Khởi nghiệp bằng sự đam mê

(TT. Thông tin – Văn Lang, 22/7/2016) – Năm 2008, Trường ĐH Văn Lang tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật phần mềm đào tạo theo chương trình CMU. Hành trình này đã đi được 8 năm, với 5 khóa sinh viên ra trường, đã để lại những dấu ấn trong chương trình đào tạo của Văn Lang và định danh trên thị trường lao động. Câu chuyện khởi nghiệp Phạm Thanh Phát, tốt nghiệp năm 2013, dưới đây phần nào cho thấy thử thách và cơ hội của những sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm Văn Lang.

Phạm Thanh Phát thuộc khóa sinh viên thứ hai của chương trình đào tạo Kỹ thuật phần mềm theo chuẩn Carnegie Mellon University (CMU, Mỹ) tại Văn Lang. Hình ảnh sinh viên của Thanh Phát là một anh chàng cao ốm, khuôn mặt hiền lành, ít nói, và học giỏi (từng nhận học  bổng do hãng máy bay Boeing trao tặng). Lần gặp gỡ này, Thanh Phát vẫn thân thiện, lễ phép như thời còn sinh viên; và chúng tôi vui mừng hơn khi còn thấy một hình ảnh mới về bạn: một người trẻ đã ấp ủ và đang bận rộn tiến hành dự án khởi nghiệp của mình. Ước mơ từ ngày còn trên giảng đường đại học, được xây dựng bằng niềm đam mê nay đã có kế hoạch rõ ràng, và Phát cũng đủ năng lực vững vàng để thực hiện nó. Mọi thứ không hề dễ dàng; nhất là khi bạn phải chọn từ bỏ để đi tiếp.  

Bắt đầu từ ước mơ “học và làm công nghệ thông tin để thay đổi thế giới”

“Em rất hâm mộ Bill Gate và Mark Zuckerburg, những người dùng công nghệ thông tin để thay đổi thế giới từ khi còn trẻ. Họ tác động mạnh mẽ đến ý chí khởi nghiệp của em”. Thanh Phát đã chủ động chạm tới giấc mơ của mình khi quyết định theo học ngành Kỹ thuật Phần mềm tại Văn Lang; và bắt đầu vẽ nên hình hài giấc mơ từ năm hai đại học với ý tưởng về dự án khởi nghiệp của riêng mình.  Ra trường, bạn đầu quân cho công ty SoftFoundry (có trụ sở tại Singapore), mức lương khởi điểm là 500 USD, sau 2 tháng thử việc, bạn được nhận chính thức với mức lương 800 USD, đảm nhiệm vị trí team leader một thời gian sau đó. Công việc, vị trí, mức lương mà Thanh Phát có được là ước mơ của không ít bạn bè cùng trang lứa, vừa tốt nghiệp. Nhưng bạn đã xin nghỉ việc để “biến ý tưởng trong đầu thành hiện thực”, thực hiện dự án khởi nghiệp ấp ủ từ năm hai của mình; dù gia đình phản đối.

chungPhạm Thanh Phát trong nhận học bổng Boeing năm 2010 (thứ tư, từ trái sang).

Khi học năm hai, Thanh Phát đọc được một bài báo mô tả hình thức đặt món ăn bằng ipad đang dần phổ biến ở Anh quốc. Bạn khá thích thú. Tuy nhiên, lúc đó, đang là sinh viên, bạn không biết bắt đầu từ đâu, không quen ai làm trong lĩnh vực nhà hàng nên không thể thực hiện được nó. Sau khi đi làm, Thanh Phát vẫn dành thời gian tham gia các hội thảo về khởi nghiệp, tình cờ gặp anh Nguyễn Cao Trí – người cùng chí hướng. Hai người bắt tay nhau thực hiện dự án khởi nghiệp xuất phát từ ý tưởng của bạn từ thời đại học, phát triển sản phẩm để mang lại tiện ích cho nhà hàng, khách hàng. Đó là dự án Giải pháp phần mềm tính tiền (POS), quản lý (ERP) cho nhà hàng, tiệm cà phê (F&B). 

Phát triển một giải pháp công nghệ thông tin quản lý toàn diện, đơn giản, hiệu quả và chi phí thấp cho nhà hàng, tiệm café là mục tiêu dự án hướng đến. Khách hàng có thể đăng ký tài khoản dùng thử (miễn phí) trên website, trải nghiệm đầy đủ tính năng trong tối đa một năm. Nếu phù hợp, họ có thể đặt mua để triển khai thành hệ thống hoàn chỉnh, phí sử dụng tính theo tháng hoặc năm. Ưu điểm lớn nhất là giải pháp chuyên nghiệp và linh hoạt (App store). Dự án cung cấp những tính năng chuyên biệt cho nhà hàng và tiệm café như: hiển thị thực đơn, thiết lập sắp xếp mô hình bàn ghế, nhận đặt bàn, thể hiện tình trạng bàn có khách đang ngồi hay có khách đặt trước, bộ phận bếp nhận đơn hàng thông qua màn hình hiển thị (thay vì đơn hàng giấy); cho phép quản lý theo chuỗi nhiều cửa hàng, kho bãi; chợ ứng dụng (App store) để người dùng cài đặt thêm tính năng phù hợp với hệ thống quản lý, phạm vi sử dụng của nhà hàng; truy cập vào hệ thống trên mọi thiết bị có kết nối internet; quy trình vận hành đơn giản và thể hiện tức thì (realtime); thiết bị máy móc đơn giản và tiết kiệm chi phí. Tp. Hồ Chí Minh là nơi sẽ phát triển đầu tiên, sau đó sẽ mở rộng ra Hà Nội, Đà Nẵng.

Thanh Phát và những người bạn đã dành 6 tháng để hoàn thiện hệ thống và đưa ra phiên bản đầu tiên này. “Dự án này lớn hơn nhiều so với Capstone Project mà chúng em đã thực hiện để tốt nghiệp. Không chỉ tập trung vào việc phát triển phần mềm, dự án còn yêu cầu cần nghiên cứu về phần cứng để xây dựng hệ thống Software/Hardware hoàn chỉnh. Bốn năm học ở Trường với những lần tham gia dự án thực tế, kinh nghiệm hai năm làm việc ở doanh nghiệp đã giúp em có thể thực hiện dự án khởi nghiệp của mình thuận lợi hơn.”.

Khởi nghiệp: con đường không trải hoa hồng

“Con đường em đang đi khá phiêu lưu, mạo hiểm, mười người đi chỉ có một thành công. Nó khó ở chỗ biến một giấc mơ, một ý tưởng, một điều chưa tồn tại thành sự hiện hữu thực tế. Nhưng em nghĩ, khó không có nghĩa là không làm được; vì vậy không có lý do để từ bỏ. Theo em, đây là thời điểm tốt nhất để em khởi nghiệp bởi em còn trẻ, còn đủ thời gian, còn nhiều năng lượng. Đam mê mãnh liệt, kiến thức được trang bị tương đối, kinh nghiệm thực tế cũng đã có – đó là cơ sở để em tự tin khi khởi nghiệp. 

13695922 1373830662643994 989555758 n Phạm Thanh Phát (phải) và Nguyễn Cao Trí trong ngày ngày khai trương nhà hàng NhanSushi tại Hà Nội – khách hàng đầu tiên của dự án.

Startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hoặc dựa trên nền tảng công nghệ thông tin rất khác với các lĩnh vực khác. Điểm khác biệt lớn nhất là mô hình kinh doanh của dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin không rõ ràng và thay đổi từng ngày. Bên cạnh đó, còn nhiều thứ phải lo, từ lập kế hoạch kinh doanh; phản biện về ý tưởng; biết cách thuyết phục và tìm nhà đầu tư để gọi vốn, tìm kiếm khách hàng…. Những kiến thức này không nằm trong chương trình học của em.

Khi nghĩ đến khởi nghiệp, đủ thứ khó khăn làm cho mình sợ hãi. Nhưng em luôn suy nghĩ theo hướng tích cực và đã nhìn thấy nhiều thuận lợi khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này: không tốn nhiều tiền, có cơ hội áp dụng tất cả những điều đã học từ chương trình CMU (khi làm ở doanh nghiệp mình chưa có cơ hội vận dụng), học hỏi thêm kinh nghiệm từ người khác.

Khởi nghiệp không phải là con đường trải hoa hồng. Người ta ví khởi nghiệp như một người mẹ trẻ nuôi con năm đầu tiên. Giống như một cô gái lần đầu làm mẹ, người trẻ làm starup không có thời gian quan tâm đến mình, chỉ suốt ngày lo lắng cho con, nhất là khi nó ốm đau, bệnh tật; khó khăn là đây đều là những trải nghiệm ban đầu, những điều mình chưa biết. Theo dõi quá trình phát triểncủa dự án từng giờ, từng phút, nhiều lúc nín thở mà không biết xử lý sao như người mẹ trẻ nhìn con mắc bệnh mà bác sĩ chưa chẩn đoán được. Tất bật, lo lắng, thậm chí sợ hãi. Vì thế, suốt hơn một năm nay, em sống với dự án, ngủ với dự án, thậm chí trong mơ cũng thấy nó. Làm việc liên tục, không kể cuối tuần, ngày lễ, 12 tiếng mỗi ngày mà không có lương. May là tiền tiền tiết kiệm từ 2 năm đi làm vẫn đủ sống. Mong là sau này có thể sống bằng doanh thu từ dự án (cười).

Với em, khởi nghiệp là đồng hành với sự cô đơn, vì ba mẹ cũng không ủng hộ. Em hiểu phụ huynh không ai muốn con mình từ bỏ một công việc ổn định, vị trí tốt, mức lương khá để dấn thân vào một con đường không có sự hứa hẹn chắc chắn nào. Thuyết phục để ba mẹ tin tưởng là rất khó, chỉ có thời gian đủ dài mới có thể chứng minh được. Có lẽ do em lì nên dù ba mẹ ủng hộ hay không, em vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Mong rằng sau này, em có thể thuyết phục được ba mẹ bằng sự thành công của dự án. Hôm nay, em vẫn chưa tạo lập được sự tin tưởng tuyệt đối ở ba mẹ vào con đường mình đã chọn vì dự án vẫn chưa có thành quả gì to lớn. Khởi nghiệp, với em hiện tại vẫn là sự đồng hành với cô đơn.”

Trái ngọt đầu tiên

“Dự án của em chính thức ra mắt được nửa năm thì có khách hàng đầu tiên. Đó là nhà hàng Nhật Bản NhanSushi Hà Nội, được nhượng quyền từ nhà hàng NhanSushi ở Sài Gòn. Cảm giác vui lo lẫn lộn khi có khách hàng đầu tiên, em vẫn nhớ y nguyên. Vui vì sản phẩm của mình đã có người biết đến. Lo vì không biết họ sử dụng có ổn không. Vị trí địa lý thật sự là một trở ngại. Để có thể hỗ trợ khách hàng, em phải “bay” ra Hà Nội. Tháng đầu nhà hàng đi vào hoạt động, bọn em hầu như túc trực ở đó để giải quyết các vấn đề xảy ra, nhưng cũng may là mọi thứ đều có thể kiểm soát được. Sau 2 tháng, hệ thống vận hành ổn. Chưa thể coi là thành công, nhưng bao giờ cái gì đầu tiên cũng thật đáng quý, đáng trân trọng và thật khó để quên. 

13692650 10205100986202667 9066634453818812753 nTuy ra trường, nhưng Phát vẫn duy trì thường xuyên mối quan hệ với sinh viên IT Văn Lang. Ảnh: Phát và các bạn dự đám cưới của Đức và Oanh – hai cựu sinh viên IT Văn Lang khóa2008 – 2012.

Thật chuyên nghiệp hay chưa – bọn em chưa dám nói, vì mọi thứ mới ở chặng khởi đầu. Chỉ biết rằng em luôn cố gắng mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng bằng việc hỗ trợ hết mình để công việc kinh doanh của họ có thể vận hành hiệu quả. Em lắng nghe và nghiên cứu phản hồi của khách hàng mỗi ngày để nâng cấp, cải tiến sản phẩm tốt hơn. “Mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng” là phương châm hoạt động của em.

Khởi nghiệp, không chỉ cần kiến thức, đam mê, quyết tâm mà cần nhiều thứ khác nữa. Nhưng đam mê sẽ là ngọn lửa dẫn đường, giúp vượt qua khó khăn và xây dựng niềm tin. Dù thành quả mới chỉ nhỏ như cây kim, đơn hàng đầu tiên vẫn khiến em cảm thấy sướng rần rần. Những gì còn thiếu, em sẽ bổ sung. Em đang tập trung xây dựng các kỹ năng mềm, đặc biệt là giao tiếp; trau dồi thêm kiến thức về công nghệ và quản trị kinh doanh. Em ưu tiên việc tự học online hơn là đi học để đạt chứng chỉ, bằng cấp.

Thời điểm hiện tại, em chưa đánh giá dự án là thành công, vì sản phẩm vẫn chưa đạt đến kỳ vọng như em mong muốn, cũng chưa có văn phòng làm việc, cũng chưa tuyển thêm nhân sự ngoài. Kế hoạch sắp tới là em sẽ tuyển thêm nhân viên để phát triển hệ thống nhanh hơn vì công nghệ thay đổi từng ngày. Sinh viên Văn Lang là đối tượng tuyển dụng em nghĩ đến đầu tiên, sợ không đủ tiền trả lương cho các bạn (cười).

Nghĩ tích cực – Làm hết mình cho đam mê là phương châm hiện tại của em. Em sẽ kiên trì đi theo con đường đã chọn. Em ưu tiên tập trung vào lĩnh vực nhà hàng, tiệm cafe trước, sau đó sẽ phát triển sang lĩnh vực khách sạn hoặc các cửa hàng thời trang. Lĩnh vực du lịch là một ý tưởng cho một startup khác của em.

Em muốn nhắn nhủ với sinh viên Kỹ thuật Phần mềm Văn Lang rằng các bạn đang được thụ hưởng một chương trình tuyệt vời. Em đã nhận được nhiều thứ từ chương trình học này. Chương trình đã dạy cho chúng em đầy đủ quy trình phát triển phần mềm, để có thể làm ra sản phẩm hoàn chỉnh; rèn chúng em tính tự giác, khả năng tự học và kỹ năng tiếng Anh. Nhờ đó, khi ra trường, em có thể dễ dàng thích nghi trong môi trường làm việc quốc tế, có thể đảm nhiệm nhiều vai trò và công việc. Em đã bị thuyết phục vì chương trình này và từ bỏ ý định thi lại đại học. Em mong đàn em cũng sẽ nhận được những may mắn như em đã từng. Chúc các bạn cựu sinh viên, chúc các thế hệ Văn Lang tiếp nối theo đuổi được đam mê, thực hiện được ước mơ và thành công trong công việc.”.

Nguyễn Liên (ghi)

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan