Thiết kế trang sức Hướng đi mới của ngành Tạo dáng công nghiệp

(TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 19/5/2015) – Ngày 05/5/2015, khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Văn Lang tổ chức chấm Đồ án Trang sức của các sinh viên năm thứ 3 ngành Thiết kế Công nghiệp – Tạo dáng Sản phẩm. 56 đồ án được gia công thành sản phẩm lần này không chỉ là thành quả của một lứa sinh viên. Từ những trang sức đã thành hình, có thể thấy tâm sức của khoa Mỹ thuật Công nghiệp với môn Thiết kế Trang sức, trong tổng thể chương trình đào tạo ngành Thiết kế Công nghiệp – Tạo dáng sản phẩm.


Thành quả của trò…

56 bộ sản phẩm trang sức của sinh viên năm ba là kết quả của 60 tiết học. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, các bạn sinh viên làm quen và học cách lựa chọn chất liệu, lên ý tưởng, phác thảo, cân đối giữa nội dung thông điệp với quá trình chế tác thực tế và giá trị ứng dụng. Từ chỗ hoàn toàn xa lạ với nghề, các bạn đã tham gia trực tiếp vào quá trình tạo ra thành phẩm, cầm trên tay những chiếc vương miện, nhẫn, dây thắt lưng… thương hiệu “made by me”.

Nhìn chung, các Giảng viên trực tiếp đồng hành cùng các bạn trong quá trình thực hiện đồ án đều đánh giá tích cực về chất lượng sản phẩm. Chất lượng đồ án tiến bộ nhiều so với các khóa trước, cả về nội dung ý tưởng và kỹ thuật thể hiện. Các bạn đã “tới” hơn về kỹ xảo, thành thục hơn về ngôn ngữ trang sức. Theo cô Nguyễn Thị Uyên Uyên, đồ án trang sức năm nay có tính ứng dụng cao, khắc phục tính mô hình của các khóa trước. Hầu hết sản phẩm có thể sử dụng được ngay. 

DH van lang thiet ke trang suc 01
Từ trái qua, từ trên xuống: Dây chuyền mang hình dáng bọ cạp – Đồ án của Bùi Huỳnh My. Tác giả thể hiện tư duy 3D tốt, phối màu tốt. Bộ Khuy cài cà vạt và măng sét lấy cảm hứng từ cung hoàng đạo – Đồ án của bạn Nguyễn Thị Hoàng Minh. Đồ án được nhận xét là có tiềm năng khai thác, mở rộng với hình ảnh của 11 cung hoàng đạo còn lại Chiếc nhẫn lấy cảm hứng từ loài Sứa, sản phẩm của Nguyễn Thái Như – một trong số ít đồ án có tư duy 3D và bố cục tốt. Bộ trang sức hồi môn được Hoàng Ngọc Trúc Huyền tặng cho chị gái, trước khi chị của bạn lập gia đình. Dây chuyền hoa ti gôn của Nguyễn Thị Thanh Trúc (ảnh trên) và chiếc nhẫn đồng tiền của bạn Nguyễn Thị Quỳnh Giao (ảnh dưới) là những món quà ý nghĩa dành tặng mẹ. Thầy Trần Ngọc Trí cho biết, nhiều sản phẩm đã được đặt hàng, nhiều sản phẩm khác được dùng làm quà tặng người thân, đã nhận được phản hồi tốt.

DH van lang thiet ke trang suc 02Ảnh trái: Bộ nữ trang truyền tải triết lý “Cho và Nhận” trong câu chuyện “Ngựa trời xin vôi” – Bạn Lê Văn Thiện.
Ảnh phải: Loạt dây chuyền mang hình ảnh những động vật quý hiếm cần bảo vệ – Đồ án của Trà Nguyên Ý Phiên

Ngoài đề tài tình yêu đôi lứa quen thuộc, các đồ án năm nay có sự mở rộng đề tài. Nhiều đồ án lấy cảm hứng và tập trung tôn vinh tình cảm gia đình, quan hệ xã hội.

Đề tài văn hoá – xã hội cũng được nhiều bạn quan tâm và đưa vào đồ án. Đó có thể là một vùng đất mà bạn yêu quý, một hoàn cảnh hay một số phận đặc biệt… Những đồ án này sẽ được đánh giá cao nếu thông điệp được thể hiện một cách nhuần nhuyễn, tinh lọc bằng ngôn ngữ trang sức.

 

 

Đáng chú ý, một số đồ án vận dụng tốt vốn văn hóa truyền thống vào thiết kế, tạo chiều sâu thẩm mỹ cho tác phẩm – điều mà theo cô Lê Ngô Quỳnh Đan, một trong những giảng viên trực tiếp hướng dẫn đồ án, cho rằng sinh viên tạo dáng đang rất thiếu.

DH van lang thiet ke trang suc 03Ảnh trái: Bông tai họa tiết Dao Đỏ – Đồ án của Nguyễn Trọng Hậu
Ảnh phải: Trâm cài tóc lấy cảm hứng từ người H’mong – Đồ án của Lê Huỳnh Trà My. Đây là đồ án được đánh giá cao cả về hình khối thẩm mỹ và cách vận dụng nhuần nhuyễn vốn văn hóa vào thiết kế. Trà My là sinh viên duy nhất đạt điểm 9 trong 56 bạn thực hiện đồ án.

 

DH van lang thiet ke trang suc 04Nhiều đồ án cho thấy trang sức là lĩnh vực đa loại hình: có thể là Dấu niêm phong bì thư (Nguyễn Thị Thảo Phương), Mặt thắt lưng (Nguyễn Sương Thảo), Đồng hồ 2-trong-1 (Nguyễn Thế Lành). Những đồ án này cũng thể hiện khả năng sáng tạo, dám thử nghiệm của sinh viên ngành Tạo dáng.


Và tâm huyết giáo dục của thầy

Đồ án Trang sức là một trong rất nhiều đồ án thuộc chương trình đào tạo ngành Thiết kế Công nghiệp – Tạo dáng sản phẩm tại khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Văn Lang. Bên cạnh những đồ án tập trung vào sản phẩm phức tạp như Phương tiện giao thông hay Kim khí điện máy…, ngành Thiết kế Công nghiệp còn trang bị kỹ năng thiết kế những vật dụng hàng ngày như Sản phẩm nội thất, Trang sức… Thị trường việc làm đối với sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp – Tạo dáng Sản phẩm tương đối rộng, sản phẩm được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực xã hội. Riêng với ngành Thiết kế Trang sức, xu hướng phát triển ngành ngày càng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, chương trình đào tạo do đó cũng phải đi theo hướng chuyên nghiệp và bài bản.

Tuy nhiên, chương trình đào tạo chính quy bậc đại học ngành Thiết kế Trang sức ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu của người học. Đại đa số những người thiết kế trang sức có xuất phát điểm từ các khoa Mỹ thuật Công nghiệp, ngành Tạo dáng hoặc Thời trang – nghĩa là không được đào tạo chuyên biệt về trang sức. Tại khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Văn Lang, Thiết kế Trang sức mới dừng ở phạm vi một đồ án, song với mong muốn đẩy mạnh đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, khoa đã bỏ nhiều công sức chăm chút cho chương trình giảng dạy. 

DH van lang thiet ke trang suc 05Tháng 5/2013, sinh viên khóa 17 ngành Tạo dáng được tự tay làm khuôn sáp – bước đầu tiên trong quy trình gia công – tại xưởng chế tác trang sức, trường ĐH Bách Khoa. Các bạn đã hiểu phần nào sự vất vả, tỉ mỉ của người thợ, người hiện thực hóa thiết kế của mình (ảnh trái).
Ảnh phải: Bạn Nguyễn Hải Anh Thư đã chia sẻ các bước thực hiện đồ án “Bộ trang sức lấy cảm hứng từ Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra” trên facebook Yêu thích nghề đá quý và kim hoàn.

Ngoài việc đào tạo thiết kế, từ nhiều năm nay, khoa Mỹ thuật Công nghiệp đưa sinh viên đến với quá trình gia công để tạo cho các bạn ý thức về tính hợp lý, tính khả thi của ý tưởng khi phác thảo sản phẩm. Hàng năm, sinh viên được tham quan xưởng chế tác trang sức, trường ĐH Bách Khoa.

Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn được tiếp xúc với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực trang sức (SBJ, PNJ) và đưa sản phẩm trưng bày tại Triển lãm trang sức thành phố để hiểu hơn về thị trường thực tế. Tháng 2/2015, trước khi thực hiện đồ án, sinh viên K18 ngành Tạo dáng cũng được tham quan xưởng chế tác của PNJ, qua đó tìm hiểu quy trình sản xuất trong thực tế, bước đầu tiếp cận và tìm hiểu giá trị ứng dụng trong đời sống của trang sức.  

Khác với các năm trước, nhiều đồ án trang sức năm nay được giảng viên trợ giúp liên hệ với nơi gia công. Các bạn sinh viên trực tiếp tham gia vào quá trình chế tác, mặc dù chỉ quan sát và học hỏi là chính nhưng sinh viên đã được theo sát quá trình hiện thực hóa sản phẩm từ bản vẽ đến sản phẩm thật. Trong thời gian làm việc với thợ, sinh viên được nhận xét bởi chính những người làm việc hàng ngày với trang sức, được góp ý điều chỉnh những chi tiết chưa phù hợp.

Các bạn sinh viên khóa 18 ngành Tạo dáng có một trang facebook riêng để trao đổi ý kiến cùng những bậc đàn anh trong nghề trang sức, tại đây, nhiều mối quan hệ bước đầu được tạo dựng, với nhiều sự giúp đỡ – học hỏi. Và thành quả đầu tiên là sản phẩm mà các bạn đã trưng bày ngày 05/5 vừa qua. Nhiều bạn đã cẩn thận chụp lại từng bước gia công để làm tài liệu tham khảo. 

Tâm huyết của những người làm giáo dục thể hiện ở những sự chăm chút rất chi tiết, cụ thể và cả những mong muốn, dự định ở tương lai. Đánh giá về Đồ án Trang sức lần này, ThS. HS. Phan Quân Dũng – Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Văn Lang chia sẻ niềm vui và cả những trăn trở: “Dưới góc độ người nghiên cứu, tôi cho rằng sự phát triển ngành Thiết kế Trang sức nằm trong sự phát triển chung của giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế đang ngày càng tăng. Đồ án của sinh viên đã thành công, nhưng khoa Mỹ thuật Công nghiệp vẫn mong muốn đẩy sâu và mở rộng quy mô đào tạo, mở nhánh đào tạo chuyên ngành nếu được Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu cho phép. Trước mắt còn nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, tâm lý ngại ngần của sinh viên về khả năng tài chính của bản thân, đến việc xây dựng hệ thống đào tạo hoàn chỉnh. Khoa sẽ cố gắng vượt những rào cản để phát huy tiềm lực sẵn có trong quá trình đào tạo thiết kế trang sức. Khoa MTCN có nhiều giảng viên tâm huyết, gắn bó với khoa, là tiền đề rất tốt để xây dựng chương trình.”

DH van lang thiet ke trang suc 06KS. Bùi Quang Độ – Chủ tịch HĐQT, Bí thư Đảng ủy trường ĐH Văn Lang (thứ hai từ phải sang), Thầy Phan Quân Dũng – Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp (ngoài cùng bên trái), Thầy Trần Ngọc Trí, Cô Nguyễn Thị Uyên Uyên – Giảng viên khoa MTCN trao đổi về Đồ án Trang sức của sinh viên khóa 18 ngành Tạo dáng, ngày 05/5/2015

Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu cũng rất quan tâm đến chương trình đào tạo của các khoa ngành trong trường. Đối với khoa Mỹ thuật Công nghiệp, HĐQT, BGH thường xuyên tham dự các triển lãm đồ án của sinh viên. Riêng về ngành Thiết kế Trang sức, HĐQT và BGH cũng cho rằng sự phát triển ngành Thiết kế Trang sức là một xu hướng của xã hội, đồng thời đánh giá cao tiềm lực con người trong quá trình đào tạo.

Thiết kế Trang sức vốn là một công việc có đối tượng tham gia rộng. Người thiết kế trang sức không nhất định phải là giới trẻ, miễn là người đó đam mê trang sức và có khả năng nghề nghiệp. Trang sức cũng có nhiều loại hình, như nữ trang, trang sức dành cho nam, trang sức đi kèm trang phục…; đa dạng về chất liệu ứng dụng, không chỉ giới hạn ở các loại đá quý, ngọc trai mà còn có thể là gỗ, đá hóa thạch… Tại các nước như Nhật, Ý, Hàn Quốc… thiết kế trang sức phát triển mạnh và có hệ thống đào tạo rất bài bản. Nhu cầu trang sức tại Việt Nam cũng đang trên đà tăng mạnh. Hy vọng rằng trong tương lai gần, Nhà trường và khoa Mỹ thuật Công nghiệp sẽ phát triển ngành học này, tăng cường hơn nữa mức độ phù hợp giữa chương trình đào tạo và nhu cầu thực tế của xã hội.

Bảo Linh
Ảnh: Lê Đào Duy

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan