hơn. Thời gian thực hiện Dự án khoảng 5-6 tháng thì một nhóm 8 người triển khai như đã trình bày là phù hợp, chọn phần coding (lập trình) hay một hai phần nào đó trong Dự án để thực hiện là phù hợp. Một Dự án có 1- 2 phần làm tốt, còn lại 5, 6 vấn đề khác chưa làm được – đây cũng là hướng mở cho Capstone Project. Theo tôi, nếu đưa một project lớn quá, yêu cầu làm toàn bộ các phần thì các em làm không hết, còn nếu đưa một project nhỏ quá thì không có vấn đề để làm, cho nên chúng ta coi đây là các hướng mở cho sinh viên, cho sinh viên mỗi nhóm làm một số phần, có kế thừa trên những phần cũ. Đây cũng là cách làm tốt, tôi muốn góp ý với trường như vậy.

image005

Ông Lâm Quang Nam – Giám đốc Ban Đào tạo và Phát triển hội viên, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam VINASA: Tôi rất ấn tượng với CP của các em. Đối với sinh viên, cá nhân tôi đánh giá rõ 2 phần, phần quan trọng nhất là cách các em làm, phần sau là mới là kết quả các em làm. Có thể có cách làm đúng, nhưng kết quả không đạt như ý muốn, đó là do mình còn non kém về kỹ thuật tay nghề. Cách các em làm rất tốt. Cái tôi ấn tượng nhất là đo từng công việc, quản lý từng đầu việc, cầm lên được đặt xuống được, cái mình biết là làm không được thì bỏ ra bớt để làm cái khác. Các em đã đạt được mục đích, ít nhất là đã chứng minh được cách làm việc của các em, điều đó là rất tốt.

Ông N. V. Toàn – Global Cybersoft: Các em khi thiết kế kiến trúc Dự án có bao gồm các vấn đề test không? Trong thiết kế có tính ra được chuyện đó không?

Nhóm sinh viên: Trước tiên, khi thiết kế kiến trúc Dự án, có thiết kế cho vấn đề performance và security, nhưng khi thực hiện phần test, chúng em có nghiên cứu nhưng không phát triển được. Test performance hoặc security, nhóm em chỉ thử, không có frame cụ thể thực tế, thử bằng nhiều cách, lúc đầu rất chậm sau đó update lên thì tạm được. Thực tế nhóm em không có frame hay ứng dụng nào cho test security hoặc performance.

Trong giới hạn, bọn em chỉ tập trung phát triển những tính năng. Vấn đề cải thiện performance, khối lượng xây dựng về mặt vật lí, vấn đề triển khai thiết bị, setup server, cài đặt phần cứng phần mềm… thì không nằm trong bảng công việc của nhóm em nên tất cả những kiến trúc vật lý, nhóm em đề xuất với khách hàng.

Ông N. V. Toàn – Global Cybersoft: Một trang thương mại điện tử có thể có 1000, 2000 users (người sử dụng) vào cùng lúc. Performance ở đây có nhiều vấn đề lắm, không chỉ server hay đường truyền mà còn là hệ thống các chiến thuật, các cách thức để truy xuất dữ liệu. Đó là cái tối ưu, là number one, là cái quan trọng hàng đầu chứ không đơn giản là cấu hình server. Hình như các em vẫn chưa thể hiểu hết. Còn vấn đề community?

Nhóm sinh viên: Vấn đề tương thích với thiết bị cầm tay cũng là một trong những yêu cầu khi nhận dự án, sau khi bàn giao toàn bộ website, tiếp theo đó là thời gian sẽ phát triển đến thiết bị cầm tay. Nhóm em cũng định hình được nó rồi, thiết kế một số giao diện trên các thiết bị cầm tay, chạy được giao diện, nhưng do thời gian nên chưa thực hiện xong hết coding và khách hàng yêu cầu dùng android. Đó là kỹ thuật mới, nhóm có thương lượng phần đó để phát triển ở giai đoạn sau.

image007

Ông Lê Hữu Tấn Tài – Trưởng Dự án & Công nghệ .Net, Công ty CSC Việt Nam: Phần trình bày rất thành công. Các em thể hiện sự hiểu và biết được cả quy trình sản xuất phần mềm. Nhóm đã làm rất tốt, kết quả đầu ra tốt. Trong thời lượng 6 tháng, một nhóm có thể thực hiện đúng được cái quy trình như vậy là rất tốt. Với 30 phút trình bày, không thể đánh giá chính xác được nhiều phần… Bài toán online store đã có rất nhiều người giải quyết, hiện tại có nhiều cái open source và dotnet đã giải quyết bài toán này. Ở đây tôi đánh giá rất cao việc mọi người đã nắm được, hiểu được cả quy trình sản xuất phần mềm.

image009

Ông V. T. Quân – Anh Quân: Đứng về phương diện học thuật, các em đã làm rất tốt. Đứng về phương diện quản lý dự án, các em đã thống kê được các nỗ lực, đã lượng giá được thời gian để làm, nói chung là đánh giá cũng khá trung thực. Cái nào chậm thì nói là chậm, cái nào không làm được nói không làm được, tôi nghĩ đó là sự trung thực cần thiết. Chúng ta nguồn lực giới hạn, thời gian giới hạn, các em đã trung thực như vậy, về phía góc độ của người ở công ty sản xuất phần mềm, chúng tôi thấy ngay cả ở công ty, việc lượng giá thời gian trong quản lí dự án như của các em, chúng tôi chưa chắc đã làm được. Tôi đánh giá cao vấn đề này.
Cũng có kỳ vọng các em làm Dự án này có thể bán được, xài được, trình diễn được, đó là những góp ý hay. Tôi nghĩ là các em có thể lắng nghe để làm các sản phẩm tương lai, nhưng rõ ràng có một số yêu cầu khó lòng làm được. Chẳng hạn bây giờ muốn test performance, muốn có 1000 người vào cùng lúc thì chúng ta phải tìm những công cụ lớn… Ví dụ đơn giản: việc đăng ký môn học trực tuyến trong trường đại học, rất nhiều trường đại học mà Công ty của tôi đang làm phần mềm cho họ, cứ mở đăng kí online là chết. Với thiết bị và ngân sách lớn, các trường đại học còn chưa làm nổi, các em làm thì cũng khó! Tôi có một góp ý nho nhỏ với anh Dũng – Hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang: chúng ta nên có một cái studio trong nhà trường. Các em sẽ có cái để làm, để học, còn làm cho xã hội thì các em chưa đủ nguồn lực làm ngay. Chúng ta chia rõ 2 vai trò, như vậy, chúng ta đạt được cả 2 mục đích. Bây giờ, mong sản phẩm của các em đạt được mục đích thương mại thì tôi nghĩ cũng hơi khó. Đây vừa là nhận xét vừa là góp ý cho nhà trường.

image011

Ông Bùi Đức Quang – Giám đốc R&D, Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ Tường Minh (TMA): Tôi đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp trong project này. Dự án đã theo đúng những khuôn mẫu rất tốt. Lần đầu tiên được tiếp xúc với Dự án của các em trong 30 phút, tôi cảm nhận: cái tốt nhất trong Dự án của các em, tôi nghĩ phần bọn em làm tốt nhất trong dự án này là phần quản lí dự án. Sau khi bọn em thực hiện xong project, có những báo cáo rất chi tiết, những số liệu, những data rất cần thiết cho người quản lí của công ty làm phần mềm. Ngay cả bản thân những nhóm làm việc trong công ty anh có thể nói là cũng chưa đạt tới những báo cáo chuẩn mực đó được. Bản thân anh cũng làm ở vai trò PM (project manager), anh cũng phải thừa nhận mặc dù là công ty có yêu cầu lượng giá, kế hoạch, báo cáo này nọ, nhiều khi anh cũng không thể làm được. Chân thực mà nói như vậy, cho nên tôi rất đồng tình với mọi người ở đây, đánh giá các em rất tốt.

Những bài học mà các em học được trong quá trình làm Dự án này cũng quan trọng như những bài học mà các em sẽ được khi làm việc thật. Mình làm rồi mình sẽ biết làm nó khó như thế nào! Thất bại cũng hoàn toàn tốt, không có vấn đề gì cả. Tôi có một comment, đó là khi trình bày, phần “quá trình làm việc” là quan trọng nhất, thì bài trình bày lại chưa thể hiện được điều đó. Trong những bước của PM, các em có thể nói rất rõ về mặt quản lí dự án thì bọn em làm như thế nào, ngay từ đầu nhận việc, tiếp xúc khách hàng ra sao, sử dụng cái framework gì để design, công cụ gì… Đó là những góp ý để sau này các em có thể điều chỉnh. Đánh giá chung: tôi rất khen ngợi các em.

Một số hình ảnh của website demo:

image013

image015

TT. Thông tin (tổng hợp)

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan