Thế kỷ 20 xuất hiện một trong những ngành công nghiệp góp phần biến chuyển nền kinh tế thế giới được gọi tên là “công nghiệp sáng tạo”. Nhưng đến những năm gần đây, thuật ngữ này mới được nhắc đến ngày một nhiều hơn ở Việt Nam, mà cụ thể là ở các trường đại học đào tạo về thiết kế và nghệ thuật. Tháng 5/2020, Trường Đại học Văn Lang chủ trì Triển lãm Nghệ thuật và Thiết kế Quốc tế ICAD (International Conference on Art and Design), thể hiện thành quả đào tạo bằng chính sự góp mặt đầy bản lĩnh và hội nhập với những thiết kế của sinh viên – thế hệ sẽ trở thành nguồn lực chủ chốt trong ngành công nghiệp sáng tạo.
Được sinh hoạt và đào tạo trong một môi trường cởi mở và hội nhập không ngừng như thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên Văn Lang được tiếp cận những chương trình đào tạo tiên tiến và cập nhật liên tục. Chưa khi nào sự giao thoa của các dòng chảy văn hoá mới đến từ thế giới và khu vực lại có thể tưới tẩm tốt tươi những hạt mầm cảm hứng trong sáng tạo và văn hoá dân tộc như hiện nay. Trong đa dạng ngành nghề của nền công nghiệp này, thiết kế đồ hoạ mà sinh viên Văn Lang dự tuyển trong Triển lãm ICAD 2020 đã thể hiện sự ứng dụng phong phú những xu hướng thiết kế đương đại. Những câu chuyện với nội dung Việt Nam từ dân gian đến thương hiệu đã được kể bằng giọng điệu rất trẻ của những người thiết kế tiềm năng. Những câu chuyện bản địa có thể cũ nhưng giá trị dân tộc chưa bao giờ phai mờ.
Trong mảng thiết kế logo và định hình thương hiệu
Thiết kế được thể hiện qua những tông màu tính thổ, chắc và ấm; kết hợp cách đặt dấu tiếng Việt trong một font chữ hiện đại, thể hiện cảm giác hoài cổ, gợi hiện những giá trị truyền thống trong ngôn ngữ thị giác mới (Rượu Mía Xứ Quảng).
Art Deco đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho những thiết kế thương hiệu hướng đến sự sang trọng và đẳng cấp trong tiêu dùng. Với ngôn ngữ phức hợp từ đường nét hình học, tính công nghiệp trong bố cục đối xứng, kết hợp màu sắc kim khí bén lạnh và font chữ sans-serif, tương phản với cảm hứng thô mộc đồng quê đã thống trị nhiều năm trước đó (Ana Lành Coffee Brand Identity).
Trong mảng thiết kế poster truyền thông
Nổi bật trong xu hướng thiết kế đương đại không thể không kể đến phép chiếu trục đo (isometric), hiệu ứng 3-chiều-hóa không gian được định hình bởi các khối chữ sắp đặt như những bức vách ngôn từ, một câu chuyện của người trẻ thành thị được ẩn dụ và đặc kể với tông màu pastel hiện đại nhưng trầm lắng về sắc độ (Thiết Kế Cuộc Sống Của Riêng Bạn).
Ngành tạo dáng công nghiệp góp mặt với những thiết kế phương tiện chuyển động, như xe mô-tô và xe đạp gấp. Ảnh hưởng bởi xu hướng tạo hình vị lai và linh hoạt trong cách thể hiện hình khối, thiết kế của sinh viên đem đến một thể nghiệm phong cách trong sản phẩm (VMOTOR). Bên cạnh đó là tinh thần thiết kế bền vững, khi vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường (eco-material) vận dụng kết hợp kỹ thuật thủ công lành nghề (craftsmanship), thật sự tạo ra một sự giao thoa đỉnh cao của truyền thống dân gian và công nghiệp hiện đại trong ngành tạo dáng (BOOCYCLE).
Mid-Century Modern, tạm gọi là xu hướng Hiện đại Trung-Kỷ, được vận dụng trong mảng thiết kế lịch. Yếu tố đồ hoạ đường nét thanh mảnh thể hiện nội dung dân gian trong sắc màu tương phản mạnh mẽ gợi hiện tính công nghiệp của ngành in ấn gợi nhớ tinh thần thủ công dân tộc của một làng nghề. Bố cục đối xứng nhưng không cứng nhắc mà trẻ trung bởi đường nét chi tiết mềm mại (Chuyện Chín Giờ).
Đồ hoạ truyền thông tương tác góp mặt với những sản phẩm hoạt-hình-tĩnh.
Hoạt-hình-tĩnh (Stop-Motion) được xem như “một bước ngoặt mới trong thế kỷ 21”. Những sản phẩm của đồ hoạ truyền thông tương tác của sinh viên Văn Lang đã vận dụng ngôn ngữ đương đại này kể lại những câu chuyện dân gian Việt Nam hết sức trẻ trung và mới mẻ. Những cái kết bất ngờ cũng đem đến cách nhìn phản biện như tinh thần điện ảnh “nút-thắt-xoay-chuyển” (plot-twist) dù sắc thái bối cảnh vẫn được xây dựng trong một gam màu trầm tĩnh hoài cổ của dân tộc. Thiết kế thật sự là một sự hoà quyện duyên dáng giữa cảm nghiệm truyền thống và tiếng nói mạnh dạn của người trẻ đương thời (Tấm Cám Chuyện Chưa Kể, Ăn Khế Trả Vàng, Ai Mua Hành Tôi).
Bố cục mở (Open-Compositions) là một xu hướng thiết kế đương đại khác. Thiết kế lịch mang tên Scenery of Vietnam đã phát triển không gian hai chiều của đồ hoạ bằng việc mở ra một chiều nữa: chiều tưởng tượng – như thể những gì bạn nhìn thấy là một phần của một bức tranh rộng lớn hơn nhiều. Sự tưởng tượng đó thôi thúc sự lên đường, thôi thúc sự khám phá, thể hiện mộng ước bay cao và đi xa của người trẻ Việt Nam. Có đi xa mới thấy yêu thương mảnh đất và con người quê hương xứ sở hơn nữa. Nội dung sản phẩm thể hiện tinh thần bản địa của vùng đất dân tộc trong cách diễn ngôn đương đại của font chữ serif. Một lời mời gọi dành cho người trẻ và cả những người bạn nước ngoài, đất nước tôi đây và sự trải nghiệm là của bạn.
Lối minh hoạ tươi sáng (illustration lighten up) cũng là một trào lưu mới với tinh thần thanh lịch nhẹ nhàng sau một quãng thời gian dài của ngôn ngữ đậm nét và khối bản. Chịu ảnh hưởng bởi các thành tố thiên nhiên và thực vật học, trào lưu này quyến rũ và lay động tâm hồn trẻ thơ của mỗi chúng ta. Thiết kế thể hiện hình ảnh đồng quê vốn từ nền tảng nông nghiệp của đất nước kết hợp font chữ viết tay và font đương đại serif. Một góc nhìn trẻ trung hơn cho giới trẻ thành thị nơi chịu ảnh hưởng mạnh bởi những luồng xu hướng chủ nghĩa tối giản (Mùa Vụ – Rice Growing Season in Vietnam).
Đi ngược thời đại của serif, biểu tượng hoá những ký tự La-tinh trong dáng hình của sans-serif để đặc tả tinh thần cổ đại của một bảo tàng, nhưng vẫn tạo nên một cách tiếp cận mới, trong Cấu trúc logo của Bảo tàng mỹ thuật. Cả sự vận dụng tinh thần bất đối xứng trong cách thể hiện, thoát khỏi sự đóng khung và dễ đoán của hệ thống lưới để truyền đạt năng lượng động không ngừng của một không gian lưu trữ cái đẹp. Thiết kế đã diễn đạt tinh thần đương đại được nén chặt trong một logo có khả năng thẩm thấu nhiều hứa hẹn…
Ở những phân ngành khác, thiết kế đã thể hiện rõ sự ảnh hưởng của chất liệu đương đại trong văn hoá và những vấn đề xã hội và môi trường. Khi đặt những tác phẩm của sinh viên Việt Nam trong tương quan những tác phẩm sinh viên Hàn Quốc, chúng ta có thể cảm nhận được sắc màu dân tộc – một tinh thần của vùng đất nhiệt đới gió mùa trong sắc màu đậm đà ấm nóng, dù thời đại văn hoá Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của những trào lưu mỹ học tối giản trong tiết chế đường nét và màu sắc của phương Tây (Bắc Âu) và hai đất nước trong khối Đồng Văn xứ ôn đới là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Những thể hiện của sinh viên Mỹ thuật Trường Đại học Văn Lang qua Triển lãm quốc tế về thiết kế và mỹ thuật ICAD 2020 một lần nữa chứng tỏ Mỹ thuật Văn Lang đang đi đúng hướng và tiệm cận những xu hướng nổi bật nhất của design đương đại.
Xem thêm tác phẩm của chuyên gia và sinh viên tham gia Triển lãm ICAD 2020 tại địa chỉ http://icad.vanlanguni.edu.vn
ThS. Man Thị Hồng Thiện
Khoa Mỹ thuật Công nghiệp
Trường Đại học Văn Lang