Vinh danh dự án vì người khuyết tật của Sinh viên Kiến trúc, Văn Lang

(TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 19/01/2017) – Ngày 09/01/2017, Ban Tổ chức cuộc thi Phá bỏ rào cản lần thứ II – năm 2016 đã trao giải Nhất cho nhóm Sinh viên Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang, đề tài Cùng đến trường – Cải tạo trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng.

Cuộc thi Phá bỏ rào cản lần thứ II – 2016

vinh danh nkt kien truc vl 090117 001Nhóm tác giả Vũ Thị Thu Trang, Nguyễn Gia Cát Tiên, Trần Thị Trúc Xinh, Nguyễn Việt Anh (ảnh, từ trái sang) và đồ án Cùng đến trường – Cải tạo trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng.Phá bỏ rào cản là cuộc thi do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) chủ trì, nhằm kêu gọi thiết kế những sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật trong cộng đồng. Năm 2015, cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên, với nội dung dự thi là các đoạn phim ngắn. Năm 2016, cuộc thi dành không gian cho những sản phẩm kiến trúc, nội thất, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các công trình công cộng theo quy chuẩn quốc gia; tạo không gian tiện dụng, thẩm mỹ cho đời sống của người khuyết tật. Cuộc thi dành cho cá nhân hoặc nhóm Sinh viên các ngành kiến trúc, thiết kế nội thất, quy hoạch, mỹ thuật công nghiệp.

Phát động từ cuối tháng 9/2016, cuộc thi nhận được hồ sơ dự thi của 12 nhóm Sinh viên trên toàn quốc. Qua hai vòng thi là chấm điểm hồ sơ đồ án và thuyết trình đề tài, Ban Giám khảo đã trao giải Nhất cho nhóm Sinh viên ngành Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang, đề tài Cùng đến trường – Cải tạo trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (P. Đa Kao, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh).

THAY ĐỔI NHẬN THỨC CÁ NHÂN, HƯỚNG ĐẾN BÌNH ĐẲNG GIÁO DỤC CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Nhóm tác giả đề tài, gồm Nguyễn Việt Anh – Sinh viên năm 4; Vũ Thị Thu Trang, Trần Thị Trúc Xinh, Nguyễn Gia Cát Tiên – Sinh viên năm 3, lần đầu đến với một cuộc thi ngoài trường. Các bạn bày tỏ: “Lúc đầu tụi em tham gia để xem liệu bản thân có đủ kĩ năng cọ xát với những bạn trường khác không. Nhưng sau khi tìm được đề tài và đi những bước “nghiên cứu” đầu tiên, thì lý do có khác đi. Nhóm thực sự muốn góp phần thay đổi điều gì đó để người khuyết tật tiếp cận các công trình xây dựng thật dễ dàng, đúng theo mục đích của cuộc thi là “phá bỏ rào cản””.

Tổng quan về công trình trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng 

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả thường xuyên liên lạc, xin tham vấn từ các chuyên viên của tổ chức DRD. Sau mỗi email, tin nhắn và cả trao đổi trực tiếp, suy nghĩ của các thành viên lại biến chuyển thêm một chút. Bạn Thu Trang chân thành: “Thời gian tham gia thi cũng là lúc nhịp độ học tập tại Trường khá căng thẳng. Ban đầu, Trường Đại học Văn Lang có vài nhóm đăng ký nhưng đều không trụ được. Khi biết nhiều hơn những thông tin về trở ngại của người khuyết tật trong sinh hoạt thường ngày, em cảm thấy mình đang mang trách nhiệm lớn lao lắm! Và tự nhiên cũng mạnh mẽ hơn để đi đến cùng.”.

Các bạn chọn trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng làm công trình cải tạo vì muốn thay đổi nhận thức cộng đồng ngay từ những bạn nhỏ. Về kỹ thuật, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng nằm ở trung tâm thành phố, được thiết kế đúng quy chuẩn trường tiểu học. Những thay đổi nếu được thực thi tại đây sẽ thuận lợi về thi công và dễ lan tỏa.

Hiện nay, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng có học sinh khuyết tật thần kinh, tâm thần theo học. Trang thiết bị đang sử dụng không hỗ trợ tốt cho nhóm người học này. Khi các bạn Sinh viên đến liên hệ, ngỏ lời thực hiện đề tài, Nhà trường đã tận tình hỗ trợ. Cô Bùi Thị Thanh – Hiệu phó Nhà trường – trực tiếp trao đổi trong những lần nhóm đi thực địa, tạo điều kiện cho nhóm đo đạc và lấy số liệu công trình, diễn giải hiện trạng và mong muốn của Nhà trường: những cải tạo phù hợp nếu được hiện thực hóa sẽ phục vụ các bạn khuyết tật thần kinh, tâm thần và cả những bạn bị khuyết tật vận động. Chính vì thế, những giải pháp được đề xuất đều bám sát thực tế, có tính khả thi.

NHÂN VĂN VÀ THIẾT THỰC

KTS. ThS. Mai Lê Ngọc Hà – Giảng viên hướng dẫn đề tài Cùng đến trường – Cải tạo trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đánh giá cao nhóm tác giả ở sự cẩn thận, chi tiết. Để đưa ra những đề xuất trong hồ sơ đồ án, ngoài việc đi thực địa tại công trình và xin tư vấn từ tổ chức DRD, nhóm tác giả đã tra cứu những quy chuẩn kỹ thuật kiến trúc có liên quan đến người khuyết tật do Bộ Xây dựng ban hành, tham khảo thêm tài liệu nước ngoài và kết nối với những sáng chế khả dụng trong nước.

Bố trí – cải tạo ram dốc

vinh danh nkt kien truc vl 090117 002Đây là giải pháp được nhóm lựa chọn sẽ ưu tiên thực hiện nếu chỉ được thi công 1 giải pháp duy nhất trong số các đề xuất của mình. Ram dốc là đoạn đường nối hai không gian có độ cao chênh lệch nhau mà không sử dụng các bậc tam cấp. Từ độ dốc của đoạn đường này, người khuyết tật dễ dàng di chuyển qua lại giữa các không gian cao – thấp khác nhau nhờ các phương tiện có bánh xe. Ram dốc cũng là giải pháp phổ biến nhất khi cải tạo không gian hướng đến đối tượng người khuyết tật, với chi phí thấp và kỹ thuật thi công đơn giản.

Tận dụng năng lượng cộng đồng

Minh họa vận hành thang nâng

Trong cụm giải pháp dành cho hạng mục cổng chính và sân khấu, nhóm tác giả đã đề xuất thay sàn gạch lát bậc tam cấp bằng các ô thiết bị đặc biệt. Các ô thiết bị thay thế này sẽ chuyển hóa năng lượng từ bước chân của học sinh, giáo viên để vận hành thang nâng cho người khuyết tật, di chuyển từ cổng vào sân trường, từ sân trường lên sân khấu. 

Ô năng lượng vốn là sáng chế “Bước chân năng lượng PXT” của bạn Phan Xuân Trí, học sinh trường THPT Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, đạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học cấp quốc gia, năm 2015. Sự kết nối thú vị này là tìm tòi thông minh những giải pháp kỹ thuật giá rẻ, sử dụng hợp lý cho mục đích nhân văn.

Dỡ bỏ bục giảng

vinh danh nkt kien truc vl 090117 003Dỡ bỏ bục giảng thuộc cụm giải pháp cải tạo không gian lớp học. Đây là giải pháp gây ấn tượng mạnh mẽ với Ban Giám khảo trong vòng thi Thuyết trình đề tài và được đánh giá cao. Dỡ bỏ bục giảng có thể coi là đề xuất mang tính đột phá, vì nó thay đổi tính chất vốn có của không gian có tính chất phân cách của lớp học: bục giảng dành cho người dạy và dưới bục giảng giành cho người học. Cùng với bảng viết gắn ròng rọc, giải pháp phá bỏ bục giảng giải quyết triệt để nhu cầu thể hiện bài học của học sinh – giáo viên là người khuyết tật.

Lần đầu làm việc nhóm, lịch học, lịch thi lệch nhau, cả nhóm đã nỗ lực hoàn thành hồ sơ dự thi của mình. Giải Nhất cuộc thi là kết quả ngoài mong đợi, mang lại niềm vui lớn cho Thu Trang, Cát Tiên, Trúc Xinh trong lần đầu tiên “mang chuông” đến một cuộc thi ý nghĩa về chuyên ngành ở ngoài trường. Niềm vui lớn hơn của các bạn là những đề xuất của nhóm sẽ được xem xét thi công, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam. Trong những dự định cá nhân, các bạn cũng đã quyết định sẽ thực hiện đề tài khoa học về kiến trúc dành cho người khuyết tật. Thật vui vì tác động tích cực từ cuộc thi đến nhóm tác giả khi các bạn quyết định tiếp tục bước đến phía trước trên con đường nghiên cứu khoa học, thực hành nghề nghiệp chứ không dừng lại ở giải thưởng chung cuộc này. Nhận thức và sức sáng tạo của các bạn sẽ tiếp tục hành trình “phá bỏ rào cản” và phục vụ cộng đồng.

Bảo Linh

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan