Ngành Công nghệ Sinh học Trường ĐH Văn Lang sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn từ thảo mộc phòng ngừa virus Corona

Trong bối cảnh các nhà thuốc, cửa hàng khan hiếm khẩu trang y tế và dung dịch nước rửa tay nhiều ngày qua, thì tại Trường Đại học Văn Lang, TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học đã nghiên cứu sản xuất thành công dung dịch nước rửa tay sát khuẩn từ thảo mộc 100% thiên nhiên và lành tính, an toàn, diệt khuẩn hiệu quả, sử dụng cho giảng viên và sinh viên toàn Trường.

Khoảng 2 tuần trở lại đây, khi dịch nCoV – Virus Corona bùng phát, mọi thông tin, cách phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh đều là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng trong và ngoài nước. Các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay “cháy hàng” khi rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang đang là những phương thức cơ bản nhất để người dân phòng tránh lây nhiễm virus Corona.

Từ cuối tháng 01/2020, khi thông tin về diễn biến phức tạp của dịch Corona bùng phát, Trường Đại học Văn Lang đã tích cực triển khai các biện pháp phòng tránh virus trong toàn trường (đọc chi tiết tại đây). Mới đây, tiếp tục các hành động cụ thể ứng phó với tình hình dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe sinh viên – giảng viên, TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học đã nghiên cứu thành công 02 loại nước rửa tay sát khuẩn được điều chế từ Tinh dầu thông – chiết tách từ cây thông 2 lá và Giấm tre được sản xuất từ cây (tre) tầm vông.

Dung dịch sát khuẩn từ Giấm tre

Từ đề tài nghiên cứu cấp trường “Nghiên cứu ảnh hưởng của Giấm tre đến khả năng phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng”, TS. Vũ Thị Quyền nhận thấy tính ứng dụng và hiệu quả cao của Giấm tre trong kháng viêm, kháng khuẩn, tiêu độc, làm hương liệu, mỹ phẩm, sữa dưỡng thể… Từ đó, ngay lập tức khi có thông tin về dịch Corona, cô đã nghiên cứu điều chế dung dịch rửa tay sát khuẩn với thành phần chính là Giấm tre và nước cất.

Với 1 lít Giấm tre, chúng ta sẽ có được 50 lít nước rửa tay sát khuẩn. Nghe có vẻ đơn giản khi chỉ cần pha Giấm tre với nước cất theo tỉ lệ (1/50) là có được hỗn hợp dung dịch, nhưng quá trình sản xuất dung dịch sát khuẩn từ Giấm tre khá phức tạp: đốt tre trong điều kiện hiếm khí, ngưng tụ khói từ tre bị cháy sau đó lắng lọc (khâu lâu nhất của quá trình sản xuất), cuối cùng là chưng cất hơi nước từ phần được lắng lọc để có thành phẩm.

Dung dịch sát khuẩn từ Tinh dầu thông

Tinh dầu thông là một sản phẩm cho TS. Vũ Thị Quyền nghiên cứu sau chuyến khảo sát thực tập cùng sinh viên tại Đà Lạt. Dung dịch nước rửa tay từ tinh dầu thông được pha với nước cất theo tỉ lệ 1/100. Tinh dầu thông được tinh chất từ gỗ cây thông 2 lá, là chất khử mùi và kháng khuẩn tự nhiên.

Công thức điều chế 1 lít dung dịch sát khuẩn:

  1. Đong 751.5ml Cồn 96% vào bình chứa 1 lít.
  2. 14.5ml Glyxerol (98%) cho thêm vào bình chứa
  3. Tinh dầu thông (5%) cho vào cùng hỗn hợp trên (dung dịch tinh dầu thông (5%) được dùng để thay thế Oxy già)
  4. Cho thêm nước cất vào bình chứa cho đến khi đủ 1 lít.
  5. Dùng dụng cụ đo nồng độ cồn – cố kế để đo nồng độ của dung dịch có đạt chuẩn yêu cầu hay không. Dung dịch đạt chuẩn là từ 75 – 800 (đo bằng tỷ trọng giữa cồn với nước).

TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng Bộ môn Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn cho sinh viên và giảng viên

1 lít dung dịch nước rửa tay sát khuẩn có thể chia thành 4 bình nhỏ 250ml đủ để sử dụng trong thời gian 1 tháng. Dung dịch thành phẩm được cho vào bình xịt 250ml có thể sử dụng được ngay. So sánh về độ an toàn và thân thiện thì Giấm tre và Tinh dầu thông được pha chế từ nguyên liệu từ thảo mộc nên vô cùng an toàn và lành tính đối với sức khỏe so với dung dịch sát khuẩn có thành phần Glyxerol, Ethanol được sản xuất công nghiệp.

Ngoài 2 loại nước rửa tay sát khuẩn trên, ngành Công nghệ Sinh học và Khoa Y Dược Trường Đại học Văn Lang còn pha chế dung dịch sát khuẩn theo công thức do Tổ chức Y tế thế giới WHO công bố với thành phần chính là cồn (96%), Oxy già (3%) và Glyxerol (98%) để tăng cường trang bị cho các cơ sở học của Trường trước khi sinh viên quay trở lại học tập.

Quy trình điều chế nước rửa tay sát khuẩn từ thảo mộc do TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học thực hiện.

Để sử dụng dung dịch sát khuẩn đúng cách, giảng viên và sinh viên không nên lạm dụng nước sát khuẩn quá nhiều. Cách rửa tay đúng cách là bằng xà phòng, sau đó dùng một lượng vừa đủ dung dịch nước sát khuẩn bổ trợ thêm. Nếu không có xà phòng, rửa tay với nước sạch và dùng dung dịch nước sát khuẩn. Trong trường hợp không có nước, thì bắt buộc phải dùng dung dịch nước sát khuẩn với lượng nhiều hơn để vệ sinh tay sạch sẽ.

Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại thành phố Vũ Hán từ tháng 12/2019, lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 4/2/2020), số ca nhiễm bệnh nCoV tại Việt Nam là 10 ca, trong đó có 2 trường hợp đã điều trị khỏi và được ra viện. Trường Đại học Văn Lang đã thông báo cho giảng viên, sinh viên nghỉ thêm sau Tết để ngừa dịch nCoV. Các công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp, chủ động ứng phó với đại dịch được triển khai trước khi sinh viên quay trở lại.

Đường dây nóng khi cần liên hệ về các vấn đề sức khỏe trong thời gian dịch Corona:
Cơ sở 1: 028 7109 9218 – Ext: 3316 hoặc 0983 968 526 (Cô Hương)
Cơ sở 2: 028 3516 5046 hoặc 0937 642 871 (Cô Trang)
Cơ sở 3: 028 7109 9218 – Ext: 3310/3311/3312 hoặc 0964 533 134 (Cô Yến)
Kí túc xá: 028 7109 9218 – Ext: 3314 hoặc 0987 352 969 (Cô Hương)
Bộ Y tế: 1900 3228


Bài: Ngân Trần
Video: Bích Phương, Minh Phương

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan