Tuyển sinh đại học năm 2012: Đánh giá mức độ an toàn trong nộp hồ sơ xét tuyển NV bổ sung (NV2)

(TT. Thông tin – Văn Lang, 23/8/2012) – Năm nay, hơn nửa triệu thí sinh không trúng tuyển ĐH trên tổng số 1.1 triệu lượt thí sinh dự thi. Đến thời điểm này, hầu như các thí sinh chưa trúng tuyển NV1 nhưng có điểm thi trên sàn đều đã chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển NV bổ sung (NV2) xong. Tuy nhiên, câu hỏi “Nộp vào đây (VD: Nộp vào Văn Lang) liệu có an toàn không?” vẫn là một câu hỏi lớn. Ngay cả khi hồ sơ xét tuyển đã nộp, thông tin tư vấn đã đầy, thí sinh vẫn lo lắng, thậm chí có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, muốn rút hồ sơ chuyển từ trường này sang trường khác. Để tránh bớt những lo lắng không có cơ sở rõ ràng, TTTT Trường ĐH Văn Lang xin trích đăng một số ý kiến của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh năm 2012: GS. TS. Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, TS. Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục – Bộ GD-ĐT và PGS. TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Tp. HCM. Các ý kiến tập trung vào những điểm cơ bản cần lưu ý để an toàn trong xét tuyển NV bổ sung.

1. Các trường tự chủ trong xét tuyển, thí sinh tự chủ trong lựa chọn.

Năm nay, Bộ GD-ĐT không quy định xét tuyển nguyện vọng 2, 3 như các năm trước mà cho phép thí sinh nộp hồ sơ vào nhiều trường theo dạng NV bổ sung. Trên Tuổi trẻ Online ngày 9/8/2012, TS. Trần Văn Nghĩa cho biết: “Bộ GD-ĐT trao cho các trường quyền tự chủ trong việc xét tuyển. Chỉ cần đảm bảo các điều kiện sau: điểm xét tuyển phải cao hơn điểm sàn, không xét tuyển vượt chỉ tiêu đã được duyệt và tới 30/11/2012 phải kết thúc việc xét tuyển. Trên cơ sở ba yêu cầu này, các trường chủ động đưa ra điều kiện xét tuyển và thời gian xét tuyển, đồng thời công khai trên trang web của trường, của Bộ, trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.”. Như vậy, Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường nên dù cơ chế có mềm dẻo thì mỗi trường cũng sẽ có những quy định khác nhau.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Thanh niên ngày 21/8/2012, GS. Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Tất cả các trường đều phải thông báo rộng rãi các đợt xét tuyển với thời gian và cách thức cụ thể để thí sinh cả nước có đủ điều kiện cùng nộp hồ sơ vào.” Trên Website Tin mới ngày 13/8/2012, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết: “Mỗi một đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung kéo dài khoảng 10 – 15 ngày.”

Như vậy, các trường tự chủ trong xét tuyển nhưng thí sinh cũng tự chủ trong lựa chọn. Mỗi thí sinh có 2 Giấy chứng nhận kết quả thi, do đó ít nhất thí sinh đó cũng có khả năng nộp vào 2 trường hoặc 2 ngành. Các thí sinh cần xem xét kỹ thông tin từ các trường để quyết định nộp hồ sơ. Việc nộp hay rút hồ sơ là thể hiện tính tự chủ của thí sinh. Nên nộp hồ sơ xét tuyển theo sự tìm hiểu của mình về nghề, lòng yêu thích nghề nghiệp, điều kiện học tập và uy tín của nơi đào tạo, không nên hốt hoảng nộp hoặc rút hồ sơ theo phong trào, theo bạn bè hay theo đồn đoán.

2. Hãy chọn trường thuộc tốp 2, hoặc chọn các ngành mới, và theo dõi thường xuyên thông tin của các trường.

Năm nay, điểm trúng tuyển của đợt sau cũng không phải cao hơn điểm trúng tuyển của đợt trước.

Tuy nhiên, tất cả thí sinh tham gia xét tuyển NV bổ sung đều có điểm thi trên điểm sàn nên mức độ cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn. Vì vậy, trong trường hợp các trường ĐH tốp trên có điểm xét tuyển cao hơn điểm sàn và đã đủ chỉ tiêu, để có cơ hội trúng tuyển cao, các thí sinh nên định hướng xét tuyển vào các trường thuộc tốp 2, còn dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển NV bổ sung (NV2). Trường ĐH Văn Lang năm nay chỉ tiêu là 2000. Phần lớn số chỉ tiêu này được dành cho xét tuyển NV bổ sung (NV2). Vì vậy, các thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Văn Lang có thể yên tâm phần nào, vấn đề còn lại là theo dõi sát sao thông tin về hồ sơ từng ngành.

Bên cạnh việc lựa chọn những ngành phù hợp, thí sinh cũng nên cân nhắc lựa chọn một số ngành mới để nâng cao khả năng trúng tuyển. Hiện nay, Trường ĐH Văn Lang đã thiết kế hai chuyên ngành mới trước thềm năm học mới là Quản trị Hệ thống Thông tin (Khoa Quản trị Kinh doanh) và Quản trị Hậu cần và Chuỗi cung ứng (Khoa Thương mại) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường về một đội ngũ chuyên viên Quản trị Hệ thống Thông tin và Quản trị Hậu cần và Chuỗi cung ứng chuyên nghiệp. Những kiến thức về hai chuyên ngành này sẽ tạo cơ hội việc làm đầy triển vọng, đặc biệt khi xét trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay.

Trên kênh Tuyển sinh Online ngày 13/8/2012, TS. Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh: “Thí sinh có cơ hội nộp hồ sơ xét tuyển vào nhiều trường hoặc rút hồ sơ xét tuyển nếu có nguyện vọng khác. Tuy nhiên để có thể trúng tuyển vào ngành phù hợp, thí sinh vẫn nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ thay vì chuyển đổi nhiều lần.”

Trên trang điện tử ĐCS Việt Nam, 8/8/2012, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý rằng: “Các em cần theo dõi sát thông báo tuyển sinh của các trường em muốn vào học.”. Trên báo Thanh niên 22/8/2012, TS Trần Văn Nghĩa cũng khuyên các thi sinh cần cập nhật nhanh chóng và thường xuyên thời hạn xét tuyển, điểm xét tuyển, chỉ tiêu của từng trường. Bởi không giống năm trước, năm nay các trường có thời gian xét tuyển khác nhau.”

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng nên đánh giá mức độ an toàn của nguyện vọng bổ sung (NV2) bằng theo dõi thường xuyên thông tin của các trường, trong khi vẫn nên giữ vững tinh thần “tự chủ” trong việc nộp hồ sơ. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng cập nhật thường xuyên các thông tin này. Có thể nói các trường thường xuyên công khai, minh bạch các thông tin cho thí sinh theo dõi; các trường tổ chức nhiều kênh tư vấn (website, email, điện thoại, hội thảo, tư vấn trực tiếp…) là các trường chú trọng đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho thí sinh – đây cũng là một tiêu chí thể hiện chất lượng của trường. Riêng đối với trường Văn Lang, do thuận lợi trong việc hệ thống thông tin của nhà trường được tổ chức đồng bộ và phối hợp tốt, trường Văn Lang đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin cho quý vị phụ huynh và thí sinh, thông qua tất cả các kênh tư vấn của nhà trường. 

3. Dịch chuyển các vùng xét tuyển và cơ hội ở các trường tuyển sinh toàn quốc

Về khả năng dịch chuyển của thí sinh từ vùng này sang vùng khác, nhìn chung, năm nay, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng hồ sơ xét tuyển dồi dào nhưng vùng núi phía Bắc lại khó khăn hơn. Trên trang Đảng Cộng sản Việt Nam Online ngày 8/8/2012, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đề cập khá chi tiết vấn đề này: “Hầu hết các vùng miền, với hệ số thí sinh dư, thiếu, các trường trên các vùng đó có thể tự cân đối với nhau. Ví dụ, vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, miền Trung, những thí sinh không trúng tuyển NV1 có thể “lấp đầy” vào những chỉ tiêu còn lại của những trường thuộc khu vực này, thậm chí còn dư ra nhiều để cho những khu vực khác. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long những năm trước chưa tự cân đối được nguồn tuyển thì năm nay cũng đã vươn lên đạt được sự cân đối cơ bản. Nếu có thí sinh dịch chuyển vào thì nguồn tuyển còn dồi dào hơn nữa, đây là tiến bộ rất lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những vùng miền núi phía Bắc có khó khăn hơn một chút về khả năng tự cân đối nguồn tuyển thì cần đến sự dịch chuyển từ các vùng lân cận. Ví dụ, vùng Đồng bằng sông Hồng dịch chuyển xuống các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên để “lấp đầy” chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy, với cơ cấu tuyển như năm nay, sau khi xét tuyển NV1 rồi, thí sinh dựa vào khả năng dịch chuyển đó, khả năng còn dư chỉ tiêu để lựa chọn phù hợp với năng lực của mình. Nếu quyết tâm học các em sẽ tìm được trường phù hợp.”

Đối với thí sinh và phụ huynh, thông tin này ý nghĩa ở chỗ: có thể học gần nhà, tại các trường ĐH trên địa bàn địa phương, tiết kiệm chi phí và thuận lợi trong sinh hoạt. 

Song, thông tin này cũng có một ý nghĩa quan trọng khác nữa: một bộ phận thí sinh sẽ vào các trường gần nhà, vậy cơ hội ở các trường “không gần nhà”, ví dụ ở Tp. HCM chẳng hạn, sẽ lớn hơn: sẽ còn nhiều chỗ cho những thí sinh muốn “nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng…”, vào thành phố học xa nhà, có thử thách, có trải nghiệm và có những cơ hội nghề nghiệp mới. 

Trường ĐH Văn Lang tuyển sinh trên toàn quốc. Vì vậy, nếu thí sinh đạt điểm cao, nên cân nhắc cơ hội nghề nghiệp để chọn trường phù hợp, lưu tâm xem xét điều kiện và chi phí sinh hoạt khi học tập tại trường. Tp. HCM là một thành phố năng động, hiện đại, và đang phát triển mạnh mẽ – một trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước. Thành phố hằng năm hút về nó những nguồn đầu tư lớn, mở ra những cơ hội việc làm cao hơn hẳn các vùng miền khác. Trong vòng xoáy thị trường lao động hiện nay, các sinh viên học tập tại Tp. HCM sẽ dễ dàng hơn để tìm cho mình một việc làmphù hợp sau khi ra trường, vì lao động có chuyên môn cao là một trong những nhu cầu lớn tại Tp. HCM. Khó tìm được một thành phố nào khác tại Việt Nam có môi trường năng động như Tp. HCM, nơi những sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường cũng có thể dễ dàng tìm một việc làm thêm, tự trang trải một phần chi phí cuộc sống, phát huy phẩm chất năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và tự rèn luyện bản thân mình.

Đây cũng là một cách để đánh giá mức độ an toàn của tấm phiếu xét tuyển NV bổ sung (NV2) và củng cố quyết tâm vào giảng đường ĐH của thí sinh và gia đình. Xa hơn nữa, đó không chỉ là sự an toàn trong việc có một chỗ học, mà là sự chọn lựa môi trường để học tập – trưởng thành, là sự gắn bó với nghề nghiệp, khả năng tìm được một công việc tốt sau khi ra trường, khả năng rèn luyện mình để trở thành một người lao động giỏi, làm giàu cho bản thân, làm lợi cho xã hội trong tương lai.

Hồng Nguyễn

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan