Sáng ngày 11/07/2020, tại Cơ sở 2 Trường Đại học Văn Lang, Khoa Thương mại tổ chức Hội thảo về ngành Logistics – Chuỗi cung ứng của Việt Nam trong bối cảnh mới, giúp sinh viên tìm hiểu bối cảnh và triển vọng phát triển ngành Logistics sau dịch COVID-19.
Hội thảo có sự tham dự của ThS. Võ Minh Hiếu – Phó trưởng Khoa Thương Mại, ThS. Nguyễn Thị Dỵ Anh – giảng viên bộ môn Logistics, bà Nguyễn Thị Phương Trinh – CEO FUAS Education, cùng hơn 100 sinh viên của Khoa Thương mại Trường Đại học Văn Lang.
Để cung cấp cái nhìn khái lược về ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong bối cảnh hiện tại, ThS. Nguyễn Thị Dỵ Anh mở đầu Hội thảo bằng cách nên những nét nổi bật của ngành/ chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, các hoạt động của sinh viên khi học ngành này, nhu cầu xã hội đối với ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Trong khi đó, bằng kinh nghiệm hơn 18 năm làm việc trong lĩnh vực Logistic ,ThS. Nguyễn Thị Phương Trinh – CEO FUAS Education mang đến cho các bạn sinh viên một góc nhìn chân thật về cơ hội và thử thách đối với ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam; các vị trí công việc cho sinh viên khi tốt nghiệp ngành/ chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; hướng dẫn sinh viên cách viết CV ứng tuyển công việc.
Theo ThS. Nguyễn Thị Phương Trinh, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới) về mức độ phát triển Logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14-16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Dự báo, đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mức 300 tỷ USD, hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 67,7 triệu TEU, do vậy, tiềm năng phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam là rất lớn, có thể đóng góp tới 15% GDP của cả nước.
Thời gian gần đây, trong bối cảnh bùng nổ của dịch Covid -19, lĩnh vực thương mại điện tử và e-Logistics cũng bứt phá. Những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã thúc đẩy ngành Logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Lĩnh vực này đang rất cần nguồn nhân lực am hiểu về Logistic và được đào tạo bài bản, đặc biệt là các chuyên viên Logistics giỏi có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 – 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…
Trường Đại học Văn Lang mở chuyên ngành Logistics thuộc ngành Kinh doanh Thương mại từ năm 2011. Năm 2020, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được tách thành một ngành độc lập và bắt đầu tuyển sinh.
Trong chương trình đào tạo của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên được trang bị những kiến thức chuyên ngành như Quản trị Logistics & chuỗi cung ứng, Quản trị kho bãi, Quản trị tồn kho,… và những khối kiến thức nâng cao như Đàm phán trong thu mua, Quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics; Nghiệp vụ ngoại thương,… giúp sinh viên vận hành các hoạt động trong chuỗi cung ứng một cách liền mạch và tối ưu.
Ngân Trần