PR chúng tôi và câu chuyện thực tập

(TT. Thông tin – Văn Lang, 18/6/2013)  Vậy là chúng tôi đã đi đến chặng cuối cùng của đời sinh viên. Chúng tôi cảm nhận sự trưởng thành trong mỗi cá nhân. Những trăn trở, dự định cho tương lai đang gần hơn bao giờ hết sau khi trải qua kì thực tập – kiểm nghiệm thực tế năng lực bản thân và kiếm tìm cho mình một cơ hội sau khi ra trường. Câu chuyện chúng tôi sắp chia sẻ, không hẳn là một câu chuyện thú vị hay tiêu biểu cho bất kì điều gì, chỉ đơn giản là những câu chuyện góp nhặt cuối cùng để đời sinh viên thêm trọn vẹn giá trị kiến thức và tuổi trẻ.

 

Khoảnh khắc còn lại…
Sinh viên năm cuối khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông chúng tôi, có cái hoài niệm của những người từng bỡ ngỡ làm quen nhau trong lần chạm ngõ đầu tiên nơi lầu 8, từng mếu máo ôm nhau khi đồng loạt “đá lượt về” trong một môn học khó, từng có những đêm bên nhau chỉ để ăn mừng niềm vui chiến thắng khi giữ được chiếc cúp của Hội thao trường, và những cuộc tranh luận nảy lửa cho một bài tập nhóm, những ngày “bôn ba” ngoài đường, ngoài chợ để hoàn thành một đoạn clip… Ở đó, có những cái tên đã đi vào “lịch sử”, những “vụ án” có một không hai. Tất cả đã làm nên một khóa sinh viên PR năm cuối, và chỉ có thể là K15PR.

DH van lang pr chung toi va cau chuyen thuc tap 01

Hôm nay gặp nhau, cũng tại hành lang lầu 8, nhưng không phải để thảo luận, để chuẩn bị thuyết trình, mà để ở cạnh nhau thêm vài tiếng đồng hồ nữa. Hôm nay, chúng tôi thi tốt nghiệp. Kiến tập đã là dĩ vãng, thực tập cũng đã qua rồi, còn lại chăng là những câu chuyện chúng tôi xúm xít kể nhau nghe, thấy lòng ngổn ngang cảm xúc…

Kì thực tập của sinh viên PR, khóa 15 chính thức bắt đầu vào ngày 28/02 và kết thúc vào ngày 05/5/2013, dành cho tất cả các sinh viên của khóa. Dù đã có kinh nghiệm bổ ích từ đợt kiến tập cuối năm 3, nhưng bên cạnh sự hứng khởi của số đông, vẫn không ít nỗi lòng thầm kín. Bởi đặc thù của ngành học, đòi hỏi mỗi người phải tự thân vận động và rèn giũa cho mình bản lĩnh và tính thích nghi cao. Dù không dễ dàng, hầu hết chúng tôi đều tự tìm cho mình được một chỗ thực tập, dàn trải ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến ngành PR như: tổ chức sự kiện, marketing online, phóng viên, cộng tác viên báo chí, làm việc ở các tổ chức kinh tế – đối ngoại… Ngày gặp lại, câu chuyện thực tập trở nên xôm tụ hơn bao giờ hết.


Chúng tôi kể chuyện mình đi thực tập…

Hành trình thực tập của chúng tôi được bắt đầu như thế nào?

DH van lang pr chung toi va cau chuyen thuc tap 02Vừa là Liên Chi hội phó Khoa vừa là Trưởng bộ phận PR của CLB Event, Nhất Duy đã tích lũy nhiều bài học về kĩ năng làm PR thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Với Nhất Duy – lớp K15PR2 – đam mê tổ chức sự kiện và hoạt động truyền thông, nhưng công việc thực tập của Duy lại về mảng social networks. Tuy nhiên, cũng vì thế mà Duy phát hiện ra đây là một thế mạnh mới hết sức thú vị. Bạn nói: “Trải qua thời gian thực tập, mình nhận ra rằng, một trong những kĩ năng cần thiết để có thể “sống sót” trong môi trường này chính là biết thích nghi… Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin nhanh là vô cùng cần thiết, đừng bao giờ để mình trở thành người “lạc hậu” khi làm truyền thông.” Thất bại, làm lại, không có gì phải sợ – đó là điều mà Thanh Thủy – lớp K15PR3 – muốn chia sẻ. Thủy cho biết: “May mắn đã không mỉm cười với mình khi lá đơn thực tập được gửi lần một, họ nhận rồi phân công việc rất nhiều. Tới lúc làm xong, giao rồi, họ mới nói công ty họ đã có chính sách mới, không nhận sinh viên thực tập nữa. Lúc đó, mình bị sốc thật sự, nhưng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Khoa, mình được gửi về Thời báo Kinh tế Việt Nam, từ đây, một hành trình mới mở ra với mình.”

 

Còn Nguyễn Phú Quý – lớp K15PR3 – trong đợt thực tập vừa rồi, Quý chọn công việc ở công ty Sinh viên Media, chuyên về mảng nội dung số trên điện thoại và digital marketing. Môi trường ở đây phù hợp cho Quý học hỏi kiến thức chuyên môn và làm giàu thêm một số kĩ năng cần thiết của người làm nghề. Điều đáng lưu ý nhất trong suốt thời gian thực tập, với Quý, chính là tinh thần chủ động: “chủ động trong công việc và các mối quan hệ, luôn luôn đặt mình trong tư thế của người ham học hỏi.”

Khác với bạn bè một chút, Bành Thị Tuyết Mai – lớp K15PR3 – chọn một tổ chức từ thiện để thực tập – Quỹ Hiểu về trái tim. Mai cho biết: “Đây là một tổ chức từ thiện cấp quốc gia, chuyên tìm hiểu, giúp đỡ và tổ chức các hoạt động thiện nguyện để hỗ trợ cho các bệnh nhân mắc bệnh tim, đặc biệt là trẻ em. Đợt thực tập này trùng với thời điểm không có nhiều chương trình từ thiện nên công việc chủ yếu của mình là lên tin cho những chuyến đi của tổ chức.”

► Và những trải nghiệm ra sao?

Đi làm rồi mình mới thấy quý những kĩ năng có được khi tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn – Hội và các câu lạc bộ của trường. Có những kiến thức không thể tìm được trong sách vở mà chỉ có thể do kinh nghiệm bản thân đúc kết mà thành thôi.” – chia sẻ của Nhất Duy sau khi hoàn thành chương trình thực tập.

Với Thanh Thủy, biết bản thân còn nhiều hạn chế, Thủy không ngại khó khăn, mệt mỏi, lao vào làm việc để bù trừ. Thủy nói: “Trong thời gian thực tập, vừa viết bài cho tòa soạn, vừa tìm kiếm thông tin trên mạng để làm cộng tác viên cho nhiều báo khác. Như thế, mình vừa kiếm thêm thu nhập mà vừa rèn luyện tay nghề viết lách, bởi trước giờ chỉ quen với công việc của mảng maketting online thôi.”

DH van lang pr chung toi va cau chuyen thuc tap 03Lã Thanh Thủy trong chuyến đi thực tế, tham dự Lễ Khánh thành dây chuyền sản xuất mới của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, tổ chức tại Vũng Tàu, 2012

Còn Tuyết Mai, thời gian đầu thực tập, Mai bị “đơ” ngoài sức tưởng tượng. Hãy nghe những trải nghiệm của bạn: “Không nghĩ là một đứa khá năng động như mình mà lại “khớp” đến vậy. Nhìn mọi người ai cũng tập trung làm việc nên mình ngại không dám làm phiền. Sau đó, mình tranh thủ giờ ăn trưa hay các hoạt động ngoài giờ để bắt chuyện. Một chị trong công ty góp ý là mình phải chủ động hỏi việc để mọi người biết mình cần gì, năng lực của mình ra sao, nếu ngồi không chờ phân việc thì không bao giờ khá lên được.Từ đó về sau, mình có thêm động lực để chủ động và tự tin lên rất nhiều.”

Là một người có cơ hội được trải nghiệm tại nhiều bộ phận, ở nhiều mảng nội dung, Quý Kiệt nói về những gì bạn đã trải: “Công ty Tincom Media nơi mình thực tập là đơn vị tổ chức 3 trong số 5 chương trình giao lưu với Nick Vujicic tại Tp. HCM. Cả 3 đều thành công. Được trực tiếp quan sát và tham gia vào những công việc để chạy một sự kiện hoàn chỉnh, mình đã hình dung ra những áp lực, khó khăn, những lúc chạy đua với thời gian và cả những lúc thở phào sung sướng khi sự kiện diễn ra suôn sẻ và thành công. Những cảm giác ấy luôn tạo một sức hấp dẫn lạ kì.”

► Trải nghiệm là một lẽ, nhưng đâu đó vẫn còn những điều chưa nói hết…

Với Nhất Duy, đó là: “Mình thì vì trang trải việc học mà  tìm đủ thứ việc để làm, không ngờ lúc đi thực tập cũng giải quyết được nhiều vấn đề. Như có lần máy photocopy bị hư, mà sắp đến giờ họp, ai cũng mất hồn hết vì chưa in tài liệu kịp, mình nhờ lúc trước có đi làm thêm ở tiệm photocopy, vậy là chữa cháy kịp thời. Từ đó, mình được mọi người trong chỗ thực tập quý mến và chỉ bảo nhiều hơn.”

Trong một lần tham gia event “Elle Beauty Awards” của tạp chí Elle với vai trò nhà cung cấp dịch vụ đầu số bình chọn, mình được phân công nhiệm vụ viết kịch bản và quản lí hệ thống trực tiếp. Tuy nhiên, trong lúc đang chạy, máy in có vấn đề, lỗi về cài đặt. Mình cố gắng mày mò, xoay sở nhưng việc có vẻ trầm trọng. Rất may là bên phía công ty sự kiện sẵn sàng giúp đỡ. Thêm một kinh nghiệm cho mình về việc lường trước rủi ro và có kế hoạch ứng biến nhanh chóng khi tổ chức sự kiện.” – Phú Quý chia sẻ thêm.

Còn Tuyết Mai, công việc bạn thấy thú vị nhất là gọi điện thoại cho các celebs mời dự event. Bạn cho biết: “Trong nửa ngày phải gọi hết cho 20 celebs. Thật sự rất hồi hộp khi giao tiếp với họ, vì đa phần ai cũng bận. Mình đã tìm hiểu thật sâu về chương trình, ghi sẵn các thông tin ra giấy để việc liên hệ diễn ra trôi chảy.”

DH van lang pr chung toi va cau chuyen thuc tap 04Bành Thị Tuyết Mai (thứ 2 từ trái sang) và bạn bè cùng lớp. Phần lớn sinh viên PR Văn Lang đã định hình phong cách tự tin và chuyên nghiệp cho mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

 “Sau ngần ấy thời gian học ở giảng đường kèm một chút kinh nghiệm, mình nhận ra rằng, đối với sinh viên PR, cần phải được tiếp cận nhiều với môi trường thực tế, nếu được thì ngay từ năm 2.” – mong muốn của Quý Kiệt cũng là điều mà không ít sinh viên PR thấy cần thiết.

► Kinh nghiệm từ thực tế

Với suy nghĩ, “người làm PR là cầu nối giữa công ty và khách hàng, giữa nội bộ nhân viên với nhau trong công ty”, Phú Quý luôn đặt yêu cầu về kĩ năng giao tiếp của bản thân lên hàng đầu: “Trong thời gian được giao nhiệm vụ về digital marketing, tôi học được rất nhiều kinh nghiệm về giao tiếp với khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ. Làm việc với con người không phải là việc đơn giản, vì cảm xúc rất dễ ảnh hưởng đến quyết định, mà kỹ năng này thì rất cần thời gian để trau dồi.”

Là người vừa học vừa làm thêm trong nhiều lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành, Tuyết Mai nói: “Mình thấy việc vận dụng kiến thức học lí thuyết chỉ 30% thôi, còn lại là những chia sẻ của thầy cô trên giảng đường giúp mình nhớ và áp dụng vào quá trình làm việc. Ngoài ra, trong suốt 4 năm học, làm part time trong chuyên ngành sẽ giúp ích rất nhiều cho sau này. Và mình đã đi làm nhiều lĩnh vực, vì nếu chỉ chăm chú vào một mảng sẽ khá chán vì cơ hội cọ xát với nhiều môi trường khác nhau không được nhiều.

Luôn đề cao môi trường làm việc thực tế, Quý Kiệt cho biết: “Lí thuyết ở trường và thực tế công việc có một khoảng cách nhất định. Điều này không có nghĩa là những kiến thức ở trường khác với thực tế. Mình đã nhận ra rằng kiến thức mà những giảng viên khoa PR đưa đến cho sinh viên là cực kì sát với thực tế. Tuy nhiên, sẽ rất khó nắm bắt, hiểu và ứng dụng nếu không có môi trường để vận dụng, đặc biệt là với ngành PR.”

 ► Chúng tôi đã có những bài học gì?

DH van lang pr chung toi va cau chuyen thuc tap 05Là một trong những Sinh viên Tiêu biểu năm 2012, Phú Quý được mọi người quý mến không chỉ vì thành tích học tập đáng nể của mình mà còn vì tính hòa đồng với tập thể.Rất sợ tiếp xúc với khách hàng khó tính. Một trong những kinh nghiệm “để đời” của Nhất Duy là: “Khách hàng luôn đúng, nhưng như thế không có nghĩa là họ đúng mọi thứ. Mà nếu họ sai, mình cũng không nên phàn nàn, cần khéo léo, nhẹ nhàng định hướng để thay đổi suy nghĩ của họ. Đặc biệt, không được tỏ thái độ bất hòa, dù có khó chịu đến đâu.” Suốt 4 năm, ngoài sinh hoạt CLB Event trong trường đã cho Tuyết Mai rất nhiều kinh nghiệm và độ nhạy bén trong tổ chức sự kiện. Bạn còn tham gia nhóm nhiếp ảnh ở trường, kết bạn với những người bạn có đam mê nhiếp ảnh để nâng cao kĩ năng. Mai “bật mí”: “Sau này, nếu làm PR nhiếp ảnh, mình đã có kinh nghiệm từ khâu chọn hình, chọn góc chụp, xét tính thẩm mỹ… Làm cộng tác viên sale truyền thông là lĩnh vực khá cực nhưng cũng rất tốt cho các bạn sinh viên truyền thông. Vì bạn có thể gặp được những doanh nghiệp, làm việc tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau. Cộng tác viên viết bài thời trang, chạy sự kiện về thời trang, tham gia các buổi offline của những người làm marketing, làm marketing online… cái nào mình cũng thử qua. Đó là quá trình mình đi tìm câu trả lời mình hợp với công việc nào nhất.”

 

Nói về đợt thực tập của một người bạn, Thanh Thủy rút ra kinh nghiệm cho bản thân cũng như các bạn khóa dưới: “Bạn mình cả kiến tập và thực tập đều làm chung một chỗ. Lúc đầu, bạn cũng nghĩ đây là một cơ hội cần được đào sâu, vì có ý định ra trường sẽ xin vào làm tại đó. Nhưng thật sự mọi thứ không như vậy, những ưu và khuyết điểm trong cùng một môi trường mà các cộng sự đã quá rõ đã làm bạn ấy khó có cơ hội tiến những bước xa hơn. Thế là mọi thứ không như dự định ban đầu của bạn ấy nữa, thật đáng tiếc.”

Quý Kiệt chia sẻ thêm về vấn đề các bạn chưa tìm đủ môi trường để trải nghiệm, so sánh và chọn lọc những thứ hữu ích và phù hợp cho bản thân: “Ngay cả một số bạn sinh viên năm cuối vẫn còn băn khoăn về con đường mình sẽ bước tiếp. Các bạn khóa dưới, vì thế, ngay lúc này, hãy tự tạo cho mình những môi trường mà bản thân có thể trau dồi, học hỏi.

► Chia sẻ cùng các bạn, các em

Tuyết Mai chia sẻ một “bí kíp” nho nhỏ với các bạn khóa dưới trong lựa chọn thực tập và kiến tập: “Nếu kiến tập chọn công ty lớn thì sẽ làm việc không nhiều, chủ yếu là quan sát học hỏi. Nhưng ở đây, mình sẽ tìm được nhân vật kì cựu trong nghề để học hỏi kĩ năng, kinh nghiệm quí. Sau đó thực tập chọn công ty nhỏ, lúc này mình sẽ có cơ hội được vận dụng khả năng nhiều hơn. Có thể lấy những kiến thức hoặc kinh nghiệm quan sát từ công ty kiến tập để áp dụng vào đơn vị thực tập mới của mình, như vậy vừa đảm bảo được điểm số, vừa có thêm nhiều lựa chọn cho công việc sau này. Thật ra, không khuyến khích việc kiến tập và thực tập đều chung đơn vị. Nên thay đổi, sẽ có ích hơn cho bạn.”

DH van lang pr chung toi va cau chuyen thuc tap 06Lê Văn Quý Kiệt (bìa trái) dù còn nhiều trăn trở, vẫn luôn lạc quan trong suy nghĩ và theo đuổi đến cùng giấc mơ trở thành nhà báo.

Nhận xét về đợt thực tập năm nay, Thanh Thủy cho biết: “Năm nay, tùy theo mảng công việc mà các bạn được phân chia về những nhóm khác nhau, yêu cầu phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của giáo viên hướng dẫn nhóm mình. Cách chấm điểm và yêu cầu của mỗi thầy cố khác nhau nên dẫn đến điểm số giữa các nhóm có phần chênh lệch nhất định. Nhưng các bạn hãy nhớ, điểm số không phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng nhất là mình đã học được gì từ những ngày thực tập.”

Và với Quý Kiệt, bạn tiếp tục những mong muốn vì sự phát triển của Khoa, với một môi trường học tập ngày càng hoàn thiện: “Có lẽ sắp xa trường rồi, nếu kết quả thi tốt nghiệp của mình không đến nỗi tệ. Mình hi vọng, trong điều kiện cho phép, Khoa có thể tổ chức những hoạt động mô phỏng theo định kì, với sự hướng dẫn và tham gia của giảng viên từng bộ môn. Những hoạt động này có thể trở thành những ngày hội riêng của Khoa.”


Lời kết

Kì thực tập đi qua, để lại nhiều suy nghĩ sau mỗi câu chuyện, dù là đã được chia sẻ hay chưa. Thực tế đang đến gần với mỗi chúng tôi hơn bao giờ hết, những dự định của tương lai không nằm trên sách vở hay những câu nói hoa mĩ. Nó là hôm nay, là những gì chúng tôi đã, đang và sẽ trải nghiệm. Dẫu còn đó những bộn bề, nhưng câu chuyện về những bước đi đầu tiên trước ngưỡng cửa trưởng thành sẽ theo chúng tôi như những hành trang quý.

Tháng 7, cùng bao lứa sinh viên K15 nữa, 160 sinh viên PR sẽ rạng rỡ trong áo mũ cử nhân, sải bước tự hào giữa con đường hoa trạng nguyên như đã hứa vào 4 năm về trước. Chúng tôi trân trọng những tháng ngày đã có bên nhau và xin cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, ngày mai…

Thảo Liêm
Sinh viên năm cuối, Khoa QHCC&TT

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan