Ví von ngành nghề là một “vũ trụ” bao la cũng không ngoa! Đếm được có bao nhiêu ngành học hiện nay cần lắm công phu, mà tính được bao nhiêu nghề nghiệp trong xã hội càng phức tạp gấp nhiều lần. Không phải ai cũng giỏi ở nhiều lĩnh vực, làm được nhiều công việc khác nhau, nên việc chọn đúng ngành học để làm đúng nghề là hướng đi cực kỳ quan trọng và cần thiết. Việc chọn một ngành nghề gắn với bản thân cho cả tương lai, sự nghiệp, cuộc sống sau này khiến các bạn học sinh phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều.

Những năm gần đây, quy chế tuyển sinh đại học rộng mở về phương thức, thí sinh có nhiều lựa chọn để vào đại học. Các bạn có thể đăng ký vào một trường đại học bằng nhiều phương thức, cũng có thể xét đồng thời vào một ngành yêu thích ở nhiều trường đại học khác nhau. Nhờ đó, cơ hội đậu đại học của thí sinh cao hơn. Tuy nhiên, mặt khác, quá nhiều sự lựa chọn sẽ khiến thí sinh hoang mang khi làm hồ sơ. Bạn không biết nên xét ngành nào tốt nhất cho bản thân; đến khi có kết quả, thậm chí trúng tuyển đồng thời 2 – 3 ngành vẫn đắn đo chọn ngành nào nhập học!

Công tác hướng nghiệp có vai trò, ý nghĩa quan trọng không chỉ với cá nhân – giúp mỗi người có cuộc sống hạnh phúc nhờ lựa chọn đúng ngành nghề và đam mê – mà còn góp phần phát triển xã hội theo cơ cấu ngành nghề cân đối. Với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, việc tìm kiếm thông tin nằm trong “tầm tay” của người trẻ. Bạn hoàn toàn có thể chủ động “search” và đọc rất nhiều về ngành học, trường học và cơ hội nghề nghiệp của ngành học mà bạn hướng đến. Việc hỏi ý kiến những người thân xung quanh như cha mẹ, thầy cô, bạn bè… để đánh giá năng lực bản thân mình cũng là một kênh thông tin được học sinh tin cậy. Những kênh “hướng nghiệp” này có phần cảm tính và chỉ nên tham khảo.

Trên thế giới, hướng nghiệp chuyên sâu đã phát triển thành một ngành khoa học có nền tảng lý thuyết vững chắc. Các chuyên viên Hướng nghiệp sử dụng các công cụ hướng nghiệp để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên hiểu rõ bản thân, xác định ngành học phù hợp sở trường từ đó học tập để đạt mục tiêu nghề nghiệp.

Một trong những công cụ phổ biến và đáng tin cậy được đa số các trường trên thế giới sử dụng để định hướng ngành học cho học sinh là MẬT MÃ HOLLAND do TS. Tâm lý học người Mỹ John Holland phát triển và đưa vào ứng dụng từ 1959 giúp người học hiểu rõ sở trường. Hiện nay, mật mã HOLLAND được sử dụng rộng rãi ở nhiều trường đại học trên thế giới để giúp người học tự soi chiếu bản thân, nhận thấy được mình thích gì, giỏi gì và có thể làm gì từ đó chọn ra được những NGÀNH HỌC phù hợp sở thích và khả năng tự nhiên của bản thân. Khi hiểu những đặc điểm này, các bạn sẽ dễ dàng nối chúng vào một hoặc một số ngành đào tạo phù hợp ở các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp nghề.

Bạn có thể làm trắc nghiệm Holland tại đây nhé!

‘Nếu chưa chọn lựa ngành nghề được 100% như mình muốn thì bạn cũng đừng lo lắng quá nhé! Vì hướng nghiệp là một cuộc hành trình dài mà có nhiều lúc bạn sẽ chỉ có thể biết được phía trước nếu bạn nỗ lực chuẩn bị tại thời điểm hiện tại. Hãy làm thật tốt những việc bạn có thể làm ở thời điểm này, rồi tương lai sẽ ổn thôi… Các bạn càng có sự nghiên cứu và chuẩn bị đủ thì sẽ càng tiến gần hơn đến mức lý tưởng hoàn toàn.

Câu chuyện hành trình học tập và vào đời lập nghiệp của anh Trần Vĩnh Trọng – cựu sinh viên Khóa 13 ngành Ngôn ngữ Anh ở Văn Lang là một trường hợp thú vị. Rõ ràng, nếu một người chọn được công việc phù hợp với tính cách/ đặc tính cá nhân thì họ sẽ dễ dàng phát triển và thành công trong nghề nghiệp. Nói cách khác, những người làm những công việc có những đặc tính nghề tương tự như tính cách của mình hầu hết sẽ thành công và hài lòng với công việc.

10 năm trước, khi cầm tờ giấy đăng ký thi đại học, tôi đã lần lựa mãi, bơi trong một mớ hàng chục nguyện vọng. Đó là nguyện vọng của ba mẹ, mong muốn của thầy cô, lời “xúi giục” và rủ rê của bạn bè… cuối cùng mới có đúng một gạch đầu dòng là của mình – mà theo lời tất cả mọi người đánh giá lúc đó là: viển vông và vô ích. Tôi chỉ muốn đi học để thành ông chủ của một khách sạn lừng lẫy thế giới thôi mà!? À, nhất nước thôi cũng được rồi (kết quả của những tháng ròng đọc ké các sách hướng nghiệp ở nhà sách. Thời đó internet vẫn còn hiếm hoi lắm!).

Trong lúc chờ điểm thi, tôi xin vào làm ở bộ phận Housekeeping cho khách sạn Sheraton – một khách sạn lớn nhất nhì thành phố, tiếp tục nuôi mộng lý tưởng “muốn làm ông chủ thì nên bắt đầu từ vị trí thấp nhất”. Kẻ mộng mơ thì luôn tin vào trực giác của mình, nhưng thế giới thì không.

Đáng buồn thay, lần đó thế giới lại đúng.

Tôi rớt nguyện vọng 1 vì thiếu nửa điểm.

Nguyện vọng 2 vào Văn Lang là nhượng bộ theo lời của Ba. Ba vẫn kiên nhẫn dùng chiêu “mưa dầm thấm lâu” khuyên tôi nên tiếp tục học lên ngành tiếng Anh, sau này ra đi dạy cho “ổn định”, đừng bỏ phí 3 năm học tăng cường Anh văn tại trường Trần Phú – nơi đã chắp cánh cho những ước mơ đầu đời của kẻ mơ mộng này.

Quả thật, trả tôi về với Tiếng Anh, với những bài học ngôn ngữ, văn hóa và ngoại giao là như thả cá về nước. Văn Lang đã giúp tôi dần hiện thực hóa những mộng mơ của mình. Hay nói cách khác là cho tôi quá nhiều cơ hội để thử sức, tự khám phá khả năng và hiểu rõ bản thân mình hơn. Bắt đầu từ những bài viết trên website Trường có nhuận bút hẳn hoi, đủ đổ xăng và ăn trưa đàng hoàng, tươm tất. Sau đó là cùng tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình văn nghệ, hoạt động cho sinh viên. Những giờ lên lớp của các thầy cô lớn tuổi, chúng tôi được dạy cách Sống Tử Tế trước khi học rành ngữ pháp hay phát âm. Trong 4 năm đó, tôi may mắn có đủ thời gian học và cả trốn học đi tham gia hết chương trình tình nguyện này tới chương trình trao đổi văn hóa khác…

Tôi bắt đầu thực hiện ước mơ bằng những thử thách lớn hơn, xin làm cộng tác viên cho Đài truyền hình Việt Nam tại Tp.HCM (VTV9) ở mảng cập nhật các tin tức quốc tế. Từ đó cho đến bây giờ, suốt nhiều năm trôi qua với nhiều vị trí lĩnh vực truyền hình (biên tập viên, MC), công việc chính hiện tại của tôi là Senior PR Executive tại Vero.

Tiếng Anh có ở mọi lĩnh vực cuộc sống, giúp tôi tiếp cận với nhiều thông tin, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Tôi đa phần làm việc với các khách hàng nước ngoài muốn làm chiến dịch PR ở Việt Nam nên cần sử dụng vốn tiếng Anh thường xuyên. Tôi không nghĩ chọn học ngành Ngôn ngữ Anh thời đại học là chuyện đúng hay sai đâu, tôi chỉ nghĩ phù hợp hay không.

Một đàn anh đã từng dạy rôi rằng: “Khi em còn là con số 0, em có quyền mơ mộng rất xa xôi. Nhưng cơ hội không tự nhiên mà có. Hãy cố gắng trau dồi mọi thứ có thể, để cờ tới tay là phất. Chẳng ai trao cờ cho kẻ chỉ biết mộng mơ không đâu.”

Tôi tới giờ vẫn là kẻ mộng mơ và thích bay nhảy, thử làm cái mới. Vẫn hay nghĩ về những ngày tháng đẹp đẽ phía trước. Tôi của mười năm sau biết rằng Văn Lang là một lựa chọn, đúng…”

P/s: Bạn có thể chọn sai. Nhưng bạn hoàn toàn có thể làm cho nó đúng theo cách của mình. Tuổi trẻ vốn thiếu thốn kinh nghiệm nhưng lại dư dả thời gian.

Những thông tin thú vị về hướng nghiệp trên đây nằm trong chương trình phát trực tiếp số đầu tiên của NHÀ LẠC trên Fanpage Trường Đại học Văn Lang, ngày 03/3/2020.

Mời các bạn xem lại đầy đủ chương trình để biết thêm các chia sẻ “có tâm” của các khách mời nhé!

 

Các bạn học sinh thân mến, Chính các bạn là người sẽ học ngành mình chọn tại ngôi trường mình chọn. Do đó, các bạn hãy chú tâm hoàn thành TO DO LIST sau đây, thực hiện trắc nghiệm MẬT MÃ HOLLAND và quyết định lựa chọn ngành học thật sáng suốt. Bạn đừng quên thảo luận với gia đình để ba mẹ hiểu quá trình con mình đã chuẩn bị tương lai một cách khoa học bài bản, và chắc chắn ba mẹ sẽ tôn trọng quyết định của bạn nha.