SV Văn Lang với hoạt động hiến máu tình nguyện 2015: “Trao giọt máu hồng, ươm mầm sự sống”

(TT. Thông tin – Văn Lang, 27/10/2015) – Trong tháng 10/2015, Trường ĐH Văn Lang phối hợp với Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố – Trung tâm hiến máu nhân đạo tổ chức đợt hiến máu tình nguyện cho sinh viên và cán bộ, giảng viên, nhân viên ở hai cơ sở của Trường. Dưới đây là ghi nhận sau 2 ngày hiến máu tại Cơ sở 1 và ngày đầu tiên tại Cơ sở 2.

 

DH van lang hien mau 2015 trao giot mau hong 01Hiến máu tình nguyện là một hoạt động nhân văn, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi công dân. Ở Trường ĐH Văn Lang, hoạt động này được triển khai từ năm 1998, được khá đông sinh viên và giảng viên, nhân viên trong trường hưởng ứng. Mỗi năm có khoảng gần 2000 lượt người tham gia qua hai đợt phát động vào tháng 3 và tháng 10.  

Như mọi năm, đợt hiến máu tình nguyện tháng 10/2015 tổ chức ở 2 cơ sở của Trường để sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên tham gia thuận lợi hơn. Sáng 20 và 21/10 vừa qua, tại Cơ sở 1 có 388 lượt người hiến máu. Chương trình tiếp tục triển khai tại Cơ sở 2 trong ba ngày 27, 28 và 29/10/2015. Theo thông tin từ Ban tổ chức: trong ngày đầu tiên tại CS2, lượng người đến hiến máu khoảng hơn 140 lượt, phần đông là sinh viên, một số giảng viên, nhân viên các phòng ban, cựu sinh viên cũng đến hiến máu hoặc hỗ trợ tổ chức. 

Một vài hình ảnh hiến máu tình nguyện tại hai cơ sở của Trường Văn Lang trong 20, 21 và 27/10/2015:

DH van lang hien mau 2015 trao giot mau hong 02Kiểm tra cân nặng, thăm hỏi tình trạng sức khỏe, đo huyết áp của các bác sĩ, tư vấn lượng máu có thể hiến… là một yêu cầu bắt buộc khi tham gia hiến máu.

DH van lang hien mau 2015 trao giot mau hong 03Tình nguyện viên hỗ trợ di chuyển các bạn đã tham gia hiến máu về khu vực nghỉ. Các bạn trợ giúp đắc lực cho các bác sĩ, nhân viên y tế theo dõi tình trạng của người tham gia hiến máu. Đội ngũ tình nguyện viên đều đã được tập huấn về kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra sự cố trong quá trình hiến máu như choáng, ngất…
Sinh viên năm nhất tham gia hiến máu khá đông. “Cũng hơi sợ kim tiêm, sợ đau, và sợ rủi ro nào đó” là những lo lắng, băn khoăn của các bạn trước khi tham gia chương trình. Nhưng có nhiều lý do để SV Văn Lang đến với hoạt động này: “Một người thân em đã ra đi chỉ vì thiếu máu. Lúc nhỏ, em không biết làm sao, nhưng khi vào đây học, thấy các anh chị tuyên truyền, năm nào em cũng tham gia. Đây là lần thứ 7. Em nghĩ nếu có nhiều người chia sẻ thì sẽ không có những ca tử vong vì thiếu máu nữa”; “Một giọt máu cho đi – một cuộc đời ở lại mà”. “Cứu được người khác, hoàn toàn trong tầm tay của mình, em luôn sẵn sàng”, “Với em, lý do đơn giản lắm: cho chỉ là cho thôi ạ”

Thấy vui vì hành động “cho đi” một cách vô tư, hào hiệp và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, nhiệt huyết tuổi trẻ ở các bạn, nhưng cũng không khỏi băn khoăn trước sự chủ quan về sức khỏe, trước sự mơ hồ về kiến thức an toàn khi tham gia hiến máu tình nguyện. Quan sát trong ba ngày hiến máu vừa qua, đã có một số bạn hoang mang khi bị chóng mặt, bị choáng nhẹ, cũng có bạn bị ngất vì vừa hiến máu đã lên lớp học ngay, một số bạn rất lúng túng khi gặp phải các sự cố nhỏ như chảy máu, vết bầm tím…, chứng tỏ kiến thức khi tham gia hiến máu của nhiều bạn còn mơ hồ, đấy là chưa kể một số SV còn khoe “bọn em, sau khi hiến máu xong, đang tụ tập nhau đi chơi, năm nào cũng thế, có sau đâu ạ“…

Trao đổi với bác sĩ Bùi Ngọc Hùng – phụ trách chung các hoạt động hiến máu đợt tháng 10/2015 tại Trường ĐH Văn Lang về nguyên nhân của hiện tượng bị choáng, bị ngất trong khi hiến máu và những biện pháp để hiến máu an toàn, bác sĩ Hùng cho biết: Hiện tượng ngất, choáng trong khi cho máu có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là do thức quá khuya trước ngày hiến máu. Nhiều bạn SV vì muốn được hiến máu nên đã nói dối, mà chúng tôi không thể kiểm soát được điều này. Vì vậy, điều quan trọng, tôi khuyên SV khi tham gia hiến máu: hãy trung thực. Hiến máu đúng cách sẽ tốt cho cơ thể, nhưng thực hiện không đúng sẽ có tác dụng ngược lại, thậm chí còn nguy hiểm nữa. Ngất, nếu nhẹ có thể xử trí ngay tại chỗ, nặng phải cấp cứu ở bệnh viện. Thật may, tôi tham gia hoạt động này nhiều lần ở Trường Văn Lang, chưa có trường hợp nào nặng, phải đưa đi cấp cứu. Nhưng để an toàn, khi tham gia hiến máu, các bạn sinh viên cần nắm rõ những điều dưới đây: 

Những điều cần biết khi tham gia hiến máu tình nguyện:
Ai có thể tham gia hiến máu:

– Độ tuổi: Nam: từ 18 – 60 tuổi đối với nam; nữ 18 – 55 tuổi đối với nữ.
– Cân nặng: trên 45kg cho cả nam và nữ. (Các bạn nữ, trong thời gian “đèn đỏ” không tham gia hiến máu, chỉ tham gia sau đó 7 ngày).
– Mạch: từ 60-90 lần/ phút.
– Huyết áp: huyết áp tâm thu: 90-140 mm/Hg; huyết áp tâm trương: 60-90 mmHg.
– Khoảng cách giữa hai lần hiến máu: 90 ngày (đối với nam), 120 ngày (đối với nữ).

Trước và trong khi hiến máu cần:
– Trước ngày hiến máu: nên đi ngủ sớm (trước 22 giờ), không uống rượu, bia.
– Trước khi hiến máu: nên ăn sáng nhẹ, hạn chế ăn thức ăn có nhiều chất đạm, không uống sữa.
– Vừa hiến máu xong, phải nghỉ tại chỗ từ 10- 15 phút. Nếu thấy chóng mặt, buồn nôn, nên uống nước đường, và báo cho bác sĩ. Nếu bị ngất, tuyệt đối không cho uống nước trà đường, báo ngay cho bác sĩ để xử lý.
– Ăn sáng sau khi cho máu.
– Nếu phát hiện chảy máu tại chỗ, hãy giơ cao tay. Lấy tay kia ấn nhẹ vào miếng bông hoặc băng dính. Thay miếng bông và băng dính khác, để ít nhất 4-6 giờ.

Sau khi hiến máu cần:
– Giữ chế độ ăn uống sinh hoạt bình thường. Hãy sử dụng hết phần quà được tặng (viên sắt và sữa) để tái tạo lại lượng máu vừa mất.
– Trong khoảng thời gian 2-3 ngày sau khi hiến máu, tránh vận động nặng (tập tạ, đá bóng, trèo cao), nên uống nhiều nước, không nên đi chơi xa.
– Nếu xuất hiện bầm tím tại chỗ hiến máu: chườm lạnh tại chỗ, những ngày sau: chườm nóng 2 – 4 lần/ ngày.

DH van lang hien mau 2015 trao giot mau hong 04Háy gìn giữ sức trẻ của mình để giữ mãi nụ cười rạng rỡ này, bạn nhé.

Những giọt máu trong một cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung của các bạn sẽ trở thành nguồn sống, trở thành cứu tinh đối với những bệnh nhân cần tiếp máu. Mong rằng những kiến thức thường thức trên các bạn bạn hãy nắm thật chắc để an toàn khi tham gia hiến máu nhé. An toàn của cộng đồng xuất phát từ bạn. Chúc các bạn có sức khỏe thật tốt đủ để học tập và rèn luyện, để thiết kế nên cuộc sống sinh viên của các bạn thật tươi đẹp, có ý nghĩa. 

Nguyễn Liên

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan