Triển lãm đồ án nghiên cứu vốn cổ dân tộc: Bình phong ở Huế

(TT. Thông tin – Văn Lang, 16/9/2015) – Từ ngày 10 đến ngày 12/9/2015, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang tổ chức chấm và triển lãm đồ án môn học Nghiên cứu vốn cổ dân tộc của sinh viên năm ba, ngành Thiết kế Đồ họa tại họa thất lầu 7, Cơ sở 2 của Trường.

DH van lang nghien cuu von co binh phong hue 01Với các ngành Mỹ thuật Công nghiệp, triển lãm là hình thức đào tạo đặc trưng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả hình thức này thì cần có sự đầu tư công sức, vật chất xứng đáng.
(ảnh trái: Ông Bùi Quang Độ – Chủ tịch HĐQT, ThS. HS. Phan Quân Dũng – Trưởng khoa MTCN và ThS. Nguyễn Đắc Thái – Phó Trưởng khoa MTCN – tham quan triển lãm)

Từ những nỗ lực ban đầu của Trường để đồ án tốt nghiệp của sinh viên được kết nối với doanh nghiệp thông qua triển lãm, đến nay, nhiều đồ án môn học (lịch, gốm, trang sức, thời trang dân tộc,…) và cả tác phẩm sáng tác của sinh viên dần được giới thiệu rộng rãi hơn. Nền tảng cho những bước tiến đó là ý thức nghiên cứu – học tập – ứng dụng và niềm đam mê, sự sáng tạo của sinh viên.


Môn học lắm công phu

Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang chú trọng đến văn hóa truyền thống trong quá trình đào tạo vì đó là yếu tố khơi gợi ý tưởng sáng tạo phong phú, khác biệt của những sản phẩm đồ họa Việt. Công nghệ đồ họa, các thể loại sản phẩm đồ họa là vốn chung nhân loại. Chính hình ảnh cuộc sống, hình tượng nghệ thuật và nét tính cách, tâm hồn đặc trưng của mỗi vùng miền sẽ mang lại tính sáng tạo độc đáo cho tác phẩm đồ họa của các nhà thiết kế thông qua bộ lọc cá nhân. Đây cũng là sợi dây nối liền giữa mỹ thuật truyền thống và mỹ thuật ứng dụng hiện đại.

Nghiên cứu vốn cổ dân tộc là một trong những môn học liên quan đến văn hóa truyền thống, được tổ chức giảng dạy cho sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa của Trường vào giai đoạn hè, chuyển tiếp từ năm hai sang năm ba. Bản đồ thực địa di chỉ mà thầy trò Văn Lang đã đi trong những năm qua để nghiên cứu, ghi chép mỹ thuật truyền thống tập trung ở vùng Tây Nguyên, vùng Nam bộ và năm nay, dịch chuyển đến vùng Bắc Trung bộ (Huế). Một tháng triển khai môn học, hành trình của thầy và trò đầy ắp những trải nghiệm nghề nghiệp đáng quý.

Trước chuyến đi, các nhóm sinh viên (4 – 6 sinh viên/nhóm) đã tích cực tìm hiểu thông tin, tạo lập dữ liệu tham khảo về ý nghĩa văn hóa của các tác phẩm, công trình nghệ thuật tại Huế.

Sau đó, thầy trò lên đường ra Huế thực địa, tận mắt thấy, tận tay sờ và tận tai nghe các nhà nghiên cứu, nghệ nhân ở Huế giới thiệu về vẻ đẹp của các tác phẩm mỹ thuật truyền thống tại đây. Sinh viên có cái nhìn sống động, kiểm chứng thực tế lý thuyết đã học và có thêm hứng thú sáng tác. Kinh nghiệm từ trải nghiệm bao giờ cũng có sức sống lâu bền hơn.

Họa tiết trên lăng tẩm ở Huế, đặc biêt là các bình phong, được sinh viên nghiên cứu về mặt ý nghĩa hình tượng; chụp ảnh, chép lại bằng cách tả thực (màu nước, chấm trame).

Không chỉ dừng lại ở đó, sinh viên còn được yêu cầu cách điệu nét, cách điệu mảng, cách điệu vector và vận dụng vào thiết kế sản phẩm.

DH van lang nghien cuu von co binh phong hue 02Vượt qua quãng đường xa đến Huế, một tuần rong ruổi đi, miệt mài vẽ không chỉ mang lại cho các bạn trải nghiệm thực tế về ngành nghề mà còn lưu lại những kỷ niệm thầy trò đẹp đẽ.
(ảnh: thầy trò khoa Mỹ thuật Công nghiệp tại cung Trường Sanh, Huế)

Đi đến cùng hành trình sáng tạo của một họa sĩ thiết kế đồ họa, các bạn có cảm nhận sâu sắc hơn về công việc mình sẽ gắn bó trong những năm tháng tới. Những bước đi ấy được ghi nhận qua hệ thống bảng vẽ công phu của nhóm và của cá nhân. 

DH van lang nghien cuu von co binh phong hue 03

Rồi sẽ có những hành trình kế tiếp, rồi sẽ có nhiều công việc cần phải làm, rồi sẽ có những bản vẽ mới, những sản phẩm mới – lúc đó nhìn lại để thấy bước bắt đầu này là ý nghĩa bởi trước khi có thể chạy trên đôi chân của mình, những đứa trẻ đã có lúc được ai đó nắm tay dắt đi, đã có lúc chập chững tự bước.


Học và làm

DH van lang nghien cuu von co binh phong hue 04

 

 

Không gian triển lãm được tổ chức công phu. Mỗi góc nhỏ đều có bàn tay chăm chút để những người trẻ hiện đại phương Nam khi bước vào không gian ấy vẫn cảm thấy thân quen, yêu mến màu sắc, đường nét hoa văn triều Nguyễn trên đất Huế.

 

 

 

DH van lang nghien cuu von co binh phong hue 05

 

 

Nhóm sinh viên năm hai trầm trồ trước những bản vẽ chấm trame hoạ tiết khổ A0; đẹp từ sự tỉ mẩn, chi tiết và sự dụng công của cả tập thể. Rồi các bạn cũng sẽ được học, được làm nên những tác phẩm giá trị như thế. Chính sản phẩm của các đàn anh, đàn chị củng cố cho giấc mơ và niềm tin về khả năng hiện thực hóa giấc mơ nghề nghiệp cho các bạn.

 

 

Những vật dụng đặt để trong không gian này cũng khẳng định thêm cho mục tiêu và phương pháp đào tạo của ngành học. Các bạn bước vào giảng đường Văn Lang và nghĩ “học để làm”; từ giảng đường này, thầy cô dẫn các bạn đến lò gốm, xưởng may, xưởng chế tác, nhà in,… nhằm giúp các bạn “làm để học”. Tinh thần ấy sẽ theo các bạn trong suốt chặng đường sau này: học tập suốt đời vì dừng lại nghĩa là đi lui và cuộc sống là trường học lớn nhất.

Giá trị của đồ họa ứng dụng – vẻ đẹp mỹ thuật và tính tiện ích, kinh tế – là đây:

DH van lang nghien cuu von co binh phong hue 06Hộp bánh trung thu màu sắc sang trọng, họa tiết uyển chuyển, kiểu dáng độc đáo (ánh đầu, trái). Bộ ấm trà họa tiết rồng cầu kỳ, độc đáo nổi bật (ảnh giữa). Đèn điện trang trí có hình dáng đèn kéo quân với họa tiết cung đình tinh tế (ảnh phải)
DH van lang nghien cuu von co binh phong hue 07Lọ thủy tinh vẽ màu trang trí kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật hiện đại và họa tiết tứ linh truyền thống (ảnh trái). Hệ thống quà Tết (hộp mứt – túi trà – bao lì xì – thiệp) phong cách trang nhã (ảnh giữa). Trang phục áo dài cách điệu, được nhấn nhá bằng các nét, mảng long – vân, hoa – điểu cách điệu


Nếu các bạn đủ tự tin, có khả năng giao tiếp và kỹ năng đàm phán, sẽ đến lúc tự các bạn mang sản phẩm của mình chào hàng tại các doanh nghiệp, tổ chức. Cứ nghĩ tương lai đó xa lắm mới đi tới nhưng hôm nay có vẻ như đã khá gần.

Cuộc đối thoại xưa – nay trong chương trình đào tạo ngành Thiết kế Đồ họa, Văn Lang trước tiên hướng đến việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống; sau nữa là hiện thực hóa mong muốn cung cấp cho thị trường nhân lực những họa sĩ đồ họa bản lĩnh, có tinh thần sáng tạo và định hướng thẩm mỹ cho người dùng, không biến mình thành khuôn rập theo thị hiếu dễ dãi của thị trường.

Những điều lớn lao đó bắt đầu gom tụ từ những không gian triển lãm môn học thế này thôi: sinh viên biết, hiểu và vận dụng sáng tạo vẻ đẹp hoa văn, đường nét, linh hồn các họa tiết cổ quý giá của dân tộc vào sản phẩm công nghiệp hiện đại.

Minh An

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan