Trưởng thành hơn qua THỰC TẬP

(TT. Thông tin – Văn Lang, 26/5/2015) – Một số SV từng nghĩ rằng thực tập chỉ là một cách “kéo điểm”, chưa phải là cơ hội học hỏi kinh nghiệm vì chắc chẳng ai giao cho mình nhiệm vụ quan trọng. Không phải như thế. Tháng 5 này, SV năm cuối các ngành của Trường ĐH Văn Lang vừa hoàn thành kỳ thực tập. Họ đã trải qua một khoảng thời gian ngắn nhưng ý nghĩa trong quãng đường đại học.


Lựa chọn một môi trường làm việc khác biệt và chuyên nghiệp
 


Huỳnh Thị Thanh Thủy, ngành Ngôn ngữ Anh

DH van lang truong thanh hon qua thuc tap 01

Thực tập là khoảng thời gian em lĩnh hội rất nhiều điều. Là SV ngành Ngôn ngữ Anh nhưng em chọn thử sức ở một lĩnh vực khác. Em đến với Renaissance Riverside Hotel Saigon, một khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế, ở ngay trung tâm thành phố. Xin thực tập ở đó chẳng phải dễ dàng gì. Phần lớn khách hàng đến từ nhiều nơi trên thế giới nên tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu. Qua 3 vòng phỏng vấn – những cuộc phỏng vấn đầu tiên trong đời, em hạnh phúc tột cùng khi nhận được email trúng tuyển thực tập tại bộ phận B & F (Beverage and Food) của khách sạn.

Những ngày đầu em choáng ngợp trước lượng từ vựng chuyên ngành, tác phong làm việc và số lượng khách quốc tế nhiều đến vậy. Em có cơ hội áp dụng tiếng Anh vào công việc, còn được vận dụng những kiến thức nghiệp vụ lý thuyết vào thực tiễn. Môi trường làm việc thực tế khắc nghiệt hơn em tưởng tượng rất nhiều. Vì học kỳ cuối, chúng em vẫn phải tiếp tục việc học ở trường vào buổi sáng và thực tập vào buổi chiều, đôi khi em thấy rất ngợp. Có những ngày gần 11h khuya em mới về và 7h sáng bắt đầu học ở trường. Thời điểm đó thiếu nhân sự nên khối lượng công việc rất nhiều, yêu cầu thao tác nhanh và chuẩn xác. Sau 2 tuần, em mới thích nghi với “guồng” việc như thế. 

Giờ nghĩ lại, 2 tháng thực tập trôi qua quá nhanh. Nếu có lựa chọn lại, em vẫn sẽ chọn môi trường làm việc chuyên nghiệp như thế để học hỏi và trải nghiệm. Em trở nên tự tin, dạn dĩ hơn trước rất nhiều, và có thêm kiến thức nhất định về lĩnh vực nhà hàng. Em thấy mình chững chạc hơn trong suy nghĩ, tự sắp xếp công việc và đưa ra quyết định. Có lẽ, kết quả lớn nhất mà em nhận được, đó là sau khi kết thúc quá trình thực tập em vẫn có thể tiếp tục làm việc tại đây. Em xem đó là thành công bước đầu của mình.

 

Nhu cầu tuyển thực tập dường như bao giờ cũng có 
  


Lê Thị Hồng Diễm, ngành PR

DH van lang truong thanh hon qua thuc tap 02Em đã thực tập ở báo điện tử VnExpress phía Nam. Cũng mất mấy năm làm CTV ở nhiều nơi em mới thấy mình phù hợp với nơi này, quá trình đọc báo lâu dài cũng cho em thấy tư duy đề tài và cách viết phù hợp với khả năng của em. VnEpress không có nhu cầu tuyển thực tập vào đợt trước Tết, nhưng em quyết tìm hiểu thông tin, chủ động làm hồ sơ, trực tiếp đến phòng nhân sự nộp và trình bày nguyên vọng của mình. Em thấy thực ra SV tự tìm đơn vị thực tập cũng có cái hay riêng, quan trọng là SV chủ động và thể hiện được khả năng.

Đam mê nghề nên em thấy rất thích thú, mỗi trải nghiệm với từng bài viết được đăng em đều tâm đắc, lấy nó làm động lực, kinh nghiệm cho mình. Một số lỗi biên tập được Tòa soạn chỉnh sửa thì em cố gắng hoàn thiện hơn cho lần sau. Những công việc em làm trong kỳ thực tập giống với những gì sau này ra trường sẽ làm nên mỗi ngày trôi qua đều vun đắp kinh nghiệm cho bản thân.

Ảnh: Bài báo của Hồng Diễm đăng trên báo điện tử VnExpress, viết về Hội thi công đoàn Văn Lang (3/2015)

Riêng năm nay thời gian thực tập cho SV PR không phù hợp lắm: trước Tết nửa tháng, sau Tết 2,5 tháng, rất khó xin thực tập. Em mong thầy cô năm sau sẽ thương SV mà sắp xếp thời gian hợp lý hơn. Nếu đi thực tập, các bạn nên nghiên cứu kỹ, nên xin vào nơi mình sẽ được làm công việc mình yêu thích, được thực tập thì nghiêm túc, cố gắng hết mình để có mối quan hệ tốt, được đánh giá cao. Nhu cầu tuyển dụng thì dường như bao giờ cũng có.

Theo định hướng sư phạm, nhưng thế nào? 
  


Nguyễn Thanh Minh, ngành Ngôn ngữ Anh

Tôi học Ngôn ngữ Anh theo định hướng sư phạm, vì vậy được đi thực tập một tháng tại Trường THCS Phạm Đình Hổ, Quận 6 – Tp.HCM. Chúng tôi được giao đứng lớp giảng dạy từ khối 6 đến khối 9, theo phân công của trường. Tôi dạy môn tiếng Anh lớp 6 và 8. Mỗi lớp học có đặc điểm riêng và yêu cầu đối với giáo viên cũng khác. Những gì tôi được học trên giảng đường về soạn giáo án chỉ là một loại, còn ở từng trường, mẫu và yêu cầu sẽ khác, phải tìm hiểu mới làm được. Tôi hiểu ra một điều quan trọng: làm giáo viên phải tùy cơ ứng biến, luật lệ là bất biết nhưng con người là  sống. Có thể tôi may mắn khi đang làm thêm tại một trung tâm Anh ngữ nên nắm bắt tâm lý học sinh khá dễ dàng. Cái khó là xây dựng bài giảng vừa vặn “chương trình khung” vừa phải sáng tạo, hứng thú. Tôi đã lồng ghép nhân vật hoạt hình, rồi các bài hát mà học sinh lứa tuổi này ưa thích, tiết dạy đã được đánh giá cao. Thời gian ngắn ngủi nhưng khối lượng công việc nhiều, có lúc kiệt sức nhưng không ai bỏ cuộc. Động lực này không chỉ vì điểm số mà còn do các em học sinh. Tới tận bây giờ khi chính mình trải nghiệm, tôi mới hiểu nguyên nhân khiến nhiều giáo viên tâm huyết không bỏ nghề. Khi đứng trên bục giảng, nhìn gương mặt các em chăm chú, sự lễ phép thăm hỏi, những chia sẻ ngây ngô…, bạn cảm thấy đột nhiên mọi thứ đẹp thế. Ở gần các em, bản thân tôi cũng thấy đầy năng lượng.

Nói như thế không có nghĩa là đợt thực tập trôi qua êm đẹp, mọi thứ đều có hai mặt. Khi học trong trường, mọi thứ về nghề giáo thật sự cao quý, nhưng tôi đã chứng kiến những mâu thuẫn. Tôi cố gắng không phạm sai lầm. Thực tập cho tôi thấy nhiều điều mà mình chẳng bao giờ biết nếu không va chạm thực tế. Và hơn hết, nó giúp tôi cân nhắc lựa chọn nghề nghiệp sau này. Giáo viên là một nghề quý, nhưng trách nhiệm và đòi hỏi rất cao, phải thật sự dũng cảm và có tâm. Việc cân nhắc xem một nghề nào đó phù hợp với bản thân hay không cũng là một khó khăn. Và thực tập là một cơ hội tuyệt vời để kiểm chứng.

DH van lang truong thanh hon qua thuc tap 03Thanh Minh và học sinh Trường THCS Phạm Đình Hổ (Q.6, Tp.HCM).


Đi thực tập để thấy mình có phương hướng hơn 
 


Trương Vũ Phương Trang, ngành Kế toán

Hiện tại, em đang thực tập tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh 8/3, vị trí chuyên viên tư vấn, thực tập trong 2 tháng, đến 31/5 này sẽ kết thúc. Để trở thành thực tập viên của Sacombank, ứng viên phải nộp đơn theo quy định, được kiểm tra IQ, tiếng Anh, kiến thức nghiệp vụ và luật kinh tế cơ bản…; rồi phỏng vấn, rồi tham gia khoá training khoảng 1 tháng. Em được làm việc như một nhân viên thật sự dưới sự hướng dẫn và giám sát. 

Điều quan trọng nhất mà em nhận được sau khoá thực tập tại Sacombank chính là được trải nghiệm môi trường làm việc năng động, cho em cái nhìn tổng quan và thiết thực về ngành học mà mình đã chọn. Công việc hàng ngày của em là chấm chứng từ, mở mã khách hàng, mở tài khoản, nhập thẻ, đăng kí dịch vụ di kèm cho khách như smsbanking hay internetbanking, trả lời các thắc mắc về kì hạn lãi suất hiện hành, thể lệ chương trình khuyến mãi, thủ tục các nghiệp vụ cơ bản; photo, đóng dấu chứng từ, in sổ phụ, lưu phơ hồ sơ em cũng làm. Vị trí chuyên viên tư vấn có thể chưa yêu cầu em vận dụng 100% kiến thức đã học nhưng đòi hỏi em tiếp thu những cái mới từ thực tế công việc. Học không chưa đủ, làm thực thì mình mới biết. Ngoài ra còn có kinh nghiệm sống, làm việc nhóm, các kĩ năng giao tiếp, làm trong một tổ chức đòi hỏi mình phải hoà nhập, hạ thấp cái tôi để hướng đến thành công chung của tập thể. Thực tập ở đây em cũng có lương nữa, không nhiều đâu, nhưng hơn rất nhiều so với việc chạy xe hàng ngày đến Ngân hàng mà ngồi chẳng làm gì. Đổi lại, áp lực cũng lớn hơn. 

DH van lang truong thanh hon qua thuc tap 04Đại diện Ngân hàng Sacombank hướng dẫn SV Kế toán trong một giờ mô phỏng phỏng vấn xin việc (3/2014)Sau 3 tháng, em tâm đắc nhất là trải nghiệm về ngành Ngân hàng đã giúp em xác định mục tiêu nghề nghiệp tương lai rõ ràng hơn. Lớp em đa số không đi thực tập vì chỉ cần học 4 môn mô phỏng trong chương trình là ổn, chỉ SV viết khoá luận mới đi thực tập. Mối quan hệ của em với chi nhánh cũng tốt, nhưng em sẽ không ở lại dù đạt tiêu chuẩn. Em xác định mình không hợp với khối vận hành của ngành Ngân hàng, vì chưa đòi hỏi em chuyên môn cao, mục tiêu nghề nghiệp và lộ trình thăng tiến cũng chưa rõ ràng. Em thích tiếng Anh lắm, nhất là giao tiếp, nên em đã xin vào các công ty kiểm toán đa quốc gia, trong thời gian đại học em cũng được tài trợ học bổng học ACCA rồi. 

Thực tập rất hữu ích cho SV năm cuối. Như em đi thực tập rồi mới thấy mình cần nên làm gì tiếp theo, có phương hướng hơn. Dù thực tập vị trí nào, công ty gì, ngành nghề gì thì kinh nghiệm là một trong những yếu tố đầu tiên SV nhận được, mà SV tụi em bây giờ còn thiếu nhiều lắm, thiếu cả mục tiêu nữa. Đi một ngày đàng học một sàng khôn mà!

 

Bước vào môi trường Agency khắc nghiệt    


Hồ Thị Kiều Quý, ngành PR

DH van lang truong thanh hon qua thuc tap 05Kiều Quý tham gia sự kiện quảng bá thương hiệu do Công ty tổ chức.Em đã và đang thực tập tại Công ty truyền thông quảng cáo B.M.C (Brandmaker), thuộc tập đoàn The Purpose Group. Trước đây em làm freelancer cho dự án “Giữ lửa Tết – Tết trọn từng giây” của Suntory Pepsi do công ty B.M.C phụ trách, nên sau đó được giữ lại thực tập. Thật may mắn thời gian đó trùng với lịch thực tập của trường. Em làm Content writer, thuộc Content Team, viết bài PR cho các chiến dịch của các nhãn hàng Pepsi, Samsung, CC Lemon, Vinasoy… Trình tự công việc diễn ra theo quy trình quen thuộc và bắt buộc: tiếp nhận yêu cầu khách hàng và kế hoạch chi tiết; đưa ra ý tưởng, xây dựng content outline; viết bài PR; sửa bài theo yêu cầu khách hàng; báo cáo… Làm việc trực tiếp trong môi trường Agency khắc nghiệt đòi hỏi năng lực chuyên môn. Có thể nói là một bước ngoặt hướng về tương lai, em hiểu hơn về ngành nghề của mình, từ đó trách nhiệm hơn và làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc hơn.

Em hài lòng và cảm kích với chế độ đãi ngộ của công ty, mặc dù chỉ là SV thực tập nhưng em được đối xử cực kì tốt: có lương thực tập, được training bài bản, được tham gia ngày hội vui chơi, giao lưu với SV thực tập ở các công ty cùng chung tập đoàn. Ở đây còn luôn ngập tràn đồ ăn nữa! Chỉ thỉnh thoảng em mới cảm thấy làm trong môi trường Agency (PR) như làm dâu trăm họ, thường xuyên không được theo ý mình.

Em nghĩ, khi thực tập, đầu tiên phải tìm hiểu rõ lĩnh vực hoạt động của đơn vị thực tập; thứ hai là thái độ làm việc phải cầu tiến, biết lắng nghe, biết sửa đổi.; thứ ba là kĩ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp và khách hàng; thứ tư là kĩ năng làm việc nhóm; thứ năm là tính chủ động, linh hoạt trong công việc; cuối cùng là phải biết học hỏi, chấp nhận cái sai của mình, tin tưởng vào khả năng của những người đi trước.  

Hiện nay em đang chuẩn bị xin chuyển bộ phận từ Content team sang Account team để thử sức, tất nhiên vẫn là vị trí thực tập. Sau khi thực tập hai tháng tại một Agency chuyên về mảng PR cho doanh nghiệp, em nhận ra kiến thức PR mình học ở trường còn khá hạn chế. Khi đi học, em chưa biết rõ về Phương pháp lên một chiến dịch PR cho doanh nghiệp trong thời đại truyền thông; về Social, Digital Marketing; Copywriter, Creative… Người làm PR là một hình ảnh khá chung chung, nhiều SV sau khi ra trường thường không biết mình phải làm gì. Làm Agency là mảnh đất triển vọng cho SV PR. Nhưng các môn học ở trường thường chưa chuyên sâu vào dạng công ty thực hiện chiến dịch PR/quảng cáo, SV ra trường thường lúng túng và không tự tin. Ngoài ra em nghĩ nên có lớp Anh văn chuyên ngành PR, truyền thông, vì giáo trình, thông tin về chuyên ngành PR truyền thông ở Việt Nam vẫn hiếm, cần đọc tài liệu nước ngoài. Nếu có một lớp học như vậy và tạo ra các câu lạc bộ dịch thuật đem lại kiến thức thật sự có ích thì rất tuyệt vời.

Một tháng rong ruổi với chất thải rắn  


Trần Thị Huyền Trang, ngành Công nghệ & Kỹ thuật Môi trường

Chúng em nhận đề tài thực tập từ cuối tháng 10, mỗi đề tài 2 người, rồi rong ruổi trên từng con đường quốc lộ, đường liên tỉnh Sài Gòn – Bình Dương, Cần Giờ, hay nội thành Sài Gòn Q.6, Q.1, Q.11, để nộp giấy giới thiệu, xin tài liệu làm báo cáo thực tập. 

Em và bạn đồng hành chỉ có thời gian thực tập ngắn ngủi chưa tròn 1 tháng tại Khu liên hợp xử lý Chất thải rắn Nam Bình Dương. Một tuần 3 – 4 ngày, cứ thế đều đặn, sáng đi học trên trường và chiều đi thực tập. Mỗi ngày, chúng em chạy xe hơn 50 km tới gần cuối Bình Dương và rồi chiều tà quay về thành phố. Nắng nôi, đường xa, 2 đứa con gái. Nhiều lúc nói với nhau: “Chắc ngành môi trường học vất vả nhất!” 

DH van lang truong thanh hon qua thuc tap 06Không gian làm việc của SV Môi trường rất khác biệt: trong phòng thí nghiệm, trên những bãi rác khổng lồ, những khu xử lý chất thải độc hại…Ngành môi trường thuộc ngành học độc hại và cứ nhắc đến môi trường thì nghĩ ngay đến rác. Lần thực tập này em được tiếp xúc nhiều hơn với tất cả các loại chất thải: chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế…, với đầy đủ mùi đặc trưng của chất thải. Em còn được tìm hiểu kĩ hơn về công nghệ, quy trình xử lý chất thải hằng ngày. Không thể tự tay làm công việc như một công nhân phân loại chất thải, không thể điều khiển hệ thống lò đốt, không được tự tay làm ra viên gạch từ tro… nhưng em đã có khoảng thời gian sát sao nhất ở nơi đây. 

Cả quá trình đi thực tập nắng oi ả, đầy mùi hôi, có khi kiệt sức mà ngủ quên trên đường về. 4 năm đại học thì đợt thực tập là thời gian chúng em được minh chứng nhiều điều trong sách vở một cách kĩ càng nhất. Cũng chưa biết sau này ra trường mình có làm đúng chuyên ngành hay không nhưng được so sánh với những điều đã được học, tìm hiểu những điều mà không phải ai cũng thích lại là một sự thú vị. 

Chuyến thực tập với riêng em còn là một kỷ niệm đẹp về tình người. Mỗi địa điểm thực tập ở Cần Giờ, Bình Dương hay nội thành, chúng em đều được giúp đỡ nhiệt tình, được chỉ dạy từng quy trình trong nhà máy, được tạo điều kiện xin đầy đủ số liệu, được trò chuyện, ăn cơm như người thân trong gia đình,… tất cả đều từ những con người xa lạ. Và cái duyên là khi đi đến đâu, làm việc gì cũng gặp được những “đồng môn”: đồng môn Văn Lang và các anh chị đồng môn đúng ngành học của mình. Chuyến thực tập kết thúc, hứa hẹn những dự định làm việc mới với chúng em.

—————-o0o—————– 

Đây là những SV may mắn, họ tìm được chỗ thực tập ưng ý, được làm việc thật sự, và có trải nghiệm quan trọng cho lựa chọn nghề nghiệp sau này. Họ có ý thức hoàn thành đợt thực tập không vì bắt buộc hay vì điểm số, mà vì một điều quan trọng hơn: kinh nghiệm được thử sức trong thị trường lao động. Không phải mọi kỳ thực tập đều hoàn hảo, SV thực tập làm hỏng nhiệm vụ được giao, không được tin tưởng, và thậm chí không được làm gì thuộc về công việc chuyên môn. Tuy nhiên, ngay cả khi SV không làm được điều lớn lao như mong muốn của họ, thì các bạn cũng đã được “sống” trong môi trường và quy trình làm việc thực tế. SV Kế toán sẽ khó có cơ hội làm việc trên chứng từ kế toán thực của doanh nghiệp, hoặc SV PR chỉ được làm những công việc hậu cần đơn giản cho một sự kiện…, nhưng nếu đã tiếp nhận “khí quyển” đó và thực sự quan sát học hỏi, thì các bạn vẫn thụ hưởng giá trị của kỳ thực tập. Việc tổ chức và đánh giá thực tập, do đó, nên linh hoạt, công bằng.

Thực tập là một đợt “chào hàng” của Nhà trường đối với nhà tuyển dụng, không đơn thuần là một môn học. SV vừa hào hứng vừa e ngại trước thử thách này, các bạn cần được tư vấn trước khi nộp đơn và đăng ký chỉ tiêu thực tập với một đơn vị nào đó, các bạn cũng cần được hướng dẫn để lựa chọn không phải một nơi thực tập lớn, mà một địa chỉ thực tập thân thiện, đủ để SV được làm việc và tích lũy kinh nghiệm. Nếu SV được giảng viên theo sát và tư vấn trong quá trình thực tập, thì các bạn có cơ hội tận dụng khoảng thời gian này để phục vụ tối ưu cho mục tiêu nghề nghiệp. Rồi chính các bạn sẽ nỗ lực thể hiện bản thân, qua đó thể hiện hình ảnh đẹp của SV Văn Lang trong thị trường lao động.

Nguyễn Thị Mến (tổng hợp)

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan