Tôi bắt đầu với ngành Môi trường không phải vì đam mê hay thích thú, mà chỉ vì sự tò mò và là sự lựa chọn thứ 2 trong định hướng tương lai lúc đấy. Nhưng rồi gia đình Môi trường đem đến cho tôi những trải nghiệm mới mẻ và đầy ấn tượng. Một đội ngũ giảng viên đầy kinh nghiệm và 100% tốt nghiệp từ các trường Đại học nổi tiếng như Wageningen – Hà Lan, AIT (Asian Institute of Technology) – Thái Lan, … Một tập thể tuy nhỏ về số lượng nhưng luôn đầy chất lượng. Tôi hiểu được sức mạnh của sự đoàn kết, gia đình Môi trường luôn dẫn đầu trong hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Chính nhờ những thuận lợi này, sau khi tốt nghiệp, tôi được tham gia và chịu trách nhiệm chính trong dự án xử lý rác hữu cơ từ chợ đầu mối Bình Điền bằng phương pháp kỵ khí 2 giai đoạn do Chính phủ Nhật và Công ty Hitachi Zosen tài trợ.

Đây là bước khởi đầu cho sự hứng khởi trong nghiên cứu của tôi. 

Đến năm 2014, tôi chính thức nhận được học bổng toàn phần tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT) tại Thái Lan cho chương trình thạc sĩ 2 năm. Đây là sự truyền tiếp từ những thế hệ Giảng viên đi trước đã từng học tập tại đây bao gồm TS. Nguyễn Trung Việt – nguyên Trưởng Khoa đầu tiên, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – nguyên Trưởng Khoa thứ hai, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang hiện nay.

Khi được tiếp xúc và học tập với các bạn sinh viên quốc tế đến từ hơn 20 quốc gia, tôi thầm cảm ơn những kiến thức cơ bản mà tôi có được từ Văn Lang, tôi có thể dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới bao gồm lý thuyết và cả thực hành. Mặc dù cơ sở vật chất trong phòng thí nghiệm tại Văn Lang có những hạn chế nhất định, nhưng bù lại bằng sự thuần thục và chuyên nghiệp trong quá trình làm nghiên cứu tại Văn Lang mà tôi có thể dễ dàng đạt được điểm cao trong môn học thực hành tại AIT.

Tôi đã trải qua 2 năm với những tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau tại AIT, được tận hưởng những địa điểm tại Thái Lan mà chỉ người bản xứ mới biết. Tôi đã đến khu vực có nồng độ ozone tốt nhất Thái Lan tại tỉnh Nakonsi-Thamarat trong một lần về thăm nhà bạn học chung, hay phải kể đến chuyến đi đến tỉnh Chiang Rai ở phía Bắc Thái Lan trong 2 tuần để quan trắc chất lượng không khí do ảnh hưởng bởi thói quen đốt rơm rạ sau mỗi mùa vụ. Những kỷ niệm này luôn là hành trang đáng trân trọng trong suốt quá trình học tập tại Thái Lan. Tôi kết thúc chương trình với số điểm 3.96/4.00 và tốt nghiệp thủ khoa với sự tin tưởng của gia đình Môi trường.

Đến năm 2017, sau 2 lần nộp hồ sơ cho học bổng tại Đại học Kyoto, tôi đã được học bổng toàn phần cho chương trình Tiến sĩ 3 năm tại Nhật Bản.

Và hành trình 3 năm đầy thử thách cho định hướng học thuật sẽ hoàn toàn khác với những bạn lựa chon con đường làm việc cho các công ty, hay tổ chức, vì con đường học thuật đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chính xác, đồng thời các bạn sẽ được đào tạo làm thế nào để truyền đạt kiến thức cho người khác. Tôi luôn được nhắc nhở phải luôn tuân thủ nguyên tắc “Omotenashi” (sự hiếu khách) có nghĩa là chúng ta phải luôn hết lòng và sẵn lòng với tất cả mọi người. Hết lòng thực hiện và giúp đỡ người khác và sẵn lòng giải đáp tất cả các thắc mắc trong khả năng của bản thân. Khi thực hiện viết báo cáo hay trình bày các vấn đề, phải luôn đặt mình ở vị trí người đọc và người nghe, những gì mình viết hay trình bày có dễ hiểu không, có đủ thông tin hay chưa, thì đây mới thể hiện tinh thần hiếu khách của người Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, số lượng sinh viên vào học ngành kỹ thuật luôn đông nhất tại các trường đại học, vì khối ngành kỹ thuật đảm bảo về mặt chuyên môn, suy luận logic và tính ứng dụng cao.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự lựa chọn ngành nghề luôn trong tình trạng cán cân bị lệch. Chính vì vậy, trách nhiệm của gia đình Môi trường nói chung và bản thân tôi nói riêng là cố gắng để các bạn sinh viên hiểu được tầm quan trọng, cũng như tính cấp thiết của ngành nghề, tất nhiên ngành nghề nào cũng vất vả, và kỹ sư Môi trường là một công việc vất vả hơn, nhưng quan trọng là ý nghĩa mà nó đem lại.

Trong tình hình dịch Covid toàn cầu, tôi chờ đợi từng ngày để được trở về Việt Nam. Từ Nhật Bản, tôi rất hạnh phúc khi nghe được tin vui từ mái nhà Văn Lang: ngày 30/9/2020, Trường Đại học Văn Lang và Viện Công nghệ Châu Á (AIT) ký MOA hợp tác đào tạo chuyển tiếp Cử nhân – Thạc sĩ, với phụ lục 12 chương trình Unified.

Tôi rất tự hào khi được là cựu sinh viên của Văn Lang và cựu học viên của AIT, và đến lúc này thì chương trình liên kết chính thức giữa 2 trường lại được thiết lập. Đây là một sự nỗ lực không ngừng của tập thể Văn Lang để có thể đem đến những điều tốt nhất cho sinh viên Văn Lang. Tôi còn nhớ rất rõ về hành trình xin học bổng ở AIT nó vất vả đến mức nào, tôi phải trải qua 2 lần để nộp hồ sơ, lần đầu tiên tôi chỉ nhận được học bổng trị giá 75% vì lúc đấy trình độ tiếng Anh vẫn chưa đạt yêu cầu của AIT. Đến lần thứ 2, sau 1 năm chuẩn bị kỹ càng thì quả thật không phụ công sức mình bỏ ra, tôi nhận được học bổng toàn phần cho chương trình 2 năm.

Ngành Kỹ thuật Môi trường ở AIT là một trong những chương trình có uy tín trên thế giới. (https://www.ait.ac.th/infographics-tell-ait-rankings-story/). Do đó, với các bạn sinh viên Môi trường, đây là cơ hội cực kỳ quý giá mà gia đình Văn Lang đã theo đuổi và giờ đây, chúng tôi hãnh diện trao cho các bạn cơ hội học tập tại môi trường quốc tế mà trước đây nó được xem là chuyện quá xa vời. Với nền tảng mà ngành Kỹ thuật Môi trường đã và đang xây dựng, tôi tự tin vào chương trình đào tạo của ngành có thể giúp bạn theo đuổi được hoài bão. Và chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ các bạn trên con đường tương lai vì chúng ta là một gia đình, một tập thể đoàn kết được xây dựng kiên cố trong suốt 25 năm vừa qua.

Đồng thời các bạn cũng có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc và trau dồi về ngoại ngữ thì tôi tin rằng các bạn cũng sẽ hoàn thành tốt chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ tại AIT với sự nỗ lực của bản thân. Văn Lang đã và đang trao cho các bạn cơ hội, còn nhiệm vụ hoàn thành và chinh phục giấc mơ của bạn thì phải trông chờ vào bản thân của mình nhé.

B.P(viết theo lời kể nhân vật)
Thiết kế: Thanh Oanh