Vẻ đẹp của đồ họa

(TT. Thông tin – Văn Lang, 06/6/2014) – Vào hai ngày, 04 và 05/6/2014, 41 SV khóa 16 (2010 – 2014) ngành Thiết kế Đồ họa đã tiến hành bảo vệ đồ án tốt nghiệp trước hội đồng. Các đồ án này sẽ được trưng bày tại họa thất lầu 7 – Cơ sở 2 của trường đến hết ngày 12/6/2014.

Ngày thường, đi qua dãy họa thất, xưởng may, xưởng chế tác, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh SV Mỹ thuật Công nghiệp chăm chú làm việc. Mùa bảo vệ tốt nghiệp, cường độ làm việc căng hơn gấp nhiều lần; người “chạy” suốt ngày đêm, máy móc “chạy đuổi” theo. Công suất “quá tải” của các bạn khiến họa thất, nhà xưởng bộn bề bội phần nhưng vì thế, cũng đẹp lên bội phần. Tháng 6 hằng năm, không gian họa thất lầu 7, Cơ sở 2 của trường được “trang điểm” bởi hệ thống sản phẩm đồ án tốt nghiệp của 4 ngành học: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Công nghiệp – Tạo dáng và Thiết kế Nội thất. Đằng sau vẻ đẹp của màu sắc, đường nét, bố cục, chất liệu, kiểu dáng,… là vẻ đẹp của quá trình lao động sáng tạo. Đó là giá trị thật của tấm bằng tốt nghiệp mà những SV này có khả năng nhận được sau 4 năm phấn đấu trên giảng đường.

image001

Năm 2014, sau đợt bảo vệ đầu tiên của SV ngành Thiết kế Thời trang vào ngày 03/6/2014, họa thất lầu 7 nới thêm không gian triển lãm cho những đồ án tốt nghiệp của SV ngành Thiết kế Đồ họa. 41 đồ án tốt nghiệp (được hội đồng chấm trong 2 ngày 04, 05/6/2014) được SV trưng bày đầy nghệ thuật, bắt mắt; mở ra thế giới sáng tạo đa sắc. Cùng với chuỗi đồ án chuyên đề được giới thiệu trong portfolio cá nhân, đồ án tốt nghiệp được trưng bày là cơ sở rõ ràng,
thuyết phục rằng SV đã được đào tạo bài bản, có khả năng hành nghề tốt sau khi ra trường.

Trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, thầy Phan Khương – Thư ký Hội đồng – đã hỏi các bạn một câu khá cơ bản: “Hãy chỉ ra tính đồ họa mà em đã mang vào đồ án dựa trên những kiến thức, kỹ năng học ở trường?”. Khi mới nhập học, hầu hết các bạn thiết kế dựa trên cảm hứng và cái tôi cá nhân. Sau 4 năm học, các bạn nhận biết công việc thiết kế là làm một bài toán mang tính logic và suy luận sáng tạo.

Đón xu hướng mới

Năm 2013, SV khóa 15 (2009 – 2013) gây bất ngờ cho những người thưởng lãm đồ án tốt nghiệp bởi những con đường lạ trong cách chọn và thể hiện đề tài. Năm 2014, đồ án tốt nghiệp của SV khóa 16 (2010 – 2014) cũng mang đến nhiều bất ngờ thú vị; không chỉ ở chất lượng đồ án mà còn ở sự phát triển chuyên môn trong quan hệ liên ngành. SV ngành Thiết kế Đồ họa trường ĐH Văn Lang thể hiện sự tinh nhạy với thị trường và tính đa năng của người thiết kế mỹ thuật ứng dụng thông qua những hướng đi mới.

image003

SV Bùi Phạm Vân Anh mở đầu đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp với đồ án thiết kế game “Biệt đội môi trường”. Thiết kế game tương tác là nghề “đang lên” của những bạn trẻ yêu thích đồ họa; đặc biệt là sau hiện tượng Nguyễn Hà Đông với game “Flappy Bird”. Kết hợp với một người bạn chuyên về lập trình, Vân Anh tạo ra thế giới game sinh động, vui nhộn. Đồ án không chỉ thể hiện khả năng đồ họa thuần thục mà còn cho thấy khả năng nắm bắt thị trường của Vân Anh.

Với những người thiết kế trẻ, điểm thiếu sót dễ nhận thấy khiến họ khó mang sản phẩm của mình đến với cộng đồng là phẩm chất kinh doanh, mà cơ bản là yếu tố hướng thị trường kết hợp với khả năng thương mại của sản phẩm. Vân Anh làm được điều này. Lấy đề tài bảo vệ môi trường, game tích hợp tính giáo dục vào hoạt động giải trí nên có thể thuyết phục phụ huynh đồng ý cho trẻ em chơi và thuyết phục cơ quan chức năng về lợi ích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của game. Đồ họa giao diện game phác thảo từ hình ảnh các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam như ruộng bậc thang Sapa, bãi cát Phan Thiết, bãi biển Nha Trang…, nhà cung cấp game có thể đặt quan hệ hợp tác quảng bá, PR với các công ty, cơ quan du lịch. Nhân vật của game phá vỡ những tạo hình thường thấy: voi vui vẻ có chiếc vòi hút rác như máy hút bụi, bê bụng bự có cái bụng to đùng để chứa lượng rác lớn thu được, gà ghê gớm có chiếc mỏ xinh xắn như chiếc nắp thùng rác – ba “nhân vật” này được vẽ với màu sắc tươi sáng, biểu cảm gương mặt hăng hái, kiểu “tóc” gọn gàng và thời trang. Các nhân vật đối thủ như ông trùm rác (những vật dụng điện tử bỏ đi), vỏ trái cây, rau thối,… có tạo hình quái ác hơn, màu sắc lạnh hơn. Thiết kế game “Biệt đội môi trường” đảm bảo về tính đồ họa, tính ứng dụng và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế từ việc kết hợp giữa ba lĩnh vực: thiết kế, marketing và du lịch.

image005

 

SV Nguyễn Quốc Đạt gây ấn tượng mạnh với Hội đồng chấm đồ án khi trình bày đồ án “Hệ thống đồ họa kênh truyền hình tổng hợp WAY Channel”. Thể hiện kỹ thuật đồ họa động hiện đại trên nền tảng minh họa bằng chất liệu giấy truyền thống, Quốc Đạt tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ cho người xem. ThS. Nguyễn Đắc Thái – Ủy viên hội đồng, Phó trưởng khoa MTCN – cho rằng, Quốc Đạt đã đặt ra một chuẩn mực mới làm thang đo chất lượng đồ án của SV ngành Thiết kế Đồ họa vì bạn đã thể hiện cho mọi người thấy, SV ngành này có thể làm được nhiều và tốt hơn so với chuẩn trước đây đặt ra. Bên cạnh việc thiết kế hệ thống poster, logo phục vụ cho việc nhận diện thương hiệu, Quốc Đạt còn thiết kế hệ thống quà tặng (quạt, túi xách, áo thun, sticker,…), ấn phẩm, sân khấu, hội trường cho buổi event ra mắt kênh truyền hình và thiết kế, dàn dựng 2 video clip mang tính chất TVC (TV Commercial – quảng cáo truyền hình) quảng bá cho kênh truyền hình. Trong đồ án của Quốc Đạt, chúng ta có thể nhận thấy sự đa năng của một người thiết kế trẻ; phong cách sáng tạo cá nhân độc đáo đảm bảo phong độ vững vàng trong công việc thiết kế và cách thức làm việc có kế hoạch, khoa học, xử lý công việc chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ, đảm bảo hiệu quả về mặt thời gian và năng suất.

Phát triển phong cách cá nhân

Thiết kế là lĩnh vực “lạ”. Nó yêu cầu người thiết kế vừa phải cởi mở để nắm bắt những hướng vận động mới trong cảm nhận và phương thức thẩm mỹ; vừa phải “bảo thủ” để khẳng định phong cách độc đáo, tạo thành dấu ấn, thương hiệu cá nhân. Thời điểm cần phải định hình chính mình là trong quá trình học tập. Đến khi hoàn thiện đồ án tốt nghiệp, SV đồng thời tìm thấy cho mình một hướng phát triển phong cách rõ nét. Trong đợt bảo vệ lần này, có thể thấy khá nhiều những đồ án trọn vẹn vì SV đã áp dụng đúng sở trường, thể hiện đúng “chất”.

image007

image009

image011

Tại khu trưng bày, đồ án “Artbook Kiến trúc Sài Gòn” của SV Ngô Thị Quỳnh Chi thu hút khá đông các bạn SV đến tham quan. Điểm ấn tượng của cuốn sách là hệ thống hình chụp nghệ thuật và hệ thống tranh vẽ chấm trame quy chiếu. Chấm trame là môn học căn bản của SV MTCN. Đó là nghệ thuật điểm sắc, dùng những điểm chấm để tạo nên bức tranh chứ không được vẽ nét. Yêu cầu cao về tính mỹ thuật, sự kiên nhẫn và khả năng tập trung của loại hình hội họa này đã “làm khó” Quỳnh Chi vào năm nhất. Qua thời gian, Quỳnh Chi rèn luyện và cải thiện kỹ thuật vẽ trame, biến điểm yếu thành sở trường của mình và tự tin thể hiện nhuần nhuyễn trong đồ án tốt nghiệp. Quỳnh Chi muốn cuốn sách là một “bảo tàng” bảo tồn vẻ đẹp của những nét kiến trúc Pháp trong các công trình tôn giáo và công sở ở Tp. Hồ Chí Minh. Dùng cái đẹp để tôn tạo cái đẹp, truyền tải thông điệp giữ gìn vẻ đẹp cổ xưa – Đó là những gì mà Quỳnh Chi đã thể hiện trong đồ án của mình. Cùng với cuốn artbook, hệ thống minibook, huy hiệu, áo thun, bookmark, brochure, poster đi kèm tạo nên tính chỉnh thể, thống nhất cho đồ án; đồng thời, biến đồ án thành một dự án khả thi để đưa vào xuất bản, in ấn, phục vụ cho công tác quảng bá du lịch và tìm hiểu kiến trúc – lịch sử – văn hóa của vùng đất phương Nam này.

image013

SV Chu Thành Đạt với đồ án “Sách chữ cái Tiếng Anh dành cho trẻ em – Child Phabet” khiến Hội đồng và người xem thích thú với những bức tranh minh họa bằng kỹ thuật vẽ doodle art. Những bức tranh nguệch ngoạc bằng bút chì, bút bi trên giấy, trên bảng – doodle art đơn giản là thế. Nhưng với những người thiết kế, doodle art thực sự là nghệ thuật. Thành Đạt giản lược màu sắc, tranh minh họa chỉ có hai màu đen – trắng; nét vẽ mộc mạc, sử dụng nhiều đường cong nhưng bố cục chắc chắn, đường nét sắc sảo; nhân vật được tạo hình dễ thương, hồn nhiên, phù hợp với trẻ em; mỗi bức minh họa đều có khả năng kể chuyện, khi đọc lời chú thích kèm theo, chúng ta sẽ có những phát hiện thú vị khi nhìn lại bức tranh. Tươi vui, ngộ nghĩnh trong cách thể hiện; sâu sắc, ý nghĩa trong thông điệp chuyển tải – Đồ án của Thành Đạt có thể phát triển thành hệ thống kết hợp sách – sản phẩm multimedia phục vụ cho việc học Tiếng Anh của trẻ em.

Chú ý phong độ và kỹ năng

Đồ án tốt nghiệp như là mắt xích cuối cùng trong chuỗi đồ án học tập của các bạn. Những đồ án chuyên ngành thực hiện trước đây có thể xem như quá trình rèn luyện, nhận biết sở trường để các bạn tích trữ đủ năng lực và kinh nghiệm cho đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên, không phải SV nào cũng thể hiện được phong độ “đỉnh cao” trong đồ án tốt nghiệp. Hội đồng chấm đồ án và bạn bè đã tiếc nuối với không ít SV khi chất lượng đồ án chưa thực sự thể hiện hết năng lực cá nhân.

image021

SV Nguyễn Minh Nhật Chiêu với đồ án “Minh họa truyện Cuộc phiêu lưu của Bean” là một trong những trường hợp đáng tiếc như thế. Ngay từ năm nhất, Nhật Chiêu đã thể hiện khả năng vẽ tay tốt. Trong chuỗi đồ án chuyên ngành những năm tiếp theo, Nhật Chiêu vẫn giữ vững phong độ của mình. Đó là cơ sở để Nhật Chiêu vững tin lựa chọn thực hiện đồ án tốt nghiệp minh họa truyện. Tuy nhiên, vì lịch làm việc chưa khoa học nên phần minh họa cuối sách bị “đuối”. Thêm nữa, góc tạo hình của tranh vẽ không được đầu tư cho phong phú nên khá đơn điệu, chủ yếu là cận cảnh, chính diện; thiếu những góc nghiêng, viễn cảnh. Vội vàng ở khâu hoàn thiện, đồ án chưa chú trọng đến layout chữ. Có lẽ các bạn cần phải ghi nhớ lời nhắc nhở của thầy Thanh Long trong quá trình hành nghề sau này: “Đồ họa không phải là nghề hình thức”.

image023

Là giảng viên hướng dẫn, ThS. Nguyễn Đắc Thái – Phó Trưởng khoa MTCN, khuyên Thanh Bình nên chú trọng định vị đối tượng khách hàng để đặt ra tiêu chí thiết kế thống nhất và hiệu quả. Đồ án “Nhận diện thương hiệu Hạt sấy khô – Giòn” của SV Nguyễn Thanh Bình thể hiện thế mạnh ở việc lựa chọn hình thức vẽ line và đổ màu điểm cho họa tiết cách điệu trên bao bì sản phẩm. Dù vậy, thương hiệu không chỉ được nhận diện qua bao bì, nó cần được thể hiện thành một hệ thống nhất quán, đồng bộ về tiêu chí, nội dung, ý tưởng, tư duy thiết kế và định vị đối tượng khách hàng, từ logo cho đến poster, brochure, quà tặng,… Và Thanh Bình chưa thể hiện được sự “đều tay”, thống nhất phong cách thiết kế trong chuỗi sản phẩm nhận diện thương hiệu Giòn. Vì vậy, sự tinh tế trong thiết kế có thể không mang lại hiệu quả ứng dụng cao nhất như mong muốn. Bài toán mà người thiết kế đồ họa cần giải phải đảm bảo phương trình giữa thẩm mỹ và tính ứng dụng.

Trong 41 đồ án ngành Thiết kế Đồ họa, qua chấm sơ khảo và chấm hội đồng, 4 đồ án đạt loại xuất sắc, 14 đồ án đạt loại giỏi, 16 đồ án đạt loại khá. Niềm vui trong đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp năm nay là có một số đồ án chất lượng cao hơn so với chuẩn năm trước; hình thức đồ họa phong phú, liên kết với các lĩnh vực khác (như truyền hình, event,…). Triển lãm đồ án tốt nghiệp ngành Thiết kế Đồ họa tại họa thất lầu 7 – Cơ sở 2 của trường mở cửa liên tục từ ngày 06 đến ngày 12/6/2014, chào đón các bạn sinh viên, các phụ huynh đến tham quan và các doanh nghiệp đến tìm hiểu, quan sát, tìm kiếm ứng viên để tuyển dụng.

Minh An

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan