Sinh viên Văn Lang trên đường lập nghiệp

Trường Đại học Văn Lang được thành lập từ năm 1995 theo quyết định số 71/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 25 năm, trường đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hơn 40.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư tài năng và 108 thạc sĩ.

Tuy nhiên, để sinh viên chọn đúng ngành nghề mà các bạn yêu thích là điều không hề dễ dàng. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Trường Đại học Văn Lang luôn định hướng để sinh viên hiểu được tầm qua trọng của việc chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và sự yêu thích của các bạn. Bởi, chọn đúng ngành nghề yêu thích, đam mê và có năng lực sẽ khiến bạn thêm yêu công việc, có động lực làm việc mỗi ngày, có sự cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt công việc từ đó cơ hội phát triển, thăng tiến trong công việc sẽ cao hơn.

Steve Jobs – Đồng sáng lập và cựu Tổng Giám đốc điều hành của hãng Apple cho rằng: “Công việc sẽ chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời bạn, và cách duy nhất để cảm thấy hoàn toàn hài lòng là làm những gì bạn cho là tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm tốt là yêu lấy công việc bạn đang làm. Nếu bạn chưa tìm thấy công việc yêu thích, hãy cứ tiếp tục. Đừng dừng lại. Sẽ đến lúc con tim chỉ cho bạn thấy bạn đã tìm được nó”.

Học sinh THPT cùng tham gia vào trò chơi tạo mô hình từ giấy trong khuôn khổ Hội nghị Hướng nghiệp Quốc gia 2020 tại Trường Đại học Văn Lang

Dưới đây là những chia sẻ của những cựu sinh viên Văn Lang về quảng thời gian học đại học và quá trình lập nghiệp sau khi ra trường để bạn có thể cảm nhận được những điều quan trọng của việc chọn ngành nghề phù hợp với bản thân từ đó có thể hình dung ra mình của 4 hoặc 5 năm sau nữa…

Đinh Nguyễn Khôi Nguyên – cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm, tốt nghiệp năm 2012, học Thạc sĩ tại CMU, Pittsburgh, Mỹ.

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 02Học Thạc sĩ tại CMU – mình làm được thì ai cũng có thể…

“Mình đam mê máy tính khi còn rất bé. Ý nghĩ có thể giải quyết bất kỳ vấn đề trở ngại nào bằng cách gõ những dòng code trên máy tính đã bám riết mình nhiều năm. (…) Khi lòng say mê bùng cháy mạnh hơn, mình thuyết phục bố cho phép tham gia một khóa tin học căn bản về kỹ năng sử dụng MS-DOS và Microsoft Office. Kết quả, mình đã viết chương trình đầu tiên trong PASCAL năm 14 tuổi. Lúc 15 tuổi, mình đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Tin học không chuyên trong nước dành cho thanh thiếu niên. Thành quả nhỏ bé đó đã gieo hạt mầm ban đầu cho ước mơ của mình – lựa chọn CNTT là lĩnh vực nghề nghiệp…

Bốn năm học ĐH, mình nhận được rất nhiều lợi ích. Quan trọng nhất là kiến thức về ngành Công nghệ phần mềm, khả năng diễn đạt, làm việc bằng tiếng Anh và kỹ năng quản lý bản thân, giao tiếp. Mình không phải là SV xuất sắc hoặc quá siêng năng khi còn học ở trường Văn Lang. Nhưng mình rất tham vọng và đặt tiêu chí cao cho bản thân. Mình đặt ra kế hoạch lâu dài và cụ thể cùng với những cột mốc để đạt được mục tiêu. Nói thật nhé, mình thấy nếu mình được nhận vào Cao học của CMU thì ai cũng có thể làm được…”

Lại Tấn Phát – cựu sinh viên ngành Kiến trúc, tốt nghiệp năm 2010. Trưởng phòng Thiết kế – Công ty CP Kiến trúc Xây dựng Đa diện

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 03Tôi hạnh phúc khi được học và làm ở lĩnh vực mình yêu thích

“Từ nhỏ, khi chưa biết Kiến trúc là gì, tôi đã rất thích ngắm nhìn những công trình kiến trúc nổi tiếng, và thích vẽ. Lớp 12, tôi biết sở thích và khả năng đó là cơ sở để theo đuổi ngành Kiến trúc. Tôi tốt nghiệp ĐH trễ hơn bạn bè. Năm đầu thi vào ĐH Kiến trúc Tp.HCM, tôi rớt. Theo học trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đến ngày thứ 3, tôi nộp đơn xin thôi học. Năm sau, tôi thi đậu vào ĐH Kiến trúc. Tôi bước chân vào trường với niềm phấn khởi, mình đang đi trên con đường rộng lớn để thực hiện ước mơ trở thành KTS nổi tiếng. Nhưng kỳ vọng quá xa vời khiến tôi hụt hẫng. Đến năm 3, tôi bỏ học. Mục tiêu càng xa càng khó đạt, tôi lún sâu trong thất bại; nhưng niềm đam mê dành cho Kiến trúc vẫn rất mãnh liệt. Năm sau, tôi quyết định thi lại và đậu NV2 vào Văn Lang. Điều quan trọng nhất là tôi hạnh phúc khi được học và làm ở lĩnh vực mình yêu thích. Sau những vấp ngã tôi nhận ra: chúng ta phải tự trang bị cho mình kiến thức tốt nhất, đầy đủ nhất cho công việc; thầy cô chỉ là nhịp cầu mang đến kiến thức. Và ở Văn Lang, thầy cô thực sự là nhịp cầu vững chắc. Mọi thành công, mọi bước tiến tương lai của tôi đều khởi đầu từ đây. Khi còn là SV, tôi từng làm thời vụ cho Công ty Taiko; chỉnh sửa bản vẽ cho công trình Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; làm bán thời gian cho Công ty CP Kiến trúc Xây dựng Đa diện. Năm 2008, thiết kế “Khéo co” của tôi được giới thiệu trên Tạp chí Kiến trúc & Đời sống. Năm 2009, tôi chủ trì thiết kế công trình Quan Âm Tự (Đồng Tháp). Năm 2010, tôi tốt nghiệp thủ khoa khoá 11 ngành Kiến trúc, trường ĐH Văn Lang. Năm 2010 – 2012, tôi là KTS Công ty CPG, Singapore. Từ năm 2013 đến nay, tôi là Trưởng phòng Thiết kế Công ty Đa diện. Tôi có một dự án lớn cho tương lai: lập một thương hiệu thiết kế riêng cùng với những người bạn.”

Trần Thị Huyền Trân – cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Xây dựng, tốt nghiệp năm 2013. Làm việc tại Công ty Liên doanh HSD Việt Nam

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 04Chọn ngành xây dựng như yêu một người cục mịch…

“Khi Trân chọn theo ngành này, mọi người bảo ngành này khô, khổ và không hợp với con gái. Mình thấy khó khăn lớn nhất đối với SV nữ là vấn đề sức khỏe; nhưng bù lại, vì là nữ nên thầy cô và các bạn nam đều nhiệt tình giúp đỡ. Trong quá trình học tại Trường, Trân tham gia 2 khóa học bổ trợ do Leadman Sri tổ chức: Giám sát thi công xây dựng công trình, Lập dự toán. Quan trọng là sự chuẩn bị chủ động, đừng để khi cần mới học; lúc đó cơ hội đã
vụt mất. 2 tháng sau tốt nghiệp, Trân có việc làm nhưng không đúng chuyên môn nên nghỉ. 2 tháng sau, mình trúng tuyển vào QCONS. 6 tháng đầu, công việc chính là vẽ, vẽ và chỉ vẽ. Đó là giai đoạn học việc đầy thử thách mà nếu không kiên nhẫn, bạn sẽ rất nản. Sau 6 tháng miệt mài, mình nhận thức sâu sắc vai trò của kỹ năng vẽ – kỹ năng cơ bản nhất của người kỹ sư Xây dựng ở mảng thiết kế; sự cần thiết của các phần mềm thiết kế và phần mềm kết cấu. Bây giờ thì Trân đã được giao công việc chuyên môn như một kỹ sư Xây dựng: kiểm tra bảng tính, mô hình tính toán thuyết minh dự án. Chọn ngành Xây dựng như yêu người cục mịch. Phải thật sự trân quý ngành nghề ấy, siêng năng, chịu khó học hỏi và chịu khó cho người khác biết mình chưa hiểu, chưa giỏi ở điểm nào (để được hướng dẫn). Rồi bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc với nó!”

Lâm Tuấn Qui – cựu sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, tốt nghiệp năm 1999, tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2015. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải công nghiệp & tư vấn môi trường Văn Lang

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 05Phải gắn bó với nghề trước, rồi mới phát triển được với nghề

“Những SV xuất thân từ Khoa CN&QLMT của Trường ĐH Văn Lang đã lập nên Công ty Môi trường Văn Lang, thể hiện sự gắn bó với nơi mình đã học và mong muốn hỗ trợ SV các khoá sau trong NCKH, việc làm. Hiện nay, 45/84 nhân viên chính thức của công ty là “con dân” Khoa Môi trường Văn Lang, gắn bó với công ty từ khi thực tập. Đặc biệt, các vị trí quản lý trong công ty đều do cựu SV Văn Lang đảm trách.

Với ngành này, nghiên cứu và ứng dụng phải luôn kết hợp hữu cơ với nhau. Vì vậy, SV cần chọn môi trường làm việc có PTN, cho phép vừa ứng dụng thực tế, vừa nghiên cứu để điều chỉnh, thúc đẩy nghiên cứu mới, thu nhận kiến thức mới.

Môi trường là ngành khó và rộng; đặc trưng nghề nghiệp đòi hỏi sự chịu đựng cao. Để kiên trì theo đuổi nghề, có thể sống và làm giàu bằng nghề, ngoài niềm đam mê, các bạn cần có hiểu biết chuyên môn sâu, có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, xã hội và phải bản lĩnh. Phải gắn bó với nghề trước, rồi mới phát triển được với nghề.”

Đặng Văn Phước – cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học, tốt nghiệp năm 2004. Giám đốc Phòng Cung ứng hạt giống, Công ty TNHH Bayer

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 06Muốn thành công về sau, cần xây dựng nền tảng ngay trong thời gian học Đại học

“Sau khi tốt nghiệp ĐH, Phước tiếp tục học Thạc sĩ ngành Bảo vệ thực vật vì định hướng theo CNSH thực vật. Năm 2008, Phước bắt đầu làm việc tại Công ty Bayer ở vị trí nhân viên sản xuất hạt lai; năm 2012, Phước đạt được vị trí hiện nay. Đây là công việc phù hợp với ngành nghề mà Phước đã học: nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới trong chọn, lai tạo hạt giống; sản xuất hạt lai; xuất khẩu hạt giống;…

CNSH là ngành khoa học ứng dụng; đòi hỏi bạn vừa phải có khả năng nghiên cứu vừa phải có kỹ năng thực hành. PTN với chai lọ hóa chất, mô hình hay đi nắng, lội ruộng là môi trường làm việc cực nhọc mà người học CNSH phải nghĩ tới. Muốn thành công về sau, bạn cần xây dựng nền tảng ngay trong thời gian học ĐH:

  • Tích lũy kiến thức càng nhiều càng tốt; đừng ngại khó khi tiếp cận các vấn đề mới.
  • Rèn luyện cách thức quản lý thời gian và làm việc có kế hoạch.
  • Cân đối giữa học tập và hoạt động Đoàn – Hội; nên đầu tư, đảm bảo việc học trước.
  • Hãy đặt những mục tiêu nhỏ; đừng ép mình vào mong đợi cao quá.

Trương Đức Thiện – cựu sinh viên ngành Kỹ thuật nhiệt, tốt nghiệp năm 2014. Làm việc tại Công ty Eastern

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 07Trải nghiệm thực tế và kỹ năng làm việc nhóm

“Năm 2013, khi đang học năm ba, Thiện được nhận vào làm ở Eastern với mức lương khởi điểm 4 triệu/tháng. 1 tháng trước tốt nghiệp, Thiện là nhân viên kỹ thuật của Eastern tại văn phòng cảng Cát Lái, lương 6 triệu/tháng. Yếu tố quan trọng giúp Thiện thuận lợi khi khởi nghiệp là trải nghiệm thực tế và kỹ năng làm việc nhóm, trao đổi thông tin được rèn luyện trong quá trình học tại Trường. Hiện nay, các công ty Nhiệt – Lạnh đang chuyển dần sang sử dụng phần mềm Revit thay vì CAD. SV Nhiệt – Lạnh Văn Lang có thể dùng tốt cả 2 phần mềm này nên đáp ứng được yêu cầu trong việc tạo dựng mô hình 3D mô phỏng thi công.

Ngoài môi trường làm việc trong nước, kỹ sư Nhiệt – Lạnh có thể nghĩ đến việc làm tại các công ty nước ngoài như Carrier, Daikin, Danfoss.”

Phạm Minh Nguyệt – cựu sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, tốt nghiệp năm 2002. Giám đốc Truyền thông, Tập đoàn Adidas Vietnam

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 08Nếu bạn không xây dựng ước mơ cho chính mình, sẽ có người thuê bạn xây dựng ước mơ cho họ

“Có nhiều con đường để bạn khai phá và có được lợi thế của người đầu tiên. Ra trường năm 2002, khi ngành quảng cáo ở Việt Nam bắt đầu phát triển, Nguyệt thử sức ở lĩnh vực mới mẻ này. Nguyệt mạnh dạn ứng tuyển làm chuyên viên tổ chức sự kiện cho Golden Media – công ty quảng cáo hàng đầu Việt Nam bấy giờ; vị trí này mang lại cho Nguyệt kinh nghiệm tổ chức sự kiện quảng bá cho đa dạng các loại hàng hóa (hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, sản phẩm công nghệ). Hai năm sau, Nguyệt được JWT – tập đoàn truyền thông nổi tiếng thế giới – tuyển dụng với vai trò PR chuyên nghiệp. Ba năm sau, Nguyệt “đầu quân” cho Tập đoàn quảng cáo LOWE, bắt đầu công việc của 1 Agency sáng tạo ý tưởng các chiến dịch truyền thông của Tập đoàn Unilever. Năm 2010, Nguyệt trở thành maketer chuyên nghiệp với vị trí Giám đốc Truyền thông của Tập đoàn Adidas.

Lập nghiệp 12 năm, một chặng đường đủ dài để Nguyệt khẳng định khởi đầu ở Khoa (QTKD), Trường ĐH Văn Lang là lựa chọn đúng đắn và đáng tự hào. Công thức thành công của Nguyệt là: Khả năng + Hành động + Thái độ + Sự táo bạo. Muốn trở thành master trong lĩnh vực nào đó, hãy đọc 2 quyển sách/tháng, liên tục trong 3 năm. Bạn sẽ vững vàng khi đứng trên vai kẻ khổng lồ là kiến thức được cập nhật, kỹ năng được trau dồi, cái đầu “mở” và đôi tai “lắng nghe”.

Với Nguyệt, thành công là khi chúng ta đồng thời được đảm bảo về tài chính, tự do về thời gian và có sức khoẻ tận hưởng cuộc sống. Hiện tại Nguyệt chưa thành công, đó vẫn là ước mơ để mình phấn đấu. Nhưng có một điều chắc chắn: mình luôn vui vẻ, tin tưởng và đam mê công việc. Mỗi người cần có ước mơ để dám hành động cho ước mơ. Nếu bạn không xây dựng ước mơ cho chính mình thì sẽ có người thuê bạn xây dựng ước mơ cho họ.”

Nguyễn Anh Tuấn – cựu sinh viên ngành Tài chính ngân hàng, tốt nghiệp năm 2000. Kế toán trưởng, Công ty PNJ

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 09Chuyện cây đàn bầu cất trong chiếc hộp vĩ cầm

“23/10/2013, Tuấn về thăm khoa Tài chính Ngân hàng, trường ĐH Văn Lang và gặp lại thầy Hiệu trưởng Nguyễn Dũng. 13 năm trước, thầy đã dạy Tuấn cách chọn ngành để học và chọn nghề để làm; Tuấn muốn kể lại câu chuyện này cho các bạn: chuyện cây đàn bầu cất trong chiếc hộp vĩ cầm. Có chàng thanh niên thích chơi đàn bầu nên đăng ký học nhưng thời gian lâu mà vẫn không chơi hay được. Thầy dạy đàn tìm hiểu mới biết vì sợ mọi người chê quê mùa, không hợp thời nên mỗi khi đi học, chàng thanh niên đã mang cây đàn bầu để vào hộp đàn vĩ cầm. Vì vậy, thầy khuyên: “Nếu em không là chính mình, không tự tin vào bản thân và không có niềm tin vào điều mình chọn, em không bao giờ thành công được.” Khi chuẩn bị bước chân vào ĐH, hay chuẩn bị lập nghiệp, bạn nên suy nghĩ về câu chuyện này. Đây là giai đoạn chúng ta đủ trưởng thành để quyết định cho mình một nghề nghiệp, đủ thời gian để tích lũy kiến thức và kỹ năng, đủ không gian để hoạt động cho thời tuổi trẻ sôi nổi. Hãy sống đời SV của mình bằng niềm đam mê, bằng thái độ cầu tiến và bằng hành động tích cực.

Tuấn học về tài chính nhưng từ khi ra trường đến nay hầu nhưng lại gắn với công việc kế toán; tuy vậy Tuấn không cảm thấy mình làm lệch ngành vì một người làm kế toán giỏi ngoài việc xây dựng bộ máy kế toán còn phải thực hiện được các nghiệp vụ tài chính như cân đối nguồn vốn, đánh giá và lựa chọn nguồn vốn tối ưu, lập kế hoạch và kiểm soát ngân sách, thẩm định dự án đầu tư,… Tuấn nghĩ mình có được một vị trí tốt trong thị trường nhân lực là vì mình đã chuẩn bị tốt: Học tập chăm chỉ và đạt bằng Khá; Hoạt động Đoàn sôi nổi và rèn luyện nhuần nhuyễn các kỹ năng mềm; Làm việc bán thời gian khi đang là SV để tích lũy kinh nghiệm; Bổ sung kiến thức.

Bùi Thị Cẩm Giang – cựu sinh viên ngành Kế toán, tốt nghiệp năm 2013. Công ty Cổ phần Chính Thắng

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 10Tôi của bây giờ…

4 năm SV với tôi đầy ý nghĩa. Tôi của bây giờ đã thay đổi nhiều. Giờ đây tôi tự tin hơn trước đám đông; tôi có thể làm việc nhóm hiệu quả; tôi biết tổ chức một sự kiện; tôi nhanh chóng hòa đồng với mọi người; tôi xếp hàng ở nơi công cộng, biết lắng nghe người khác, biết giúp đỡ người khuyết tật,… Những đổi thay ấy xuất phát từ những điều tưởng chừng đơn giản mà tôi đã được học, được làm ở Văn Lang: thuyết trình trên lớp, sinh hoạt câu lạc bộ, tham gia mùa hè xanh, tổ chức hoạt động phong trào Đoàn – Hội…Cảm ơn Văn Lang đã cho tôi cơ hội được “học” tất cả những điều đó! 4 năm ĐH, tôi làm lớp trưởng, từng là Trưởng ban nội dung Câu lạc bộ A&M, Liên chi hội trưởng Khoa Kế toán – Kiểm toán. Chắc mọi người nghĩ rằng để được tín nhiệm bầu vào các vị trí đó, tôi phải học thật giỏi. Không! Trong thời gian học tại Trường, tôi đã nộp hồ sơ xin học bổng của Hội đồng hương Quảng Ngãi. Mảnh đất nghèo khó quê tôi có quá nhiều nhân tài và tôi xếp sau rất nhiều người, không nhận được học bổng. Thêm nữa, tôi đã rớt trong lần thi tốt nghiệp đầu tiên để rồi 6 tháng sau mới có mặt trong Lễ Tốt nghiệp, là một cử nhân tốt nghiệp muộn. Tôi “làm quen” với thất bại và nhận biết chỗ đứng của mình là ở bên cạnh nhiều người. Hơn hết, tôi không nản lòng, tôi đã làm đến cùng. Dù không nhận học bổng, tôi vẫn đến buổi lễ của Hội đồng hương; tôi làm quen với mọi người, làm quen với công việc của Hội và giờ đây, tôi là một trong những thành viên trẻ, nòng cốt của Hội.

Tôi không phải là người học giỏi nhất, không phải là người hoạt động nổi nhất, nhưng các bạn và tôi có một điểm chung: những con người biết đứng lên sau những lần vấp ngã. Tôi đã chạy quá nhanh nên nhiều lần ngã đau, nhưng tôi không từ bỏ ước mơ, hy vọng và tinh thần lạc quan.

Niềm vui nhỏ của tôi là: từ năm ba, tôi được công ty Chính Thắng mời làm việc, hiện tại, tôi đã được công ty ghi nhận năng lực sau 2 năm công tác với mức lương khá. Tôi tin rằng cơ hội là do mình tạo ra. Văn Lang đã chuẩn bị hành trang, việc bước đi và tiến đến tương lai thành công là của chúng ta. Quãng đời ĐH ở Văn Lang của tôi thật đẹp, nhưng tôi biết hình ảnh của mình từ hôm nay sẽ do chính mình xây dựng nên.

Hứa Ngọc Phú – cựu sinh viên ngành Quản trị khách sạn, tốt nghiệp năm 2006. Giám đốc Điều hành hệ thống nhà hàng Vườn Cau

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 11Chủ động trong tình thế bị động

“Gia đình vất vả nên bước vào giảng đường đại học với Phú là việc khá khó khăn; không chỉ về điều kiện tài chính mà còn về nền tảng kiến thức, ngoại ngữ và môi trường rèn luyện. Hy vọng tìm được một công việc yêu thích là động lực để mình vượt qua. Phú vừa học vừa làm đủ thứ nghề (rửa xe, giữ xe, trực thang máy, phục vụ bàn, tiếp thị,…) để trang trải cho cuộc sống. Điều đó vô tình giúp mình tìm việc thuận lợi sau khi ra trường. Mỗi công việc là một bài học thực hành và rèn luyện kỹ năng.

Tốt nghiệp ngành Quản trị Khách sạn nhưng công việc đầu tiên của Phú là nhân viên bán tour cho một công ty lữ hành. Dù vậy, mình đã làm việc nhiệt tình, cố gắng tham gia càng nhiều việc càng tốt. Sau 6 tháng, mình đã học được cách soạn thảo các loại văn thư, book dịch vụ, liên kết đối tác, đi tiền trạm, chăm sóc khách hàng,… Tuy nhiên, công ty nhỏ khó để phát triển chuyên nghiệp nên Phú chuyển sang làm việc ở bộ phận yến tiệc, nhà hàng Vườn Cau. Từ đó, mình xác định vị trí mong muốn là quản lý. Mình đặt ra câu hỏi điều kiện cần và đủ để trở thành người quản lý và lần lượt trả lời qua công việc. Sau 3 tháng, Phú là Phó Điều hành tiệc; sau 5 tháng, là Điều hành chính thức; 7/2008, là Phó Quản lý khu vực ẩm thực; 9/2009, Phó Bộ phận kinh doanh; 10/2010, Trưởng phòng kinh doanh kiêm Trợ lý Tổng Giám đốc; năm 2011, Giám đốc điều hành.

Hiện nay, SV Du lịch có năng lực tốt, tiếp thu nhanh nhưng một số thiếu chịu khó, muốn thể hiện mình và nhận ngay kết quả. Phú muốn chia sẻ với các bạn lời khuyên của người anh trong nghề: Doanh nghiệp thành công thì phải có những con người làm việc cùng nó, ngủ với nó, mơ về nó và xây dựng kế hoạch vĩ đại cho tương lai của nó.”

Trần Quốc Thái – cựu sinh viên ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành tốt nghiệp năm 2002, Phó Giám đốc chi nhánh Phan Thiết, Công ty Vietravel

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 12Kiến thức, kỹ năng ở trường là bước khởi đầu; nghề nghiệp sẽ thúc đẩy bạn học hỏi không ngừng

“Hơn 10 năm làm trong lĩnh vực du lịch, tôi muốn kể câu chuyện của tôi (từ vị trí hướng dẫn viên đến người điều hành tour, kinh doanh du lịch và quản lý).

  • Tốt nghiệp thủ khoa năm 2002 nhưng tháng lương đầu tiên tôi nhận chỉ 260.000 đồng, 3 tháng tiếp theo 800.000 đồng; và sau 5 tháng lương mới được cải thiện. Mới vào nghề bao giờ cũng khó khăn, đôi khi phải chấp nhận thu nhập kém để tích lũy kinh nghiệm; chìa khóa của sự thăng tiến là thể hiện năng lực, chứng tỏ khả năng đóng góp cho đơn vị.
  • Công tác ở nước ngoài trong 6 năm (2003 – 2009). Du lịch là nghề yêu cầu công tác xa nhà. Bạn phải thực sự yêu nghề, có bản lĩnh để tiết chế cảm xúc, duy trì công việc.
  • Đảm nhận vị trí quản lý từ năm 2009 đến nay. Ở vị trí này, tôi trải nghiệm công tác tuyển dụng. Đã có lúc tôi đánh giá sai người. Từ đó, tôi biết trong mắt nhà tuyển dụng, giá trị của ứng viên sẽ tăng lên nếu sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ, cần thiết phải biết 2 ngoại ngữ, có kinh nghiệm thực tế phụ hướng dẫn tour khi là SV, có bảng điểm đẹp và được trường đánh giá cao về thái độ học tập và hoạt động phong trào, rèn luyện đạo đức.
  • Những cám dỗ vật chất là điều tôi đã gặp. Nhưng tôi đã được học về đạo đức nghề và thái độ làm việc chuyên nghiệp; tôi tôn trọng nghề, tôn trọng lợi ích của khách hàng. Đối với tôi, hướng dẫn viên không phải là người “mua vui”, “hầu hạ” hay “chăn dắt” khách mà là người bạn giúp du khách cảm thụ sự thư thái, an vui khi đi du lịch.

Chọn thi và học du lịch, tôi nghĩ đây là ngành có môi trường năng động, được đi đây đó, mặc đồng phục đẹp, và giúp mình “cái gì cũng biết”. Bây giờ, tôi thấy lựa chọn đó là đúng; nhưng cũng có vài điều mình nghĩ chưa đúng lắm. Với nghề này, bạn có cơ hội và thời gian bổ sung kiến thức, bằng cấp nhưng không thể đủ để trở thành người “cái gì cũng biết”. Bạn có điều kiện đặt chân đến nhiều nơi nhưng đi kèm với đó là yêu cầu về sự nghiêm túc, kỷ luật, an toàn, đúng giờ.

Bộ quần áo đầu tiên cho tôi cảm giác là hướng dẫn viên thực sự là đồng phục khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang: áo sơ mi trắng, cà vạt đen, quần tây, giày tây; và bạn bè tôi: áo dài hồng. Tôi vẫn nhớ về “màu cờ sắc áo” ấy.”

Nguyễn Mạnh Tường- cựu sinh viên ngành Kinh doanh Thương mại tốt nghiệp năm 2002. Giám đốc Công ty TNHH Media Plus

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 13Để thành công vững vàng

“Mạnh Tường đã tốt nghiệp 12 năm. Thời của Tường “nghèo” lắm, Internet vẫn còn xa xỉ (3.600 đồng/giờ), công nghệ số và thế giới phẳng còn xa lạ. Ngày mới ra trường, công việc của Tường không biết thứ bảy, chủ nhật, miệt mài từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm; liên tục trong 6 tháng. Đó là thời gian thực sự khó khăn nhưng Tường đã nỗ lực vượt qua. Nhờ đó, Tường lọt vào top 10 người được chọn vào vị trí công việc cao hơn. Các bạn khi mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nên làm việc tích cực gấp 3, 4 lần người khác, làm với lòng hăng say tuyệt đối. Sau 5 năm nỗ lực, Tường trở thành Trưởng phòng Marketing của Unilever. Trong 6 năm tự mình làm chủ sau đó, Tường vẫn làm việc từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm và có đến 5 lần thất bại. Hầu hết thất bại do mạo hiểm kinh doanh ở lĩnh vực mình chưa kịp tìm hiểu. Tuy nhiên, qua chặng đường dài lập nghiệp, Tường cảm thấy niềm vui thành công nhiều hơn thất bại. Một niềm vui không nhỏ là có thể hỗ trợ tuyển dụng SV Văn Lang đàn em, có 5 bạn đã “ra riêng” sau khi cộng tác và khá thành công. Khi 18 tuổi, Tường không nghĩ mình dám bước lên sân khấu, tự tin nói chuyện với mọi người. Nhưng 4 năm ĐH, từng bước tham gia hoạt động Đoàn, Tường đã dần tự tin. Đối với yêu cầu nhân lực hiện nay, kỹ năng mềm và bản lĩnh tự tin là yếu tố rất cần. Ở Văn Lang, các bạn sẽ có môi trường tốt để rèn luyện. Nhưng Tường muốn nói: các bạn đừng tự tin một cách cực đoan, sẽ thành tự phụ; chỉ tự tin khi mình thực sự có khả năng, kiến thức và biết học hỏi người đi trước. Hãy nhìn cách họ bước đi, hãy sống chậm hơn, suy nghĩ chậm hơn để chắc chắn hơn, thành công một cách vững vàng.”

Thái Nhân Ái – cựu sinh viên ngành Quan hệ công chúng, tốt nghiệp năm 2013.Làm việc tại công ty TG Events and Media.

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 14Thành công đối với mình là tạo ra được giá trị mới cho cuộc sống

“Ái đã khởi nghiệp từ khi còn là SV. Lúc đó, lương của mình là 3.500.000/tháng; và bây giờ thu nhập của mình vào khoảng 1.000 USD/tháng. Sau thời gian dài làm việc trong lĩnh vực PR, điều quan trọng mình nhận được không chỉ là ở thu nhập. Thành công đối với mình là tạo ra được giá trị mới cho cuộc sống của bản thân và những người xung quanh, sống và làm những gì mình thích để được là chính mình.

Học QHCC, bạn có thể làm được nhiều dạng công việc khác nhau. Ái đã trải qua 3 vị trí công việc: chuyên viên marketing cho Pizza Hut (8 tháng); biên tập viên kênh truyền hình Yeah1!TV (1 năm), trưởng nhóm quản lý dự án (senior account executive) công ty TNHH Fifth iMedia thuộc tập đoàn Netrove (Hongkong). Hiện tại, Ái là freelancer: Digital Marketing Specialist cho Adam Khoo Learning Centre Vietnam và Social Media Specialist cho Xone FM. Ái sẽ cùng những người bạn thành lập công ty truyền thông và tổ chức sự kiện cho riêng mình trong tương lai gần.”


Nguyễn Thanh Minh – cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, tốt nghiệp năm 2015. Giảng viên Khoa Ngoại ngữ – Trường Đại học
 Văn Lang.

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 15Xác định nghề nghiệp mong muốn và định hướng phát triển bản thân

Trong suy nghĩ của nhiều người, tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh chỉ có thể đi dạy hay dịch thuật. Thực tế, đây là ngành học mở. Tiếng Anh là lợi thể để “lấn” sang du lịch, truyền thông,… Thời gian học ĐH sẽ giúp bạn xác định được nghề nghiệp mong muốn và định hướng phải làm gì để phát triển bản thân.

Tôi chọn trở thành một giáo viên Anh ngữ. Cuối năm ba, tôi vào làm trợ giảng tại Trung tâm Anh ngữ Hội Việt Mỹ. Sau đó, tôi trở lại khoa Ngoại ngữ của Trường Văn Lang, làm giảng viên. Công việc không nhẹ nhàng; thỉnh thoảng tôi rơi vào những tình huống khó xử khi gặp học sinh cá biệt. Dù đã học về tâm lý lứa tuổi, phương pháp giảng dạy nhưng khi vào thực tế, tôi vẫn lúng túng. Tuy nhiên, sau hai khóa giảng dạy, tôi đã biết cách tìm hiểu hoàn cảnh học sinh, gần gũi, trò chuyện và khuyến khích các em. Cố gắng ấy đã mang lại kết quả. Tôi cảm thấy vui vì mình đã giúp được học trò của mình, được các em yêu quý. Với một giáo viên, đó là động lực tinh thần để tiếp tục sống với nghề.

Võ Gia Phong – cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, tốt nghiệp năm 2011, du học sinh tại Học viện Shizuoka Sangyo Gijutsu (Nhật Bản)

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 16Truyền thống Văn Lang và Tinh thần Mỹ thuật Công nghiệp

“Sau khi ra trường, Phong làm chuyên viên thiết kế tại FPT Online. Vào thời điểm đó, kiến thức học tại Văn Lang giúp Phong đáp ứng hoàn toàn yêu cầu công việc. Tuy nhiên, muốn nâng cao trình độ ở môi trường hiện đại, Phong đã sang Nhật, học 2 năm tiếng Nhật tại Kokusai Kotoba Gakuin và bây giờ học 3 năm ngành CG Animation tại Học viện Shizuoka Sangyo Gijutsu. Khá ngạc nhiên vì những kiến thức được học tại Văn Lang không hề tụt hậu so với chuyên môn mà Phong đang được tiếp nhận tại một đất nước phát triển như Nhật Bản. Điều này cho thấy giáo trình ngành Thiết kế Đồ họa của Văn Lang được thiết kế bài bản, cập nhật kịp thời và định hướng tư duy mở.

Đây là ngành nghề thú vị và khá vất vả. Trong quá trình học, các bạn sẽ liên tục làm việc với hàng loạt đồ án. Ngoài khả năng hội hoạ, bạn cần phải có tính cách năng động, óc tưởng tượng phong phú, một trí nhớ (không cần tốt lắm!) để dễ dàng làm mới bản thân và một thái độ làm việc nghiêm túc (đôi khi đến cực đoan!).

Dù bài tập căng thẳng, đừng quên tận hưởng thời SV của bạn với những hoạt động ngoại khoá sôi nổi như Hòa sắc, Văn Lang Trạng nguyên, Việt dã,… – đó là một phần tươi đẹp không bao giờ trở lại trong cuộc đời của bạn.

Gia Phong luôn nhớ về thời SV của mình với hai điều thiêng liêng: Truyền thống Văn Lang và Tinh thần Mỹ thuật Công nghiệp.”

Lê Anh Khoa – cựu sinh viên ngành Thiết kế nội thất, tốt nghiệp năm 2009. Làm việc tại Công ty Kconcept Interrior Design

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 17Thành công của người thiết kế nằm ở năng lực quan sát, tư duy sáng tạo và phẩm chất cầu tiến

“Từ nhỏ, Khoa đã tham gia đội năng khiếu mỹ thuật của Nhà văn hóa tỉnh Bình Thuận nên sớm định hướng theo đuổi nghề nghiệp hoặc Kiến trúc hoặc Mỹ thuật ứng dụng. Khoa chọn ngành Thiết kế Nội thất – là ngành học mỹ thuật nhưng có liên hệ với Kiến trúc; vừa yêu cầu tính thẩm mỹ nghệ sĩ, vừa đòi hỏi tính toán khoa học. Thời điểm 2009, khi mới tốt nghiệp, Khoa làm việc ở Công ty Decimet Arch, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực Kiến trúc. Khoa gắn bó với công ty ArtHouse ở vị trí chuyên viên thiết kế 4 năm nay. Mối liên hệ giữa kiến trúc và nội thất luôn hấp dẫn Khoa. Ngay khi tốt nghiệp, Khoa đã ấp ủ ước mơ lập một studio thiết kế riêng. Khoa bắt đầu “chạy” ước mơ đó bằng cách cộng tác với các kiến trúc sư lên ý tưởng, thiết kế, thi công công trình nội thất. Xây dựng miệt mài bằng những hoạt động nghề nghiệp thực tế, gần đây, studio đã nên hình, tên gọi Kconcept. Làm 2 công việc song song nhưng Khoa vẫn không bị áp lực nhấn chìm vì khi học tại Văn Lang đã quen chịu áp lực từ đồ án môn học.

Học tập ở trường sẽ cung cấp cho bạn nền tảng, định hướng cho bạn con đường phát triển ngành nghề. Thực tế việc làm sẽ chỉ cho bạn thấy khả năng của mình đi đến đâu. Thành công của người học và làm về thiết kế nằm ở năng lực quan sát, tư duy sáng tạo và phẩm chất cầu tiến, ham học hỏi.”

Nguyễn Xuân Hoài – cựu sinh viên ngành Thiết kế thời trang, tốt nghiệp năm 2010. Giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 18Mình có một cửa hàng thời trang nhỏ

“Hoài có người chị học Thiết kế Nội thất tại Văn Lang, nên trước khi đăng ký vào Trường, Hoài đã biết về môi trường học tập. Chắc là có duyên! Là con gái, học Thiết kế Thời trang thì rất thích. Mình được thiết kế, cắt may và hoàn thiện cả bộ sưu tập theo ý thích. Hầu hết kiến thức và kỹ năng được học Hoài đều áp dụng vào công việc giảng dạy hiện tại ở Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Năm nay, khóa SV đầu tiên sẽ tốt nghiệp – đó là niềm hạnh phúc và hãnh diện của những GV như Hoài. Hoài vẫn giữ một số thói quen thời SV được thầy cô khuyến khích như: thường xuyên theo dõi các chương trình thời trang, bộ sưu tập mới của những hãng danh tiếng trong và ngoài nước; tự thiết kế, cắt may và nhờ người làm mẫu, chụp hình. Những việc đó giúp mình cập nhật thông tin, có thêm động lực phấn đấu và không để mình tụt hậu. Hoài có mở một cửa hàng thời trang nhỏ mang tên Bell’s House. Mình vừa thiết kế, vừa cắt may và cũng nhập thêm các sản phẩm khác để phục vụ cho khách hàng trẻ tuổi. May mắn là mẫu nào mình thiết kế cũng bán chạy. Nhiều bạn theo học ngành này vì sức hấp dẫn của ánh hào quang trên sàn catwalk. Cần xác định lại, mấy giây xuất hiện rực rỡ trên sàn diễn là do quá trình làm việc cật lực hàng tháng trời trước đó. Nếu không có đủ tinh tế, sáng tạo và kiên trì thì rất dễ bỏ cuộc. Cộng đồng mạng mang tính chất mở cũng tạo điều kiện để bạn dễ tiếp cận thời trang thế giới, nhưng có hai khả năng trái chiều: nếu biết chọn lọc và có lòng tự trọng, bạn sẽ thành công vững vàng; nhưng nếu lười tư duy, lười sáng tạo, bạn sẽ tự bóp chết sự phát triển của mình. Đứa con tinh thần tự mình sinh ra thì cảm giác hạnh phúc sẽ chân thật hơn!”

Võ Huỳnh Tú Nhi – cựu sinh viên ngành Thiết kế công nghiệp, tốt nghiệp năm 2010. Làm việc tại Công ty PNJ

DH van lang sinh vien vl tren duong lap nghiep 19Hạnh phúc vì sản phẩm chính mình tạo ra

“Nhi là chuyên viên thiết kế nữ trang của Công ty PNJ 3 năm qua. Đây là môi trường tốt để trau dồi chuyên môn, tìm hiểu thị trường, nâng cao khả năng sáng tạo. Tư duy đường nét, hình khối, bố cục khi học tại Trường được vận dụng tối đa vào công việc. SV Thiết kế Công nghiệp được trang bị rộng về các lĩnh vực thiết kế nhưng không chuyên sâu. Do đó, những mẫu thiết kế ban đầu của Nhi không khả thi về kết cấu, kỹ thuật. Nhi phải tự tìm hiểu thêm.

Nhi chọn ngành Thiết kế Công nghiệp như gặp “tiếng sét”. Một lần, tình cờ ngang qua phòng tạo dáng, nhìn các anh chị khóa trên đang hì hụi với thạch cao, đất sét; Nhi thấy thích. Sau đó, nghe và nhìn các anh chị tự tay biến thiết kế thành sản phẩm thật, mình càng muốn khám phá; vậy là đăng ký học. Nhi thích cảm giác ở phòng tạo dáng để tạo khối sản phẩm, tự do sáng tác, nhìn đồ án hoàn thiện dần dưới tay mình. Lúc đó, điểm số dù đạt hay không mình đều hạnh phúc vì đó là sản phẩm do chính công sức mình tạo ra; mình yêu quý nó.

Ngoài sáng tạo, đam mê, muốn theo đuổi Thiết kế Công nghiệp, bạn cần phải thật sự siêng năng vì đây là ngành học khá nặng nhọc, thực sự “chân tay”, đòi hỏi cả thời gian, công sức lẫn ý tưởng.”

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan