(TT. Thông tin – Văn Lang, 19/1/2013) – Thị trường lao động đang thử thách người học các ngành kinh tế. Bộ Giáo dục & Đào tạo liên tiếp đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tuyển sinh tràn lan, đào tạo kém chất lượng ngành kinh tế tại các trường ĐH-CĐ.
● Chiều 18/12/2012, cuộc họp về quy hoạch nguồn nhân lực, “Từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như: tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…”
● Ngày 27/12/2012, Hội nghị Kế hoạch ngân sách năm 2013, bên cạnh biện pháp hành chính, để giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế, cần phối hợp các biện pháp tài chính…
● Tháng 12/2012, TT dự báo nhu cầu nhân lực Tp.HCM đưa ra dự báo về 12 nhóm ngành có nhu cầu lớn nhất trong năm 2013, trong đó không có ngành ngân hàng, nhóm ngành tài chính – kế toán – chứng khoán có tỷ lệ nhu cầu ở mức thấp.
● Ngày 22/1/2013, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Thi và tuyển sinh năm 2013, khuyến khích giảm chỉ tiêu các ngành kinh tế.
Tại trường ĐHDL Văn Lang, số sinh viên các khóa đang theo học ngành Tài chính Ngân hàng khoảng 1.500, đang theo học ngành Kế toán khoảng 1.130, đang theo học ngành Quản trị kinh doanh khoảng 1.060, đang theo học ngành Kinh doanh thương mại khoảng 900, đều thuộc những ngành có số lượng SV đông của trường. Hằng năm, lượng hồ sơ xét tuyển vào các ngành kinh tế của trường chiếm tỷ lệ lớn. Nhóm ngành Kinh tế đã duy trì sức thu hút mạnh mẽ qua nhiều kỳ tuyển sinh.
Mùa tuyển sinh 2013 này, các ngành kinh tế của nhà trường vẫn thực hiện xét tuyển, đảm bảo quy mô như năm 2012. Kinh tế vẫn là một trong những nhóm ngành đào tạo then chốt của nhà trường, góp vào tổng thể chung 18 ngành đào tạo của trường Văn Lang. Quy mô tuyển sinh của các ngành Kinh tế tại trường ĐHDL Văn Lang có thể không có thay đổi gì lớn.
Hoạt động tuyển sinh của trường Văn Lang nằm trong sự vận hành chung của xã hội, và theo điều phối của Bộ GD&ĐT. Trong bối cảnh chung có phần ảm đạm của nền kinh tế, và trước “tình huống chung” mà, bằng những động thái khá dứt khoát của mình, Bộ GD&ĐT đặt ra cho các trường đại học, trường ĐHDL Văn Lang đã chọn ứng xử theo hướng tích cực.
Nâng cao chất lượng và tạo sự khác biệt cho nhóm ngành Kinh tế tại trường ĐH Văn Lang
Chất lượng là hướng phấn đấu trọng yếu trong quá trình đào tạo của trường ĐH Văn Lang. Kết hợp đào tạo với thực tiễn, cung cấp cho xã hội những cử nhân được đào tạo bài bản và đáp ứng đúng yêu cầu của nền kinh tế, những hướng phát triển mới của nhóm ngành kinh tế, những chuyên ngành mới, những chương trình đào tạo được rà soát, cập nhật theo chuẩn khu vực và quốc tế… là những động thái tích cực của nhà trường, nhằm thực sự nâng cao chất lượng và tạo sự khác biệt cho nhóm ngành kinh tế, đã được bắt đầu triển khai từ năm 2012.
Năm 2012, nhà trường mở chuyên ngành mới Quản trị Hệ thống thông tin tại khoa Quản trị Kinh doanh ngay khi nhận thấy sự kết hợp kiến thức công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh sẽ là lợi thế và hướng đi rộng mở cho những cử nhân kinh tế khi ra trường. Chuyên ngành Quản trị Hậu cần và chuỗi cung ứng cũng được mở tại khoa Thương mại, xuất phát từ xu hướng phát triển kinh tế, đòi hỏi lượng nhân lực cao trong lĩnh vực quản trị cung ứng, kiểm soát hàng hóa, dịch vụ. Trước đó, từ năm 2007, SV kinh tế của nhà trường đã có thể tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực kế toán – tài chính thông qua chương trình học và thi lấy bằng, chứng chỉ LCCI của Hội đồng Khảo thí Phòng Thương mại & Công nghiệp London. Đến nay, sau 5 khoá đào tạo, những SV kế toán – tài chính tốt nghiệp kèm theo tấm bằng LCCI đã có thể đạt yêu cầu và được tuyển dụng vào các công ty lớn như KPMG, Ernst & Young, PWC, DTL, Glaxo Smith Kline, Eastern, Daelim,… được tuyển dụng thực tập ở các công ty kiểm toán của Malaysia…
Những nỗ lực cải tiến đang được trường Văn Lang bền bỉ thực hiện bằng những câu chuyện cụ thể như thế. Và đó là kịch bản ứng xử mà Văn Lang chọn cho mình, tôn trọng sự vận động chung của tình hình xã hội – giáo dục, và liên tục tự điều chỉnh, không chỉ đối với các ngành kinh tế. Quá trình tự điều chỉnh theo định hướng đảm bảo và nâng cao chất lượng vừa là ý thức gìn giữ uy tín của nhà trường, nhưng hơn hết, nó thống nhất với một trong những giá trị quan trọng của trường Văn Lang: coi người học là tài sản quý giá nhất, vì vậy, cần đặt mục tiêu đào tạo tử tế và đặt nền móng đảm bảo cho con đường nghề nghiệp tương lai của họ.
Tôn trọng đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động
Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là đòi hỏi của thị trường lao động. Thừa nhân lực nhưng vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Nỗi lo của không ít học sinh, SV, và phụ huynh có con em chọn nhóm ngành kinh tế nên được giải quyết từ việc giải tỏa những lo lắng về chất lượng đào tạo, hơn là nghi ngờ tương lai của ngành.
Trong cuộc chơi lớn mà Bộ GD&ĐT đang điều phối trong thời gian qua, định hướng chất lượng đã trở thành tiêu chí lớn nhất, thành “luật chơi”. Các biện pháp của Bộ đã phần nào thức tỉnh thí sinh và phụ huynh, học sinh và SV, về thực tế sàng lọc của thị trường hiện nay. Tình trạng dư thừa nhân lực là kết quả của một quá trình mở đào tạo các ngành kinh tế ồ ạt, cẩu thả. Giờ đây, thị trường lao động đang thay đổi, cắt giảm mạnh nhân lực trong các lĩnh vực ngân hàng, môi giới chứng khoán, quản lý đầu tư, thương mại… Những sản phẩm kém chất lượng, không đáp ứng được sự sàng lọc của thị trường sẽ bị đào thải. Tuyển sinh những năm gần đây có nhiều biến động, và không gì khác, đó có lẽ là sự phản ứng của người học và xã hội về giá trị mà đại học mang lại.
Một cách tích cực, chính thực tế khó khăn (bị cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, bị tạm dừng mở ngành mới, tăng chi phí đào tạo…) buộc bản thân các ngành kinh tế phải xem xét lại và điều chỉnh chỉ tiêu, quy trình tuyển sinh, đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường và sự phát triển xã hội. Xét cho cùng, “tình huống” mà xã hội đặt ra cho các trường không gì khác ngoài yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói chung, và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kinh tế nói riêng.
Bài học từ Casillas: hãy tôn trọng luật và đội hình của cuộc chơi, đồng thời nỗ lực cải thiện bản thân để không trở nên dư thừa. Trước tình huống khó khăn, đó là kịch bản ứng xử tích cực.
(“Bài học từ Casillas”, Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 25/12/2012, chuyên trang Thể thao).
Nguyễn Thị Mến