Từ SV Văn Lang đầu tiên học Cao học CMU, nghĩ về ước mơ lớn…

(TT. Thông tin – Văn Lang, 29/03/2015) –Đinh Nguyễn Khôi Nguyên là SV Văn Lang đầu tiên trúng tuyển bậc Cao học, chuyên ngành Kỹ sư Phần mềm của Đại học Carnegie Mellon (CMU) – Đại học số 1 nước Mỹ về Công nghệ Thông tin với kết quả ấn tượng.

Đinh Nguyễn Khôi Nguyên là cựu SV khoá đầu tiên ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình CMU tại văn Lang, tốt nghiệp năm 2012. Thành tích học tập của Nguyên ngày hôm nay là hành trình không hề dễ dàng. May mắn có, nhưng trên hết vẫn là nền tảng giáo dục vững vàng và nỗ lực cá nhân để vươn tới những ước mơ lớn.

VÌ SAO PHẢI QUYẾT TÂM HỌC THẠC SĨ CÔNG NGHỆ PHẦN MỀM TẠI CMU?

Trong nhiều chuyện được Nguyên chia sẻ, chúng tôi xin trích lại một đoạn ngắn.

  • Vì sao Nguyên chọn học Cao học chuyên ngành Kỹ thuật Phần mềm tại CMU?
  • Vì tôi muốn làm tốt nhất công việc của người kỹ sư phần mềm.
  • Nếu không có cơ hội qua Mỹ làm việc, liệu Nguyên có học tiếp chương trình Cao học của CMU?   
  • Nếu không qua Mỹ, cũng có lẽ sẽ khó theo học Cao học ở CMU, vì còn rào cản học phí. Nhưng tôi đã định hướng sẽ tiếp tục học chương trình Cao học ngay từ khi học CMU ở Văn Lang.

DH van lang SV dau tien hoc cao hoc CMU 01Khôi Nguyên là SV khóa 14 ngành Kỹ thuật Phần mềm Trường ĐH Văn Lang, được nhận Học bổng Hãng máy bay Boeing năm 2009. (ảnh bên)

Với Nguyên, đậu vào bậc Cao học CMU là một thành tích bất ngờ, đáng tự hào, là dấu mốc quan trọng trên hành trình chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp. Nguyên chọn học tập là lộ trình để theo đuổi ước mơ, và chương trình CMU tại Văn Lang là nơi định hình, nuôi dưỡng ước mơ đó. Bốn năm học ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình CMU tại Trường ĐH Văn Lang – Việt Nam, rồi 2 năm Cao học sắp tới tại CMU – Mỹ vẫn đang là những chặng khác nhau của một hành trình chưa có ý định dừng lại.

Bài luận trong hồ sơ dự tuyển vào bậc Cao học Kỹ sư phần mềm CMU của Nguyên được Hội đồng cho số điểm tuyệt đối. Xin lược trích đoạn đầu của bài luận:
“Tôi đam mê máy tính khi còn rất bé. Ý nghĩ có thể giải quyết bất kỳ vấn đề trở ngại nào bằng cách gõ những dòng code trên máy tính đã bám riết tôi nhiều năm. […] Khi lòng say mê bùng cháy mạnh hơn, tôi thuyết phục bố cho phép tôi tham gia một khóa tin học căn bản về kỹ năng sử dụng MS-DOS và Microsolf Office. Kết quả, tôi đã viết chương trình đầu tiên trong PASCAL năm tôi 14 tuổi. Lúc 15 tuổi, tôi đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Tin học không chuyên trong nước dành cho thanh thiếu niên. Thành quả nhỏ bé đó đã gieo hạt mầm ban đầu cho ước mơ của tôi – lựa chọn công nghệ thông tin là lĩnh vực nghề nghiệp của mình…”

“Để có thể làm việc tốt nhất công việc của một Kỹ sư Phần mềm”
– ước mơ của Nguyên có vẻ giản đơn, nhưng trong từng thời điểm lại đòi hỏi những nỗ lực và tầm nhìn nhất định.

Với thời niên thiếu, nỗ lực ấy là tìm cách tiếp xúc với máy tính; tầm nhìn ấy là suy nghĩ có thể cải tiến nhiều thứ trong cuộc sống nhờ công nghệ thông tin.

Khi đến với ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình CMU ở Văn Lang, nỗ lực ấy là vượt qua rào cản ngôn ngữ và khác biệt về phương pháp học để đón nhận một chương trình đào tạo “chưa từng có” ở Việt Nam; và tầm nhìn của người Kỹ sư Phần mềm phải vượt qua tư duy gia công phần mềm nhỏ lẻ  để vươn tới làm chủ quy trình phần mềm.

Vào thời điểm này, sau khi tốt nghiệp Văn Lang 3 năm, đi làm ở Mỹ 2 năm, Nguyên đang nỗ lực chứng minh giá trị, năng lực bản thân. học Thạc sỹ tại CMU cho Nguyên thêm kiến thức, tầm nhìn mở rộng hơn về lĩnh vực phần mềm, không chỉ chuyện làm nghề mà còn là yêu cầu sáng tạo ra cái mới để đáp ứng sự thay đổi không ngừng của thế giới công nghệ.

Có thể thấy thành tích học tập hôm nay của Khôi Nguyên không phải ngẫu nhiên, đó là dấu ấn trưởng thành trong nhận thức về nghề Kỹ sư Phần mềm, được trau dồi qua học tập và làm việc, được tạo cảm hứng từ những chuẩn mực đào tạo tiên tiến. Tại Văn Lang – nơi cung cấp cho Khôi Nguyên nền tảng đầu tiên về CMU, sau những bất ngờ, chúng ta đã có thể cùng nhìn lại, cảm thấy vững tin hơn khi đã có cánh chim đầu tiên bay xa hơn mong ước của đa phần mọi người.

Với Khôi Nguyên, niềm vui sẽ đi cùng những thử thách mới, khi chương trình Cao học tại CMU đòi hỏi bạn một nỗ lực mới mẻ. Chương trình học tập trung trong 2 năm. Hy vọng trong thời gian đó, Văn Lang sẽ tiếp tục nhận được những tin vui từ bạn.

DH van lang SV dau tien hoc cao hoc CMU 02Khôi Nguyên (thứ 5, từ trái sang) cùng các SV ngành Kỹ thuật Phần mềm và người thầy lớn – GS. Anthony Lattanze từ CMU – Mỹ sang trong Lễ trao Chứng chỉ môn học CMU, ảnh chụp 14/03/2012.
Mỗi năm, số lượng học viên được nhập học cao học của CMU khá ít ỏi, người Việt Nam lại càng hiếm hoi. Số lượng SV và học giả Việt Nam ở CMU (Mỹ) không nhiều, nhưng đến nay, cũng đã có một số tên tuổi rất nổi bật, như: GS. John Vũ – Nguyên Tổng kỹ sư trưởng của Hãng Boeing, trưởng phần mềm Dự án Boeing 777; TS. Vũ Duy Thức – “SV ưu tú nhất” vùng Bắc Mỹ về Tin học năm 2004, tốt nghiệp CMU hạng Ưu, được khắc tên trên bảng đồng tại trường; TS. Lê Nguyên Bảo – Thủ khoa Thạc sĩ Quản trị Hệ thống Thông tin năm 2006, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng)…

DH van lang SV dau tien hoc cao hoc CMU 03Theo thư GS. John Vũ gửi Dự án CMU Văn Lang, trong 480 ứng viên dự tuyển Bậc Cao học Kỹ sư Phần mềm CMU đợt tháng 1/2015 vừa qua, chỉ có 40 hồ sơ được nhận, Đinh Nguyễn Khôi Nguyên là một trong số đó.

 

TIẾP TỤC KHƠI NGUỒN NHỮNG ƯỚC MƠ

Tổng kết 7 năm Trường ĐH Văn Lang thực hiện Dự án đào tạo theo chương trình CMU (2008-2014)
– 159 lượt giảng viên Văn Lang tham gia tập huấn tại CMU và được cấp 387 chứng chỉ.
– 29 môn học được CMU chuyển giao cho Trường ĐH Văn Lang.
– 1.841 chứng chỉ CMU được trao cho SV ngành Kỹ thuật phần mềm.
– 949 chứng chỉ CMU được trao cho SV chuyên ngành Quản trị Hệ thống Thông tin (ngành Quản trị Kinh doanh).
– 645 SV nhập học ngành Kỹ thuật Phần mềm, 182 SV tốt nghiệp.
– 126 SV nhập học chuyên ngành Quản trị Hệ thống Thông tin (ngành Quản trị Kinh doanh).
– 51% SV có việc làm sau 1 tháng tốt nghiệp và 93% SV có việc làm sau 6 tháng. Mức lương khởi điểm trung bình: 6-10 triệu/tháng.
                                                                                            Nguồn: Báo cáo dự án CMU, Văn Lang, 2/2015

Thầy cô, SV và cựu SV Văn Lang đều vui mừng cùng thành tích của người bạn vừa đạt được trên đất Mỹ. Với Dự án Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình CMU ở Văn Lang, niềm vui này đánh dấu một thời điểm khá đặc biệt của chương trình. Một chặng đường dài 7 năm vừa kết thúc. Nhân chuyến thăm của GS. Anthony Lattanze và TS. John Kang nhằm khảo sát chương trình trong tháng 3 vừa qua, Dự án CMU cũng đang tự sơ kết chính mình. Cùng với những ưu thế nổi trội của chương trình, cùng với đánh giá đầy kỳ vọng từ nhiều doanh nghiệp lớn, vẫn còn những vấn đề cốt lõi để nâng cao hơn nữa chất lượng và tầm nhìn của Dự án.

 

DH van lang SV dau tien hoc cao hoc CMU 04Ngày 1/5/2008 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc đào tạo Công nghệ Thông tin ở Trường ĐH Văn Lang: Lễ ký Hợp đồng Giáo dục và Đào tạo với Carnegie Mellon University (CMU) – ĐH hàng đầu của Mỹ về CNTT.

Thời điểm Trường ĐH Văn Lang triển khai chương trình đào tạo Kỹ thuật Phần mềm theo chuẩn CMU vào năm 2008, nền Công nghệ Thông tin của Việt Nam vẫn còn đang khủng hoảng với tư duy gia công thụ động. Một khoản đầu tư đắt đỏ để đem được những chương trình, phương pháp, và quan trọng hơn, đem được “tinh thần của CMU” về dạy ở Văn Lang, có thể xem là mạo hiểm. Đầu tư giáo dục đòi hỏi kiên nhẫn và kiên định, trong đó chất lượng SV là một thang đo giá trị. Sau 7 năm, có 182 SV Văn Lang đào tạo theo chương trình CMU tốt nghiệp. Sau 7 năm, mới có 1 SV như Khôi Nguyên, đi rất xa, đến tận “nguồn” của chương trình như thế. Điều đáng mừng là, dù chưa có cơ hội học tiếp Cao học CMU như Nguyên, các cựu SV khác vẫn chủ động tự học, tham gia các khóa học trong nước và tích lũy kinh nghiệm làm việc để nâng cao đẳng cấp trong lĩnh vực nghề nghiệp Công nghệ thông tin. Cùng với Khôi Nguyên, rất nhiều cựu SV của chương trình đang làm việc trong những doanh nghiệp hàng đầu về Công nghệ Thông tin tại Việt Nam và nhiều nước khác (Công ty CSC, Global CyberSoft, TMA, Harvey Nash, Soft Foundry, LogiGear). Trò chuyện với họ, phần nào có thể thấy sự tự chủ, mạch lạc, và khao khát làm kỹ sư phần mềm một cách chuyên nghiệp. Nếu có thể phát huy tinh thần học tập suốt đời mà chương trình đại học đã truyền đạt, thì đây sẽ là đội ngũ những người làm Kỹ thuật Phần mềm đắt giá.

DH van lang SV dau tien hoc cao hoc CMU 05Văn Lang đã mang chương trình ĐH trong giấc mơ của những người yêu CNTT về Việt Nam trong sự cân nhắc kỹ. Mỗi bạn trẻ đến với chương trình CMU ở Văn Lang đều có một định hướng, ước mơ riêng. Nỗ lực của các bạn đồng hành cùng Nhà trường trong một cuộc thử thách mới: đi theo con đường phát triển của chất lượng thực sự, chuẩn hóa chương trình và chất lượng đào tạo, nhằm mục tiêu chinh phục ước mơ lớn hơn: góp phần đào tạo nguồn nhân lực Công nghệ Thông tin có đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam.
(Ảnh: “Walking to the Sky”, công trình kiến trúc biểu tượng cho khát vọng và thành công của SV CMU.)

DH van lang SV dau tien hoc cao hoc CMU 06Những SV đầu tiên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình CMU (K14T), ngày 14/07/2012.

Sinh viên chương trình CMU – Văn Lang, các bạn nghĩ gì?

“Theo em, việc bạn Đinh Nguyễn Khôi Nguyên trúng tuyển thạc sĩ tại trường CMU hoàn toàn là do năng lực, và năng lực ấy đã được tôi luyện trong quá trình học ĐH tại Văn Lang. Em tin rằng không chỉ Khôi Nguyên mà cả những bạn đã hoàn thành chương trình CMU tại Văn Lang, có quyết tâm, có đủ điều kiện thì cũng có thể đỗ vào chương trình thạc sĩ của trường CMU Hoa Kỳ. Em cũng rất mong muốn được học thạc sĩ trong một môi trường tuyệt vời như thế…”

Lương Thị Hồng Hạnh (K15T)  


“Trúng tuyển là sự nỗ lực phấn đấu của anh Nguyên. Chính từ học chương trình CMU tại Văn Lang đã cho anh một tầm nhìn cũng như lợi thế trong suy nghĩ tư duy để trúng tuyển vào trường CMU. Nếu có cơ hội tập trong một môi trường như trường CMU thật sự quá tốt, đó là cơ hội để mở rộng hiểu biết trong nhiều mặt.”

Trần Huỳnh Thái Trung (K15T) 


“Em rất mong muốn học một môi trường như thế, tuy nhiên cũng đòi hỏi rất nhiều điều kiện, đặc biệt là nguồn kinh phí hằng năm học tại đây rất lớn (khoảng 40.000 USD).”

Lê Bùi Đức (K14T) 


“Học tiếp thạc sĩ bên trường CMU là một hướng đi tốt, cần phải có sự nỗ lực. Về kiến thức, em thấy sau khi qua đào tạo 4 năm ở trường Văn Lang, đã có thế đáp ứng cơ bản; còn lại chính là khả năng ngoại ngữ. Dù với chương trình đào tạo ở Văn Lang, sinh viên có khả năng viết và đọc Anh Văn tốt, nhưng còn khả năng nói và nghe thì thực sự cần nỗ lực nhiều hơn. Mỗi người có một hướng đi riêng, em hiện tại chưa muốn đi theo hướng nghiên cứu, mục tiêu của em là trở thành một kỹ sư cầu nối cho thị trường Nhật Bản (hiện em đang theo học tiếng Nhật), và mục tiêu tương lai là trở thành một người quản lý dự án.”

Đặng Thế Cường (K15T) 


“Em và Nguyên chơi với nhau khá thân khi còn đi học. Em thấy Nguyên được học master ở CMU vừa là một may mắn, vừa là sự cố gắng của bản thân. Nguyên luôn có định hướng là sẽ tiếp tục học ở CMU nên đó là lý do bạn luôn cố gắng để đạt được. Vẫn có nhiều bạn học CMU, cũng được đi nước ngoài nhưng không nhiều bạn có ý chí học tiếp như Nguyên.”

Trần Nguyễn Hoàng Tân (K14T)


“Theo em, ngoại trừ các yếu tố về năng lực và tài chính thì may mắn cũng là một yếu tố quyết định. Ngoài ra, theo em, còn 1 yếu tố nữa là đam mê với chương trình học và mong muốn học lên để cải thiện bản thân, đóng góp cho cộng đồng IT không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Nếu có sự đầu tư cho đam mê và nỗ lực thật sự thì việc đậu vào cao học ở CMU là điều có thể.”

Nguyễn Phú Quang (K15T) 


“Trước tiên em xin gửi lời chúc mừng đến anh Nguyên vì đã trúng tuyển thạc sĩ của trường CMU, anh là tấm gương để tụi em có thể noi theo và cũng là động lực để phấn đấu trong con đường trước mắt. Em cũng hi vọng một ngày nào đó mình sẽ có thể theo học tại ngôi trường danh tiếng như CMU.”

Ngụy Như Huy Sơn (K16T)

 

Một trong những dấu ấn nổi bật từ tinh thần CMU chuyển giao cho sinh viên Văn Lang là bạn phải học suốt đời trong một thế giới biến đổi không ngừng, và sự tự vận động bên trong để thích nghi thật sự quan trọng. Thành tích của 1 cựu SV trên bản đồ học thuật thế giới, một mặt, khích lệ rất nhiều cho Dự án, cho bản thân các bạn sinh viên và cựu sinh viên của chương trình; mặt khác, cho thấy: có những ý tưởng, những thành quả chưa từng xuất hiện trong dự định của Dự án, nay đã hoàn toàn có thể thực hiện được – những thành quả mà dù có rất nhiều tiền bạc cũng không thể mua được. Nền tảng về tinh thần, chương trình, phương pháp mà CMU đã chuyển giao cho Văn Lang thật sự là một tài nguyên quý giá để chúng ta tích cực phát triển chính mình.

Nguyễn An Ny

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan