Trường Đại học Văn Lang đang xúc tiến các chương trình hợp tác với Trường Đại học Y – Đại học Stanford (Mỹ) với mục tiêu không chỉ nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc đặc trị chống virus và điều trị ung thư… mà còn mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế.
Vừa qua, TS. Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang (VLU) đã tháp tùng đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Mỹ từ ngày 11 – 18.5.2022.
Sáng 17.5, trong chương trình làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp GS. TS. Ruth O’Hara (Chủ tịch Hội đồng Giáo sư – Đại học Stanford, Phó Chủ tịch Trường Đại học Y Stanford) và TS. Jeffrey Glenn (Viện trưởng Viện Vi sinh và chống dịch – Trường Đại học Y Stanford, ViRx@Stanford) và một số giáo sư của Đại học Stanford. Tham gia buổi làm việc có TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng trường VLU – đơn vị đang có nhiều chương trình hợp tác với Trường Đại học Y Stanford.
Hợp tác sản xuất thuốc đặc trị chống virus và điều trị ung thư
Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Cao Trí đã báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc VLU và ViRx@Stanford đang tăng cường quan hệ để phát triển cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc đặc trị chống virus và điều trị ung thư mang tên ViRx@Stanford-Vietnam dự kiến được xây dựng trên diện tích 50 ha tại Khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức, TP.HCM) hoặc Khu đô thị đại học tây bắc TP.HCM (H.Củ Chi). Hai bên còn mở rộng nghiên cứu lâm sàng, tiến hành các thử nghiệm y khoa lâm sàng liên quan virus có khả năng gây ra đại dịch trong tương lai tại Việt Nam. Hiện nay, Đại học Stanford được đánh giá nằm trong nhóm đầu của thế giới, đồng thời là trung tâm nghiên cứu, hợp tác chuyển giao việc sản xuất thuốc.
Theo đó, việc mở rộng hợp tác nghiên cứu liên quan đến các phương pháp chẩn đoán và điều trị mới cho bệnh viêm gan siêu vi mãn tính như viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D và các bệnh gan mãn tính khác đang ở tình trạng báo động, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt Nam.
Giữa năm 2021, khi đại dịch Covid-19 đang là thách thức lớn cho toàn thế giới, chuyên san Nature dẫn lời nhà khoa học Bart Haynes (Mỹ) cảnh báo rằng: “Chúng ta đã chứng kiến 2 đợt bùng phát virus corona lớn trước Covid-19, một vào năm 2003 có đợt bùng phát SARS và một đợt khác vào năm 2011 khi bùng phát bệnh Mers… và chắc chắn sẽ còn những đợt bùng phát khác”. Chính vì thế, việc nghiên cứu để đón đầu, đánh chặn các đại dịch khác đang là xu thế của nhiều cơ quan nghiên cứu hàng đầu thế giới hiện nay.
Qua đó, VLU hướng đến trở thành một phần trong hệ thống dự phòng chống virus theo hướng chủ động của Stanford và sẵn sàng cho các đại dịch tương tự thay vì phản ứng bị động như vừa qua. GS. Ruth O’Hara và các cộng sự cũng đánh giá giữa Đại học Stanford và các đối tác tại Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác.
Định hướng trên của VLU và chương trình hợp tác giữa VLU với Đại học Stanford càng trở nên thuận lợi khi chính phủ Mỹ cũng đang xác định Việt Nam đóng vai trò quan trọng ở Đông Nam Á trong chiến lược phòng chống bệnh dịch. Vào tháng 8.2021, nhân chuyến thăm Việt Nam, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tham dự lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội.
Khai thác tiềm năng phát triển AI trong y tế
Không chỉ hợp tác nghiên cứu lâm sàng, sản xuất thuốc, vaccine, công nghệ cao trong kỹ thuật xét nghiệm và tầm soát ung thư…, VLU và Đại học Stanford còn hợp tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và đổi mới công nghệ trong y khoa.
Nhiều năm qua, Đại học Stanford được biết đến là một trong những cái nôi khoa học công nghệ, ươm mầm nên nhiều nhân tài nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực công nghệ, điển hình như tỉ phú Mỹ Elon Musk (CEO của hãng xe điện Tesla, Chủ tịch Công ty hàng không vũ trụ SpaceX), 2 nhà sáng lập Yahoo! là Jerry Yang và David Filo, 2 nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin… Với lĩnh vực AI và đổi mới công nghệ, nhiều tên tuổi gốc Việt như TS. Vũ Duy Thức, TS. Lương Minh Thắng… cũng đã được đào tạo từ Đại học Stanford.
Trong khi đó, AI đang thúc đẩy nhanh chóng khả năng mở rộng chăm sóc sức khỏe của mọi người khắp nơi trên thế giới. Sự đổi mới và tăng trưởng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có một tiềm năng vô cùng to lớn. Ước tính hiện nay, mức chi chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu lên đến khoảng 7.800 tỉ USD mỗi năm. Thực tế cũng chứng minh tiềm năng của AI trong việc nâng cao sức khỏe con người bằng cách cải thiện các lĩnh vực như việc nghiên cứu thuốc, phân phát thuốc, tầm soát viêm gan siêu vi và nhiều lĩnh vực tiềm năng khác. Với đại dịch Covid-19, thực tế cũng chứng minh vai trò quan trọng của việc áp dụng AI và tiến bộ khoa học công nghệ nhằm đưa ra các mô hình ứng phó hiệu quả.
Ứng dụng AI và tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế cũng là chủ đề quan trọng trong chuỗi sự kiện hội nghị “Y khoa và Công nghệ” do VLU và ViRx@Stanford đồng tổ chức vào đầu tháng 3 tại TP.HCM. Hội nghị có sự tham gia của GS. TS. Jeffrey Glenn cùng các thành viên cấp cao của ViRx@Stanford như TS. BS. Edward Pham (Phó viện trưởng), Th.S Wendy Uyên Nguyễn (Cố vấn chiến lược), TS. Lương Minh Thắng (Cố vấn công nghệ)… Trong đó, TS. BS. Edward Pham là nhà nghiên cứu đóng vai trò then chốt cùng GS. TS. Jeffrey Glenn trong việc phát minh các thuốc đặc trị virus và ung thư.
Từ những thực tế trên, trong cuộc làm việc ngày 17.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, hoan nghênh các ý tưởng có ý nghĩa và ủng hộ sự hợp tác giữa Đại học Stanford với Trường Đại học Văn Lang. Thủ tướng cũng đề nghị Đại học Stanford hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực trong ngành y tế và trí tuệ nhân tạo, đồng thời phối hợp thêm với các trường đại học y lớn của Việt Nam, kết nối các nhà khoa học, các nhà quản lý; tổ chức các hội thảo để trao đổi kinh nghiệm; bàn bạc xây dựng, triển khai, biến các ý tưởng thành các dự án thiết thực và hiệu quả.
Khoa Y hiện có đội ngũ giảng viên là các bác sĩ đầu ngành, nhiều năm kinh nghiệm và tốt nghiệp từ Học viện Quân y, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch… cùng nhiều giảng viên thỉnh giảng là các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện uy tín tại Việt Nam.
Sinh viên Khoa Y – VLU được trang bị từ năm đầu tiên kỹ năng sáng tạo, kỹ năng vượt khó và kỹ năng xã hội, phụng sự sức khỏe cộng đồng, mang lại những ảnh hưởng tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Sứ mệnh của Khoa Y hòa hợp tương đồng với triết lý của VLU khi không chỉ đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội mà còn đóng góp tác động và truyền cảm hứng cho cộng đồng.
VLU đang thu hút thêm các chuyên gia trong lĩnh vực y khoa cả trong và ngoài nước để thành lập Trường Đại học Y khoa Văn Lang trong thời gian tới.
Theo Kiến Tân
Báo Thanh Niên
Xem thêm:
Trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo về Y khoa và Công nghệ – Giáo dục & Thời đại
“Hội nghị Y khoa và Công nghệ” quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu ĐH Stanford – Dân trí
Khai mạc ‘Hội nghị Y khoa và Công nghệ tại TP. HCM’ – Sinh viên Việt Nam
Hướng tới định hình hệ sinh thái y tế – công nghệ – Thanh niên
Đoàn Giáo sư chống dịch ĐH Stanford dự thính lớp Răng Hàm Mặt VLU – Giáo dục & Thời đại