Triển lãm đồ án sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp năm 2012: “Design là phải luôn luôn mở rộng…”

(TT. Thông tin – Văn Lang 11/6/2012) – Ngày 8/6/2012, 14 sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp đã bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp, trong đó có 4 đồ án đạt điểm giỏi.

image001

Sinh viên Nguyễn Huỳnh Anh Thư với đồ án Thiết kế thiết bị chơi dành cho trẻ mẫu giáo tại buổi bảo vệ đồ án, 8/6/2012

Sản phẩm: tính ứng dụng cao, tích hợp nhiều công năng

14 đồ án ngành Thiết kế Công nghiệp được bảo vệ năm nay khá đa dạng về đề tài, từ đồ dùng trang trí không gian nội thất đến sản phẩm gia dụng, sản phẩm đồ chơi cho trẻ em… Mỗi đồ án đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của đời sống hàng ngày, kết hợp với ý tưởng thiết kế mới mẻ, giàu sáng tạo của người thực hiện. Đồ án ghế tựa thư giãn của sinh viên

Phạm Ngọc Điệp lấy ý tưởng từ hình tượng những chiếc lá tươi mát và nhẹ nhàng; bộ bàn ghế mang âm hưởng Zen của Nguyễn Thị Tuyết Hạnh lấy phong cách Thiền làm cảm hứng thiết kế, nhưng có sự cách điệu cho phù hợp với văn hóa và thói quen sử dụng của người Việt Nam; bộ bàn ghế chữ dành cho trẻ mẫu giáo của Nguyễn Thị Diệu Thảo được sáng tạo từ bộ chữ cái với những hình thù ngộ nghĩnh, màu sắc trong sáng giúp trẻ làm quen mặt chữ, chơi mà học một cách tự nguyện; bộ đồ chơi trẻ em bằng gỗ của Lê Mai Thanh thực hiện từ cảm nhận về hình dạng tổ ong và vòng đời sinh học của con ong; đồ án Loa nghe nhạc di động SZ1 của Trần Quốc Việt dựa trên hình ảnh UFO – vật thể bay ngoài không gian với ý tưởng: âm nhạc của nền văn minh trái đất. Cùng chọn thực hiện về đèn trang trí, nhưng Trần Hồng Diệu hứng thú với hình ảnh những chiếc nan quạt giấy; Lê Thị Diễm Hằng khởi đi từ hình tượng cây xương rồng; còn Trần Xuân Lộc lại chọn biểu tượng con hạc trên trống đồng Đông Sơn…

Tập trung vào khả năng ứng dụng, hầu hết các đồ án đi sâu phát triển tính đa năng của sản phẩm, hạn chế tối đa những đề tài bay bổng, những mẫu mã hoành tráng, vượt tầm. Mỗi sản phẩm có sự tích hợp nhiều công năng khác nhau, hướng đến sự tiện lợi và hiệu quả cho người sử dụng.

image003

Đồ án giường tích hợp cho trẻ từ 6-8 tuổi của Lê Thị Kiều Trang là một sản phẩm độc đáo cho những gia đình nhỏ, tiết kiệm diện tích căn phòng.

Trẻ có thể vừa ngủ, vừa chơi, vừa học ngay tại giường một cách thoải mái. Kiểu dáng thiết kế gọn gàng, sáng sủa phù hợp với tâm lý trẻ em.

image005

 

Bộ bàn ăn linh động của Nguyễn Hương Trà có thể thay đổi kích cỡ và kiểu dáng phù hợp với thói quen, văn hóa, không gian và nhu cầu sử dụng của từng hộ gia đình.

image007

Bàn trang điểm kết hợp làm việc của Huỳnh Thị Phụng có công dụng chính là để làm đẹp, đồng thời có thể sử dụng để làm việc, đặc biệt là khả năng tùy chỉnh độ nghiêng của bàn còn phù hợp cho việc…vẽ thiết kế.

image009

Thiết bị sân chơi trong nhà dành cho trẻ mầm non của sinh viên Nguyễn Huỳnh Anh Thư là đồ án đạt điểm cao nhất trong đợt bảo vệ năm nay: 8,3 điểm. Thiết kế sử dụng những hình ảnh cầu vồng, hình người, miếng phomat, hình ảnh từ thiên nhiên như mặt trời, mặt trăng, con cá… rất gần gũi với trẻ em, tích hợp nhiều trò chơi trong một bộ sản phẩm gồm 9 thiết bị, từ thiết bị chơi mang tính vận động (cầu tuột, bập bênh lớn, thiết bị leo trèo, bập bênh đôi…) đến thiết bị giáo dục (tập đếm, phân biệt ngày đêm, trò chơi mê cung xoắn ốc…) và thiết bị đa năng (bập bênh, ống lăn tròn, ống chui…). Đồ án được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, tính ứng dụng thực tế, kỹ thuật thể hiện và đặc biệt là về ý tưởng sáng tạo để có một kịch bản trò chơi phong phú, đa dạng, tạo sự tò mò thích thú cho trẻ.

Những “bài giảng cuối cùng”Từ lúc lên ý tưởng cho đến khâu hoàn thiện, các sản phẩm đồ án còn mắc phải những lỗi khó tránh, có khi phải đập đi làm lại, có khi phải thay đổi ý tưởng ban đầu vì sự khác biệt giữa ý tưởng thiết kế và thực tế sản xuất, có khi vì chưa đủ kinh nghiệm sản xuất nên sản phẩm mang những đặc điểm không như mong muốn… Tất cả ý kiến đánh giá, nhận xét của hội đồng chính là những đóng góp quý báu giúp sinh viên hoàn thiện đồ án của mình. Đó cũng là những bài giảng cuối cùng, đắt giá nhất trong suốt thời gian các bạn ngồi trên ghế giảng đường, vì mỗi lời giảng đều gắn liền với một sự trải nghiệm, và luôn có giá trị cho mỗi trải nghiệm tiếp theo.

Có thể kể ra những góp ý về bản vẽ chi tiết, bản vẽ nhân trắc; sự phù hợp của chất liệu sản phẩm; sự tương đồng giữa bản vẽ với thực tế thi công; tính đồng bộ giữa các sản phẩm trong hệ thống; đặc trưng văn hóa, thói quen của đối tượng sử dụng; sự đề cao tính an toàn đối với trẻ em và tâm lý trẻ em khi thiết kế những sản phẩm lấy trẻ em làm đối tượng sử dụng… Nếu tham dự đầy đủ buổi bảo vệ hôm ấy, có lẽ sẽ không ít người thắc mắc tại sao trong đồ án này hội đồng phê bình về tính thiếu đồng bộ của hệ thống sản phẩm, nhưng với đồ án kia đã đảm bảo được tính hệ thống thì lại bị đánh giá là còn các sản phẩm còn đơn điệu, chưa phong phú. Có những khán giả “xì xào” rằng hình như hội đồng thích… làm khó sinh viên, tuy nhiên chính những câu hỏi càng gai góc lại càng quý giá. Đó là cơ hội để các bạn thể hiện khả năng bảo vệ và thuyết phục của mình – những điều không thể thiếu của một người làm thiết kế. Và một khi đã trở thành họa sĩ thiết kế thực thụ, chắc hẳn các bạn phải làm vừa lòng những khách hàng khó tính, và trả lời được những câu hỏi gai góc hơn rất nhiều.

image011

Nguyễn Thị Tuyết Hạnh là một trong những sinh viên để lại ấn tượng thú vị về các câu trả lời thông minh. Bộ bàn ghế mang âm hưởng Zen của Hạnh được thiết kế có sự đồng bộ ở con số 3: 3 chiếc ghế, ghế và bàn có 3 chân, mặt bàn được phân thành 3 phần… nhưng hộc bàn lại được chia thành 2 ngăn để đựng được cả những vật dụng có kích thước lớn, cồng kềnh. Khi hội đồng đặt vấn đề về sự thiếu đồng bộ này, Hạnh trả lời rất nhanh nhẹn: “Khi nhấn mạnh công năng thì sẽ hạn chế thẩm mỹ. Khi đề cao thẩm mỹ thì sẽ làm giảm công năng. Với cái hộc bàn để đựng vật dụng thì em nhấn mạnh đến công năng hơn là thẩm mỹ”.

Đồ án của Hạnh đạt 8,0 điểm.

Thiên về tính ứng dụng hơn là sáng tạo bứt phá 

Buổi bảo vệ đã thành công với tư cách là kết thúc một chặng đường, các bạn đã tạo ra được những sản phẩm có tính ứng dụng cao, có thể sản xuất ngay trên thực tế để phục vụ cuộc sống. Và theo đó, 14 sinh viên này đã có thể tự tin để “nhập cuộc” với công việc thiết kế thực thụ, cống hiến cho xã hội những ý tưởng và khả năng, kỹ thuật thiết kế của mình.

Tuy nhiên, từ những đòi hỏi khắt khe về tính chuyên môn đối với một chuyên gia thiết kế, thầy Nguyễn Văn Hảo – Ủy viên Hội đồng chấm đồ án chưa thực sự hài lòng với những kết quả đã đạt. Thầy cho rằng mỗi đồ án đều có một sự đóng góp nhất định về ý tưởng, thiết kế và khả năng sử dụng, nhưng: “Nhìn chung, tôi không đánh giá cao toàn bộ đồ án năm nay, vì về mặt chuyên môn, các đồ án năm nay không bằng những năm trước. Các bạn chưa nỗ lực hết mình. Các bạn thiên về sự an toàn hơn là có những sáng tạo bứt phá trong đồ án của mình, tôi nghĩ các bạn cần phải đóng góp cao hơn về tính học thuật…”.

image013

image015

Những góp từ từ hội đồng không chỉ giúp các bạn hoàn thiện đồ án tốt nghiệp, mà còn có giá trị vô cùng quan trọng cho mỗi bước đi tiếp theo, trên con đường thiết kế.

Khi được hỏi về nguyên nhân, thầy Hảo cho rằng: “Thật khó để đưa ra một nguyên nhân chính xác. Nhưng tôi cho rằng một trong những lý do ảnh hưởng lớn đến kết quả này là do khóa 14 ngành Thiết kế Công nghiệp ít giao lưu với các khóa trước, ít học hỏi kinh nghiệm, do đó không tiếp nối được những chặng đường mà các anh chị đi trước đã thực hiện. Trong khi đó, giao lưu là một yêu cầu cần thiết đối với người làm design. Design là phải luôn luôn mở rộng, để học hỏi, và để làm việc…”.

Có lẽ điều thầy Nguyễn Văn Hảo nói chính là thêm một nhận xét có phần khắt khe nữa của hội đồng dành cho các bạn sinh viên, để các bạn trở nên hoàn thiện hơn, không chỉ ở đồ án tốt nghiệp năm nay, mà ở trong mỗi sản phẩm thiết kế tiếp theo khi đã thực sự gắn bó và sống bằng nghề thiết kế. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm quý báu dành cho sinh viên khóa 15, 16 và các khóa sau nữa, để tiếp nối được kết quả của các anh chị đi trước.

“Design là phải luôn luôn mở rộng…”. Mừng cho các bạn sinh viên đã hoàn tất đồ án tốt nghiệp và được công nhận về khả năng design của mình, và chúc các bạn mở rộng được tài năng của mình trong những chặng đường sắp đến, ở thực tế cuộc sống.

Xuân Dung

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan