Nét đẹp truyền thống trong mỹ thuật ứng dụng hiện đại

(TT. Thông tin – Văn Lang, 14/9/2016) – Từ ngày 10 đến ngày 14/9/2016, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang tổ chức triển lãm “Design và Truyền thống dưới góc nhìn ứng dụng”, tại Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh – 218A Pasteur, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang luôn nỗ lực để giới thiệu tác phẩm của sinh viên đến gần hơn với công chúng, với thị trường; đúng như định hướng của ngành nghề: mỹ thuật ứng dụng. Trong những năm gần đây, hoạt động triển lãm tác phẩm hội họa, đồ án, sản phẩm của sinh viên được Khoa tổ chức khá thường xuyên, đều đặn.

DH Van lang netdeptruyenthong 01Tham dự và cắt băng khai mạc Triển lãm “Design và Truyền thống dưới góc nhìn ứng dụng”, chiều 10/9/2016, có Thầy Võ Văn Tuấn – Phó HIệu trưởng Thường trực Trường ĐH Văn Lang (ngoài cùng, bên trái), Họa sĩ Uyên Huy – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh (thứ hai, từ trái sang), đại diện Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường ĐH Văn Lang, đại diện doanh nghiệp, và các họa sĩ uy tín trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng.

Mở đầu năm học 2016 – 2017, Khoa tổ chức triển lãm “Design và Truyền thống dưới góc nhìn ứng dụng”, tại Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh – 218A Pasteur, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh”, từ ngày 10 đến 14/9/2016, như lời giới thiệu về điểm nhấn trong chương trình đào tạo và kết quả học tập, thực hành nghề nghiệp của sinh viên. 12 sản phẩm đồ họa lấy chất liệu vốn cổ tại 2 công trình kiến trúc Lăng Hoàng gia, Dinh Đốc phủ Hải ở Tiền Giang; 37 trang phục thiết kế dựa trên hoa văn cổ ở Lâm Đồng; 20 sản phẩm gốm chế tác theo kỹ thuật thủ công của làng gốm Bình Dương được trưng bày tại triển lãm. Đây là kết quả sau quá trình tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về kiến trúc cổ, hoa văn dân tộc, văn hóa vùng miền ở các địa phương của sinh viên năm 3 các ngành đào tạo của Khoa. Triển lãm góp phần khẳng định hướng đi riêng trong đào tạo của Khoa: chú trọng đến mỹ thuật truyền thống; và mục tiêu đào tạo của Khoa: những họa sĩ thiết kế có bản lĩnh sáng tạo, có nền tảng mỹ thuật, có kỹ thuật thể hiện, góp phần gìn giữ, lưu truyền văn hóa truyền thống.

Kết nối cổ – kim

Trong quan điểm sáng tác của nghệ thuật phương Đông, tập cổ cũng là một phương thức sáng tạo. Đó không phải là sự lặp lại, sao chép tồi tệ mà đó là việc làm mới, đắp da thay máu vào một thân xác không còn tươi trẻ nữa. Một chiếc khăn nếu đặt vào tay người già 70 tuổi thì nó sẽ được sử dụng để giữ ấm cơ thể nhưng nếu đặt vào tay người trẻ 20 tuổi thì nó có thể được dùng như một phụ kiện thời trang. Hoa văn cổ cũng vậy. Dưới con mắt của các bạn trẻ Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Văn Lang, hình ảnh điêu khắc trên công trình kiến trúc xa xưa, họa tiết trên thổ cẩm của dân tộc thiểu số không bị thời gian “hóa thạch” ở thời điểm chúng ra đời mà vẫn còn sức sống đến tận bây giờ; bởi xưa và nay tuy có khác nhau về đặc điểm mỹ thuật, tạo hình nhưng tư duy văn hóa, quan niệm thẩm mỹ thì vẫn có sự chuyển tiếp, lưu truyền.

Sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa đã tham quan 2 khu di tích là Lăng Hoàng gia và Dinh Đốc phủ Hải tại Gò Công, Tiền Giang. Những hoa văn, họa tiết điêu khắc trên cột, tường, mái,… của công trình được các bạn khảo sát, đo đạc, phác họa chi tiết. Sau đó, các bạn đã nghiên cứu, tìm hiểu về ý nghĩa của các hoa văn, họa tiết. Từ những phác họa ban đầu bằng tay, các bạn đồ họa lại thành vector qua phần mềm máy tính. Những hình vẽ này được sử dụng vào các thiết kế; mang lại vẻ đẹp đậm chất Việt cho những sản phẩm phổ biến trong đời sống như hộp đựng bánh, ấm trà, nhãn rượu, hộp name card, chén đĩa, lồng đèn, vải vóc,…

DH Van lang netdeptruyenthong 03

DH Van lang netdeptruyenthong 02

Với sinh viên ngành Thiết kế Thời trang, gần 3 tuần trải nghiệm ở làng dệt thổ cẩm thủ công tại Bảo Lộc, Lâm Đồng đã mang đến nguồn liệu và cảm hứng thiết kế độc đáo cho các bạn. Những họa tiết cấu thành từ những sợi tơ dọc ngang đã được ghi chép, thể hiện lại bằng kỹ thuật in, thêu hiện đại trên những thiết kế áo dài cách tân, đa dạng chất liệu. Áo dài ngầm được mặc định là lễ phục truyền thống của người Việt. Và với những thiết kế áo dài kết hợp giữa kiểu dáng, kỹ thuật cắt cúp hiện đại với hoa văn truyền thống trong bộ sưu tập thêm một lần nữa khẳng định vẻ đẹp đặc trưng Việt Nam của loại trang phục này; đồng thời, cho thấy áo dài có thể được “diện” trong những hoàn cảnh đời thường (đi chơi, đi làm) bởi thiết kế phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều phom dáng, nhiều môi trường khác nhau. Vẫn có thể làm mới cho loại trang phục đã quá quen dựa trên nguồn liệu cổ – đó là điều các bạn đã làm được bằng sự sáng tạo của mình. Có lẽ đó chính là một trong những lý do mà mỹ thuật trở thành ngôn ngữ chung được nhiều người chia sẻ, thấu hiểu; vượt qua giới hạn thời gian, không gian.

Sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp Văn Lang có một tháng “đóng quân” tại các lò gốm truyền thống ở Bình Dương, Đồng Nai. Các bạn đã được nhìn, nghe và biết, hiểu kỹ thuật làm gốm thủ công. Với kiến thức được học và khả năng quan sát, các bạn đã lên bản vẽ cho những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện đại, có khả năng thực hiện được trên chất liệu gốm. Tham quan triển lãm, chúng ta sẽ nhìn thấy gốm không chỉ là chất liệu để tạo nên lọ hoa, ly nước, ấm trà mà còn có thể được nhào nặn thành vỏ camera, chai dầu gội, đèn ngủ, bình xông tinh dầu, bộ phong thủy,… với kiểu dáng lạ mắt, màu sắc đa dạng, phù hợp với thị hiếu của người hiện đại.

DH Van lang netdeptruyenthong 04Triển lãm trưng bày tác phẩm của sinh viên; do sinh viên tự tổ chức, sắp đặt và giới thiệu. Đối với những người xem là sinh viên, quan trọng nhất là những giá trị chuyên môn có thể học hỏi từ đàn anh, đàn chị và ngoài ra, các bạn còn tiếp nhận được kinh nghiệm tổ chức sự kiện và tinh thần làm việc tập thể.

Những sản phẩm của sinh viên được trưng bày tại triển lãm cho thấy sức sáng tạo cá nhân rõ nét trên cơ sở hiểu được ý nghĩa của đối tượng tham quan, nghiên cứu và vận dụng được năng lực thẩm mỹ, nhận thức ứng dụng vào thiết kế, chế tác.

Những dấu vân tay tài hoa 
Tại Lễ Khai mạc triển lãm, những sinh viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp đạt được các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế đã được Nhà trường vinh danh: 
● Võ Thị Phương Thảo – sinh viên năm tư ngành Thiết kế Đồ họa – đạt giải Đồng International Design Award 2015 (IDA), cuộc thi thiết kế quốc tế chuyên nghiệp của Mỹ trong 5 lĩnh vực Kiến trúc, Nội thất, Tạo dáng sản phẩm, Đồ họa, Thời trang.
● Trần Vũ Nhân Thái – sinh viên năm tư ngành Thiết kế Đồ họa – đạt giải Khuyến khích cuộc thi IDA 2015.
● Huỳnh Văn Trọng, Bùi Thị Hồng Xuân, Hồ Mạnh Phi, Lê Hừng Hiếu, Nguyễn Võ Hoàng Nam – sinh viên năm tư ngành Thiết kế Đồ họa – có thiết kế được chọn là sản phẩm chiến lược mùa lịch 2017 của Công ty Lịch xuân Phương Nam.
● Trần Thị Huỳnh Mai – tốt nghiệp ngành Thiết kế Công nghiệp năm 2015 – đạt giải Khuyến khích cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho Tp. Hồ Chí Minh – Giải thưởng Hoa Sen 2015.
● Nguyễn Thị Bảy, Trần Sơn Dương – tốt nghiệp ngành Thiết kế Nội thất năm 2016 – đạt giải Nhì cuộc thi Nhà thiết kế trẻ Nippon 2015.
● Phạm Thị Hà, Nguyễn Thị Mộng Kiều, Nguyễn Thị Kim Ngọc – sinh viên năm tư ngành Thiết kế Nội thất – đạt giải Tài năng ý tưởng màu sắc cuộc thi Nhà thiết kế trẻ Nippon 2015.
● Vũ Đình Nguyên, Nguyễn Thị Hoài Nhi – tốt nghiệp ngành Thiết kế Nội thất năm 2016 – đạt giải Tài năng cải tiến thiết kế cuộc thi Nhà thiết kế trẻ Nippon 2015.
● Phạm Thiên Phú – tốt nghiệp ngành Thiết kế Nội thất năm 2016 – đạt giải Nhì cuộc thi Thiết kế và tôn vinh hoa văn nghệ thuật văn hóa Việt Nam 2016.

DH Van lang netdeptruyenthong 05

Trong số các thành tích mà sinh viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp đạt được năm học vừa qua, 2 giải thưởng IDA của Võ Thị Phương Thảo và Trần Vũ Nhân Thái thực sự nổi bật. Không chỉ là sinh viên đầu tiên của Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Văn Lang, 2 bạn còn là sinh viên đầu tiên của Việt Nam đạt được giải thưởng thiết kế quốc tế danh giá này. Hai thiết kế logo Ot Hot Chili Sauce (của Phương Thảo) và Lagi Fish (của Nhân Thái) đã được đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu Trí tuệ; riêng thiết kế của Phương Thảo đã được chuyển nhượng bản quyền cho công ty Hoàng Kim Gia.

11 năm thành lập và phát triển, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường ĐH Văn Lang dần xây dựng hình ảnh trong bức tranh giáo dục đại học và trên thị trường nhân lực ở lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng bằng chính năng lực làm việc của các thế hệ sinh viên. Không đợi đến ngày tốt nghiệp, nhiều sinh viên của Khoa đã khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Một số môn học thực hiện đồ án trong chương trình đào tạo của Khoa được thiết kế theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, phục vụ cho nhu cầu sản xuất thực tế của doanh nghiệp; hoặc được hướng dẫn thực hiện một cách chuyên nghiệp để có thể tuyển chọn tham gia các cuộc thi nghề nghiệp trong nước và quốc tế.  Đồ án thiết kế lịch, đồ án thiết kế trang sức, đồ án thiết kế logo,… chính là con đường đưa các bạn sớm hòa nhập vào thị trường lao động, gắn việc học với thực tập, thực hành. Nhiệt tình của thầy, nỗ lực của trò đã tạo nên các tác phẩm thiết kế chất lượng, như những dấu vân tay tài hoa định vị uy tín.

Con đường Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang bước đi hãy còn dài và luôn có cả thử thách lẫn cơ hội đồng hành. Dấu ấn hôm nay cần được ghi chép lại, như động lực để bước tiếp; nhưng con người không được “đông lạnh” trong những thành tích của hôm nay, bởi thời gian là điều kiện để những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn sinh sôi, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo. Chờ đợi dịp được nhìn thấy những dấu vân tay tài hoa khác trong các hoạt động tiếp xúc giữa Khoa với công chúng, thị trường trong thời gian tới.

Minh An

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan