Ngành Kế toán: không sợ thiếu việc, chỉ sợ… thiếu sẵn sàng!

(TT. Thông tin – Văn Lang, 07/10/2014) – Sáng 05/10/2014, khoa Kế toán – Kiểm toán, trường ĐH Văn Lang tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Nghề Kế toán không sợ thất nghiệp”, tại Hội trường C001, Cơ sở 2 của trường – 233A Phan Văn Trị, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

“Nghề Kế toán không có khái niệm thất nghiệp”

Đây không phải là lời vỗ về để SV tiếp tục theo học ngành Kế toán tại trường mà thực tế đã chứng minh điều đó. Hiếm ngành nào có môi trường làm việc đa dạng như kế toán. Bất kỳ công ty, tổ chức, xí nghiệp, nhà máy… dù lớn hay nhỏ đều cần ít nhất một kế toán viên.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp là có hạn; thêm nữa, mức độ phát triển số lượng doanh nghiệp và số lượng SV tốt nghiệp ngành Kế toán ra trường hằng năm liệu có tương ứng? Sự phát triển của công nghệ cho phép giảm thiểu nhân lực cần thuê mướn, liệu nhu cầu có giảm? Các bạn có quyền băn khoăn về những điều đó. Đây là điều được diễn giả Trần Văn Minh Tuấn – Giám đốc điều hành Clever CFO – nhấn mạnh trong buổi tọa đàm.

DH van lang khong so thieu viec chi so thieu san sang 01

Trong sự vận hành nền kinh tế hiện đại ngày nay, phạm vi công việc của một kế toán viên được mở rộng hơn, không chỉ là ngồi bàn giấy và kiểm kê phiếu thu, phiếu chi. Thế hệ SV hiện nay đang ở trong thời kỳ chuyển giao công nghệ nên may mắn có thời gian chuẩn bị kiến thức và kỹ năng để có thể dễ dàng hơn khi tìm được việc làm sau khi ra trường.

DH van lang khong so thieu viec chi so thieu san sang 02

“Trong thập kỷ tới, việc hoạch toán kế toán sẽ được thay thế hoàn toàn bằng công cụ hiện đại. Lúc đó, người làm kế toán sẽ quay về đúng vai trò của họ, không phải là ghi chép nữa, mà là làm việc bằng ngôn ngữ của kinh doanh”.
Diễn giả Trần Văn Minh Tuấn

 

Xu thế mới bác bỏ sự đánh đồng “kế toán” và “tính toán”, là tín hiệu đáng mừng cho những ai lựa chọn ngành nghề này. Hàm lượng tri thức trong công việc ngày càng cao thì tính chuyên môn hóa trong nghề ngày càng rõ rệt, đòi hỏi SV phải xác định rõ chuyên ngành cụ thể mà mình mong muốn phát triển trong lĩnh vực Kế toán.

 

Sinh viên Kế toán đã sẵn sàng cho tương lai?

Trong buổi tọa đàm, SV khoa Kế toán – Kiểm toán khá lúng túng trước những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản do diễn giả đặt ra. Qua đây, có lẽ các bạn phải tự hỏi mình rằng: liệu bản thân đã sẵn sàng cho tương lai của mình chưa?

DH van lang khong so thieu viec chi so thieu san sang 03

 

  • Bạn muốn làm việc gì sau khi ra trường? 
  • Bạn đã từng đọc 1 báo cáo tài chính chưa?
  • 22 tuổi, bạn sẽ trở thành kế toán trưởng?
  • Ra trường, bạn có đồng ý làm thủ kho không?

Trước những câu hỏi này, nét mặt SV đăm chiêu, hầu hết im lặng, chỉ có một số cánh tay đưa lên.

Sự bối rối của các bạn cho thấy các bạn chưa thực sự sẵn sàng. Ông Trần Văn Minh Tuấn đã cho các bạn một lời khuyên chân tình: “Muốn thành công trong nghề Kế toán, điều trước nhất bạn cần làm là định hướng đúng ngành nghề ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Hãy dành thời gian suy nghĩ về công việc mình thực sự muốn làm, để có thể phát triển sâu chuyên môn, đừng để xảy ra tình huống ra trường tìm được việc gì thì làm việc đó.”

 Kế toán là lĩnh vực rộng, trong đó có nhiều nhánh nhỏ nghề nghiệp khác nhau:

  • Thuế: Đây là phân khúc thị trường lao động thu hút nhiều SV tốt nghiệp ngành Kế toán hiện nay, sự cạnh tranh không hề nhỏ.
  • Kiểm toán: Ngã rẽ này yêu cầu bạn có khả năng cập nhật, nghiên cứu hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính, kế toán.
  • Tài chính: Chọn con đường này, bạn sẽ có hành trình nghề nghiệp dài hơn. Trong 2 – 3 năm đầu, bạn đừng ngại các vị trí kế toán kho, kế toán nợ công,… vì đó là những trải nghiệm hữu ích để bạn có thể đảm nhận vị trí cao hơn trong lĩnh vực tài chính.
  • Kế toán quản trị: Chuyên nghiên cứu các vấn đề về thực trạng, đặc biệt là thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Qua đó, phục vụ công tác quản trị nội bộ, và đưa ra quyết định quản trị. Vì vậy, chuyên ngành này đòi hỏi bạn phải có đầu óc tổng hợp, phân tích, hoạch định chiến lược và kỹ năng quản lý.
  • Hệ thống thông tin kế toán: Đây là hướng đi triển vọng, khá mới mẻ và nhiều thử thách; đặc biệt phù hợp với các bạn năng động, nhạy bén về công nghệ thông tin. Công việc chính của người làm hệ thống thông tin kế toán là thu thập, xử lý và báo cáo thông tin liên quan đến các nghiệp vụ tài chính.

Các bạn SV đang… bâng khuâng đứng giữa “quá trời dòng nước” chứ không hẳn là có ít lựa chọn. Vì vậy, hãy sẵn sàng thay vì lo lắng. Dù chọn đường nhánh nghề nghiệp nào thì CFO vẫn là vị trí đỉnh cao mà những người làm kế toán nên đặt ra cho mình; và đó là cả một hành trình nghề nghiệp, thang bậc thăng tiến tuần tự mà bạn không nên “đốt cháy giai đoạn”. Nhưng trước mắt, hãy chuẩn bị cho vị trí “khiêm tốn” ban đầu.

Khóa 20 (2014 – 2018) ngành Kế toán, Văn Lang: bật “đèn xanh” và đi tiếp

Buổi tọa đàm “Nghề Kế toán không sợ thất nghiệp” đặc biệt có ý nghĩa đối với các bạn SV năm nhất ngành Kế toán của trường ĐH Văn Lang vì qua đó, các bạn được truyền cảm hứng học tập, bớt nỗi lo về việc làm và tăng nhận thức về học tập hiệu quả, mở rộng cơ hội. Bạn Trần Lê Kim Ngọc, năm nhất ngành Kế toán, chia sẻ: “Khi bắt đầu học, mình cũng như nhiều bạn khác đều không có định hướng cụ thể sẽ chọn chuyên ngành nào cho công việc tương lai. Sau buổi tọa đàm này, mình có suy nghĩ sẽ chọn kế toán quản trị để theo đuổi và phát triển nghề nghiệp.” Mỗi bạn sẽ thu nhận về mình những bài học khác nhau từ buổi tọa đàm nhưng có lẽ, “nguyên tắc 3B”: Hiểu biết – Quen biết – Biết điều là chìa khóa chung mà các bạn cùng nắm giữ sau buổi tọa đàm này.

Khi ông Minh Tuấn hỏi khóa 20 rằng: “Bao nhiêu bạn chọn ngành Kế toán vì thực sự yêu thích ngành nghề này?”, chưa đầy chục cánh tay đưa lên trong hội trường đông người. Có thể nhiều bạn còn rụt rè, nhưng cũng có thể nhiều bạn chọn ngành này vì lý do khác mà không phải vì đam mê. Niềm yêu thích cần phải được nuôi dưỡng bằng quá trình học tập và lao động thực sự; và đôi khi, giá trị của một ngành nghề cần được khẳng định bằng những ý nghĩa sâu hơn (cơ hội thăng tiến, điều kiện ổn định,…) là niềm yêu thích. Mong rằng 4 năm học tập nghiêm túc trên giảng đường đại học sẽ dần dà bồi đắp tình yêu, khả năng thực hành nghề Kế toán để các bạn có thể đi đường dài. Vì vậy, nhiều thế hệ SV ngành Kế toán tại Văn Lang đã yêu mến gọi ngành học của mình là “nghệ thuật của những con số”.

DH van lang khong so thieu viec chi so thieu san sang 04

“Đèn xanh” là chủ đề đón chào khóa 20 của khoa Kế toán – Kiểm toán, gửi gắm niềm tin vào sự năng động và đột phá của thế hệ tân sinh viên. Chúc các bạn khóa 20 vui và vững tin vào ngành nghề mình đã chọn. Khoa và Nhà trường luôn mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho sinh viên, còn các bạn đã sẵn sàng để bắt đầu chưa khi “đèn xanh” đã bật sáng?

Bích Phương

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan