Văn Lang không chỉ là trường học, Văn Lang còn là nhà – đó là tâm niệm của nhiều sinh viên Văn Lang trong quá trình học tập, sinh hoạt tại trường.
Mỗi góc nhỏ Văn Lang sẽ dần trở nên thân thuộc, gần gũi với sinh viên theo năm tháng. Đời sống sinh viên phong phú, các bạn không chỉ cắp sách vào phòng học rồi ra về mà còn tham gia các hoạt động phong trào, chơi đùa, học nhóm, làm đồ án ở trường. Từ những lối đi lạ, hành lang trống trải, bàn ghế lộn xộn, giờ đây, mỗi nơi chốn là hình ảnh của kỷ niệm, của thân thương gắn bó từng ngày. Không gian là của thực tại còn ký ức là của mỗi người. Chúng tôi muốn cùng bạn vẽ nên những khung hình đẹp của Văn Lang, mong rằng các bạn sẽ làm cho bức tranh ấy sống động bằng trải nghiệm của bản thân, bằng sự gắn bó với ngôi trường này.
Ngôi nhà 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Nằm ở phố, không gian của trụ sở này không mang tính chất mở: khi bước qua cánh cổng vào nhà, bạn sẽ thấy không gian trong nhà mở ra những hành lang, những góc, những cánh cửa đôi khi rất bất ngờ. Tòa nhà đã có tuổi khi Văn Lang tiếp nhận, nhiều nét xưa cũ vẫn còn lưu giữ. Nhà trường đã “chăm sóc” cho ngôi nhà của mình từng chút, từng chút một.
Mỗi khoa “chiếm cứ” một tầng lầu. Dù cấu trúc kiến trúc các tầng có tương đồng nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nét khác lạ nhờ vào “chất” và “gu” đặc trưng của sinh viên từng khoa.
“English Area” được đánh dấu ở lầu 6 của bản đồ tòa nhà – nơi dành cho sinh viên Ngoại ngữ. Ở hàng lang tầng lầu này, các bàn học nhóm thường có hai dãy ghế, mang tính đối thoại và trao đổi, đúng tính chất hướng ngoại và tương tác của ngành Ngôn ngữ Anh.
Và có những góc học tập nằm trong tầm khuất. Nếu không mấy quan sát, bạn chắc sẽ khó nhận ra.
Mỗi sinh viên cũng có góc riêng của mình. Qua những góc nhìn hẹp, chúng tôi đã bắt gặp các khung hình này – hình ảnh bình thường nhưng đẹp vì trong những bức ảnh ấy, chúng tôi nhìn thấy các bạn đi lại, đứng ngồi, học tập, trò chuyện thoải mái như đang sống trong nhà mình. Cảm giác về sự quen thân, gần gũi.
Đi dọc 9 tầng lầu, chúng tôi nghĩ đến một chuyến “du lịch tại chỗ” thú vị.
Điều khá đặc biệt, các dãy hành lang không “diện” cùng một loài cây; mỗi hành lang thường được đánh dấu bằng hai, ba loài cây cỏ khác nhau và các chậu hoa trang trí khác nhau. Dành thời gian để ngắm nhìn, thuộc tên của tất cả các loài cây tại Văn Lang, các bạn có thể trở thành nhà thực vật học nghiệp dư (mình là một người như thế đấy nhé!)
Chúng tôi có một giờ đồng hồ để lưu lại đây vài tấm hình, các bạn có 4 năm hay 5 năm để nuôi lớn mối cảm tình và gửi lại đây sự gắn bó. Vì vậy, hãy cho vào những khung hình này gương mặt và cảm xúc của bạn; để Văn Lang thực sự là nhà của bạn, để cuộc sống sinh viên của bạn có nhiều lưu luyến và yêu thương hơn.
Vi Thảo
Ảnh: PAM