Ngày 17/09/2020, tại Khách sạn Sheraton, TP. Hồ Chí Minh, nhóm giảng viên Khoa CNTT đã thực hiện thành công đề tài Nghiên cứu khoa học “Hồ sơ điện tử sinh viên” đã tham dự Hội thảo – Triển lãm cấp Quốc gia về “Phát triển chính phủ điện tử thúc đẩy cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến chính phủ số – Mô hình và Giải pháp”.
Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (eGov) lần thứ 15 do Bộ Thông tin và Truyền thông kết hợp Văn phòng Chính phủ và UBND TP.HCM tổ chức, trong đó tập trung thảo luận việc ứng dụng CNTT giải quyết ba vấn đề trụ cột của xã hội: Giáo dục, Giao thông và Y tế. Hội thảo có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, hơn 700 lượt khách mời với hơn 20 diễn giả trong nước và quốc tế, trong đó có TS. Hoàng Lê Minh – Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Văn Lang, cố vấn đề tài “Hồ sơ điện tử sinh viên” tham dự.
Tại buổi hội thảo, trong phiên thảo luận Chuyên đề 2: “Chuyển đổi số ngành giáo dục và Môi trường giáo dục 4.0”, TS. Hoàng Lê Minh đã trình bày chủ đề tham luận “Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chuyển đổi số với đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam”. Phát biểu tại hội thảo, TS. Hoàng Lê Minh nhấn mạnh việc chuyển đổi từ hình thức giảng dạy truyền thống sang hình thức giảng dạy trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là một trong những thách thức lớn về cơ sở hạ tầng và nền tảng ứng dụng CNTT đối với ngành giáo dục nói chung và Trường Đại học Văn Lang nói riêng. Bắt kịp quyết tâm và định hướng chung của Nhà trường về giảng dạy trực tuyến, Khoa CNTT đã triển khai giảng dạy cho sinh viên online 100% các khóa học với sự tham dự của hơn 70% sinh viên. Đồng thời, Khoa CNTT cũng nhanh chóng thay đổi cách quản lý sinh viên tham dự các lớp học, chuyển đổi việc sinh viên điểm danh FaceID tại Kiosk thông minh (lắp đặt tại Cơ sở 3) sang điểm danh bằng phần mềm trên smartphone. Đây là một trong những thay đổi đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý sinh viên của Khoa Công nghệ Thông tin.
Trao đổi tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bước đầu trong giai đoạn chuyển đổi số, chúng ta phải dùng rất nhiều công nghệ, rất nhiều nền tảng nhưng trong quá trình sử dụng, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà các Trường đang gặp phải là thừa dữ liệu. Bài toán Chuyển đổi số là một vấn đề rất lớn, lượng dữ liệu khổng lồ nằm rải rác ở các nơi, không tập trung một chỗ, khiến cho việc quản lý chưa đồng bộ, không kết nối được các dữ liệu với nhau gây ra tình trạng chất lượng quản lý, giảng dạy, học tập không hiệu quả. Việc thiết kế tổng thể một hệ thống hiệu quả trong trường đại học, kết nối giải pháp CNTT phục vụ các mục tiêu quản lý vật lý cần được lãnh đạo nhà trường quan tâm đầu tư, đặc biệt trong tình hình đại dịch Covid-19.
TS. Hoàng Lê Minh cũng chia sẻ trong buổi hội thảo: “Trong bối cảnh chung của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số hiện nay, đồng thời do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một trong những ứng dụng CNTT trong giáo dục phát huy hiệu quả rõ nét nhất chính là triển khai việc dạy và học trực tuyến. Đối với Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Văn Lang, chỉ sau một thời gian ngắn, việc dạy và học trực tuyến đã thúc đẩy người học tiếp cận và quen dần với khai thác dữ liệu học tập khổng lồ trên internet. Trong xu hướng Chuyển đổi số hiện nay, Khoa CNTT đang xây dựng Hệ thống Learning Analytics do nhóm Đề tài “Hồ sơ điện tử sinh viên” thực hiện. Hệ thống này sẽ tự động thu thập thông tin như dữ liệu điểm danh FaceID, dữ liệu học tập trên MS Teams vào Kho dữ liệu. Đây là công cụ tự động gửi kết quả điểm danh, tình hình học tập của sinh viên cho giảng viên, văn phòng khoa, Ban chủ nhiệm Khoa. Công cụ hoạt động đơn giản, người sử dụng không phải tra cứu, huấn luyện, thao tác nhập liệu, không cần phải đầu tư quá nhiều vào phần mềm. Hệ thống Learning Analytics còn cho phép giảng viên giảng dạy truy cập Hồ sơ sinh viên được tích hợp trên MS Teams để biết quá trình học tập chi tiết của sinh viên. Hơn nữa, hệ thống có khả năng tự động gửi cảnh báo cho những sinh viên có kết quả học tập yếu kém để giảng viên kịp thời hỗ trợ sinh viên cũng như Khoa sớm thông báo tình hình sinh viên cho phụ huynh. Bên cạnh đó, Khoa CNTT sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để sinh viên trải nghiệm học tập trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây – Cloud Computing (sinh viên học và thực hành trên Cloud Computing như các phòng LAB ảo trên mạng Internet). Đây là yếu tố sẽ mang lại sự hào hứng cho sinh viên, giảng viên và sự hài lòng từ các nhà quản lý vì nhìn thấy ngay kết quả ứng dụng CNTT (Smart Education).”
Việc Khoa Công nghệ Thông tin Trường ĐH Văn Lang bắt kịp xu hướng Chuyển đổi số – một xu hướng tất yếu của xã hội cũng chính là mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và học học tập trong kế hoạch đào tạo sinh viên của Khoa theo ba chuyên ngành: Kỹ sư Phân tích Dữ liệu, Kỹ sư Phần mềm, Kỹ sư ứng dụng CNTT, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT phục vụ phát triển các ngành công nghiệp 4.0 với nền tảng lõi là CNTT, đặc biệt nhu cầu tuyển dụng “Kỹ sư Phân tích Dữ liệu” của thị trường trong nước và quốc tế.
Bài và ảnh: TS. Trần Ngọc Việt, Chủ nhiệm Đề tài “Hồ sơ điện tử sinh viên”
Trưởng Bộ môn Khoa học Dữ liệu
Khoa Công nghệ Thông tin – Trường ĐH Văn Lang