(TT. Thông tin – Văn Lang, 11/11/2015) – Từ cuối tháng 9/2015 đến tháng 11/2015, SV năm nhất ngành Kỹ thuật Phần mềm của Trường ĐH Văn Lang tham quan nhiều doanh nghiệp phần mềm lớn tại Tp.HCM. Đây là một phần trong quá trình định hướng nghề nghiệp lâu dài và bền vững cho SV.
Lớp K21T2 (năm nhất ngành Kỹ thuật Phần mềm) cho biết: cuối tháng 9/2015, một số nhóm SV bắt đầu tham quan Công ty CSC Vietnam (CSC là “một trong những công ty IT tốt nhất thế giới” do tạp chí FORTUNE bình chọn); sau đó, tiếp tục tham quan Công ty Harvey Nash Vietnam, sau đó nữa là Công ty Global CyberSoft… Các nhóm tham quan theo nguyện vọng đăng ký với Khoa. Lớp chia nhóm khoảng 20 SV để đi luân phiên.
ThS. Bùi Quốc Nam, Phó Giám đốc Dự án Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình ĐH Carnegie Mellon (CMU, Mỹ) – Khoa Công nghệ Thông tin, cho biết: Trước đây, chúng ta có suy nghĩ là chỉ những SV năm 3, năm cuối mới có nhu cầu tham quan, tìm hiểu doanh nghiệp, và đó mới là thời điểm SV cần phải tiếp xúc doanh nghiệp; do đó, Khoa cũng chỉ tổ chức cho những SV này đến các công ty. Nhưng thực ra, SV năm nhất cũng có nhu cầu được tìm hiểu và định hướng ngành nghề, công việc. Khoa tổ chức khảo sát nhu cầu của SV năm nhất bằng phỏng vấn trực tiếp, nhờ đó biết được mỗi SV có nguyện vọng học tập và làm việc trong những môi trường doanh nghiệp thế nào. Trên cơ sở này, Khoa tổ chức nhiều chuyến tham quan theo nguyện vọng những nhóm SV khác nhau ở những phân khúc doanh nghiệp phần mềm khác nhau. Hoạt động này kéo dài đến tháng 11/2015.
Trong khoảng hơn 1 tháng, SV năm nhất ngành Kỹ thuật Phần mềm đã tham quan học tập tại các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài nổi tiếng tại Tp.HCM: CSC, Harvey Nash, LogiGear, Global CyberSoft… Các doanh nghiệp thiết kế chương trình tham quan tìm hiểu cho đối tượng SV năm nhất, với những định hướng quan trọng về xu hướng học Công nghệ thông tin hiện nay và sự tương thích với chương trình Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình CMU tại Trường ĐH Văn Lang, mô hình một doanh nghiệp phần mềm, các vị trí công việc mà SV phần mềm tốt nghiệp có thể làm việc, tham khảo con đường nghề nghiệp của những cựu SV Văn Lang đã làm việc tại doanh nghiệp…
Bạn Khấu Thành Duy, lớp phó lớp K21T2, chia sẻ: Ấn tượng nhất với em là những chia sẻ về kinh nghiệm học Anh văn. Biết là tiếng Anh ngày càng quan trọng với kỹ sư phần mềm, mở ra những cơ hội làm việc ở nước ngoài với mức lương cao hơn và khả năng thăng tiến tốt hơn; kỹ sư CNTT có tiếng Anh được ưu đãi tốt; nhưng khi chính những doanh nghiệp đưa ra vấn đề này, SV ý thức sâu sắc hơn rằng phải học tiếng Anh như một yêu cầu cho tương lai. Chúng em được tham quan phòng làm việc của các nhân viên IT; trong 1 phòng có 7-8 nhân viên làm việc, họ là 1 nhóm, đang lập trình, nghiên cứu và thảo luận. Chúng em cũng được trò chuyện với giám đốc và các anh chị cựu SV Văn Lang đang làm việc ở đây… Đi về rất vui. Em sẽ đăng ký tham quan thêm Công ty Global CyberSoft, vì anh trai em đang làm việc ở đây hơn 1 năm qua, sau khi tốt nghiệp. Anh em hài lòng về công việc, và chính anh đã định hướng cho em học Kỹ thuật Phần mềm của Văn Lang… Biết đâu sau này anh em lại làm việc chung…
Hằng năm, ngành Kỹ thuật Phần mềm Trường ĐH Văn Lang đều khảo sát tỷ lệ có việc làm và thông tin việc làm chi tiết của SV. Hiện nay, tại doanh nghiệp CSC Vietnam có hơn 30 cựu SV Văn Lang đang làm việc, ở những doanh nghiệp nước ngoài khác như Harvey Nash, LogiGear, Global Cybersoft…, cũng có trên dưới 10 cựu SV Văn Lang đang làm việc (chỉ tính số SV tốt nghiệp chương trình Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình CMU tại Văn Lang triển khai từ năm 2009). Các doanh nghiệp đánh giá tốt khả năng làm việc, lý tưởng nghề nghiệp của SV và chất lượng chương trình đào tạo mà các bạn được thụ hưởng.
Tôi cho rằng SV từ chương trình CMU có khả năng phân tích hệ thống phần mềm vượt trội, nắm việc dễ dàng. Nguyên nhân cơ bản là sự vững vàng kỹ năng và hiểu về công việc phần mềm. Công ty CSC có những CLB tiếng Anh cho kỹ sư phần mềm vừa làm vừa học và nâng cao chuyên môn. Thường SV Văn Lang là những người rất kiên trì theo những lớp học đó. Có thể đây chỉ là góc nhìn của CSC, nhưng chúng tôi mong muốn SV có nhiều hiểu biết về công nghệ hơn, vì nền tảng kỹ thuật là quan trọng. Thường chúng tôi đào tạo các bạn thêm 1-2 năm để làm BA (Business Analyst). Nhưng cũng không nhiều trường ĐH ở Việt Nam có thể cho SV đủ kiến thức, kỹ năng phát triển để làm BA trong doanh nghiệp phần mềm.
(Tọa đàm Công nghệ thông tin, Trường ĐH Văn Lang, 13/3/2015)
SV Văn Lang rất tự tin, mạnh mẽ, có kỹ năng mềm, làm việc hiệu quả – đây là những điểm tôi hài lòng. Tháng trước, chúng tôi tuyển 2 ứng viên mới từ Văn Lang, và những yêu cầu của công ty đối với họ ngày một cao hơn. Ngoài ra tôi cũng nhận thấy SV Văn Lang có thể hình dung về nghề nghiệp tương lai khá tốt. Chúng tôi cần khoảng 1 năm để đào tạo thêm các bạn về kỹ thuật, để có thể làm việc ở vị trí cao hơn.
(Tọa đàm Công nghệ thông tin, Trường ĐH Văn Lang, 13/3/2015)
Nguyễn Thị Mến