GS. John Vũ nói về nghề Quản trị Hệ thống Thông tin

(TT. Thông tin – Văn Lang, 04/9/2012) – Năm 2012, trường ĐH Văn Lang bắt đầu tổ chức đào tạo chuyên ngành Information System Management – Quản trị Hệ thống Thông tin (ISM – QTHTTT) tại khoa Quản trị Kinh doanh, trong đó có 9 môn học được giảng dạy theo chương trình của ĐH Carnegie Mellon (CMU, Hoa Kỳ). Đây là một ngành học thú vị, rất có tương lai nhưng còn khá mới mẻ và ít được biết đến ở Việt Nam. Cùng tìm hiểu về nghề QTHTTT qua những chia sẻ của GS. John Vũ – giảng viên CMU, một nhà quản trị giỏi nghề – nguyên Kỹ sư trưởng Hãng Boeing, và tìm cho mình những lý do thuyết phục để chọn học ngành này.

Kinh doanh hiện đại vượt qua giới hạn của mua và bán

Một thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong thế giới kinh doanh hiện đại là Thông minh doanh nghiệp (Business Intelligence – BI). Thuật ngữ này nhấn mạnh đến ứng dụng của CNTT trong việc nhận diện, trích rút và phân tích dữ liệu doanh nghiệp. Hệ thống BI cũng được gọi là Hệ thống hỗ trợ quyết định (Decision Support System – DSS). Hệ thống này cung cấp quá trình lịch sử, hiện trạng và dự báo về hoạt động của doanh nghiệp. Các chức năng chính của hệ thống BI là báo cáo, xử lí, phân tích trực tuyến, phân tích, khai thác dữ liệu, quản lí hiệu năng doanh nghiệp, bảng so sánh chuẩn, và phân tích dự báo.

image011

GS. John Vũ là người bắc cầu hợp tác giữa trường ĐH Văn Lang và CMU. Tuy ở xa nửa vòng trái đất, GS vẫn luôn dành nhiều tâm huyết và sự quan tâm đối với sinh viên Việt Nam. GS có nhiều bài viết hữu ích, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên hai ngành học: Kỹ thuật Phần mềm và Quản trị Hệ thống Thông tin.

Người chủ doanh nghiệp nào cũng cần thông tin để ra quyết định. Họ cần biết nhu cầu thị trường để đặt giá bán; họ cần biết chi phí và thu nhập để tính toán lợi nhuận; họ cần biết sự thăng giáng giá cả thị trường để mua vật liệu thô với giá tốt nhất. Không biết những thông tin này, họ không kiểm soát được doanh nghiệp một cách hiệu quả. Trước khi có CNTT, các doanh nghiệp lấy những thông tin này qua báo đài, chỉ đạo của chính phủ, trực giác cá nhân và thậm chí cả tin đồn thị trường. Với sự ra đời của hệ thống thông tin, nhà quản lý có thể lấy thông tin để ra quyết định, giải quyết vấn đề, giảm rủi ro và kiểm soát doanh nghiệp mà không cần phải rời khỏi bàn của mình, và những thông tin này chính xác hơn, chi tiết hơn và nhanh chóng hơn. Ngày nay, sẽ khó tìm ra một doanh nghiệp không phụ thuộc vào hệ thống thông tin.

Theo một nghiên cứu về lĩnh vực công nghiệp vào năm 2010, trên 80% dự án CNTT không mang lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp. Nhiều nhà quản lý CNTT tập trung vào việc trang bị phần cứng, phần mềm cho doanh nghiệp với chi phí cao nhưng thu về giá trị lợi ích thấp. Nhiều doanh nghiệp có bộ phận CNTT vận hành độc lập thay vì tích hợp đầy đủ với bộ phận kinh doanh; nhiều chiến lược CNTT tách biệt khỏi chiến lược doanh nghiệp. Kết quả khảo sát này cho thấy nguyên nhân gốc rễ là đa số người quản lý CNTT trong doanh nghiệp xuất thân từ lĩnh vực kỹ thuật (như khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm), họ không hiểu biết nhiều về doanh nghiệp.

Chính vì vậy, muốn xây dựng doanh nghiệp thông minh, các công ty cần xây dựng đội ngũ nhân lực tốt nghiệp từ chương trình QTHTTT để làm người quản lý bộ phận CNTT. Có thể thấy trong tương lai, nhu cầu về nhân lực CNTT có kỹ năng kinh doanh sẽ tăng lên nhanh chóng.

Hệ thống thông tin doanh nghiệp – giải pháp tiên tiến có xu hướng toàn cầu

Có thể nhận thấy khả năng phát triển nghề nghiệp khi theo học ngành QTHTTT thông qua kết quả khảo sát việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp ngành học này tại CMU, năm 2011.

Trong số 46 sinh viên tốt nghiệp, 43 người có việc làm với mức lương trung bình là 93.500 USD/năm, ở các vị trí như: Associate Consultant, Product Analyst, Senior Consultant, Risk Analyst,… Những doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên ngành học này ở CMU là: Adobe, Microsoft, Bank of America, Ernst & Young, IBM, Qualcomm, Oracle, Samsung,…

(http://www.heinz.cmu.edu/)

Hệ thống thông tin doanh nghiệp xử lý dữ liệu bằng phần mềm. Phần mềm có thể “chỉ huy” máy tính phân tích dữ liệu theo những cách khác nhau, tạo ra các báo cáo khác nhau phục vụ cho những đối tượng quản lý khác nhau, tùy thuộc vào vai trò, trách nhiệm công việc của họ. Chẳng hạn: người quản lý tại cơ xưởng sẽ chỉ nhìn dữ liệu cơ xưởng để đưa ra quyết định ở mức cơ xưởng; người quản lý bán hàng và tiếp thị sẽ chỉ thấy dữ liệu bán hàng để họ có thể ra quyết định về quảng cáo và tiếp thị, làm tăng doanh số; người chủ công ty sẽ thấy mọi thứ người đó muốn nhưng đa số cần dữ liệu quan trọng cho phép người đó ra quyết định chiến lược. Những kiểu báo cáo này không thể có được trong hệ thống thủ công. Chính vì vậy, phát triển hệ thống thông tin doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu.

Phát triển hệ thống thông tin doanh nghiệp bắt đầu với việc phân tích yêu cầu đặc thù. Mỗi công ty có một nhu cầu khác nhau, cách thức kinh doanh khác nhau nên yêu cầu về hệ thống thông tin cũng khác nhau. Người phát triển phần mềm thiết kế hệ thống phải hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, viết những chương trình khác nhau cho những công ty khác nhau. Để vận hành những hệ thống thông tin như vậy yêu cầu phải có người quản lý có tri thức về công nghệ. Người quản lý hệ thống thông tin giỏi có thể cung cấp cho người quản lý cấp cao các báo cáo với trạng thái cập nhật nhất, chỉ ra những khu vực có vấn đề. Họ có thể tổ chức các báo cáo để vận hành nội bộ hay thị trường bên ngoài. Ngày nay nhiều hệ thống tin này đã được chuẩn hoá thành hệ Lập kế hoạch tài nguyên công ti – Enterprise Resource Planning (ERP); Quản lí quan hệ khách hàng – Customer Relations Management (CRM); và Quản lí dây chuyền cung cấp – Supply Chain Management (SCM), điều giúp cho các công ti toàn cầu quản lí vận hành của họ trên khắp thế giới.

Ngành QTHTTT học gì?

Về căn bản, ngành QTHTTT (ISM) không mới, nó xuất hiện cùng thời với khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm. Càng ngày nó càng trở nên quan trọng hơn khi ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng hệ thống thông tin để cải tiến hiệu quả kinh doanh, duy trì sự cạnh tranh trong thị trường toàn cầu hóa. Khi doanh nghiệp sử dụng CNTT rộng rãi hơn, họ cần người có thể giúp họ quản lý hệ thống của mình. Ví dụ: một công ty sử dụng cơ sở dữ liệu để giữ dấu vết sản phẩm nào bán chạy nhất; một cơ quan chính phủ sử dụng hệ thống để nhận diện thông tin về giá trị đất đai, từ đó ban hành thuế tài sản; chính quyền địa phương tạo ra cổng thông tin để mọi người có thể tải xuống những biểu mẫu mà không phải đi đi đến cơ quan chính quyền địa phương. Chính vì vậy, xây dựng hệ thống thông tin yêu cầu không chỉ về kỹ thuật mà còn cần chuyên môn về kinh doanh. Ngành QTHTTT đào tạo nên những người quản lý tích hợp kỹ năng chuyên ngành kinh doanh và kiến thức nền tảng về kỹ thuật CNTT.

Học về QTHTTT, sinh viên sẽ học cách đưa công nghệ vào làm việc trong doanh nghiệp và các tổ chức khác. Họ sẽ học về cấu trúc quản lí tổ chức, từ giám đốc thông tin (CIO) cho tới quản lí cấp trung và quản lí vận hành như người quản lí dự án và quản lí mạng. Họ cũng học cách thiết lập kết cấu nền mạng, tiện nghi lưu trữ, cơ sở dữ liệu máy tính, an ninh máy tính và nhiều thứ nữa. Mặc dù lĩnh vực này không chú trọng quá nhiều vào kỹ thuật như khoa học máy tính hay kỹ thuật phần mềm nhưng bạn cần phải có một số tri thức về công nghệ, biết cách nó làm việc.

image033

Giảng viên Dự án CMU tập huấn tại CMU, Hoa Kỳ, tháng 8.2010

Năm 2008, trường ĐH Văn Lang và CMU ký kết chương trình hợp tác. Trong đó, CMU chuyển giao cho trường ĐH Văn Lang bản quyền của hai chương trình đào tạo: ngành Kỹ thuật Phần mềm và ngành Hệ thống thông tin. Đây là hai ngành đào tạo nổi bật của CMU, nhiều năm liền được xếp hàng đầu thế giới. Năm 2012, CMU được xếp thứ hai thế giới về chất lượng đào tạo ngành HTTT (US. News).

Sau 4 năm, sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm khóa đầu tiên đào tạo theo chương trình CMU đã tốt nghiệp, dần khẳng định chất lượng chương trình. Đây là động lực để trường ĐH Văn Lang bắt đầu triển khai đào tạo ngành QTHTTT theo chương trình CMU từ năm 2012. Trong 3 đợt tu nghiệp tại Mỹ vào các năm 2008, 2009, 2010, các giảng viên Dự án CMU tại Văn Lang đã tiếp nhận các môn học, giáo trình, quy trình giảng dạy của cả hai chuyên ngành. Đây cũng chính là đội ngũ giảng dạy chuyên ngành QTHTTT theo chương trình CMU tại Văn Lang. Theo học chuyên ngành QTHTTT, sinh viên đạt yêu cầu sẽ được CMU trực tiếp cấp Chứng chỉ cho từng môn học.

Những tri thức và kỹ năng được đào tạo khi học ngành QTHTTT:

► Cơ sở dữ liệu quan hệ: một số môn học cung cấp kiến thức về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cách thức làm việc với các cơ sở dữ liệu
► Ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc (SQL): ngôn ngữ lập trình chuyên dùng cho việc trích rút thông tin từ cơ sở dữ liệu. SQL không thay đổi mấy giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau nên việc cung cấp kiến thức về một cơ sở dữ liệu này đủ để áp dụng cho các cơ sở dữ liệu khác.
► Kỹ năng lập trình cơ bản: mọi lĩnh vực CNTT đều dạy ngôn ngữ lập trình và cấu trúc dữ liệu. Tuy nhiên, bên cạnh ngôn ngữ chung như C++, Java hay C# bạn cũng cần xây dựng kĩ năng của bạn trong một số ngôn ngữ kịch đoạn tương tự cách Excel có các macro. Các ngôn ngữ này có thể yêu cầu một số nỗ lực để học, đặc biệt nhiều ngôn ngữ không có các tài nguyên để tham chiếu tới.
► Kỹ năng phân tích: không có môn riêng dạy về kỹ năng riêng này nên bạn sẽ học những kỹ năng này phần lớn “tại chỗ làm việc”. Phần lớn các công ty đều hiểu điều này và sẵn lòng đào tạo nhân viên sau khi thuê họ.

Tốt nghiệp ngành QTHTTT, bạn có thể bắt đầu công việc như người quản lý dự án rồi đi lên vị trí cấp cao như giám đốc, cũng có một số người đi thẳng đến vị trí Giám đốc thông tin (CIO). Người quản lý dự án phát triển yêu cầu, ngân sách và lịch biểu cho dự án CNTT. Họ quản lý các dự án từ phát triển tới thực hiện, làm việc với người phát triển, khách hàng bên trong và bên ngoài, nhà cung cấp, các chuyên viên CNTT. CIO thường hội tụ nhiều vào chiến lược, đánh giá công nghệ mới, và xác định cách những công nghệ này có thể giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Khi một công nghệ mới đã được nhận diện, CIO ra quyết định về các chiến lược thực hiện, kể cả phân tích chi phí-ích lợi và phân tích thu hồi theo đầu tư, và trình bày các chiến lược đó cho Giám đốc điều hành (CEO) hay chủ tịch của công ty.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực này có thể làm việc cho các công ty nước ngoài hay ra nước ngoài làm kinh doanh, do đó, một chương trình có giá trị quốc tế sẽ tốt hơn cho bạn.

GS. John Vũ
(Thu Thắm tổng hợp từ http://www.segvn.org)

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan