Khu công nghiệp xanh – hướng nghiên cứu khoa học tiềm năng của khoa CN & QL Môi trường

(TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 21/3/2017) – Ngày 14/3/2017, khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường, Trường Đại học Văn Lang, đã bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu phát triển mô hình khu công nghiệp xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh: Trường hợp Khu chế xuất Tân Thuận”, tại Sở Tài nguyên & Môi trường Tp. Hồ Chí Minh.

nghien cuu khoa hoc khu che xuat tan thuan khu cong nghiep xanh tran thi my dieuPGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Chủ nhiệm đề tài – trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng đánh giá, ngày 14/3/2017.

Hội đồng đánh giá đề tài có PGS. TS. Phùng Chí Sĩ – Trung tâm Công nghệ Môi trường – Chủ tịch; PGS. TS. Lê Thanh Hải – Viện Môi trường & Tài nguyên – Phó Chủ tịch; PGS. TS. Phạm Hồng Nhật – Phòng Quan trắc & Phân tích Môi trường, Viện Nhiệt đới Môi trường – Phản biện; PGS. TS. Trương Thanh Cảnh – Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh – Phản biện; PGS. TS. Lê Văn Khoa – Khoa Môi trường & Tài nguyên, Trường Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh – Ủy viên; Ông Trần Thanh Hồng – Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH TânThuận – Ủy viên; Ông Phạm Thanh Trực – Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HEPZA) – Ủy viên; Bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng – Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học & Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh – Ủy viên, Thư ký Hội đồng. Dự buổi bảo vệ, ngoài Hội đồng đánh giá còn có PGS. TS. Trần Minh Tâm – Giám đốc phụ trách Khoa học & Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang.

Đề tài “Nghiên cứu phát triển mô hình khu công nghiệp xanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh: Trường hợp điển hình Khu chế xuất Tân Thuận” được thực hiện từ năm 2016, do PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang – làm Chủ nhiệm đề tài.

Nghiên cứu phát triển mô hình khu công nghiệp xanh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là đề tài mà khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường, Trường Đại học Văn Lang, đã theo đuổi nhiều năm nay. Năm 2013, đề tài “Nghiên cứu đề xuất khung chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận” – do PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu và TS. Phan Thu Nga đồng chủ trì thực hiện – đã được nghiệm thu, là một trong những kết quả nghiên cứu cơ sở cho đề tài này. 

Đề tài lấy khu chế xuất Tân Thuận làm trường hợp điển hình để nghiên cứu. Đề tài xây dựng chương trình và kế hoạch hành động nhằm khắc phục tồn tại của khu chế xuất Tân Thuận, từng bước hoàn thiện và phát triển theo hướng chuyển đổi thành khu công nghiệp xanh đầu tiên trên địa bàn thành phố. Từ đó, có thể mở rộng phạm vi; đánh giá hiện trạng, xác định những vấn đề còn tồn tại trong quá trình xây dựng mô hình khu công nghiệp xanh tại Tp. Hồ Chí Minh; rút ra bài học kinh nghiệm để từng bước nhân rộng mô hình khu công nghiệp xanh cho các khu công nghiệp/ khu chế xuất hiện hữu khác ở thành phố.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá khu chế xuất Tân Thuận ở 12 tiêu chí, trong đó có tiêu chí về nhân lực chuyên trách (số lượng, trình độ, kinh nghiệm cán bộ chuyên trách công tác môi trường tại khu chế xuất), về các hoạt động xử lý, tái chế chất thải (nước thải, bùn thải), về các hoạt động bảo vệ môi trường khác (trồng cây xanh, sử dụng điện hợp lý). Từ đó đề xuất 6 chương trình hành động để phát triển khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghiệp xanh: (1) Chương trình hoàn thiện việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; (2) Chương trình tái sử dụng nước thải; (3) Chương trình thu hồi và tái sử dụng bùn thải; (4) Chương trình hoàn thiện công tác quản lý chất thải rắn; (5) Chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả; (6) Chương trình hoạt động vì cộng đồng.
Nhận xét về kết quả của nhóm nghiên cứu, PGS. TS. Phùng Chí Sĩ – Trung tâm Công nghệ Môi trường – Chủ tịch Hội đồng đánh giá đề tài – cho rằng: Đóng góp đáng kể của đề tài là nâng tầm nghiên cứu phát triển mô hình khu công nghiệp xanh thành thuyết chuyển đổi khu công nghiệp xanh. Đề tài được đánh giá tốt.

Đề tài “Nghiên cứu phát triển mô hình khu công nghiệp xanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh: Trường hợp khu chế xuất Tân Thuận” mang tính cấp thiết với bối cảnh kinh tế hiện thời của thành phố; và có ý nghĩa thực tiễn cao khi cập nhật được ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường và của các cơ sở sản xuất, khu chế xuất. Áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế cũng là mong muốn của nhóm nghiên cứu và cả các cơ quan quản lý môi trường. Những nghiên cứu của tập thể sư phạm khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường, Trường Đại học Văn Lang thể hiện nỗ lực bền bỉ nhiều năm qua, gắn khoa học với đời sống kinh tế – xã hội.

Bảo Linh

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan