(TT. Thông tin – Văn Lang, 31/3/2014) – Đó là những từ tôi nghĩ về chị Phạm Minh Nguyệt – cựu sinh viên khóa 4 ngành Quản trị Kinh doanh qua cuộc trò chuyện thú vị cùng chị. Nhìn lại toàn bộ chặng đường đã qua, bắt đầu từ lựa chọn của tuổi 18, qua tuổi 22, và đến nay, có thể thấy, chị thực sự là một người phụ nữ bản lĩnh: bản lĩnh khi dám vượt qua định kiến xã hội để kiên trì theo đuổi ước mơ; và bản lĩnh khi không ngần ngại dấn thân trên những con đường mới trong hành trình chinh phục khát vọng của tuổi trẻ.
Chị có thể kể sơ lược về con đường nghề nghiệp của mình từ khi ra trường đến nay?
Nguyệt ra trường năm 2002, thủ khoa ngành Quản trị Kinh doanh đấy nhé (cười ). tính đến nay cũng được gần 12 năm rồi. Nhớ lại những ngày đầu, với đam mê được thử sức mình ở lĩnh vực mới: PR, Nguyệt mạnh dạn nộp đơn xin vào Golden Media – một công ty quảng cáo hàng đầu của Việt Nam lúc bây giờ – cho vị trí nhân viên tổ chức sự kiện. Sau hai năm, Nguyệt chính thức bước chân vào lĩnh vực quảng cáo và hoạt động như một PRer chuyên nghiệp khi được JWT – tập đoàn truyền thông nổi tiếng thế giới tuyển dụng, Đây chính là bước đà quan trọng để 3 năm tiếp theo, Nguyệt đầu quân sang Tập đoàn Quảng cáo LOWE, bắt đầu công việc của một nhà sáng tạo ý tưởng cho các chiến dịch quảng cáo của Tập đoàn Unilever. 4 năm sau đó, Nguyệt chuyển sang công tác tại Tập đoàn Adidas Việt Nam, trong vai trò của một Giám đốc Truyền thông. Với Nguyệt, bước chuyển này đồng thời là dấu ngoặt quan trọng trong con đường sự nghiệp, mở ra một hành trình đầy thú vị của một marketer.
Điểm ấn tượng ở chị chính là sự lựa chọn và sự mạo hiểm: Học ở trường dân lập thay vì trường công lập; Làm khoá luận tốt nghiệp về marketing điện tử – một hình thức còn mới lạ vào năm 2002; Khởi nghiệp và phát triển nghề nghiệp với nghề PR – một lĩnh vực chưa phát triển mạnh ở Việt Nam vào thời điểm đó, thậm chí lúc ấy còn chưa có trường lớp chính quy đào tạo về PR. Đi một đoạn đường dài, có thể thấy sự lựa chọn và sự mạo hiểm ấy đã mang đến cho chị nhiều thành công. Vậy làm thế nào để có thể có được lựa chọn và chấp nhận mạo hiểm một cách đúng đắn như chị?
Theo Nguyệt, cuộc sống vốn có nhiều con đường mới để đi, vì thế để tạo ra cơ hội phát triển bản thân, mỗi người nên nuôi dưỡng trong mình sự chủ động, chủ động khi là người đầu tiên khai phá và biết cách khám phá ra những điều thú vị từ hành trình. Yếu tố thứ 2 là niềm đam mê. Vì đam mê rất quan trọng, bởi chỉ có nó mới giúp mình thật sự yêu công việc mình làm và sống hết mình với nó dù thế nào.
12 năm trong nghề, Nguyệt rút ra một điều rằng, để đạt được thành công, chúng ta, khi làm việc hãy biết cách tổng hòa nhiều phương diện. Và công thức của Nguyệt là thành công = khả năng + hành động + thái độ + sự táo bạo.
Hoàn thành khóa luận tốt nghiệp với số điểm tuyệt đối 10/10; và là thủ khoa khóa 4 ngành Quản trị Kinh doanh, với tấm bằng ĐH xếp loại Giỏi.
Học Quản trị Kinh doanh, ra làm PR. Kiến thức, kỹ năng được đào tạo ở khoa Quản trị Kinh doanh Văn Lang giúp ích được gì cho chị?
Học Quản trị Kinh doanh cung cấp cho bạn một kiến thức bao quát, tạo nền tảng vững chắc cho bất cứ công việc gì liên quan đến lĩnh vực kinh doanh. Có thể nói, sự thành công của Nguyệt hôm nay, ngoài những nố lực tự thân, phải thừa nhận sự đóng góp rất thiết thực từ những kiến thức và kỹ năng Nguyệt được học tại Văn Lang.
Nguyệt nghĩ, để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình tìm việc sau khi ra trường, trong 4 năm học, các bạn cần nghiêm túc lĩnh hội kiến thức được truyền đạt cũng như cố gắng tham gia một cách tích cực các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa trường, khoa tổ chức. Những trải nghiệm này, tuy nhỏ thôi nhưng có ý nghĩa rất quan trọng với bạn đó (cười).
Kiến thức kinh doanh sau mười mấy năm dường như đã thay đổi khá nhiều. Chị đã làm gì để “nâng cấp”? Nếu có lời khuyên nào đó cho các bạn sẽ, đang học ngành Quản trị Kinh doanh; chị sẽ khuyên các bạn nên chú ý nắm bắt, phát triển kiến thức, kỹ năng gì trong chương trình học, có giá trị sử dụng lâu dài cho tương lai nghề nghiệp?
Nguyệt xin đổi chữ “nâng cấp” thành “cập nhật”. Kiến thức luôn cần được cập nhật, kỹ năng luôn cần được trau dồi thường xuyên với một cái đầu luôn “mở” và một đôi tai luôn lắng nghe. Ngoài ra, sách là công cụ giúp bạn đứng trên vai những người khổng lồ nên Nguyệt khuyên các bạn hãy đọc 2 quyển sách/tháng. Còn nếu muốn làm master trong một lĩnh vực, hãy đọc sách về điều đó trong 3 năm.
Về kỹ năng, Nguyệt thấy quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp và xây dựng quan hệ, đặc biệt trong nghề PR, nó là chìa khóa giúp bạn thành công.
Khi mới bắt đầu con đường đại học, mơ ước của chị là làm quản lý công ty của riêng mình. Khi làm khoá luận tốt nghiệp, suy nghĩ nghề nghiệp lúc đó của chị là ứng dụng vào thực tế mô hình marketing điện tử trong khoá luận vào hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Và sau khi đi làm một thời gian, chị định hướng phát triển nghề nghiệp là trở thành nhà quản lý thương hiệu hàng đầu. Những yếu tố gì đã khiến suy nghĩ về ngành nghề của chị vận động và thay đổi như vậy? Hiện tại, chị nhìn nhận về thành công nghề nghiệp và tương lai của mình như thế nào?
Những đam mê và trải nghiệm cuộc sống sẽ là hoa tiêu cho con tàu sự nghiệp của bạn. Mỗi thời điểm trong cuộc đời sẽ mang lại cho bạn những suy nghĩ và nhìn nhận khác biệt. Nhìn lại quãng đường đã qua, thành công với Nguyệt tuy chưa thực trọn vẹn như mong muốn, nhưng Nguyệt vẫn cảm thấy hài lòng về những lựa chọn của mình, và tự hào về những gì mình đạt được. Bởi Nguyệt quan niệm, thành công là khi chúng ta có cùng một lúc ba điều: sự đảm bảo về tài chính (tiền bạc), sự tự do về thời gian và sức khỏe để tận hưởng cuộc sống.
Hiện tại, Nguyệt vẫn đang từng ngày thực hiện ước mơ của mình là sở hữu một công ty do chính mình tạo dựng. Nói đến điều này Nguyệt chợt nghĩ đến một câu nói mình rất tâm đắc “Nếu bạn không xây dựng ước mơ cho chính bạn thì sẽ có người thuê bạn xây dựng ước mơ cho họ”. Các bạn trẻ vì thế hãy dám mơ ước và dám hành động vì ước mơ của mình nhé.
Minh An
Xuân Phương