Ngày 17/12/2020, ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang tổ chức talkshow “Từ chiếc ghế đến ngôi nhà” với sự tham dự của khách mời đến từ LAITA Design, tạo cơ hội cho sinh viên Khoa Mỹ thuật và Thiết kế lắng nghe kinh nghiệm làm việc, học hỏi cách tổ chức và không ngừng cải tiến tư duy trong quá trình thiết kế.
Tham dự Talkshow “Từ chiếc ghế đến ngôi nhà” là 3 đại diện đến từ LAITA Design – những kiến trúc sư, nhà thiết kế giàu kinh nghiệm và đạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc – nội thất, thiết kế đồ nội thất – sản phẩm và những hoạt động sáng tạo liên quan. Đặc biệt hơn, đây cũng chính là 3 cựu sinh viên khóa 11 và 18 Trường Đại học Văn Lang: KTS. Nguyễn Đình Hòa (Cựu sinh viên khóa 11), NTK. Nguyễn Thị Thái Hằng (Cựu sinh viên khóa 11) và ThS. KTS. Bùi Minh Tường (Cựu sinh viên khóa 18).
Thực tế cho thấy ngày nay, Việt Nam là nơi thực hiện gia công sản phẩm cho rất nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp chỉ thực hiện công việc sản xuất theo đơn hàng đặt sẵn, giá trị nhận được trên mỗi thành phẩm làm ra rất thấp. Công nghiệp thiết kế ngay lúc này đây còn là khái niệm chưa được định hình và phát triển trong nước.
Với góc nhìn của một người vừa làm thiết kế nhưng cũng vừa là nhà kinh doanh, thông qua những từ khóa của trò chơi ô chữ, KTS. Nguyễn Đình Hòa, NTK. Nguyễn Thị Thái Hằng và ThS. KTS. Bùi Minh Tường đã giới thiệu đến sinh viên Văn Lang những khái niệm quan trọng như: ODM (Original – Design – Manufacturer), OEM (Original – Equipment – Manufacturer), B2B (Business to Business), B2C (Business to Consumer); phân tích các khác niệm, yếu tố tác động đến công việc của một người làm thiết kế và hàng loạt khó khăn người làm thiết kế phải sẵn sàng đối mặt: “Bộ sưu tập triển lãm đầu tiên của LAITA chỉ gồm mười mấy sản phẩm, nhưng đó là toàn bộ công sức của 3 founder vào Nam ra Bắc suốt thời gian dài để thực hiện. Ở Việt Nam, một nhà thiết kế muốn làm ra sản phẩm của chính mình rất khó. Có những sản phẩm chúng mình đến xưởng nào cũng bị từ chối, không nhận. Không ít lần chính mình phải tự tay làm từng công đoạn một.”
Là giám đốc của một doanh nghiệp thiết kế – sáng tạo liên ngành đã thành công trong nhiều dự án đem lại sự đột phá chiến lược cho các đối tác, anh Đình Hòa quan niệm: “Thiết kế là sáng tạo, nhưng phải là sáng tạo mang tính chiến lược.” Người tiêu dùng phải là đối tượng trọng tâm và hàng đầu khi thiết kế sản phẩm. Sự thành công của một dự án B2C có thể là kết quả thỏa mãn của khách hàng, của đối tác. Nhưng sự thành công của dự án B2B được đánh giá trên sản phẩm cuối cùng của toàn quá trình thực hiện, mà quá trình ấy suy cho cùng chính là thõa mãn nhu cầu khách hàng, đối tượng sản phẩm hướng đến.
Tham gia Talkshow, TS. Đỗ Anh Tuấn – Trưởng ngành Thiết kế Công nghiệp cũng đặt ra những vấn đề mà thiết kế Việt Nam phải đối diện và giải quyết. Theo Tiến sĩ, những sản phẩm Việt Nam đem ra thị trường quốc tế có công năng thường chỉ phù hợp với các nước đang phát triển, không được nhiều nước công nghiệp hoá, hiện đại hóa ưa chuộng. Người ta biết đến sản phẩm Việt Nam phần nhiều bởi những món đồ thủ công tinh xảo để trưng bày, làm đồ lưu niệm nhiều hơn là một vật dụng thiết yếu trong đời sống hằng ngày. “Hiện nay chúng ta chưa thể mã hóa quốc tế bằng những thiết kế. Vậy thì chúng ta phải làm sao để mã hóa những thiết kế do mình tạo ra.” – TS. Đỗ Anh Tuấn nhận xét. Lúc này nhiệm vụ của người học không chỉ là học cách làm sản phẩm mà hơn nữa phải học tư duy để phát triển sản phẩm của mình.
Trong khuôn khổ Talkshow, LAITA đã giới thiệu đến sinh viên Văn Lang phương pháp tư duy kiến trúc hóa trong thiết kế – Architectural Thinking.
Architectural Thinking, tư duy có mục đích bao gồm cách đặt vấn đề, tiếp cận và giải quyết một vấn đề phức tạp bằng phương pháp tập trung vào nhưng gì nên có, sau đó là những gì khả thi hoặc đã được thị trường đón nhận, đặt ra thách thức cho trạng thái hiện tại từ đó đưa ra giải pháp thay thế hoàn thiện hơn. Quá trình này đòi hỏi nhà thiết kế phải liên tục phân tích, tổng hợp và đánh giá nhiều lần hướng tiếp cận vấn đề và giải pháp, phải không ngừng suy nghĩ về các mối quan hệ của đối tượng trong bối cảnh không gian và thời gian.
Bên cạnh đó, khái niệm Interdisciplinarity – sự liên ngành trong thiết kế cũng được đem ra bàn luận. Đây là thế mạnh hỗ trợ các kiến trúc sư, nhà thiết kế, kỹ sư tiếp cận và giải quyết nhiều vấn đề cố hữu trong các ngành khác nhau, đưa ra những sáng tạo lớn không giới hạn và ngày một hoàn thiện hơn.
Có thể nói, 4 tiếng của Talkshow “Từ chiếc ghế đến ngôi nhà” không chỉ là thời gian cung cấp kiến thức chuyên môn cho sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp và Thiết kế Nội thất, mà còn là cơ hội kết nối các thế hệ sinh viên Văn Lang cùng nhau, tiếp thêm ngọn lửa đam mê trong mỗi người. Tin rằng bài học từ những người anh, người chị đã yêu và sống hết mình với nghề trong nhiều năm qua sẽ là những bài học quý giá và hấp dẫn hơn hết nuôi dưỡng tình yêu, quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn của mỗi bạn sinh viên Mỹ thuật & Thiết kế Trường Đại học Văn Lang.
LAITA DESIGN
Là đơn vị thiết kế – sáng tạo liên ngành ra đời năm 2018. Năm 2020, LAITA có 2 thiết kế đạt giải thưởng Red Dot Award – Design Concept – Một trong những giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm.
Với thế mạnh sáng tạo liên ngành không giới hạn từ con người, lĩnh vực phong cách đến địa lý, tập thể LAITA gồm những kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thiết kế đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, là một khối gắn kết bền chặt, hợp tác hiệu quả và thống nhất theo phương pháp tư duy kiến trúc hóa, luôn đem đến những thiết kế mang tính chiến lược, giàu đột phá và hiệu quả cao cho các tố chức.
Bài viết & Hình ảnh: Hoài Anh