(TT.Thông tin – Văn Lang) – Là thủ khoa khoá 4 (niên khoá 1998 – 2002) khoa Quản trị Kinh doanh ĐHDL Văn Lang, chưa hiểu mô tê về PR, nhưng khi đi xin việc ở vị trí nhân viên phòng dịch vụ khách hàng của một công ty quảng cáo do thiếu người nên được điều chuyển sang bộ phận PR (Public Relations – quan hệ công chúng) và cũng từ đó Phạm Minh Nguyệt bước vào lĩnh vực này như một định mệnh.
Với dáng vẻ bề ngoài bụi bụi, năng động và đầy tự tin của dân quảng cáo, Nguyệt cho biết hiện giờ tổ chức sự kiện là công việc chính và là niềm đam mê của mình. Ra trường năm 2002 đến nay, Nguyệt đã làm việc ở 4 công ty đều hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Sau những lần thay đổi, thì công việc đạt đến một tầm cao hơn cũng như chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, công việc của Nguyệt là Quản lý dự án tại Công ty quảng cáo JWT – một tập đoàn quảng cáo đa quốc gia, với mức lương cũng là niềm mơ ước của nhiều người.
Học Quản trị Kinh doanh, đi làm cho công ty quảng cáo với một sự tình cờ mà như duyên nợ, những kiến thức của 4 năm học Quản trị kinh doanh với Nguyệt chính là nền tảng vững chắc cho công việc hiện tại. Nguyệt cho rằng, mỗi thành công đều có sự đóng góp của những trải nghiệm với cuộc sống bằng chính nỗ lực và sự tự tìm tòi học hỏi của bản thân. Những ấn phẩm về lĩnh vực PR, quảng cáo như: Phá vỡ bí ẩn PR, Quảng cáo thoái vị-PR lên ngôi… đều được nghiền ngẫm một cách tỉ mỉ. Tuy nhiên sách dành cho lĩnh vực này ở VN chưa nhiều nên Nguyệt phải tìm tòi, học hỏi qua các tài liệu nước ngoài cũng như từ các đồng nghiệp nước ngoài. Nguyệt tâm sự: Nghề này là sự kết hợp của kinh doanh và nghệ thuật, của sự sáng tạo nhưng trong khuôn khổ. Nó đòi hỏi sự cập nhật liên tục kiến thức về tất cả các lĩnh vực của cuộc sống đồng thời gắn kết nó với sự phát triển của từng thương hiệu. Người làm nghề cần có đầu óc tổ chức và quản lý tốt, khả năng thuyết phục và kỹ năng giao tiếp tốt. Đặc biệt, khả năng sáng tạo là không thể thiếu để sống còn với nghề.
Kể ra con đường học vấn của Minh Nguyệt cũng khá đặc biệt. Sinh ra và lớn lên tại Nam Định (vùng đất của những tên tuổi lừng lẫy như Tú Xương, Nam Cao, Nguyễn Khuyến). Năm 1998 theo xu hướng Nam tiến của gia đình, Nguyệt nộp hồ sơ dự thi tuyển sinh vào khoa Ngoại ngữ – ĐH Sư phạm TP.HCM và khoa Quản trị Kinh doanh – ĐHDL Văn Lang. Kết quả, Nguyệt đậu cả hai trường. Mặc dù được bố mẹ và người thân khuyên nên vào học ở trường ĐH Sư phạm vì đây là trường Công lập. Thế nhưng, Nguyệt nhận thấy mình không có duyên với ngành sư phạm và thích lĩnh vực kinh doanh hơn. Những nhận cảm ban đầu đã khiến một “cô bé” sống còn lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình vượt qua định kiến “dân lập” và “công lập” quyết định chọn vào ĐHDL Văn Lang. Ngược dòng thời gian một chút, vào những năm 1998 quan niệm khác biệt giữa trường dân lập và công lập còn khá gay gắt và các trường dân lập ở VN cũng chưa thật sự khẳng định được vị trí của mình với nền giáo dục cả nước.
Bằng sự chọn lựa khá mạo hiểm của mình (so với lúc đó), Nguyệt trải qua 4 năm học tại ĐH Văn Lang với những vui buồn, kỷ niệm cùng và ước mơ được làm quản lý kinh doanh và có công ty riêng sau khi ra trường… Với khoá luận tốt nghiệp “Nghiên cứu thực trạng của việc áp dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp Việt Nam” – một đề tài khá táo bạo (vào năm 2002 việc sử dụng internet còn rất hạn chế). Với số điểm tuyệt đối 10/10 cho khoá luận, Nguyệt tốt nghiệp đạt loại giỏi và là thủ khoa khoá 4 khoa QTKD. Vẫn trăn trở vì mình chưa đi nốt chặng đường còn lại là thực hiện tiếp đề tài nghiên cứu cho sự phát triển của thương mại điện tử tại các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cô thật sự hài lòng về sự lựa chọn nghề nghiệp hiện tại và định hướng tương lai: một trong những nhà quản lý thương hiệu hàng đầu…
Những định kiến của thời cuộc luôn khắt khe với những sự chọn lựa mới mẻ, rất dễ làm lòng người dao động, bạn cần có một tầm nhìn, một ý chí và sự quyết đoán. Xã hội ngày nay, sự phân biệt giữa trường dân lập hay công lập dần mờ nhạt, vấn đề là bạn học tập làm việc như thế nào? Tất cả phụ thuộc vào những cố gắng, nỗ lực của bản thân mỗi con người. Lòng nhiệt tình, say mê của bạn với công việc sẽ luôn được trân trọng và đền đáp. Đó là những cảm nhận đọng lại trong tôi sau khi kết thúc cuộc trò chuyện với cô gái Bắc Hà nhỏ nhắn ấy.
Nguyên Trần