Năm 1988, trong một lần tham gia chương trình trao đổi giáo sư tại Áo, thầy Nghìn đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với ngành Cơ – Điện tử thế giới, bắt đầu hành trình đưa ngành Cơ – Điện tử về với nền giáo dục Việt Nam.
Những bước chập chững đầu tiên là những bước đi khó khăn nhất. Thầy Nghìn cùng với vài đồng nghiệp đã thành lập một nhóm phát triển dự án, bắt đầu hành trình đến Thái Lan, Singapore để tìm kiếm một cơ hội cho ngành Cơ – Điện tử. Ở thời điểm bấy giờ, ở nhiều nơi trên thế giới chứ không riêng Việt Nam, ngành Cơ – Điện tử vẫn chưa thể mở được bởi tính chấ́t “kỳ lạ” của nó. Với một ngành học tích hợp cả 3 ngành (cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin), người ta thậm chí còn không hình dung được sẽ đặt “đứa con” này dưới danh nghĩa của mái nhà nào. Ai sẽ là cha, là mẹ của nó? Là cơ khí? Hay điện tử? Hay công nghệ thông tin?
Vượt qua những khó khăn trắc trở, những hoài nghi về một chuyên ngành quá mới, ngày 28/1/1989, thầy Nghìn cũng các cộng sự đã chính thức đưa Cơ – Điện tử về với Việt Nam, với quyết định chính thức mở ngành Cơ – Điện tử tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Kể từ đây, PGS. TS. Đặng Văn Nghìn không chỉ là người cha đã có công hình thành ngành Cơ – Điện tử mà còn trở thành người thầy ủ ấm và nuôi lớn hàng ngàn giấc mơ của bao thế hệ trong lĩnh vực Cơ – Điện tử của Việt Nam. Danh xưng “người thầy của những người thầy” được hình thành từ đấy.
PGS. TS. Đặng Văn Nghìn cũng là người đề xướng thành lập Hội Cơ – Điện tử Việt Nam. Năm 2006, Đại hội đầu tiên của Hội Cơ – Điện tử Việt Nam được tổ chức, thầy được bầu làm Chủ tịch Hội – đánh dấu một bước phát triển của ngành Cơ – Điện tử trong nước.
Sau thành công của đề tài cấp Viện Hàn Lâm về in 3D giá rẻ, PGS.TS. Đặng Văn Nghìn ngay lập tức bắt tay vào một đề tài mới: tiến hành nghiên cứu để chế tạo hệ thống tích hợp máy quét 3D với máy tạo mẫu nhanh.
Với nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực in 3D và tạo mẫu nhanh, thầy Nghìn đã đóng góp nhiều sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn cho xã hội, trong đó, thầy nhớ nhất lần triển khai ứng dụng công nghệ tạo mẫu nhanh để tạo ra sản phẩm phức tạp, vá sọ cho bệnh nhân ở Bệnh viên Chợ Rẫy, Bệnh viện 115,… Từ đó đến nay, thầy đã nâng cấp các nghiên cứu của mình về công nghệ đắp dần vật liệu, với ấp ủ từ những chi tiết y sinh, công nghệ Việt Nam có thể in 3D cơ thể người, phục vụ nhiều mục đích trong y học.
Tháng 11 năm 2019, PGS.TS. Đặng Văn Nghìn về Trường Đại học Văn Lang, sẵn sàng cùng đội ngũ giảng viên tâm huyết của Văn Lang mở ngành Kỹ thuật Cơ – Điện tử, với nhiều dự định mới mẻ cho sinh viên.
Dựa trên nhu cầu của xã hội hiện đại cùng nguồn nhân lực và vật lực sẵn có của Đại học Văn Lang, PGS.TS. Đặng Văn Nghìn cùng các giảng viên Văn Lang đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Cơ – Điện tử với 4 định hướng chuyên sâu: Cơ điện tử Chế tạo số, Cơ điện tử Nông nghiệp, Cơ điện tử Y sinh và Cơ điện tử Năng lượng.
Đây là chương trình đào tạo mới được xây dựng ở mức độ hiện đại nhất khi tích hợp đan ngành giữa 5 lĩnh vực: Công nghệ cơ khí, Điện tử, Công nghệ thông tin, Điều khiến (Tự động hóa) và Trí tuệ nhân tạo. PGS. TS. Đặng Văn Nghìn tự hào cho biết, mô hình “ngôi sao 5 cánh” này lần đầu tiên được áp dụng trong chương trình đào tạo chính thức ở bậc đại học về ngành Cơ – Điện tử, mở rộng hơn nhiều so với định hướng “3 cánh” (Công nghệ cơ khí, Điện tử, Công nghệ thông tin) hoặc “4 cánh” (Công nghệ cơ khí, Điện tử, Công nghệ thông tin, Tự động hóa) trước đây.
Với định hướng đào tạo mới, thầy Nghìn cho biết sinh viên ngành Cơ – Điện tử Văn Lang sẽ nắm bắt được kiến thức, kỹ năng từ cơ bản đến chuyên môn để sẵn sàng đảm đương công việc của một kỹ sư cơ điện tử trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, hướng đến xây dựng một Việt Nam 4.0.
Đến với Trường Đại học Văn Lang ở tuổi ngoài 60, nhưng PGS. TS. Đặng Văn Nghìn nói rằng: giờ mới là lúc ông được hiện thực hóa các giải pháp đào tạo những con người 4.0 trong lĩnh vực cơ điện tử: “Trong hoàn cảnh chúng ta phải đồng thời tiếp nhận kiến thức từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, kỹ năng mềm, trí tuệ nhân tạo… mà khối lượng giảng dạy lại gói gọn trong 150 tín chỉ, thay vì buộc bỏ một môn học quan trọng nào đó, chúng tôi chọn cách ghép chúng lại với nhau và tạo thành một môn học hoàn toàn mới. Xu thế đào tạo theo đồ án ngày nay rất mạnh mẽ. Ngoài 3 đồ án được triển khai trong các môn học và đồ án tốt nghiệp, chương trình Cơ – Điện tử sắp tới của Văn Lang có thêm 1 đồ án sáng tạo nữa – đồ án Design Thinking (Thiết kế Sáng tạo). Như vậy xuyên suốt quá trình học tại trường, sinh viên có đến 5 cơ hội được cọ xát và thực hiện dự án của chính mình. Đó là một điều mà hiện nay hiếm có nơi nào làm được.”
Rất cụ thể, PGS. TS. Đặng Văn Nghìn lần lượt giới thiệu với chúng tôi những sản phẩm mà sinh viên ngành Cơ – Điện tử có thể nghiên cứu và thực hiện từ năm nhất đến năm tư. Các mẫu robot khử khuẩn, robot rửa tay sát khuẩn cũng được thầy và học trò tặng cho Trường đại học Văn Lang trong giai đoạn phòng chống Covid-19,… Thầy nói: “mình nhìn thấy nhiều sản phẩm làm ra và phục vụ ngay cho Trường lắm, ví dụ này, có sinh viên vào là mình sẽ nói các em nghiên cứu chế tạo một robot lau kính cho Văn Lang. Với một kiến trúc to lớn sử dụng nhiều kính thế này, một robot rau kính tự động sẽ giải quyết được rất nhiều nhân công và kinh phí cho Trường.”
Ngay cả khi ngồi lại trò chuyện cùng chúng tôi, người thầy lớn với bộ não nhạy bén vẫn không ngừng nảy sinh những ý tưởng mới phục vụ cho giáo dục, những cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học. PGS. TS. Đặng Văn Nghìn cho rằng, việc xã hội đang tập trung chuyển hướng vào những ngành khoa học công nghệ là điều đúng đắn. Để xây dựng một Việt Nam 4.0, ngành khoa học công nghệ nói chung và Kỹ thuật Cơ -Điện tử nói riêng là nhân tố quan trọng, phải không ngừng cải tiến và cập nhật chương trình để đào tạo những thế hệ tài năng đủ sức bồi đắp nên một Việt Nam hiện đại. “Bây giờ đi đâu, đi hội thảo nào mình cũng gắn với Cơ – Điện tử Văn Lang. Đấy là niềm tự hào của mình, bởi mình tin rằng Đại học Văn Lang sẽ đem đến cho người học nói chung và những sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ – Điện tử nói riêng những trải nghiệm tốt đẹp.”