Lớn khôn hơn sau những mùa thi

(TT. Thông tin – Văn Lang, 14/01/2014) – Kỳ thi học kỳ I năm học 2013 -2014 đang dần qua. Nhìn cảnh thi cử từ bên ngoài có lẽ kỳ thi nào cũng giống nhau: sách vở đầy bàn, học hành thâu đêm, phòng thi lặng tờ,… Chỉ có những người đi thi mới cảm nhận rõ ràng sự khác nhau của những kỳ thi.

image001

Những ngày này, trời Sài Gòn hơi se lạnh, đến trường không khí có phần trầm lắng. Đã đến chặng cuối của kỳ thi học kỳ 1 năm học 2013 -2014. Nhìn những ngày thi đang qua, nhìn tới những ngày Tết sắp đến, tôi chợt nhớ về những trang đầu tiên của truyện dài “Mùa hè năm Petrus” mà nhà báo Lê Văn Nghĩa đã viết. Ở đó có hình ảnh của những nam sinh vừa trải qua kỳ thi học kỳ 1. Không khí học thi, ôn thi, đi thi trong truyện cũng căng thẳng như hình ảnh mà tôi bắt gặp ở thư viện, hành lang và phòng thi Văn Lang. Nhưng điều đặc biệt hơn khiến tôi tò mò là sau kỳ thi, cảm nhận của các bạn có giống các anh chàng trong truyện không. Một chút nhẹ nhõm thoáng qua vì họ đã đi hết kỳ thi; nhiều luyến tiếc, nhớ nhung ập đến vì thời gian trôi nhanh hơn họ nghĩ. Năm đầu cấp rụt rè đã qua; ngày mới vào học tranh cử lớp trưởng, lớp phó,… với những “tính toán” ngây thơ đã là hôm qua; mấy tháng vừa học vừa làm báo, đá bóng, làm chương trình văn nghệ và… viết thư tình đã hoá xa xôi. Có lẽ sinh viên Văn Lang cũng nhận thấy trong những trang viết ấy ít nhiều hình ảnh, tâm tư của mình. 5 tháng học kỳ 1 năm học 2013 – 2014 của các bạn đã trôi qua cũng với bấy nhiêu hoạt động, bấy nhiêu ngổn ngang học hành, bấy nhiêu vui buồn bên bạn bè, thầy cô, gia đình. Và còn những học kỳ 1 của năm trước, năm trước nữa; và sẽ đến những học kỳ 1 của năm sau, năm sau nữa… Cứ thế thời sinh viên qua đi.

Nhìn cảnh thi cử từ bên ngoài có lẽ kỳ thi nào cũng giống nhau: sách vở đầy bàn, học hành thâu đêm, phòng thi lặng tờ,… Chỉ có những người đi thi mới cảm nhận rõ ràng sự khác nhau của những kỳ thi.

Sinh viên năm nhất khá lo lắng với kỳ thi đầu tiên ở đại học; không như thời phổ thông, có những môn học không có đề cương ôn tập, ngay cả môn có giới hạn ôn tập thì lựa chọn tài liệu tham khảo trong hàng chục cuốn sách gợi ý của giảng viên cũng khiến các bạn băn khoăn, hình thức thi không chỉ có trắc nghiệm, tự luận mà còn có cả thi đối đáp, làm tiểu luận, tự luận đề mở, thi trên máy tính, làm đồ án,… Sinh viên năm hai đã bớt căng thẳng hơn khi đối diện với phòng thi, nhưng khi nhìn thấy đề thi hẳn cảm giác ám ảnh về điểm thi vẫn nguyên vẹn. Đây là năm học các bạn ý thức hơn về việc cải thiện điểm, làm đẹp bảng điểm. Sinh viên năm ba đến trường thi ung dung hơn. Dường như đã quen với áp lực học hành, thi cử, vui chơi; các bạn đã tìm thấy cho mình những “bí kíp” để mùa thi trôi qua nhẹ nhàng. Sinh viên năm tư “đắn đo” nhiều khi vừa muốn vui chơi cho thoả, cho đầy kỷ niệm những ngày tháng cuối cùng của thời sinh viên; vừa muốn học hành, thi cử tử tế để ngày tốt nghiệp đến đúng hạn. Đếm ngày thi đến, đếm luôn những ngày còn lại của quãng đời sinh viên, đếm cả những tiếc nhớ chưa kịp tới.

image003Không khí phòng thi luôn “thường trực” sự yên lặng, chăm chú. (ảnh chụp ngày 06/01/2014, giờ thi của SV ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường trường ĐH Văn Lang)

Đồng hành cùng sinh viên trong mùa thi, Phòng Đào tạo và Trung tâm Thông tin phối hợp cập nhật kịp thời Lịch thi, Đề thi, Đáp án và Kết quả học tập tại mục Liên kết nhanh của website trường. Tính đến ngày 14/01/2014, 151 đề thi, 41 đáp án đã được cập nhật. Sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ 1 (18/01/2014), Phòng Đào tạo và Trung tâm Thông tin sẽ tiếp tục cập nhật Lịch thi lần 2, Đề thi, Đáp án, Kết quả các học phần còn lại và Thời khoá biểu học kỳ 2. Trong thời gian nghỉ Tết, các bạn nhớ “ghé thăm” website trường kiểm tra thông tin để chủ động thời gian nhập học, ôn tập và bắt nhịp kịp thời với học kỳ mới.

Những phòng thi của sinh viên năm nhất thường được đánh giá nghiêm túc. Những phòng thi của sinh viên các năm trên là nơi giám thị, thanh tra bắt gặp và xử lý đa phần những tiêu cực thi cử; mức độ nhẹ như đến phòng thi trễ giờ, quên mang thẻ sinh viên; mức độ nặng như quay bài, mang tài liệu vào phòng thi, thậm chí là mượn người thi hộ. Những điều này năm nào cũng xảy ra, nhưng không phải vì thế mà chúng ta nghĩ đó là điều bình thường. Tôi khá ấn tượng với một ý tưởng mà người thầy những năm 1960 ở trường Petrus Ký của nhà báo Lê Văn Nghĩa đã nói: các bạn đến trường không phải chỉ để học kiến thức mà đặc biệt hơn, các bạn học cách trở thành người có văn hoá. Hãy suy nghĩ về cách bạn học đại học, cách mà Văn Lang đang “dạy” bạn. Không chỉ là những môn học trên giảng đường, không chỉ là thi cử khuôn mẫu; đó còn là các hoạt động phong trào rèn luyện kỹ năng, củng cố nhận thức, mở rộng quan hệ và phát triển cân bằng, toàn diện. Không chỉ là nội dung môn học; đó còn là cách đưa các bạn tiếp cận với kiến thức, cách để các bạn áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, cách để bạn nắm giữ và mở rộng từ nguồn kiến thức được truyền thụ.

Hãy công bằng với bạn bè mình trong việc thi cử nghiêm túc, rồi cuộc đời sẽ công bằng lại với bạn khi bước vào con đường lập nghiệp. Kiến thức làm nên một phần giá trị của cá nhân chỉ khi cá nhân ấy thực sự sở hữu nó.

Ở bìa sau “Mùa hè năm Petrus”, tác giả viết những dòng sau: “Mùa xuân làm cho người ta lớn. Mùa xuân sẽ được người ta mừng thêm một tuổi. Mùa hè chỉ có chia tay, nhưng trong đời học sinh không chỉ có những mùa hè chia tay. Cũng có những mùa hè đánh dấu sự trở thành người lớn. Người lớn mà không cần mùa xuân đến. Không cần được mừng tuổi. Đó là mùa hè của những năm Petrus Ký”. Trước khi đến được “mùa hè đánh dấu sự trở thành người lớn” ấy, chúng ta cũng cần trải qua những “mùa xuân làm cho người ta lớn” nữa. Đối với những bạn sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba, hẳn mùa xuân này là cột mốc nho nhỏ đánh dấu sự trưởng thành của các bạn. Còn với những sinh viên năm tư, mùa xuân này có phần đặc biệt hơn, vì đó là nấc thang gần cuối để các bạn bước đến mùa hè cuối cùng của đời sinh viên, mùa hè khẳng định các bạn thực sự trưởng thành.

Cùng với những kỳ thi học kỳ 1, học kỳ 2, mong rằng các bạn sẽ có những mùa xuân, mùa hè những năm tháng sinh viên Văn Lang thật ý nghĩa, hứa hẹn ở đó sự trưởng thành và kỷ niệm đẹp.

Minh An

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan