Tuyển sinh – Chuyện không của riêng ai

(TT. Thông tin – Văn Lang, 11/4/2014) – Đợt cao điểm thứ nhất của hoạt động tuyển sinh năm 2014, bắt đầu từ tháng 1, nay đã tạm kết thúc vào đầu tháng 4 này. Dự kiến ngày 16/4/2014, Nhà trường sẽ tổ chức Hội thảo sơ kết công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng đợt cao điểm thứ hai bắt đầu vào tháng 7. Nhân đây, TT. Thông tin xin đăng tải những chia sẻ nhiệt tình của một giảng viên lần đầu tham gia công tác tư vấn tuyển sinh – ThS. Nguyễn Hữu Bình, Trưởng Bộ môn Luật – Ban Khoa học Cơ bản.

image001

Hai thành viên Văn Lang tham gia tư vấn tuyển sinh ở miền Trung, từ 5-16/3 3/2014.

Nhớ lại, giữa tháng 3 này, theo đoàn tư vấn tuyển sinh của báo Thanh Niên, tôi và một thành viên của TT. Thông tin đã rong ruổi hơn 10 ngày để đến với nhiều lớp học dọc miền Trung nắng gió. Vui buồn mệt nhọc đều có, và rất nhiều điều đọng lại sau chuyến đi…

Ngày đầu tiên, vừa bước lên xe, tôi rất ngạc nhiên khi xe chật ních người. Tất nhiên tôi biết không chỉ có Văn Lang đi tư vấn tuyển sinh, nhưng hóa ra số trường đăng ký tham gia chuyến đi nhiều hơn tôi nghĩ. Đợt tư vấn này có cả những trường đại học công lập nổi tiếng và có nhiều ưu thế trong tuyển sinh như ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia Tp.HCM); ĐH Ngân hàng Tp.HCM, ĐH Mở Tp.HCM, ĐH Tài chính – Marketing…, chưa kể ở mỗi chặng lại có những đại học ở địa phương đó tham gia tư vấn tuyển sinh ngay trên “sân nhà” như ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế; ĐH Quy Nhơn… Số trường đại học ngoài công lập, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên xe thì quả thật… tôi không nhớ hết. Hoạt động tư vấn tuyển sinh không những có yếu tố cạnh tranh, mà sự cạnh tranh còn mang vẻ gì đó khốc liệt…

1. Làm sao để lên sóng truyền hình?

Suốt hành trình đi qua sáu tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận), báo Thanh niên tổ chức song song hai hình thức tư vấn: một buổi tư vấn truyền hình trực tiếp, đưa lên phát sóng truyền hình địa phương, và một hoặc nhiều buổi tư vấn tại từng trường THPT.

Đơn vị nào cũng mong muốn trường mình được lên truyền hình, vì đó là cách đưa thông tin đến thí sinh có vẻ dễ nhất, rộng khắp nhất. Có trường không bao giờ có tên trên bàn tư vấn truyền hình. Có trường sẽ xuất hiện thường xuyên. Và thông thường, Ban tổ chức thông báo thành phần lên sóng truyền hình rất sát giờ bắt đầu chương trình tư vấn. Cũng dễ hiểu, khi thời lượng của một chương trình truyền hình chỉ chừng 2 giờ, và bàn tư vấn thì cố định chỉ có 6 chiếc ghế dành cho các trường.

Trường ĐHDL Văn Lang lên bàn tư vấn chính một lần trong chương trình truyền hình tại tỉnh Quảng Ngãi. Tại những tỉnh khác, với mỗi chương trình, dù ngồi ở bàn đại biểu bên dưới, trường Văn Lang cũng trả lời khoảng 1-2 câu hỏi của các em học sinh. Hai tiếng Văn Lang đã được vang lên trong hội trường, và các em học sinh đã biết Văn Lang đang có mặt. Chúng tôi xác định, hình ảnh Văn Lang được xây dựng suốt chuyến đi sẽ rất hạn chế nếu chỉ dừng lại ở những câu trả lời ngắn gọn trên sân khấu, mà phải được tạo thành qua những câu chuyện chi tiết hơn trong mỗi cuộc trò chuyện bên lề chương trình với từng nhóm học sinh, và qua những chuyến đi đến từng lớp học.

Những chương trình tư vấn truyền hình thường tập hợp cả ngàn học sinh tham dự. Trong nhiều thắc mắc của các em, mỗi trường chỉ trả lời được một hai câu hỏi…

image003

(Ảnh: ThS. Nguyễn Hữu Bình tư vấn chính trong chương trình ở Tp.Quảng Ngãi, 9/3/2014)

Chúng tôi chọn cách trò chuyện với từng nhóm học sinh, mở rộng câu chuyện tuyển sinh vốn khó có thể giãi bày đến tận cùng trong các buổi tư vấn truyền hình.

image005

(Ảnh: Những cuộc gặp gỡ chuyện trò bên lề chương trình tư vấn trực tiếp tại Tp.Phan Rang- Ninh Thuận, 15/3/2014)

 2. Tư vấn hay phát tờ rơi?

Chuyến xe của chúng tôi trong hành trình tư vấn ì ạch nặng và chậm, vì các trường đều mang theo rất nhiều tài liệu tuyển sinh, đa phần là những tờ thông tin mỏng, mà nhiều trường quen miệng cứ gọi là “tờ rơi”. Đến mỗi điểm tư vấn lớp của các trường THPT, lực lượng “nhân viên phát tờ rơi” từ các trường đổ ào vào các phòng học, phát tờ thông tin cho học sinh, không cần biết các em có quan tâm hay không. Hay tại điểm tư vấn truyền hình, các đoàn tư vấn thường xếp hàng dài ngay lối vào, mỗi học sinh khi đi ngang khu vực đó có khi nhận được một ôm nặng tay khoảng vài chục tờ tài liệu. Hậu quả là cuối chương trình, tài liệu bị ném ngổn ngang khắp phòng học, sân trường, và khu vực truyền hình trực tiếp. Chúng tôi nhìn thấy những cảnh đó và nghĩ, chắc đó không phải là tư vấn tuyển sinh, ít nhất cũng không phải là mục tiêu của mình trong chuyến đi này.

Không phát “tờ rơi” và cũng không gia nhập “nhóm phát tờ rơi”, Văn Lang chủ động đến gặp gỡ từng thí sinh hay từng nhóm thí sinh để tư vấn, chia sẻ, chỉ đưa tài liệu khi các em có nhu cầu và phát hồ sơ đúng đối tượng. Công việc vì vậy rất mệt do phải nói nhiều. Nhưng nhờ vậy các em học sinh hiểu thêm từng ngành học để có sự lựa chọn chính xác. Quan trọng hơn là hình ảnh trường ĐH Văn Lang thân thiện, năng động và nhiệt tình đã đi vào tâm trí các em. Hình như cũng nhờ vậy, khắp phòng học, sân trường, không có tài liệu tuyển sinh nào của ĐH Văn Lang bị bỏ lại.

image007

Ảnh bên, chụp tại Bình Định, 12/3/2014: “Góc tư vấn” của Văn Lang trước mỗi buổi tư vấn truyền hình thường “lẻ loi” như vậy, vì chúng tôi nghĩ, tài liệu mang theo không nhiều, nếu cứ phát một cách máy móc thì rất phí.

3. Tư vấn tại lớp hay quảng cáo?

Khi đại diện cho trường đi tư vấn tuyển sinh, tư vấn viên nào chẳng muốn nói những lời hay ý đẹp về trường mình, với mục đích để thí sinh tin tưởng mà nộp hồ sơ vào trường. Nhưng rồi chính những thông tin hơi “quá tốt” đã tạo hiệu ứng ngược: buổi tư vấn đôi khi trở thành buổi PR, khi các trường thi nhau quảng bá, mục đích tư vấn cho học sinh không đạt được, thậm chí nhận được phản hồi tiêu cực từ phía giáo viên trường THPT.

image009

Ảnh: Một buổi tư vấn tại lớp, Trường THPT Phan Chu Trinh (Tp.Phan Thiết, Bình Thuận)- ngày cuối cùng của chuyến đi, 16/3/2014.

Bản thân chúng tôi, khi vào từng lớp học, chắc cũng khiến nhiều trường bạn nghĩ là mình PR dữ lắm, vì học sinh thường hô vang “Văn Lang” khi chào tạm biệt lớp. Nhưng thật sự thì, tư vấn viên của Văn Lang chia sẻ với các em về kinh nghiệm khi học xa nhà, về việc sắp xếp hài hòa giữa học tập và làm thêm, hỏi thăm nguyện vọng và đưa ra giải pháp giúp các em hiểu thêm về việc chọn ngành, giải thích cặn kẽ về quy chế tuyển sinh và giới thiệu chừng mực về những gì trường mình có. Qua đó, các em học sinh hiểu thêm về các ngành học của Văn Lang, về văn hóa nhà trường…

4. Chuyện không của riêng ai

Có tham gia đợt tư vấn tuyển sinh này, tôi mới tận mắt chứng kiến thực tế “cạnh tranh” trong tuyển sinh là như thế nào. Tuyển sinh rõ ràng là chuyện quan trọng hàng đầu của mỗi trường đại học. Nếu học sinh không nộp hồ sơ vào trường, tuyển không đủ chỉ tiêu, trường sẽ khó khăn: giáo viên sẽ bị thiếu tiết dạy, lương và phúc lợi của giảng viên, nhân viên giảm, thương hiệu Văn Lang bị ảnh hưởng… Biết là vậy, nhưng có đi tư vấn tuyển sinh, tôi mới… bớt an tâm về chuyện tuyển sinh: không thể chỉ ngồi không chờ học sinh đến với mình. Tuyển sinh cũng không phải chỉ là việc nhận hồ sơ và xét điểm chuẩn Tôi nghĩ mỗi người phải thay đổi cách nhìn nhận về chuyện tuyển sinh, để mỗi thành viên của trường phải là một tư vấn viên hay một đại sứ cho nhà trường.

Khi tư vấn, chúng tôi luôn nhấn mạnh các giá trị cốt lõi và thế mạnh tuyển sinh của nhà trường như: trường đại học đã được kiểm định chất lượng đào tạo; chính sách học phí ổn định trong suốt khóa học; xem người học là tài sản lớn nhất của nhà trường; môi trường dạy và học thân thiện, các ngành học đặc trưng, tiên tiến… Chúng tôi chỉ nói những gì có thật đang diễn ra tại Văn Lang. Những câu chuyện đó, tất cả CB-GV-NV của trường cũng đều có thể nói được trong thực tế hằng ngày của mình. Muốn bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh, hay nói một cách thiết thân hơn là bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động của nhà trường, mỗi người có thể chung tay một chút, từ lãnh đạo nhà trường đến các phòng ban, từ các anh chị nhân viên đến giảng viên, và cả các bạn cựu sinh viên và sinh viên đang học tại trường nữa. Giảng viên thì nỗ lực dạy thật tốt, là tấm gương cho sinh viên; cán bộ thì làm việc tích cực, coi người học là đối tượng để chăm sóc; bản thân người học nỗ lực học tập, hoàn thiện kỹ năng, trở thành những hình mẫu thanh niên năng động và có tính hội nhập… Có như vậy, hình ảnh Văn Lang mới mạnh mẽ trong nhận thức của học sinh, khiến các em đặt mục tiêu trở thành sinh viên của trường.

image011

Ý thức về công tác tuyển sinh, và nhiệm vụ của mỗi thành viên Văn Lang khi đóng góp vào công tác ấy, được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Dũng đặt ra trong buổi Tập huấn đầu năm, 11/2/2014…… thì nay, với riêng tôi, đã được cụ thể hóa qua những buổi tư vấn tuyển sinh cho học sinh Tp.HCM và nhiều tỉnh thành.

image013

Chuyến tư vấn này, chúng tôi cũng “tranh thủ” tìm gặp Ban Giám hiệu các trường THPT ở các tỉnh để hỏi thăm tâm tư, nguyện vọng và xu hướng của các em học sinh, rồi để giới thiệu Văn Lang. Chúng tôi cũng khá “tham lam”, cố gắng nói chuyện với càng nhiều học sinh càng tốt. Thế nên, hình ảnh hai người tư vấn có khi vội vã tất bật, có khi lên xe trễ, có khi “biến mất” không lý do… Nhưng khi về đến thành phố rồi, tôi nói thật lòng với TT. Thông tin là, tôi lại muốn đi tư vấn. Mà năm sau nếu đi tư vấn nữa, điều tâm đắc nhất là tôi có quyền tự hào khi giới thiệu với các em học sinh về những giá trị Văn Lang.

ThS. NGUYỄN HỮU BÌNH – Trưởng Bộ môn Luật

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan